Tối nay, 7/4/2013, tại Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, Hà Nội, một Thánh lễ đồng tế long trọng cầu nguyện cho Sự thật – Công Lý – Hòa Bình và hiệp thông với HĐGMVN, các nhân sĩ, trí thức trong văn bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp. Thánh lễ cũng hiệp ý cầu nguyện cho nhà cầm quyền Việt Nam được sáng suốt, biết lắng nghe những tiếng nói từ tấm lòng đầy trách nhiệm với đất nước của Hội Đồng giám mục Việt Nam và các nhân sĩ, trí thức của đất nước đã kiến nghị Sửa đổi Hiến Pháp.
Thánh lễ cuối ngày quy tụ hàng ngàn giáo dân từ nhiều nơi do năm linh mục đồng tế. Bài giảng trong Thánh lễ, linh mục Giuse Đỗ Đình Tư đã phân tích về nỗi sợ hãi của các Tông đồ Đức Giêsu xưa khi Thầy đã bị đóng đinh đến chết. Thế nhưng, Ngài đã sống lại và các Tông đồ đã vượt qua nỗi sợ hãi của mình để bước ra đi rao giảng Tin mừng.
Liên hệ với thực tế cuộc sống thời đại hôm nay, linh mục Giuse Đỗ Đình Tư đã đề cập đến các nội dung trong văn bản Góp ý của Hội Đồng Giám mục Việt Nam gửi Ban Pháp luật Quốc Hội Việt Nam. Văn thư của HĐGMVN đã chỉ rõ những bất cập, suy đồi của xã hội và nguyên nhân của nó, cũng như những yếu tố cần khắc phục để xã hội, đất nước phát triển, đi lên. Trong đó, rõ ràng nhất là vấn đề quyền con người của người dân phải được tôn trọng. Để đất nước phát triển, quyền bình chính trị không thể giao cho bất cứ một nhóm, một đảng phái nào độc chiếm.
Văn bản Góp ý và kiến nghị sửa đổi của HĐGMVN có những đoạn như sau: “Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tư do ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khã nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này”.
Văn bản cũng nêu rõ: “Ðể tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (X. điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn” và “Một đàng, điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; đàng khác, điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?”
Bản Góp ý đã thể hiện rõ ràng quan điểm và nguyện vọng của 8 triệu giáo dân đối với bản Hiến Pháp cần phải có nhằm đưa lại hạnh phúc thật sự cho người dân, đồng thời đưa đất nước vượt qua những bế tắc của xã hội Việt Nam hiện nay.
Sau khi đã phân tích nội dung văn bản của HĐGMVN, linh mục đã nêu lên vấn đề của mỗi người dân, hãy noi gương các Thánh tông đồ xưa, hãy vượt qua sợ hãi, bước ra cùng Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Đó cũng là nhiệm vụ của mỗi giáo dân, mỗi nhân chứng của Sự thật – Công lý – Hòa bình và là ngôn sứ của Thiên Chúa. Đó cũng là sứ mệnh của Kitô hữu hôm nay.
Sau Thánh lễ, cộng đoàn đã mời một người ngoài công giáo, Họa sĩ Thạch Linh chia sẻ những tâm tư, cảm nghĩ của mình với các vấn đề mà ông quan tâm. Họa sĩ Thạch Linh đã nói về cảm tưởng của mình khi đọc văn bản góp ý sửa Hiến pháp của HĐGMVN, cảm kích và khâm phục Giáo hội Công giáo, giáo hội của Sự thật – Công lý – Hòa bình. Ông cũng chia sẻ niềm tự hào khi làm bạn với những người bạn Công giáo, ở đó có một HĐGM can đảm vượt thắng sự cản trở, sợ hãi và hướng dẫn đoàn Chiên đi theo ánh sáng của Sự thật. Đó cũng là điều mà xã hội Việt Nam hiện nay đang hết sức cần thiết.
Cuối thánh lễ, cộng đoàn đã cùng thắp nến, cầu nguyện cho Sự thật được tôn trọng, Công lý được thực thi, Hòa bình được thực hiện ở đất nước Việt Nam. Đồng thời cầu nguyện cho các nạn nhân đang trong ngục tù vì đã cất lên tiếng nói của Sự thật, nói lên nguyện vọng của mình, thực hiện vai trò Ngôn sứ của Đức Kitô.
Dưới khí trời se lạnh của đợt gió bấc cuối mùa, những lời kinh vang lên bên ánh nến soi tỏ từng khuôn mặt những con người khát khao sự thật và công lý, yêu mến hòa bình. Mỗi người nao lòng khi nhớ đến những anh em mình đang trong chốn lao tù. Lời kinh cầu cho đất nước đã làm rung động mỗi con tim khi tiếng hát cất lên với lời nguyện xin tha thiết: “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam. Trời u ám, bất công lan tràn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an. Đưa Việt Nam qua phút nguy nan”.
Một số hình ảnh Thánh lễ và đêm thắp nến cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hòa bình và cầu nguyện cho Nhà cầm quyền Việt Nam:
Linh mục Giảng lễ: Hãy vượt thắng sự sợ hãi và bước ra
Cầu nguyện
Hiệp nhất trong Danh Chúa
Chia sẻ
Nghe bài giảng trong Thánh lễ tại đây:
Ngày 7/4/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Share this:
Like this:
TRẢ LỜI
[...] Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh [...]
lúc 03:36
[...] Thánh lễ hiệp thông với HĐGMVN, các nhân sĩ trí thức góp ý sửa đổi Hiến Phá… [...]
lúc 06:06
Tôi là người ngoại đạo nhưng vô cùng cảm động trước những hình ảnh trên. Tôi cảm thấy đây đúng là một tôn giáo văn minh, cần thiết để dẫn dắt dân tộc Việt Nam. Trước đây tôi
Bởi: Hoàng Hàngày 08/04/2013
lúc 08:08
Trước đây, tôi luôn có ấn tượng không tốt về những người Công giáo các bạn do ảnh hưởng những tuyên truyền sai trái của CS. Dần dần, qua chiêm nghiệm thực tế cuộc sống, tôi ngỡ ngàng nhận ra đó không phải là sự thật. Chúa hóa ra là nhân từ và yêu thương. Các bạn thật hạnh phúc vì cảm thấy có Chúa ở bên. Còn chúng tôi, những người trót ngấm thuyết vô thần nhiều lúc cảm thấy thật bơ vơ. Trong xã hội suy đồi hiện nay, đôi khi tôi cảm thấy dường như ko có gì để bám vào ngoài gia đình nhỏ bé của mình. Sẽ tốt biết bao nếu cảm thấy được như các bạn. Tôi cũng xin được nguyện cầu Chúa ban phước lành đến cho tất cả chúng ta.