Mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy có nhu cầu ghép gan, trong đó tỉ lệ hư gan do bia rượu là khá cao
Ông N.C.V (45 tuổi) là một doanh nhân chuyên ngành xây dựng. Gần đây, bạn bè gặp lại ai cũng bất ngờ vì thân hình quá mập của ông. Mới đây, trong lúc đánh quần vợt cùng bạn bè, ông V. bỗng ngã quỵ ngay trên sân vì huyết áp tăng đột ngột.
“Sát thủ” thầm lặng
Do đặc thù công việc, ông V. thường nâng ly với khách hàng. Sau chừng ấy năm làm việc , trọng lượng của ông tăng gần gấp đôi. Trong lần khám bệnh gần đây nhất, bác sĩ phát hiện ông bị gan nhiễm mỡ, béo phì và khuyên cần kiểm soát các chỉ số về huyết áp, mỡ máu, cholesterol, đồng thời thực hiện ngay chế độ giảm cân trước khi quá muộn.
Một trường hợp khác, ông H.C.T, 50 tuổi, sau một thời gian dài uống bia rượu, ông bị xơ gan, hôn mê nhiều lần. Căn bệnh khiến ông có vòng bụng khác hẳn người bình thường. May mắn là ông T. được ghép gan bởi nguồn tạng hiến từ con ruột mình. Theo PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm nơi đây có hàng ngàn người có nhu cầu ghép gan, trong đó hư gan do bia rượu là khá nhiều.
Lạm dụng bia rượu là nguyên nhân khiến “vòng đời ngắn lại”
Theo Hội Gan - Mật - Tụy TP HCM, tỉ lệ gan nhiễm mỡ ngày càng tăng với ước tính 10% - 24% dân số (nam nhiều hơn nữ); 50% bệnh nhân rối loạn mỡ máu có gan nhiễm mỡ; 25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ kèm viêm gan có thể dẫn đến xơ gan và tử vong. Có đến 50% trường hợp phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ do tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh không liên quan. Bệnh này diễn tiến âm thầm, triệu chứng khó nhận dạng nên nhiều người chủ quan.
Giới chuyên môn cảnh báo một loại bệnh nguy hiểm khác liên quan đến hội chứng chuyển hóa mà cộng đồng đang đối diện là đái tháo đường. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết bệnh này là một “sát thủ” thầm lặng và hiện đang gia tăng đến mức báo động. Chỉ riêng tại TP HCM, bệnh đái tháo đường hiện tăng 300% (từ 3,8% lên tới 11,4%), còn cả nước thì tăng 211% (từ 2,7% lên 5,7%). Gánh nặng từ bệnh này tiêu tốn khoảng 7.800 tỉ đồng/năm.
Phát tướng: Sướng hay bất thường?
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, lối sống đô thị hóa hình thành xu hướng không có lợi cho sức khỏe. Tình trạng môi trường ô nhiễm, thức ăn bị lạm dụng hóa chất, tình trạng thừa dinh dưỡng, thiếu vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá… là những yếu tố dẫn đến đủ thứ bệnh, nhất là béo phì.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người có số đo vòng bụng càng lớn thì thường liên quan đến các căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ và đái tháo đường. Nghiên cứu gần đây khẳng định thêm mối liên quan giữa số đo vòng bụng và tuổi thọ con người. Cụ thể, ở đàn ông có số đo vòng bụng từ 119 cm trở lên sẽ đối diện nguy cơ tử vong cao hơn so với người có số đo vòng bụng từ 91 cm trở xuống. Còn với phụ nữ, nguy cơ này rơi vào nhóm người có số đo vòng bụng từ 109 cm trở lên so với người có số đo từ 73 cm trở xuống. Giới chuyên môn cho rằng tình trạng mỡ đóng dày quanh vòng bụng là tác nhân khiến nhiều người chết sớm, trong đó có nguyên nhân bị ung thư. Chỉ riêng bệnh đái tháo đường, Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) cảnh báo trong vòng 20 năm tới, con số mắc bệnh sẽ tăng lên nửa tỉ người so với hơn 380 triệu người đang mắc hiện nay.
Bác sĩ Dương Công Minh, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, khuyên người béo phì cần giảm cân; giảm ăn các loại đồ lòng, phủ tạng, da động vật, trứng, mỡ; tăng cường lượng thực phẩm giàu chất xơ, rau, trái cây; hạn chế rượu, bia. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ… “Người ta hay nói phát tướng phát tài. Nhưng trong y khoa có lẽ nên hiểu ngược lại là vòng bụng tỉ lệ nghịch với vòng đời” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Cần kiểm soát cholesterol
Theo các bác sĩ, mọi người cần kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể. Tại Việt Nam, tỉ lệ người trưởng thành bị hội chứng chuyển hóa là 18,4%; tăng cholesterol máu là 29,1% và tăng triglyceride là 34,2%. Theo GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, do ảnh hưởng lối sống, những bất thường cholesterol trong máu cũng là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch cũng như các bệnh huyết áp, đột quỵ, gan nhiễm mỡ, sỏi mật, tiểu đường, béo phì...
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH