Nelson Mandela đã để lại di sản vô giá không chỉ cho người dân Nam Phi mà cho cả cộng đồng nhân loại là đức tính quả cảm, kiên nhẫn, khoan dung, không hận thù, tình thương và tôn trọng nhân phẩm giá trị cao quý con người.
Sự ra đi của Nelson Mandela tạo niềm thương tiếc vô biên không chỉ cho 53 triệu người dân Nam Phi mà cho toàn thể nhân loại. Chắc chắc người dân Nam Phi sẽ mãi mãi ghi nhớ ông như một người cha, “Tata” gọi theo tiếng Nam Phi, một vị Tổng Thống da đen Nam Phi đầu tiên đã cống hiến cả cuộc đời tranh đấu chống lại chính sách kỳ thị chủng tộc và cuối cùng đã chiến thắng giành lại quyền tự do dân chủ cho đại đa số người dân da đen trong tinh thần bất bạo động. Hơn thế nữa ông cũng còn được xem như nhà lãnh đạo được quý mến, kính trọng nhất trong số những nhà lãnh đạo trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ 20, là hiện thân cho sự vận động tự do, dân chủ, dân quyền chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng.
Từ nguyên thủ quốc gia cho đến người dân bình thường mọi nơi kính phục, ngưỡng mộ, quý mến, nói và viết rất nhiều về ông không phải vì Nelson Mandela đã là Tổng Thống nước Nam Phi. Ông được quý mến vì cuộc đời ông, quan niệm nhân bản và cung cách cư xử thái độ của ông sau khi ra khỏi nhà tù, đối với giới lãnh đạo, thành phần thống trị người da trắng đã bỏ tù ông trên một phần tư thế kỷ, đàn áp đối xử bất công đến người dân Nam Phi trong suốt gần hai trăm năm.
Hành trình đi đến tự do cho ông và cho đại đa số người dân Nam Phi là một con đường gian nan và nhiều chông gai. Ông sinh ra vào năm 1918 tại vùng nông thôn Transkei, thuộc tỉnh Eastern Cape, xuất thân từ bộ tộc Thembu; cha ông là vị tộc trưởng hội đồng bộ tộc, do đó ông thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng và tự hào về bộ tộc mình. Ông mồ côi cha khi lên 9 tuổi, tiếp nhận nền giáo dục trung học của những nhà truyền đạo người Anh Quốc. Sau đó ông vào trường Đại Học Fort Hare dành cho người da đen, học luật, nơi đây ông có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc giớilãnh đạo da đen.
Năm 22 tuổi, không có tiền ông phải trộm, bán hai con bò của bộ tộc để có tiền lên thành phố Johannesburg xem như thành phố lớn nhất Nam Phi, nơi đây ông gặp gỡ nhiều nhà hoạt động da đen và tham gia tổ chức African National Congress (Nghị Hội Dân Tộc Phi) gọi tắt là ANC[1]. Tiền thân cuả tổ chức này, Nghị hội Dân tộc Nam Phi bản địa [South African Native National Congress] thành hình năm 1912 để chống chính sách kỳ thị người da đen của chính phủ do người da trắng thiểu số lãnh đạo. Phong trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc sau đó mở rộng kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần và từ đó chấp nhận những người theo chủ nghĩa cộng sản. Đến nưm 1923 SANNC trở thành ANC và có phân đảng quân sự.
Tại Johannesburg, 1941-1943, Nelson Mandela tiếp tục hành nghề thư ký tập sự sau khi bi đuổi việc gác đêm tại Crown Mines, một thị trấn cạnh Johannesburg; ông tốt nghiệp lớp hàm thụ ban đêm chương trình cử nhân tại đại học Nam Phi năm 1943 và muốn theo đuổi sự nghiệp chính trị như một luật sư.
Năm 1943 Nelson Mandela ghi tên theo học Luật tại đại học University of Witwatersrand và gia nhập Đoàn Thanh niên ANC. Đam mê đấu tranh chính trị khiến Mandela rớt năm cuối và không tốt nghiệp Luật tại ĐH Witwatersrand năm 1949.
1950-1954, Nelson Mandela tiếp tục hoạt động với ANC và chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cộng sản và Duy vật biện chứng; ông bị bắt năm 1956 cùng với 156 người hoạt động da đen khác. 1952 Nelson Mandela bắt đầu làm việc với tổ hợp luật H.M. Basner. Đến tháng 8, 1953 ông qua kỳ khảo hạch và làm việc như một luật sư văn phòng luật sư Terblanche and Briggish.
Chủ trương đấu tranh bạo động, Nelson Mandela bị bắt vào tháng 12, năm 1956. Sau sáu năm xét xử, toà kết luận Nelson Mandela vô tội.
Ông vẫn tiếp tục tìm cách đi vận đông chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc không chỉ ở Nam Phi và nhiều quốc gia thuôc châu phi và liên kết với giới lãnh đạo ở Anh quốc. Ông bị bắt lại vào năm 1962 với tội phạm nghiêm trọng hơn là chủ mưu hoạt động cách mạng vũ trang, bạo động và phá hoại bị kết án chung thân khổ sai và đầy sang đảo Robben. Trong phiên tòa này ông đã đọc bài diễn văn lịch sử dài 4 tiếng đồng hồ nói lên khát vọng tụ do dân chủ, triết lý chính trị của ông và chấm dứt với câu để đời “Đây là một lý tưởng mà tôi theo đuổi và mong nó sẽ thành hiện thực. Nhưng, lạy chúa, nếu cần thì đó có thể là là một lý tưởng mà tôi sẵn sàng để chết.” [It is an ideal which I hope to live for and to see realised. But, my lord, if needs be it is an ideal for which I am prepared to die.]
Sau vụ án, nhiều người Nam Phi da trắng tin rằng tổ chức ANC không còn nữa, và sự nghiệp chính trị của Nelson Mandela xem như chấm dứt. Có người nghĩ rằng ông sẽ phải chết trong tù.
Nhưng qua trại tù đã không làm nhụt đi ý chí, quyết tâm mà nghịch lại là nơi đã giúp ông gia tăng nội lực tinh thần, tính nhân bản, sức phán đoán, nhận định chính trị. Qua những lời như sau, “Người tước đoạt tự do của người khác cũng là một tù nhân của lòng hận thù, bị giam cầm đằng sau song sắt của thiên kiến và hẹp hòi.” Ngoài ra ông vẫn tiếp tục theo đuổi học ngành luật trong tù, không ngừng vận động với thế giới bên ngoài qua thư từ, yêu cầu ủng hộ cho phong trào chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc.
Theo thời gian chính nghĩa, lẽ phải tất thắng, phong trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc lên cao, được sự đồng tình ủng hộ nhiều quốc gia trên thế giới. Vào năm 1989 Tổng thống Nam Phi da trắng phải đồng ý nói chuyện thương lượng với ông trong nhà tù, chuẩn bị phóng thích ông. Tháng 2 năm 1990 tân Tổng thống Nam Phi De Klerk ra lệnh thả tự do cho ông sau 27 năm bị cầm tù.
Vào tháng 4 năm 1994 cuộc tổng tuyển cử tự do, mỗi người dân Nam Phi dù trắng hay đen có quyền sử dụng lá phiếu lựa chọn người mình tin tưởng và Nelson Mandela đã thắng cử, trở thành vị Tổng Thống da đen đầu tiên của nước Nam Phi. Khi đó ông được 75 tuổi. Một trong những mục tiêu đầu tiên của ông là hòa hợp, hòa giải với khối người da trắng, và ngay cả những kẻ thù của ông, những người hành hạ, bỏ tù ông, phế bỏ chính sách kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng, phân chia giàu nghèo. Trong buổi lễ nhậm chức ngày 10 tháng 5 năm 1994 ông nói:
“Chúng ta đã chiến thắng trong nỗ lực gieo hạt giống niềm tin cho hằng triệu con người. Chúng ta đồng thuận cùng xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người Nam Phi, da đen lẫn da trắng có thể tin tưởng hãnh diện không còn sợ hãi, đảm bảo quyền tối thượng cao quý nhất của con người, một quốc gia đa chủng tộc sống hòa bình với chính mình và với thế giới.”
Sau 5 năm cầm quyền, ông quyết định không tái tranh cử Tổng Thống mặc dù xác suất tái đắc cử rất cao, một lần nữa ông đã làm tấm gương sáng cho những nhà làm chính trị trên toàn thế giới cho những chế độ mù quáng bám chặt vào quyền lực để có thể hy sinh hằng triệu mạng sống.
Ông còn được xem như người nhận nhiều bằng tưởng thưởng, huy chương cao quý nhất của nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong số đó có giải Nobel Hòa bình vào năm 1993 cùng nhận với cựu Tổng thống De Klerk.
Tuần lễ này những nhà nguyên thủ quốc gia từ Tổng thống, Thủ tướng, Hoàng gia, các dân biểu cùng với các giới tài tử, nghệ sĩ nổi tiếng khắp nơi trên hoàn vũ cùng tụ tập về thủ đô nước Nam Phi Johannesburg để tỏ lòng kính mến, tiễn đưa ông một tù nhân, một vị Tổng Thống, một chính khách, một người đi xây dựng hòa bình thế giới đến nơi an nghỉ cuối cùng; sau đó ông sẽ được mai tang ông ở Qunu nơi ông sinh ra. Riêng tại Hoa Kỳ bốn vị Tổng Thống tiền nhiệm và đương nhiệm Barrrack Obama, George Bush, William Clinton và Jimmy Carter cũng sẽ đi đến dự tang lễ. Đây có thể xem như sự kiện đầu tiên xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ từ ngày lập quốc.
Nelson Mandela đã để lại di sản vô giá không chỉ cho người dân Nam Phi mà cho cả cộng đồng nhân loại là đức tính quả cảm, kiên nhẫn, khoan dung, không hận thù, tình thương và tôn trọng nhân phẩm giá trị cao quý con người. Hơn thế nữa cung cách hành xử của ông mãi mãi là bài học cho xã hội loài người và cho những chế độ độc tài toàn trị còn sót lại trên hành tinh trái đất.
Tùng Sơn
[1] Nghị hội Dân tộc Phi (ANC), tự xem là một lực lược cánh tả có kỷ cương, là chính đảng cầm quyền tại nước Cộng hòa Nam Phi, được yểm trợ của Liên minh Ba bên trong đó có Nghị hội những Công đoàn Nam Phi (COSATU) và Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP), kể từ khi thiết lập chế độ dân chủ không phân biệt chủng tộc vào tháng Tư năm 1994. [Nguồn: Wikipeadia.org]
Tổng thống Jacob Zuma thông báo vào đêm 05/12/2013.
Biểu tượng của hòa bình và hòa giải dân tộc, cựu tù nhân chính trị, Tổng thống đầu tiên của Nam Phi đa sắc tộc 1994-1999, Nobel Hòa bình 1993, đã thanh thản ra đi, thọ 95 tuổi, để lại niềm thương tiếc cho Nam Phi và toàn thế giới...Sinh ngày 18.07.1918
Lịch sử thành văn của Nam Phi bắt đầu với những tường thuật của các nhà hàng hải Châu Âu đi qua Nam Phi trên những con đường thương mại Đông ấn. Nhà hàng hải Châu Âu đầu tiên đi vòng quanh Cape (Mũi Hảo Vọng) bằng đường biển là nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias năm 1488. Mũi Hảo Vọng là nơi những nhà hàng hải Bồ Đào Nha thường làm nơi nghỉ chân.
Đây là một con đường hàng hải đầy hứa hẹn tới Ấn Độ giàu có, mà Bồ Đào Nha đang gắng sức thực hiện.
Khoảng hai thế kỷ sau đó 1688, Những người hàng hải Hòa Lan tranh giành với người Bồ Đào Nha và thành lập một số khu định cư đánh cá nhỏ do ông Jan van Riebeeck tại Mũ Hảo Vọng. Cho những công nhân của công ty Đông ân và Hoa Lan. Trong suốt thế kỷ mười bảy và mười tám, những khu định cư phát triển chậm chạp nhưng vẫn thuộc sở hữu của người Hòa Lan. Những người định cư Hà Lan cuối cùng gặp những người anh và chiến tranh xảy ra.
Vương quốc Anh đã nắm quyền kiểm soát vùng Mũi Hảo Vọng từ năm 1795 và người Anh đã sáp nhập Thuộc địa Cape năm 1806. Và củng cố chúng bằng cách khuyến khích người Anh tới định cư.
Sự phát hiện mỏ kim cương năm 1867 và vàng năm 1886 đã thúc đẩy phát triển kinh tế. và làn sóng nhập cư tăng thêm.
Một trong những điều khoản chính của hiệp ước chấm dứt chiến tranh là 'Người da đen' sẽ không được phép bầu cử, ngoại trừ tại Thuộc địa Cape.
Từ 1948 bắt đầu luật chế độ Apatheid ra đời sự phân biệt đối xử rất là bất công với người da đen. Và ở đâu có bất công thì ở đó có tranh đấu.
Cũng như Thánh Gandhi đã thành công tại Ấn Độ, cuộc đấu tranh bất bạo động của Nelson Mandela dù trải qua hơn 26 năm tù, cuối cùng đã chuyển hóa được chế độ da trắng kỳ thị, đem lại dân chủ hài hòa cho Nam Phi.
Theo Ahmed Kathrada, 85 tuổi, 25 năm tù chung với Nelson Mandela thì ông « luôn luôn là nguồn cảm hứng của những người yêu chuộng và tranh đấu cho tự do. Trong thập niên 1960, với án tù chung thân, Nelson Mandela vẫn giữ được ngọn lửa hy vọng và chuyển ngọn lửa này cho bạn đồng tù vì mục tiêu của cuộc tranh đấu là chính đáng ».
Nelson Mandela đã lao vào cuộc tranh đấu chống bất công từ thời niên thiếu. Một lần bị trục xuất khỏi đại học vì tham gia phong trào sinh viên biểu tình, nhưng cuối cùng, năm 24 tuổi tốt nghiệp cử nhân luật. Hai năm sau, 1944, ông gia nhập tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu.
Khi đảng Dân Tộc của chính phủ da trắng ban hành chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid năm 1948, Nelson Mandela và tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu phát động phong trào kháng chiến chống kỳ thị với hệ quả là ba lần ông bị bắt giam.
Ba lần bị kết tội « phản bội » và « âm mưu lật đổ » chính quyền, được tha bổng năm 1961, bị kết án 5 năm khổ sai năm 1963, án chung thân năm 1964 cùng với 7 chiến hữu.
Sau 26 năm tù kỷ lục, năm 1990, ông được tự do. Tổng thống Nam Phi lúc đó là F.W. de Klerk, cùng với sự dấn thân tích cực của Đức Cha Desmond Tutu và Giáo hội Anh Giáo Nam Phi, đã hòa giải với đối lập, dứt khoát lật qua trang sử kỳ thị, giải tỏa lệnh cấm tổ chức Hội nghị Dân tộc Phi châu và trả tự do cho « người tù thế kỷ ».
Năm 1993 đương kim Tổng thống và Tổng thống tương lai Nam Phi cùng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. Một năm sau Nelson Mandela đã đắc cử Tổng thống một cách vẻ vang trong cuộc đầu phiếu bình đẳng đầu tiên năm 1994.
Ngọn lửa hy vọng của Nelson Mandela, như bạn đồng tù Ahmed Kathrada mô tả, không giới hạn bên trong Nam Phi mà còn lan tỏa khắp thế giới tạo thành niềm tin và gương sáng cho nhiều thế hệ tranh đấu khác.
Được tin ông qua đời, từ Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhận định : Nelson Mandela là « tấm gương chiến đấu cho tự do, cho công lý và nhân loại, là nguồn cảm hứng của thế giới ».
Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu Umkhonto we Sizwe, phái vũ trang của Đảng Quốc Đại (ANC). Vào năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân.
Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben. Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.
Tại Nam Phi, Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng.
Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Những tuyên bố và câu nói bất hủ của Nelson Mandela
Khi phải đối mặt với án tử hình, trong phiên xét xử tại một tòa án ở Rivonia tháng 4/1964
Ông Mandela nói: “Tôi đã dành cả cuộc đời mình, không màng đến bản thân để đấu tranh vì người dân châu Phi. Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi đã ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người sống với nhau trong sự hài hòa và cơ hội được chia đều. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng có thể sống để chứng kiến nó thành hiện thực. Nhưng nếu cần, tôi sẵn sàng chết vì lý tưởng đó”.
Khi được phóng thích sau 27 năm ngồi tù, phát biểu trước công chúng từ ban công của Tòa thị chính Cape Town ngày 11/2/1990
“Nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do cho tất cả chúng ta, xin chào các bạn. Tôi đứng đây trước các bạn không phải như là một nhà tiên tri mà như là một người đầy tớ khiêm tốn của các bạn. Sự hy sinh không mệt mỏi và anh dũng của của các bạn đã cho tôi cơ hội có mặt ở đây ngày hôm nay. Vì vậy, tôi nguyện dành phần đời còn lại phục vụ các bạn”.
Về vấn đề phân biệt chủng tộc, trong cuốn tự truyện Long Walk to Freedom được xuất bản vào năm 1994.
Ông Mandela viết: “Không ai sinh ra đã ghét những người khác màu da với mình hoặc có nền giáo dục không tương xứng hay khác biệt về tôn giáo. Mọi người phải học để ghét và nếu họ có thể tìm hiểu để ghét thì họ cũng có thể được dạy để yêu, vì tình yêu đến theo cách tự nhiên hơn là sự thù địch”.
Nói về tự do
“Tôi rất quý tự do của tôi nhưng tôi còn quan tâm nhiều hơn tới tự do của các bạn. Tự do mà người ta đang kêu gọi dành cho tôi có nghĩa gì khi mà Tổ chức ANC (Đại hội dân tộc Phi) vẫn bị mất tự do?”.
Nói về lòng can đảm
“Tôi đã học được rằng, lòng can đảm không phải là sự vắng mặt của sự sợ hãi là là sự chiến thắng sợ hãi. Tôi thậm chí còn không thể nhớ nổi mình đã cảm thấy sợ bản thân mình bao nhiêu lần, nhưng tôi giấu nó đằng sau vỏ bọc của sự táo bạo. Một người đàn ông dũng cảm không có nghĩa là anh ta không cảm thấy sợ hãi, nhưng anh ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi đó”.
Trong lễ nhậm chức ở Pretoria, tháng 5/1994
“Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ vùng đất xinh đẹp này một lần nữa phải nếm trải sự áp bức bóc lột của người khác và phải chịu sự sỉ nhục là một nơi tồi tệ của thế giới”.
Về cuộc tấn công do Mỹ cầm đầu tại Iraq tháng 9/2002
“Chúng tôi thực sự bàng hoàng khi một nước, dù đó là một siêu cường hay chỉ là một nước nhỏ sẵn sàng bỏ qua Liên Hợp quốc để tấn công vào một quốc gia độc lập. Không một quốc gia nào có thể tự cho phép mình hành động như vậy”.
Về cái chết, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1996
“Chết là một điều gì đó không thể tranh khỏi. Khi một người đàn ông đã làm những gì ông xem là nhiệm vụ của mình với người dân và đất nước, ông ta có thể yên nghỉ thanh thản. Tôi tin rằng mình đã nỗ lực hết sức và đó là lý do tại sao tôi sẽ thảnh thơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng”.
Dưới đây là một số tuyên bố sâu sắc khác của ông Mandela .
"Tôi không phải là một đấng cứu thế, tôi là một người đàn ông bình thường đã trở thành một nhà lãnh đạo vì hoàn cảnh đặc biệt".
" Nếu bạn muốn dàn hòa với kẻ thù của bạn, bạn phải làm việc với anh ta. Sau đó, anh ấy sẽ trở thành đối tác của bạn. "
" Lòng tốt của con người tựa như một ngọn lửa, ngọn lửa này có thể bị ẩn đi nhưng không bao giờ bị dập tắt".
" Sau khi leo lên một ngọn đồi lớn, người ta chỉ thấy rằng có nhiều ngọn đồi khác lớn hơn cần phải chinh phục".
" Đừng đánh giá tôi bởi những thành công của tôi, mà hãy đánh giá tôi qua việc tôi vấp ngã và đứng lên bao nhiêu lần"./.
Thanh Sơn
Dựa theo nguồn WIKI.
« Ông Mandela là gương mẫu cho những người đấu tranh bất bạo động cho một lý tưởng. Trong 27 năm tù, ông luôn luôn duy trì ý chí, lý tưởng của mình dù tình hình trong tù như thế nào. Đó là một tấm gương lớn cho người đấu tranh. Khi dấn thân tham gia tranh đấu thì chuyện tù đày khó có thể tránh được cho nên lúc nào cũng phải sẵn sàng. Giai đoạn đặc biệt khi ra nhà tù là ông luôn luôn không có sự căm thù nào. Ông đấu tranh không phải với tinh thần thù hận mà với tinh thần hòa giải với những người mà ông bắt buộc phải cùng làm việc để đưa Nam Phi vào giai đoạn mới… ».
Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 18/07 hàng năm kể từ năm nay 2013 để vinh danh cuộc đời tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela.
Tôi thiển nghĩ là nếu muốn học thì người ta có thể học được rất nhiều, đầu tiên là từ di sản ông Mandela nhận được từ lịch sử trên mảnh đất gọi là Cộng Hoà Nam Phi.
Khác với Việt Nam đã là quốc gia độc lập trong ý nghĩa là một cộng đồng dân tộc hiện hữu từ mấy ngàn năm trước, nước Cộng Hoà Nam Phi chỉ manh nha thành hình từ giữa thế kỷ 17, khi Công ty Đông Ấn của Hà Lan bành trướng hoạt động xuống miền Nam của Phi Châu để tiến về Ấn Độ dương và qua Châu Á. Vào thời ấy, ta chưa có kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa giữa hai lục địa Âu Á bằng đường biển mà phải vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam Phi Châu.
Sau Hà Lan, các nước Âu Châu khác cũng tìm đến vùng đất này làm tiền trạm phát triển cơ sở kinh doanh và còn tranh chấp hoặc gây chiến với nhau. Khi đó, lãnh thổ xứ này có các bộ lạc của nhiều sắc tộc khác nhau và trở thành một quốc gia của di dân da trắng, gọi là dân Afrikaners. Họ chỉ là thiều số, ngày nay khoảng 9%, mà thống trị đa số còn lại gồm có 80% là người Phi Châu da đen, 9% là dân da màu và chừng 2,5% là người gốc Á Châu, đa số là Ấn Độ.
Khi muốn giành quyền bình đẳng cho dân da đen, ông Mandela đấu tranh trong một tổ chức do Đệ tam Quốc tế của Liên Xô lập ra tại Nam Phi, là Nghị Hội Quốc Gia Phi Châu, gọi tắt là ANC. Ông ta thành công vì sớm hiểu rằng tổ chức này xuất phát từ lòng dân chứ không thể là định chế khai sinh ra quốc gia như nhiều người cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn lẩm tưởng và làm người dân hiểu lầm theo, rằng không có đảng Cộng sản thì Việt Nam không có độc lập.
Vũ Hoàng: Ông nêu ra bài học về ý thức dân tộc lồng trong sự kiện tổ chức đấu tranh ANC này của Nam Phi lại do Liên Xô lập ra, có lẽ chẳng khác gì đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu nguồn vào chín mươi năm về trước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng vậy. Vì nước Nam Phi này do người da trắng lập ra với chế độ phân biệt chủng tộc "apartheid", là một từ ngữ Hà Lan, dân Nam Phi da đen có thể lầm tưởng quốc gia của họ chỉ thành hình từ khi có tổ chức Nghị hội ANC, chứ dân Việt Nam thì đấu tranh chống thực dân Pháp từ thế kỷ 19, và trước khi có chủ nghĩa cộng sản. Đó là một bài học.
Bài học thứ hai từ quá trình đấu tranh của ông Nelson Mandela là ta có nhiều phương thức khác nhau. Xứ Nam Phi ở giữa Đại Tây Dương ở hướng Tây và Ấn Độ Dương tại hướng Đông đã tiếp nhận nhiều di dân Ấn Độ. Ngày xưa, lãnh tụ Gandhi của người Ấn đã từng tới Nam Phi quảng bá phương thức đấu tranh bất bạo động. Nhìn lại thì cũng không khác gì chủ trương ôn hòa của cụ Phan Châu Trinh nếu so với tinh thần bạo động của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù có khác biệt về chủ trương, hai cụ không coi nhau là kẻ thù phải tiêu diệt. Ban đầu, luật sư Nelson Mandela cũng theo chủ trương ôn hòa của Gandhi, khi thấy không thành công thì mới đổi qua phương thức bạo động và đánh bom các cơ sở an ninh của người da trắng. Vì vậy mà ông bị kết án năm năm tù rồi đổi qua tù chung thân từ năm 1964. Trong 27 năm ngồi tù, ông nghiền ngẫm lại bài học đấu tranh và chuyển về phương thức ôn hòa bất bạo động căn cứ trên hoàn cảnh của đất nước.
Vũ Hoàng: Thưa ông hoàn cảnh của Nam Phi khi đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên Nam Phi có một lãnh thổ rất lớn, rộng gấp bốn Việt Nam, với nhiều tài nguyên đáng kể hơn các nước Phi Châu ở chung quanh. Ngoài canh nông, xứ này có trữ lượng rất cao về kim cương và vàng để bán cho các nước Âu Châu và một kho kim loại hiếm rất cần thiết cho các nước muốn công nghiệp hóa tại Á Châu. Vào thời đó, việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này nằm trong tay các tập đoàn kinh tế Tây phương và dân da đen chỉ làm công ở dưới và bị thiểu số da trắng ngược đãi. Chính là chế độ bất công ấy mới bị thế giới kết án và trừng phạt qua chính sách phong toả kinh tế, gọi là cấm vận. Gặp hoàn cảnh đó, ai cũng có thể nghĩ tới giải pháp triệt để là lật đổ và tiêu diệt chế độ cai trị của người da trắng để dân da đen lên làm chủ đất nước. Ông Mandela lại nghĩ khác.
Vũ Hoàng: Khi đó, ông Nelson Mandela chủ trương những gì?
Một bức chân dung của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Bảo tàng Nelson Mandela, Nam Phi hôm 07/12/2013. AFP photo
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Là lãnh tụ kỳ cựu của dân da đen ở trong tù, Mandela được chính quyền da trắng tiếp xúc khi xứ Nam Phi của dân da trắng bị thế giới lên án và trừng phạt.
Qua các cuộc tiếp xúc ở trong tù, ông Mandela thương thảo ngay về quy chế sống chung giữa đa số da màu và thiểu số da trắng.
Rồi chính là sự thiết tha của Mandela về số phận của dân da trắng mới làm Tổng thống Nam Phi khi ấy là F. W. de Klerk tin vào thiện chí hòa giải và bắt đầu tiếp xúc.
Từ các cuộc tiếp xúc và đàm phán ấy mới có quyết định ân xá ông Mandela vào năm 1990 và việc tổ chức bầu cử sau này.
Nhờ thiện chí của đôi bên mà cả hai ông Mandela và de Klerk đều được Giải Nobel Hoà Bình vào năm 1993, một năm trước khi ông Mandela đắc cử Tổng thống và ông de Klerk làm Phó Tổng thống.
Ta không quên là trong cuộc tranh cử để thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, ông Mandela có sự ủng hộ của nhiều người da trắng vì họ tin vào thực tâm sống chung của ông.
Bài học ở đây của Mandela là ta muốn sống thì phải để người khác sống, chứ tiêu diệt người khác thì xứ sở không có hoà bình thịnh vượng.
Đây không là giả thuyết mà là thực tế nếu ta để ý đến hoàn cảnh bi đát của một nước láng giềng là Cộng Hoà Zimbabwe sau khi dân da đen nổi lên và tiêu diệt Cộng Hoà Rhodesia của dân da trắng từ năm 1979 trở về sau.
Vũ Hoàng: Sau khi đắc cử Tổng thống trong tinh thần thật sự hoà giải, ông Nelson Mandela đã làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có một chi tiết do Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi kể lại là đầu năm 1992, ông Mandela dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos của Thụy Sĩ. Nơi đây ông có gặp đoàn đại biểu của Trung Quốc và Việt Nam và trình bày với họ chủ trương của tổ chức Nghị hội ANC một khi thắng cử. Đó là quốc hữu hóa các doanh nghiệp để nhà nước tập trung quản lý.
Ta nhớ rằng Nghị hội ANC là một tổ chức cộng sản bên trong có nhiều xu hướng khác nhau nhưng đa số còn lầm tưởng về con đường xã hội chủ nghĩa. Thế rồi nhờ tiếp xúc với bên ngoài, kể cả các viên chức của Bắc Kinh và Hà Nội, ông Mandela mới thấy rằng quốc hữu hóa tư doanh và quản lý theo kiểu tập trung là đi ngược trào lưu phát triển. Khi trở về, ông dùng uy tín rất lớn của mình để thuyết phục các đảng viên. Nếu ông ta dại dột cải tạo kinh tế theo kiểu lạc hậu thì xứ Nam Phi sẽ chứng kiến nạn tẩu tán tài sản rồi di tản, và xứ sở non yếu sẽ kiệt quệ vì thiếu tư bản và kỹ thuật khai thác nguồn tài nguyên phong phú của họ. Khi đó, dân Nam Phi sẽ chết đói trên đống vàng và chắc chắn là bị khủng hoảng. Đấy là một bài học về lý luận dựng nước.
Vũ Hoàng: Có lẽ chi tiết ông vừa nêu là điều khá lý thú mà vẫn có ý nghĩa hiện đại nếu ra nhớ tới tình trạng tiêu cực của hệ thống quốc doanh tại Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, ông còn thấy bài học nào khác từ ông Mandela khi ông ta lên làm Tổng thống?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng các nước nhược tiểu Á Phi đều có một nếp văn hóa rất tệ là "ở đời muôn sự của chung". Vì là của chung, những kẻ có quyền rất dễ tự nhiên biến quyền thành lợi. Họ trưng thu công sản làm tài sản riêng cho gia đình, tay chân, thân tộc hay thị tộc. So với nhiều lãnh tụ Á Phi, Tổng thống Mandela ít bị tai tiếng như vậy chính là do tinh thần đạo đức của ông ta hơn là vì cơ chế dân chù hay luật lệ minh bạch. Lý do là sau Mandela, nhiều lãnh tụ Nam Phi chẳng được như vậy và bị phê bình khá nặng về tội tham nhũng và chính sách bất công.
Bài học còn quan trọng hơn là sau khi làm Tổng thống hết nhiệm kỳ năm năm, ông Mandela thật sự rút khỏi chính trường để làm thường dân. Ta thấy nhiều anh hùng độc lập Á Phi đã nhiễm bệnh mê quyền và tưởng rằng họ là người không ai thay thế được. Hoặc thiếu họ là xử sở sẽ bị loạn. Từ đó, họ biến dần thành nhà độc tài và được tay chân tổ chức ra việc sùng bái để trục lợi. Vì vậy, sau khi các quốc gia này giành lại độc lập là bị ách độc tài di cùng nạn tham nhũng khiến xứ sở và người dân còn lụn bại hơn thời trước. Sau khi ra về, với uy tín rất cao, ông Mandela không thủ vai thái thượng hoàng hoặc đồng chí Cố vấn để tiếp tục chi phối vào chính trường. Ông chỉ có tiếng nói của tinh thần đạo đức và để người kế nhiệm quyết định về việc lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng đây là bài học của nền dân chủ, rằng chẳng có ai là người không thay thế được.
Vũ Hoàng: Nếu đếm lại thì có lẽ người ta tiếp nhận được sáu bảy bài học từ đạo đức tới chính trị và kinh tế của ông Nelson Mandela. Lời kết của ông là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông Nelson Mandela nhận lãnh di sản địa dư và lịch sử trên một xứ sở có nhiều tài nguyên và lợi thế lẫn nhiều thách đố và vấn đề. Ông ta hy sinh bản thân, giải quyết vấn đề của đất nước và để lại một di sản tốt đẹp hơn cho các thế hệ về sau. Thế giới kính phục và ngợi ca ông Mandela chính là vì các đức tính hiếm hoi đó, nhất là tinh thần khắc kỷ quên mình, và vì ông tin vào sự tử tế của con người, một niềm tin có khía cạnh tôn giáo, của người đốt đuốc soi đường cho người khác.
Sau đó, là ngày nay đây, Cộng Hoà Nam Phi cũng có rất nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà các thế hệ nối tiếp phải cùng nhau giải quyết. Tang lễ dành cho ông Mandela có thể là cơ hội cho các thế hệ này suy ngẫm và có can đảm giải quyết như ông Mandela đã từng làm khi còn tại thế.
Madela là con người đầu tiên đưa địa vị của dân da đen lên chót vót ngai vàng bình đẳng và cùng lúc đội vương miện tôn vinh giá trị con người cho dân da đen xưa nay vẫn bị coi là thấp hèn. Việc này to lớn đến mức bằng mọi trí tưởng tượng có lẽ chúng ta cũng cảm thấy: việc đội đá vá trời này có lẽ chỉ có Thượng Đế mới làm được. Nếu không Thượng Đế cũng phải trao việc đó vào tay ai. Và người được trao sứ mệnh khó khăn đó chính là Nelson Madela. Chúng ta thử nhìn rộng hơn để so sánh và tham chiếu. Mọi cuộc cách mạng hay bạo động thường khuôn viên trong biên giới của quốc gia. Nhưng cuộc cách mạng phi bạo lực của Mandela lại đem đến bình đẳng cho người da đen vẫn bị coi là thấp kém nhất. Trước đó, người da đen bị kỳ thị kinh khủng, đến mức không được bén mảng vào phố của người da trắng, khát rã cổ cũng không được sán lại quán bia với chiếc vòi đã được lập trình bằng qui tắc chỉ chảy vào cốc của người da trắng. Triết gia Pháp Montesquieu còn viết thẳng ra: da đen làm cho người ta cảm thấy sự nặng nề, u tối, dốt nát, từ đó không thể phát tiết ra bất cứ cái gì tinh hoa và cao cả.
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1865), người được coi là cha đẻ thứ hai của nước Mỹ với công lao độc nhất vô nhị “Giải phóng nô lệ”. Đấy là bước đầu tiên người nô lệ mà chủ yếu là da đen được giải phóng khỏi chế độ bị mua bán và đối xử như đồ vật. Cuộc giải phóng đó vĩ đại nhưng đó vẫn là món quà thụ động từ tay người da trắng rớt xuống thân phận của người da đen. Nhưng với sự xuất hiện của Nelson Mandela thì món quà đó đã có một tên gọi và ý nghĩa khác hẳn: món quà tự tay mình giành lấy và đạt được bởi chính sự tự giác và chủ động của mình. Món quà thụ động người khác đem cho đã thành hoa quả do chính tay người da đen trồng cấy với thợ cầy và thợ gặt đầu tiên có tên Mandela. Món quà đó còn đi tới những thành tựu khác vĩ đại hơn nhiều, rằng không chỉ được bình đẳng với người da trắng, mà với chính bản mẫu mang tên Mandela, người da đen đã trở thành Tổng thống da đen đầu tiên ở một nước Nam Phi khét tiếng về nạn phân biệt chủng tộc. Chính vì thành công vĩ đại phi phàm của Mandela mà rất nhiều các lãnh tụ trên thế giới đã không tiếc lời ca ngợi ông.
Tổng thống Mỹ, Barack Obama cũng là một người da mầu đã tuyên bố:
Được biết, đã có gần 100 nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo quốc tế tề tựu tại lễ tang.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong buổi lễ rằng ông xin nghiêng mình trước một "vĩ nhân của lịch sử ...người đã đưa đất nước Nam Phi hướng tới công lý".
“Chúng ta đã mất đi một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất, can đảm nhất và hết sức nhân hậu … Ông đã không còn thuộc về chúng ta. Giờ đây, ông thuộc về thời đại.
Bằng khát vọng mãnh liệt và ý chí không thể lay chuyển khi ông hy sinh sự tự do của bản thân để mang đến tự do cho người khác, Madiba đã chuyển hóa Nam Phi và khiến cho tất cả chúng ta rung động.
Hành trình của ông từ một tù nhân đến một tổng thống cho thấy nhân loại và các quốc gia có thể thay đổi để đi đến một tương lai tốt hơn.”
Thủ tướng anh David Cameron:
“Một ánh sáng vĩ đại đã rời bỏ thế giới. Nelson Mandela là một anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cờ rũ ở số 10 Phố Downing.”
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon:
“Nelson Mandela là một người khổng lồ khi đấu tranh bảo vệ công lý, và là một nguồn tạo cảm hứng đầy giản dị. Ông đã mang lại ảnh hưởng to lớn đối với nhiều người trên thế giới bằng sự đấu tranh quên mình cho danh dự, quyền bình đẳng và tự do của con người.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry:
“Ông đã cống hiến tất cả những gì ông có để hàn gắn đất nước mình và lãnh đạo đưa đất nước trở lại với cộng đồng các quốc gia, bao gồm cả việc khẳng định ông sẽ rời bỏ quyền lực và đảm bảo sẽ có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Ngày nay, tất cả những ai trên thế giới khao khát dân chủ đều nhìn vào đất nước của Mandela và Hiến pháp dân chủ của đất nước đó và coi đó như một tấm gương hy vọng về những gì có thể đạt được.”
Chính trị vừa là khoa học của quyền lực, vừa là nghệ thuật của quyền lực. Khoa học giống như người ta chế tạo ra quả tên lửa thật nó có thể phóng vào vị trí của đối phương. Còn nghệ thuật như tên lửa mô hình đem diễu binh để dọa đối phương. Có một cuộc diễu binh ở Việt Nam người ta thấy nhiều đội quân đã khoác súng nhựa mác Tàu diễu hành, như vậy thì khoa học hay nghệ thuật cái gì?
Mandela đã đặt nền móng khoa học căn bản cho quyền bình đẳng của người da đen cũng như cơ cấu chính trị để thực hiện quyền bình đẳng đó. Ông là một tổng thống da đen lập hiến – lập quốc, chứ không phải một tổng thống trơn dầu
Trong chính trị, các nhà lãnh đạo lập thuyết, lập hiến hay lập quốc là một thứ đầu tầu dẫn theo các thời đại, chẳng hạn như Gandhi ở Ấn Độ với mô hình cuộc đấu tranh bất bạo động nổi tiếng, như Tôn Trung Sơn với “chủ nghĩa Tam dân”… là những người lập thuyết với giá trị phổ quát mang đến phẩm giá và hạnh phúc cho cả dân tộc.
Trái với nhà lãnh đạo lập hiến là thứ lãnh tụ vỗ béo cho bản thân và gia đình, như Cao Cầu tể tướng ở Trung Quốc chẳng hạn, chỉ cần đá cầu hầu vua mà cũng lên đến chức tể tướng. Tại sao? Vì vua chúa thời đó của Tàu chỉ ở mức ham chơi, chọi dế!
Mang lại lợi ích cho cả dân tộc mới khó, chứ làm lãnh đạo mà chỉ vỗ béo cho nhà mình thì có nghĩa lý gì?! Ngành công nghiệp ô tô ở Hàn Quốc chẳng hạn, chỉ sau 20 năm cả nước đi ô tô, đúng là ước mơ mũi tẹt một bước đổi đời, nghèo hèn cũng dắt díu nhau lái xe hơi cả loạt chẳng khác gì tây. Và sau 50 năm hãng ô tô KIA được bình chọn là hãng thành công nhất thế giới. Còn tại Việt Nam thì sao? Sau 20 người ta vẫn trả vờ đánh trận giả về vấn đề nhận thức “làm sao biết được dòng xe tải hay xe con là chiến lược?”. Chính trị chặn cửa là chính trị đơn giản nhất. Các rào cản kỹ thuật đủ loại được dựng lên để thu thuế làm giầu cho các nhóm lợi ích thì bao giờ dân chúng mới được sung sướng đây?
Ngài Nelson Mandela một mình dùng tay nâng tất cả người da đen có dân số khoảng 1/3 tòan cầu ở địa vị thấp nhất lên ngai vàng bình đẳng, quả là bài học sáng chói cho những dân tộc vẫn còn đang mải hát khúc quân hành cho hai bàn chân dẫm tại chỗ hà hít mân mê quyền lực trơn dầu của cỗ máy chặn cửa thu lời chỉ vỗ béo cho bản thân và gia đình như tên độc tài Gadafi chẳng hạn, trong túi y có hàng trăm tỉ USD, lớn hơn của tất cả quốc gia Libia cộng lại. Càng nhìn, càng ngẫm, càng thấy xót xa!
NHĐ 09/12/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
Gần 100 nhà lãnh đạo các nước sẽ có mặt tại Johannesburg vào sáng mai để cùng với người dân Nam Phi cử hành lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Nelson Mandela, người mới từ trần hôm thứ Năm tuần trước.
Chính phủ Nam Phi một mặt hãnh diện vì cả thế giới đều về dự tang lễ của người được ca ngợi là nhân vật của lịch sử, nhân vật của thời đại, nhưng mặt khác cũng phải nhìn nhận là chu toàn trách nhiệm ngoại giao và bảo vệ cho gần 100 vị lãnh tụ là điều không dễ làm.
Ông Clayson Monyela, Giám Đốc Lễ Tân của chính phủ Nam Phi nói ở Johannesburg là cả thế giới sẽ về đây dự tang lễ Cố Tổng Thống Nelson Mandela, và có lẽ đây là lần đầu tiên có cuộc họp mặt quan trọng như vậy xảy ra.
Hai phái đoàn hùng hậu nhất là phái đoàn Hoa Kỳ với Tổng Thống Barack Obama cùng 3 cựu tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush, và phái đoàn Anh Quốc với đương kim Thủ Tướng David Cameron cùng 3 vị cựu Thủ Tướng là các ông Blair, Brown và Major.
Theo chương trình, ngoài bài phát biểu chính của Tổng Thống Nam Phi, còn có bài phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Brazil, Chủ Tịch Nhà Nước Cuba, ông Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc… Buổi lễ sẽ được trực tiếp truyền hình toàn thế giới.
Ta học được gì từ Vĩ nhân ?
Những câu nói bất hủ của huyền thoại Nam Phi Nelson Mandela :
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy" là một trong những câu nói bất hủ của huyền thoại Nelson Mandela.
Ngày 25/2/1985, mặc dù đã bị cầm tù suốt hơn 20 năm, ông vẫn thẳng thắn khước từ đề nghị của Tổng thống Nam Phi khi đó là P.W.Botha về việc từ bỏ phương thức đấu tranh chính trị bằng bạo lực để đổi lấy tự do:
“Chỉ những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi, tù nhân thì không. Tự do của tôi và của ông không thể tách rời”.
Trước khi ra tù năm 1990, ông Mandela nói:
"Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù".
Trong tự truyện “Hành trình đến tự do” của huyền thoại Nelson Mandela, xuất bản năm 1994, ông viết:
“Từ chối nhân quyền của con người chính là thách thức nhân tính của họ”.
“Về cơ bản thì tôi là người lạc quan. Đó là do tự nhiên hay được giáo dục thì tôi không biết. Một phần của sự lạc quan là luôn hướng về phía mặt trời và liên tục bước về phía trước. Đã từng có nhiều thời điểm đen tối, khi mà niềm tin vào nhân tính của tôi bị thử thách khốc liệt, nhưng tôi không bao giờ và không thể để bản thân mình từ bỏ. Vì đó là cội nguồn của thất bại và cái chết.”
Đề cập tới cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc:
“Không ai sinh ra đã có lòng thù hằn với người khác bởi màu da, địa vị hoặc tôn giáo. Điều đó được hình thành qua giáo dục, và nếu họ có thể học thù ghét, thì họ cũng có thể học yêu thương, mà tình yêu thì luôn tìm đến trái tim một cách tự nhiên hơn thù hận”.
Khi thôi làm Tổng thống Nam Phi, ông tuyên bố:
"Tôi bước xuống với ý thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi".
Ông cũng từng nói:
“Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới”.
“Dũng cảm không phải là không hề sợ hãi mà là nỗ lực vượt qua nó. Người dũng cảm không phải là người không biết sợ mà là người chinh phục được nỗi sợ hãi.”
“Mọi thứ luôn trông có vẻ bất khả thi cho đến lúc bạn hoàn thành nó”.
“Thù hận giống như thể uống thuốc độc và rồi tự hi vọng điều đó sẽ giết chết kẻ thù của bạn”.
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy".
“Vinh quang lớn nhất trong cuộc đời không phải là không hề thất bại mà đứng lên sau mỗi thất bại”.
“Tự do không chỉ là bẻ gãy gông cùm của mình mà còn là tôn trọng và đề cao tự do của người khác”.
Trong bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, ông Nelson Mandela chia sẻ:
"Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều mà người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, anh ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ yên nghỉ trong vĩnh hằng".