HẢI DƯƠNG (NV) .- Làng Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương hiện như giữa thời chiến: Cắt người canh gác kẻ lạ xâm nhập 24/24, xẻ đường, đắp mô ngăn chặn xe cộ qua lại, thề tử thủ.
Đá rải khắp làng Châu Xá, vừa để cản những kẻ lạ mặt lái xe hai bánh gắn máy xâm nhập, vừa dùng làm vũ khí chống trả những kẻ tấn công. (Hình: VTC News)
Theo VTC News – một cơ quan truyền thông của nhà cầm quyền CSVN, dân Châu Xá rào làng, xẻ đường, đắp mô để làm tê liệt hoạt động của các nhà máy đang vây quanh làng.
Nhiều năm nay, môi trường sống của dân Châu Xá bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hai nhà máy xi măng là Phúc Sơn và Thành Công 2. Bởi đó là chủ trương của tỉnh và trung ương nên dân Châu Xá cắn răng chịu đựng.
Gần đây, cạnh Châu Xá lại mọc thêm một nhà máy mới có tên là Trường Khánh. Lúc đầu, chủ Công ty Trường Khánh cho biết xây nhà máy để sản xuất vôi, gạch chịu lửa nhưng khi nhà máy này bắt đầu hoạt động thì ống khói thải ra một loại bụi mờ, không khí có mùi tanh. Cả làng bị chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, khó thở. Người già nối gót nhau vào bệnh viện rồi chết. Không chỉ người mà cá, gà, vịt trong vùng cũng chết sạch.
Dân Châu Xá bắt đầu gửi đơn kêu cứu cho nhiều nơi nhưng không nơi nào trả lời. Khi tự dò hỏi, điều tra, dân chúng trong làng mới phát giác nhà máy của Công ty Trường Khánh xây dựng không có giấy phép.
Đất để xây dựng nhà máy là do Ủy ban nhân dân xã Duy Tân lấy công thổ cho thuê. Điểm đáng ngại là nhà máy này không sản xuất vôi hay gạch chịu lửa như chính quyền xã loan báo mà sản xuất Pro Niken – một loại hóa chất dùng để mạ hợp kim.
Để tự cứu mình, dân Châu Xá bắt đầu rào làng, xẻ đường, đắp mô ngăn chặn các loại xe tải qua lại với hy vọng các nhà máy trong vùng, đặc biệt là nhà máy Trường Khánh sẽ ngưng hoạt động và kêu cứu. Nhờ vậy, chính quyền các cấp buộc phải quan tâm, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, chính quyền các cấp vẫn không can thiệp. Thay vào đó là nhiều kẻ lạ mặt, dáng điệu bặm trợn, xông vào làng hăm dọa dân rằng chúng sẽ san bằng ngôi làng, “di” cho dân làng chết hết. Cũng từ đó, dân làng Châu Xá phải tự tổ chức phòng thủ.
Xe ủi của những kẻ tấn công bị sa xuống mương do dân Châu Xá tự đào. Một “chiến lợi phẩm” của dân Châu Xá. (Hình: VTC News)
Làng Châu Xá đã bị những kẻ lạ mặt tấn công hai lần. Lần đầu giữa ban ngày và lần thứ hai lúc nửa đêm. Xe ủi đi trước dọn dẹp chướng ngại vật do dân làng bày ra trên đường, xe vận tải hạng nặng theo sau. Đi sau cùng là khoảng 50 kẻ lạ mặt, che đầu, mặt bằng mũ an toàn, mặc áo phao dày để hộ thân, tay thì cầm gậy gộc.
Cuộc đọ sức giữa dân làng Châu Xá và những kẻ lạ mặt khiến mỗi bên có một người bị trọng thương. Lạ là chỉ khi xung đột sắp kết thúc, công an mới xuất hiện để vãn hồi trật tự.
Một cụ ông tên là Lê Văn An, 70 tuổi, nêu thắc mắc với phóng viên của VTC News: Dân trong làng chỉ xây mộ cho những thân nhân mà họ trót chôn giữa ruộng là xã đã biết và sai dân quân đến đập mộ. Tại sao một nhà máy, to như núi, xây dựng không phép mà chính quyền các cấp lại để yên?
Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư huyện Kinh Môn, phủ nhận chuyện “xã hội đen” tấn công làng Châu Xá. Theo bà này, xung đột chỉ là “sự hiểu lầm” giữa nhân dân và công nhân của các nhà máy trong vùng. Bà Bên bảo rằng, nhân dân thì hiền lành, thật thà và sự việc trở nên ầm ĩ là do các “phần tử xấu kích động”.
Mới đây, nhà cầm quyền xã Duy Tân và nhà cầm quyền huyện Kinh Môn đã tổ chức một buổi hòa giải giữa đại diện dân làng Châu Xá và đại diện Công ty Trường Khánh. Nhà cầm quyền xã Duy Tân và nhà cầm quyền huyện Kinh Môn đã yêu cầu Công ty Trường Khánh ngưng hoạt động, dỡ bỏ nhà máy nhưng dân chúng Châu Xá vẫn tiếp tục rào làng, tự tổ chức phòng thủ.
Họ cho rằng nhà cầm quyền xã và huyện làm như thế chỉ để gạt họ, giúp Công ty Trường Khánh có thêm thời gian hoàn thiện các thủ tực cần thiết về mặt pháp lý, đặt dân trước sự đã rồi như hai nhà máy xi măng Phúc Sơn và Thành Công 2.
Một cụ ông 80 tuổi tên là Phạm Văn Áp bảo với phóng viên VTC News, thời chúng tôi, cái làng nhỏ này có đủ bốn hướng để thở nhưng đến đời con cháu chúng tôi, họ xây dựng nhà máy xi măng, bịt mất ba hướng rồi. Còn duy nhất một hướng để thở. Giờ, họ dựng nhà máy hóa chất bịt nốt hướng cuối cùng đó thì chắc chết. Tôi từng này tuổi, chết được rồi nên tôi không ngại đổ máu để con cháu mình được sống.
(G.Đ)