Tay to, đều quả, nhìn bóng bẩy, căng mọng tỏa mùi hương thơm dịu, để được lâu - quả Phật thủ có hình giống bàn tay Đức Phật ở Đắc Sở, Hoài Đức (Hà Nội) đang được nhiều người ưa chuộng chọn dùng trang trí cho mâm ngũ quả thờ gia tiên.
Người dân Đắc Sở bắt đầu trồng quả Phật thủ đã hơn 10 năm nay. Với nhiều kinh nghiệm chuyển từ trồng cây cam, nên dù Phật thủ được trồng cầu kì và tốn kém hơn rất lớn, nhưng có lãi suất cao nhiều nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú.
Cây phật thủ ra quả quanh năm, nhưng chỉ được quan tâm và đắt khách khi Tết đến. Theo quan niệm xưa, Phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên, có mùi hương và tác dụng lưu giữ thần, Phật trong nhà để phù hộ cho gia chủ. Hiện nay, ở Đắc Sở có hơn 100 hộ, mỗi hộ cũng khoảng 200 cây, tính ra mỗi vụ thu nhập cả chục tỉ đồng.
Đã là phật thủ thì quả nào cũng quý, nhưng quả phật thủ quý và đắt giá phải là những quả có "ngón tay" dài, đều, quả to, đặc biệt là ngón cuối cùng phải nằm ở chữ… Thái, theo cách tính: "Thịnh - Suy - Vi - Thái".
Thông thường mỗi quả giá từ tay to, đều quả, bóng bẩy, căng mọng có giá từ 200.000-300.000 đồng. Có loại to và đẹp có thể lên tới 3-5 triệu đồng.
Quả phật thủ có giá 2 triệu đồng trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Hòa (thông Trung Kỷ). Theo anh Hòa thì những quả như thế này rất ít, nên anh giữ lại đặt lên bàn thờ gia tiên nhà mình với ý niệm cảm ơn lộc của các cụ tổ tiên.
Năm nay vườn cây nhà anh Hòa cung cấp ra thị trường hơn 300 cây, mỗi cây 30-40 quả phục vụ Tết Giáp Ngọ. Anh bảo: "Quả Phật thủ chủ yếu dùng làm đồ lễ, Tết là nhiều. Mỗi năm hai vụ, thu hoạch vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch và những ngày giáp Tết Nguyên đán.".
Một gốc cây thường cho ra 30-40 quả nếu chăm sóc tốt. Cũng theo anh Hòa, thì Phật thủ không phải là cây bản địa ở Đắc Sở, nhưng giờ đây nó đã và đang trở thành cây trồng chính, cây làm giàu, có giá trị kinh tế cao. Anh cho biết: "Tôi bắt đầu trồng quả Phật thủ đã hơn 10 năm nay. Với nhiều kinh nghiệm chuyển từ việc trồng cam nên cũng không gặp nhiều trở ngại lớn về khâu trồng, chăm sóc cây. Sau khi trồng Phật thủ nhìn thấy lợi nhuận cao, một sào Phật thủ bằng 4 sào sào Cam, mỗi sào Phật thủ tôi bán được khoảng 60-80 triều đồng. Hiện nay, gia đình tôi còn hơn sào trồng Cam, nhưng hết vụ này sẽ chuyển hết sang trồng quả Phật thủ".
Hiện nay, đã có nhiều vườn Phật thủ ở Đắc Sở đã được bán cho các thương lái. Theo anh Mão, chủ một vườn phật thủ khác cho biết: "Thông thường, người chọn mua cả cây hay chọn những gốc có hoa, mẫu mã đẹp và có lộc".
Những năm gần đây, thương lái thường mua quả màu xanh nhiều hơn vì để được lâu, tuy nhiên không có mùi thơm bằng quả vàng mọng. Cũng theo ông Mão nói thì gia đình ông vừa bán gần 200 gốc với giá 250 triệu đồng.
Việc bảo quản và di chuyển phật thủ được chủ vườn chăm sóc, chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách cắt tỉa nhẹ nhàng bằng kéo sau đó bọc bằng giấy báo và giấy mềm, để tránh dập nát và hư ngón tay trên quả.
Hiện nay, người dân Đắc Sở thuê đất ở các xã lân cận để trồng phật thủ và hầu như ở đây cả ngày để chăm sóc.
Để có được thành quả như lúc này, người nông dân đã lao động vô cùng vất vả. Với mong muốn bán được giá cao người dân phải thường xuyên bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, và... canh trộm.
Những cây giống được trồng, ươm tại địa phương.
Hoặc có thể chiết cành. Người dân ở đây cho biết Phật thủ là cây dễ trồng.
Cứ 2 tháng thì ra hoa và kết trái. Do đó, trên cây lúc nào cũng có quả.
M.L (theo LĐO)