VRNs (10.10.2013) – Sài Gòn – Trên internet đang lưu truyền một đoạn trích thư của Dân biểu Cao Quang Ánh trả lời ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao VN, nhân dịp ông này đề nghị Dân biểu Cao Quang Ánh tổ chức đối thoại giữa hải ngoại và quốc nội. Bức thư này đã được viết lúc Dân biểu Cao Quang Ánh đang đương chức.
Dưới đây là nguyên văn đoạn trích đó.
—
“Tôi đã nhận văn thư của Ông Thứ Trưởng yêu cầu tôi triệu tập buổi gặp gỡ với phái đoàn của Ông nhằm xóa tan những “ngộ nhận” giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam.
Ở thời điểm này, tôi phải từ khước.
Tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là “thiếu thông tin đúng đắn” là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại.
Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam.
Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn trị vốn xem thường quyền con người và tự do tôn giáo, và trừng phạt những công dân can đảm lên tiếng.
Lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hãy còn in sâu trong ký ức của nhiều người đã đau khổ vì cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong thập niên 1950 và gần đây hơn là chính sách “trại cải tạo”.
Đó là chưa nói đến những người bất đồng chính kiến mà chính phủ của Ông tiếp tục giam cầm vì họ kêu gọi dân chủ và tự do.
Người Mỹ gốc Việt đã chọn lựa không sống trong một đất nước công an trị nơi mà người dân không có tiếng nói đối với việc điều hành quốc gia.
Quả vậy, phần lớn những người Việt đến đây đã quyết định trở thành công dân Hoa Kỳ chính vì Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm một cách rõ ràng quyền tự quyết và tự do thiên phú của mỗi con người.
Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương.
Tuy nhiên, tôi tin rằng khi con người được hành xử quyền suy nghĩ cho chính mình và nói lên những điều mình nghĩ, thì mới bắt đầu có những phát kiến thực sự và một Việt Nam tự do sẽ càng hùng mạnh và thêm phồn thịnh.
Trong môi trường ấy, nhiều người Mỹ gốc Việt tài giỏi sẽ hăng hái tìm cách đóng góp để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn.
Có một số bước mà chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng những quan tâm của người Mỹ gốc Việt, bao gồm:
* Trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Đài, Vũ Hùng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và nhiều nữa;
* Trả tự do cho những tù nhân đang bị bắt bớ vì những lý do nguỵ tạo, như tác giả Trần Khải Thanh Thuỷ;
* Ngưng sách nhiễu những nhà vận động cho dân chủ như Ts. Nguyễn Thanh Giang và Bs. Phạm Hồng Sơn;
* Hoàn trả tài sản cho các tổ chức tôn giáo và cho phép các tôn giáo thực hành tín ngưỡng của họ;
* Ngưng mọi hành động phá huỷ các biểu tượng và tài sản tôn giáo, và những hành động lạm dụng về thể xác và tinh thần đối với các tín đồ;
* Trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc các sắc dân thiểu số đã từng bị giam cầm trong nhiều năm;
* Hơn nữa, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa theo phán quyết của Toà Thượng Thẩm American Samoa đối với chính phủ của Ông
sẽ chứng minh rằng Việt Nam sẽ tuân thủ nguyên tắc pháp trị.
Đấy là những bước cụ thể và hợp lý.
Là người Mỹ gốc Việt độc nhất phục vụ tại Quốc Hội, tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung.
Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận.
Tôi trông chờ hồi âm của Ông”.