Ảnh minh hoạ. Nguồn: Intenet
Có một dạo, các tỉnh thành ào ạt chế tài cấm cán bộ công chức café, quán xá.
Ở Bình Thuận, đích thân Bí thư tỉnh ủy cam kết “Tỉnh ủy sẽ ra chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức là cà quán café, quán ăn hay ra chợ trong giờ hành chính. Nếu vi phạm lần thứ nhất sẽ bị kiểm điểm, vi phạm lần thứ hai sẽ bị kỷ luật”. Ở Quảng Trị, UBND tỉnh thậm chí còn giao Đài PTTH ghi hình và phát trên sóng của Đài THHT tỉnh các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức về việc sử dụng thời gian làm việc, tập trung vào các hành vi đi muộn, về sớm, chơi games, uống rượu bia, cà phê… trong giờ làm việc.
Chỉ thị ào ạt, nhưng từ bấy, chưa thấy có mấy công chức bị xử lý, dù hành vi của họ không thể gọi khác hơn là “ăn cắp”- ăn cắp thời gian được trả lương bằng tiền thuế của dân. Lý do cũng không phải là không thể “ba mặt một lời”. Ở Vĩnh Long, ngày 14.9 năm ngoái, cả Sở Công thương, kể cả nhân viên bảo vệ, đã bỏ nhiệm sở đi nhậu mừng tân Giám đốc trước sự kinh ngạc của người dân. Hồi cuối năm 2012, Sở Nội vụ Ninh Thuận chỉ qua một đợt khảo sát nho nhỏ đã ghi nhận có đến 224 trường hợp cán bộ công chức, ở hầu hết các đơn vị “đi muộn về sớm”. Thật kinh khủng, có tới hơn 100 người đi trễ hơn 30 phút. Và không ít trong đó đi trễ tới…105 phút.
Chưa hề có một cuộc khảo sát xung quanh việc công chức đã sử dụng thời gian công, được trả bằng tiền thuế dân, để làm những gì “tư”, dù điều đó, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy hàng ngày: Café, nhậu nhẹt, chơi game, xem phim, buôn cổ phiếu, buôn dưa lê đến “nóng máy, chập điện”, thậm chí, nội trợ, kiểu “nhặt rau bí, cắt râu tôm”, ngay trong giờ làm việc, ngay trong phòng làm việc, ngay trong cái gọi là công sở.
Có một nhận xét, của dân, tất nhiên, cần phải chép ra đây “Công sở buổi sáng đã chuyển đến quán café, buổi chiều thì mở ở quán nhậu”
Cửa quan, vốn đông nhưng dân vẫn kêu việc không chạy có lẽ là vì vậy.
Chỉ thị đầy. Quy định vô thiên lủng. Chế tài nặng có, nhẹ có, không hề thiếu.
Vậy cái thiếu ở đây là thiếu cái gì?
Có một nhận xét của dân: “Công sở buổi sáng đã chuyển đến quán café, buổi chiều thì mở ở quán nhậu”.
Sáng nay, trên báo Tuổi trẻ, Chủ tịch Phú Yên Phạm Đình Cự tuyên bố sẽ xử lý kỷ luật những cán bộ bỏ việc trong ngày 23.2, ngày đầu tiên đi làm sau Tết. Ở Quảng Bình, đích thân bí thư Lương Ngọc Bính “vi hành đột xuất” tại các quán café. “Tôi là người đứng đầu nên phải kiểm tra đột xuất”- ông nói với Thanh Niên, “Rồi đây tôi sẽ về các huyện nữa, ở những nơi tập trung quán xá nhiều, sẽ kiểm tra đột xuất. Mình lãnh đạo phải đi trực tiếp mới biết người thật việc thật, thiết thực, đi vào cuộc sống chứ chỉ nghe nói lại nhiều khi không chính xác. Đợt thứ hai mà phát hiện ai là kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí gọi cơ quan đến nhận người. Không thể chấp nhận cán bộ ăn lương nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế được. Việc nhỏ nhất không làm được thì việc gì làm được, trong khi cứ kêu là thiếu cán bộ, thiếu biên chế. Nhưng tôi tin rằng sau chuyến này anh em sẽ chấn chỉnh tốt hơn”.
Hóa ra, cái thiếu là thiếu những chuyến vi hành của những người ban hành chỉ thị, để chứng minh rằng đó không phải là chuyện “hòa cả làng”, là “cá mè một ruộc”. Cái thiếu, còn là thiếu sự nghiêm khắc để sự xuê xoa, cả nể kiểu làng xã che khuất một dị tật của nền hành chính công.
Hoan hô ông bí thư. Người dân cần những chuyến vi hành như thế. Người dân cũng tin rằng nếu “thượng” có những chuyến vi hành, hẳn nhiên, “hạ” không thể loạn được.
Nhưng có lẽ, cái gốc, không phải chỉ là những cuộc vi hành đột xuất của một bí thư tỉnh ủy nào đó. Cái gốc nằm ở hai chữ tinh giản.
Nhưng người dân nghĩ mãi chưa ra tại sao các giải pháp để "tinh giản" chưa có hiệu quả như mong muốn dù tình trạng “30% công chức cắp ô”, “có cũng được không có cũng không sao” đã được định lượng.
Thùy Linh