Tiền viện trợ các nước cho Philippines
Hoa Kỳ đã thông qua khoản viện trợ trị giá 20 triệu đôla cho Philippines
BBC - Hoa Kỳ đứng đầu danh sách viện trợ cho Philippines, trong khi Trung Quốc xếp chót bảng, với khoản viện trợ 100 nghìn đôla, bằng Việt Nam.
Khoản viện trợ tiền mặt từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, công bố vào thứ Hai, 11/11, chỉ bằng 1/200 tổng giá trị gói viện trợ 20 triệu đôla của Hoa Kỳ.
Ngày 22/1 năm nay, chính phủ Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.Trung Quốc và Philippines hiện vẫn đang đối đầu về vấn đề chủ quyền trên biển.
Trong một động thái hiếm thấy, tờ Hoàn cầu Thời báo trong bài xã luận ngày 12/11 đã cho rằng tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và Philippines không nên ảnh hưởng quyết định viện trợ của nước này đối với nạn nhân bão Haiyan.
"Việc cứu trợ cho nạn nhân bão ở Philippines là điều nhất quyết phải thực hiện," tờ này viết.
"Hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới là điều quan trọng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu quay lưng lại với Manila vào lúc này, Trung Quốc sẽ hứng chịu sự thiệt thòi lớn rất lớn."
"Khoản viện trợ cho nạn nhân bão [Haiyan] là viện trợ nhân đạo, hoàn toàn khác với viện trợ nước ngoài, vốn được thực hiện dựa trên quan hệ chính trị," tờ này viết thêm.
Tin về chuyện "Trung Quốc, cường quốc nhưng gửi tiền cứu trợ rất thấp cho Philippines" đã thành chuyện quốc tế, được các trang New York Times và CNBC đăng tải.
Theo New York Times hôm 11/11/2013, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi có phải khoản viện trợ nhỏ như vậy có lý do Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp lãnh thổ.
"Anh, Mỹ và Úc đều gửi hải quân hoặc nhân viên cứu tế tới giúp Philippines"
Trang báo này cũng nhắc tiền cứu trợ bão của Bắc Kinh cho Manila năm 2011 là 1 triệu đôla.
Đài Loan, vốn cũng từng nhiều lần xung đột chủ quyền trên biển với Philippines, đã công bố sẽ viện trợ 200 nghìn đôla.
Ngày 11/11, chính phủ Việt Nam cũng đã công bố sẽ viện trợ khẩn cấp cho Philippines 100 nghìn đôla tiền mặt.
Viên trợ từ nhiều nước
Trong những ngày qua, nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã công bố các khoản viện trợ cho Philippines dưới nhiều hình thức.
Hoa Kỳ đã huy động khoảng 90 lính thủy quân lục chiến và hải quân để hỗ trợ cho công tác cứu trợ. Nước này cũng đã gửi 55 tấn lương thực, đủ dùng cho 20 nghìn trẻ em và 15 nghìn người lớn trong vòng 5 ngày đến các khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ trước đó cũng đóng góp khoản viện trợ trị giá 100 nghìn đôla dùng cho việc cung cấp nước uống và sát trùng.
Anh quốc cho biết sẽ điều tàu Hải quân Hoàng gia HMS Daring từ Singapore tới và một phi cơ vận tại RAF C-17 cũng sẽ được điều tới khu vực bị nạn.
Thủ tướng Anh nói thêm sau bão Haiyan, giá trị khoản cứu trợ của Anh dành cho Philippines tăng từ 6 triệu lên 10 triệu bảng, (khoảng 16 triệu đôla), bao gồm đồ gia dụng, lều dã chiến và nước uống.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 12/11 cho biết sẽ cung ứng 10 triệu đôla tiền mặt cho các tổ chức quốc tế để giúp cung cấp nhà tạm, lương thực và nước uống cho người dân Philippines. Trước đó, nước này cũng đã cử một nhóm nhân viên y tế gồm 25 người đến các khu vực bị bão tàn phá,
Các nhân viên y tế của Nhật Bản lên đường sang Philippines
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất đã tuyên bố sẽ gửi khoản viện trợ trị giá 10 triệu đôla.
Úc đã thông qua gói cứu trợ nhân đạo trị giá 10 triệu đôla, trong đó bao gồm việc gửi đến các nhân viên y tế kèm theo hàng hóa phi thực phẩm như vải bạt, đệm ngủ, lưới chống muỗi, nước uống và các dụng cụ vệ sinh cá nhân.
New Zealand cũng đã công bố khoản viện trợ hơn một triệu đôla.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hiện đang chuyển đến Philippines khoản lương thực, thuốc lọc nước, xà phòng và một số vật dụng y tế tổng trị giá khoảng 1,3 triệu đôla.
Ủy hội Châu Âu cho biết sẽ dành 4 triệu đôla để hỗ trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc hiện đang vận chuyển khoảng 40 tấn bánh quy giàu chất đạm, đủ để cung ứng cho 120 nghìn người trong một ngày, cũng như một số trang thiết bị liên lạc và cứu trợ khẩn cấp khác.
Philippines tăng cường binh lính bảo vệ hàng cứu trợ
Dân chúng Philippines xúm lại giành giật thực phẩm do đói khát - REUTERS /L. Solinap
Thuốc men và hàng cứu trợ được vận chuyễn một cách vất vã đến Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, nơi bị bão Hayan tàn phá. Một phần vì sự bất bình của dân chúng bị đói lạnh, phần khác là là do nạn cướp bóc. Chính phủ Manila phải đưa lực lượng đặc biệt tiếp sức với cảnh sát địa phương.
Quân đội Philippines thông báo vào sáng nay 12/11/2013, một đoàn xe chở hàng cứu trợ nạn nhân bão Hayan bị một toán 15 du kích cộng sản Philippines phục kích khi còn cách Tacloban 240 km. Hai phiến quân thuộc « Quân đội nhân dân mới » cánh quân sự của đảng Cộng sản Philippines bị bắn chết trong trận đánh ngắn ngủi này.
Riêng thành phố Tacloban, lệnh thiết quân luật đã được ban hành để quân xa và xe thiết giáp tuần tiểu dễ dàng hơn. Theo hãng tin AFP, nhiều cửa hàng đã bị bị các băng nhóm tấn công cướp bóc lương thực và máy móc.
Một đơn vị Lực lượng đặc biệt của Philippines đã được tăng viện để trợ lực với cảnh sát địa phương bảo vệ an ninh và phân phối hàng cứu trợ.
Để trấn an dân chúng,Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố tình trạng « thảm nạn quốc gia » mà theo hiến pháp, cho phép chính phủ Philippines nhanh chóng tháo khoán ngân sách cứu trợ và kiểm soát giá cả tránh nạn đầu cơ.
Tinh thần tương trợ của người dân Philippines được các phóng viên quốc tế mô tả là rất cao. Tại Manila, ngay ở những tụ điểm vui chơi cũng bớt khách vào buổi tối.
Tại Vacxava, Trưởng đoàn Philippines tham dự hội nghị Liên Hiệp Quốc về Khí hậu đã tạo ra một một làn sóng cảm phục. Toàn thể các phái đoàn quốc tế tham dự đại hội đã đứng dậy vỗ tay khi vị trưởng đoàn Philippines tuyên bố ông nhịn ăn trong suốt 12 ngày hội nghị để tỏ tình liên đới với các nạn nhân thiên tai.
Quốc tế tăng cường nỗ lực giúp nạn nhân bão ở Philippines
Binh sĩ giúp cư dân lên máy bay vận tải C130 của Mỹ, rời thành phố Tacloban bị bão tàn phá, ngày 11/11/2013VOA
Quốc tế đang gia tăng các nỗ lực cứu trợ để giúp Philippines khắc phục hậu quả của trận bão Haiyan ở miền trung nước này. Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong trận bão và hàng trăm ngàn người bị mất nhà cửa.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phái một hàng không mẫu hạm tham gia các nỗ lực cứu trợ cho miền trung bị bão tàn phá của Philippines, nơi 10.000 người có thể đã thiệt mạng và nhiều người lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Hoạt động cứu hộ vẫn chưa đến được một số khu vực tính đến hôm thứ Ba, tức là 4 ngày sau khi trận bão Haiyan càn quét qua khu vực biển đảo ngoài xa với gió mạnh kỷ lục và sóng lớn như sóng thần.
Liên hiệp quốc ước tính khoảng 660.000 người bị thất tán vì trận bão. Nhiều người đang trong cảnh không có thực phẩm, nước uống và thuốc men. Tin tức cho hay nạn hôi của đang tràn lan ở Tacloban, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hoa Kỳ điều động hàng không mẫu hạm USS George Washington với 5.000 binh sĩ, hơn 80 máy bay đến giúp cho công tác cứu hộ nạn nhân bão ở Philippines.Các nỗ lực cứu trợ của quốc tế đã bắt đầu tăng dần. Hoa Kỳ hôm thứ Hai loan báo cấp 20 triệu đôla viện trợ nhân đạo, đồng thời phái hàng không mẫu hạm USS George Washington với 5.000 binh sĩ, và mang theo hơn 80 máy bay đến giúp cho công tác cứu hộ.
Gần 200 quân nhân Hoa Kỳ đang giúp giới hữu trách Philippines trong các công tác cứu hộ. Ðại úy Cassandra Gesecki, sĩ quan thông tin của Lữ đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Viễn chinh, nói với đài VOA rằng mức độ tàn phá của trận bão khiến cho việc đưa phẩm vật cứu trợ đến nơi rất khó.
"Cây cối trốc gốc, nhà cửa đổ sập, đường sá hoàn toàn không sử dụng được, không thể đi đến bất cứ chỗ nào được. Đây là một tình huống rất khó khăn, vì nếu có thể dùng máy bay để đưa phẩm vật cứu trợ tới khu vực thì cũng rất khó để phân phát đồ cứu trợ tới tay các nạn nhân."
Ðại úy Gesecki cho biết đơn vị của bà sử dụng phối hợp các loại máy bay vận tải KC-130 và MD-22 Osprey, là loại máy bay vận tải có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng.
"Máy bay vận tải KC-130 giúp chở những khối lượng rất lớn. Ðó là loại máy bay lớn, cần phải có phi đạo để đáp. Sau khi hàng cứu trợ được máy bay KC-130 không vận đến Tacloban hoặc những nơi khác có phi trường rồi, chúng tôi sử dụng máy bay MD-22, là loại máy bay có cánh quạt theo chiều xiên. Những chiếc MD-22 có khả năng vận chuyển đến những nơi xa xôi hẻo lánh hơn, nếu chúng tôi cần phải đến những nơi xa xôi và đưa vật phẩm cứu trợ đến những hải đảo nhỏ."
Philippines đã phái quân đội đến các làng xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Tacloban, nơi mà các giới chức địa phương ước tính có đến 10.000 người có thể đã thiệt mạng. Nhưng tính đến ngày thứ Ba, việc phân phát hàng cứu trợ vẫn diễn ra rất chậm chạp, trong lúc binh sĩ chủ yếu lo ngăn chặn tình trạng hôi của ở khu làng chài.
Hình ảnh và video loan tải hôm thứ Hai cho thấy hàng trăm người từ trên các vùng đồi cao trở về lại nhà của họ chỉ tìm thấy những đống đổ nát của nơi từng là thành phố sấm uất với 220.000 cư dân.
Hàng trăm ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất sau trận bão.Những hình ảnh tự chụp khác cho thấy trên đường phố vẫn còn vương vãi những xác chết đang bị phân hủy, và các cư dân vẫn còn bàng hoàng đi tìm trong những khu vực bị đổ nát xem có dấu hiệu của người nào còn sống sót không.
Bà Elizabeth Tromans làm việc cho Cơ quan Cứu trợ Công giáo nói rằng Tacloban đã “đổ nát hoàn toàn.” Thành phố này nằm ở phía đông của đảo Leyte. Nhưng bà nói với đài VOA rằng đó mới chỉ là sự khởi đầu.
"Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nghe nói ngày càng nhiều sự tàn phá ở bên ngoài thành phố. Sự tàn phá thực sự trải rộng sang cả bên phía tây của đảo này."
Bà Tromans cho biết nhiều cư dân đã chuẩn bị những vật phẩm cấp cứu và tìm nơi trú ẩn trước khi bão đến, nhưng trận bão quá mạnh đến nỗi nhiều chỗ được xem là kiên cố nhất cũng bị thổi đi mất biến.