Chỉ trong vòng hai ngày, hàng loạt vụ tự sát khiến ba thanh niên tử vong liên tiếp xảy ra trên địa bàn TP HCM đã gây xôn xao dư luận.
Những cái chết thương tâm của người trẻ
Cơ quan công an tại TP HCM đang khẩn trương điều tra để làm rõ nguyên nhân 3 vụ tự sát liên tiếp xảy ra trên địa bàn thành phố trong hai ngày 11 và 12/8. Các vụ việc trên đã khiến 3 nam thanh niên còn rất trẻ tử vong.
Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 9h ngày 11/8 tại ký túc xá trường Đại học Công nghiệp TP HCM (phường 4, quận Gò Vấp). Vào thời điểm trên, nhiều sinh viên trong trường thấy một nam thanh niên (khoảng 20 tuổi) có biểu hiện bất thường đi bộ trên tầng 9 thuộc khu X của kí túc xá, vừa đi vừa la hét.
Khi mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì thì bất ngờ, nam thanh niên này dang hai tay và nhảy từ tầng 9 xuống đất, nằm bất động trên vũng máu và tử vong ngay sau đó. Vụ việc khiến hàng trăm sinh viên trực tiếp chứng kiến vô cùng bàng hoàng.
Ngay ngày hôm sau (12/8), hai vụ tự sát nữa lại tiếp tục xảy ra chỉ trong một ngày.
Vào khoảng 13h45 ngày 12/8, nhiều người đang ngồi uống cà phê tại khu vực chung cư Miếu Nổi (phường 3, quận Bình Thạnh) hốt hoảng khi nghe một tiếng “bịch” khá lớn và ngay sau đó thấy một nam thanh niên nằm bất động trên vũng máu.
Nam thanh niên này đã nhảy xuống từ tầng 16 của chung cư và tử vong ngay lập tức.
Nam thanh niên tử vong sau khi nhảy xuống từ tầng 16 chung cư Miếu Nổi.
Người tự tử là anh Vương Q.N (22 tuổi, trú tại phường 5, quận Phú Nhuận), đang làm bảo vệ tại một công ty. Vào trưa cùng ngày, anh N đi ra ngoài và không quay lại công ty cho đến lúc mọi người nhận được thông tin anh đã tử vong. Theo thông tin ban đầu, có thể anh N tự tử vì buồn chán chuyện riêng tư.
Chỉ vài giờ sau đó, một vụ tự sát nữa lại được phát hiện tại khu ký túc xá của trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở II tại đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12). Theo đó, vào khoảng 16h15 ngày 12/8, một quản lý của ký túc xá đã phát hiện thi thể một nam thanh niên trong tư thế treo lơ lửng, chân chấm sàn nhà, miệng và mũi có máu chảy, mặt phù, người tím tái tại một căn phòng đã bị niêm phong trước đó.
Nạn nhân được xác định là Cao Thanh Lương (24 tuổi, quê Nghệ An) là sinh viên của trường. Theo một số nhân viên của trường, từ năm 2009 - 2011, Lương ở trong ký túc xá, sau đó ra ngoài thuê phòng ở trọ, gần đây có đi làm ở Bình Dương. Do còn nợ môn tiếng Anh và phải thi lại một môn nên Lương chưa thể tốt nghiệp.
Sáng 12/8, Lương dùng thẻ sinh viên để vào trường và vào khu ký túc xá C3 rồi tự ý cắt dây kẽm phòng số 14 vào ở. Đến chiều cùng ngày, mọi người phát hiện ra vụ việc trên.
"Nhiều người trẻ tự vứt bỏ mạng sống vì quá bế tắc"
Các vụ tự sát khiến 3 nam thanh niên tử vong xảy ra liên tiếp chỉ trong vòng hai ngày ở TP HCM có lẽ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy vậy, những vụ việc trên đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng trước hiện tượng một số người trẻ tự tước bỏ đi mạng sống quý giá của mình.
Chúng tôi đã trao đổi với tiến sỹ (TS) Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) – để lý giải nguyên nhân của những sự việc thương tâm trên.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, sự việc ba nam thanh niên tuổi đời còn rất trẻ vừa tự tử, cộng với nhiều vụ người trẻ tuổi tự tìm đến cái chết xảy ra nhiều trong thời gian qua là một hiện tượng xã hội bất thường và đáng lưu tâm.
“Về bản chất, các trường hợp tự tử xảy ra từ trước đến nay thường có nguyên nhân là do sự bế tắc đến mức không chịu đựng được, không giải tỏa được, gần như không còn lối thoát khác của các nạn nhân. Tuy nhiên, các vụ việc người trẻ dễ dàng tìm đến cái chết trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều trường hợp chỉ vì những lý do rất nhỏ, không hề nghiêm trọng, hoàn toàn có thể giải quyết được như cãi nhau với người yêu, học hành yếu kém, buồn bực chuyện gia đình… là một hiện tượng không hề bình thường, đáng báo động. Cần có những nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này”, ông Bình nhận định.
TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Nguyên nhân khiến một số bạn trẻ có hành động dại dột như trên là do họ thiếu kỹ năng ứng xử trước các tình huống bế tắc, khó khăn trong cuộc sống. Do tuổi đời còn ít, chưa trải nghiệm, chưa va chạm cuộc sống nhiều nên họ không có kinh nghiệm giải quyết những tình huống khó khăn hay vượt qua những thời điểm khủng hoảng trong cuộc sống. Vì không chịu được áp lực do những tình huống bế tắc gây ra nên một số bạn đã tìm đến cái chết như một cách tự giải thoát”.