Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, viếng thăm Mục Vụ Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan.
Ðài Loan (VnMissio 31-01-201) - Từ ngày 30 tháng 1 đến 6 tháng 2 năm 2014. Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Ðại Lợi, đã đến viếng thăm Mục Vụ Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan, và tìm hiểu, quan tâm đến đời sống cũng như hoàn cảnh của các công nhân và những di dân Việt Nam tại Ðài Loan.
Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Ðại Lợi, đến viếng thăm Mục Vụ và dâng thánh lễ cho Cộng Ðoàn Việt Nam tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên, Ðài Loan.
Vào sáng ngày mồng một Tết Giáp Ngọ, 31 tháng 1 năm 2014, Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đã đến với Cộng Ðoàn Việt Nam tại Thành Phố Tân Trúc. Ngài đã chung vui tiệc xuân, thưởng thức những mục Văn nghệ cùng với những công nhân Việt Nam chung quanh vùng Tân Trúc. Chiều cùng ngày 31 tháng 1 năm 2014, Ðức Cha đã đến dâng Thánh Lễ Ðầu Năm tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên. Cộng đoàn Việt Nam tại Thành Phố Ðào Viên là cộng đoàn có số giáo dân Việt Nam đông nhất tại Ðài Loan. Cùng đồng tế với Ðức Cha là những Linh Mục Việt Nam đang phục vụ tại Ðài Loan. Trước Thánh Lễ, Linh Mục Nguyễn Hùng Cường, Dòng Maryknoll, linh mục quản nhiệm cộng đoàn, đã giới thiệu Ðức Cha cùng cộng đoàn và nói lên những niềm vui được đón tiếp Ðức Cha tại Ðài Loan, đặc biệt đã tâm sự cùng Ðức Cha những vui buồn của những người con xa nhà, sống và làm việc vất vã, vì phải đi xuất khẩu lao động trên đất khách quê người, chỉ với một niềm hy vọng kiếm được chút ít đồng tiền giúp gia đình tại Việt Nam. Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long cũng sẽ viếng thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam tại Ðài Bắc vào ngày 1 tháng 2 năm 2014 (mùng 2 tết), và cho cộng đoàn Việt Nam tại Ðài Trung vào ngày 2 tháng 2 năm 2014 (Mùng 3 Tết).
Sau đâu là Bài Giảng của Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trong thánh lễ ngày mồng một Tết Giáp Ngọ 2014 tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên, Ðài Loan:
Kính thưa qúy Ông Bà, Anh Chị Em,
Hôm nay, tôi rất hân hạnh được đến thăm Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan theo lời mời của các cha Việt Nam tại Ðài Loan. Lời đầu tiên, tôi xin được cùng với toàn thể đồng bào và tín hữu chúng ta tại Úc Ðại Lợi gởi đến toàn thể quý vị lời chúc Xuân và Năm Mới Giáp Ngọ nhiều sức khoẻ, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Xin Ngài quan phòng cho mọi nhu cầu hồn xác của anh chị em và những người thân yêu tại quê nhà. Nhưng trên hết mọi sự, xin Ngài kiện toàn thánh ý nhiệm mầu của Ngài nơi chúng ta: Ðó là Ngài biến chúng ta - những người Việt tha phương vì chế độ Cộng Sản - thành khí cụ của tự do, công lý và nhân bản. Dù ở đâu, người Việt Nam chúng ta cũng cố gắng để làm rạng danh 'con Rồng cháu Tiên' và cùng tranh đấu cho một tương lai tươi sáng của quê hương dân tộc.
Tôi cũng xin cám ơn qúy Ông Bà, Anh Chị Em đã hiệp thông với tôi trong lời cầu nguyện và sự khích lệ để tôi mạnh dạn hiến thân hay nói theo châm ngôn của tôi chọn, là mạnh dạn "ra khơi" theo lời mời gọi của Giáo Hội. Sự kiện làm giám mục của tôi cũng như sự hiện diện năng động của các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam hải ngoại khác đánh dấu sự hội nhập và lớn mạnh của chúng ta. Tôi thâm tín rằng, Thiên Chúa đã quan phòng và tuyển chọn người Việt Công Giáo ly hương như Ngài đã quan phòng và tuyển chọn dân Do Thái lưu đầy năm xưa, để thực hiện những kỳ công của Ngài. Ðể rồi như lời Thánh Vịnh nói: "Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó là việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trước mặt chúng ta".
Qủa thế thưa qúi Ông Bà, Anh Chị Em,
Ðức Kitô chính là phiến đá bị thế lực của bóng tối và tà thần loại bỏ. Nhưng Ngài đã chiến thắng trên chúng qua con đường khổ giá và trở thành tảng đá góc tường. Ai theo Ngài thì cũng phải đối diện với thế lực của bóng tối và tà thần, cũng phải bị chúng loại bỏ rồi mới thông phần chiến thắng của Ðức Kitô. Người Việt Nam ly hương trên khắp năm châu bốn bể vì chế độ Cộng Sản một phần nào cũng là những phiến đá bị người thợ xây là tà quyền trên chính quê hương mình loại bỏ. Nhưng hôm nay, chúng ta đã và đang trở nên những tảng đá góc tường, cho Giáo Hội và xã hội chúng ta đang sống đồng thời cho công cuộc phục hưng của đất nước.
Ðại diện Cộng đoàn tặng hoa cám ơn Ðức Cha và hy vọng Ðức Cha cầu nguyện cho anh chị em công nhân Việt Nam đang lao động khổ cực trên đất khách quê người.
Làm sao chúng ta quên được cái qúa khứ qúa bi thương, đau khổ, tủi nhục, đắng cay của chúng ta những nạn nhân của chế độ cộng sản. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua bao giai đoạn nghiệt ngã. "1,000 năm nô lệ giặc Tầu; 100 năm nô lệ giặc Tây; 20 năm nội chiến từng ngày" (lời bài hát của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn). Thế nhưng chẳng bao giờ người Việt chúng ta lại phải bỏ nước ra đi trong những cuộc vượt biển vượt biên vô tiền khoáng hậu, vĩ đại nhất và bi thương nhất. Chẳng bao giờ có hiện tượng người Việt Nam bỏ nước ra đi bằng đủ mọi cách để mưu sinh và để chạy trốn chế độ hà khắc bất nhân trên chính quê hương mình. Làm sao chúng ta có thể quên được cái quá khứ đầy tủi nhục, thương đau và nước mắt ấy. Khi xác định cái căn cước tỵ nạn hay ít ra là khi xác định cội rễ của những nỗi nhục quốc thể, chúng ta mới không quên sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã đặt để cho chúng ta. Sứ mạng đó là gì? Thứ nhất là làm nhân chứng sống động của tình yêu Thiên Chúa, vì Ngài đã yêu thương quan phòng cho chúng ta có ngày hôm nay. Thứ hai, chúng ta là chứng nhân của tự do công lý và của những giá trị nhân bản bất khả xâm phạm. Chúng ta có bổn phận với những nạn nhân của tự do, những người đã chết trên chiến trận, trong ngục tù, nơi biển cả, ở vùng kinh tế mới và trên khắp nẻo đường đất nước; chúng ta có bổn phận với đồng bào quốc nội đang khao khát một xã hội nhân bản. Chúng ta có bổn phận với qúa khứ, với hiện tại và với tương lai của dân tộc. Trách nhiệm ấy thôi thúc chúng ta góp phần vào ngày Chân Thiện Mỹ khải hoàn trên quê hương dấu yêu.
Tôi liên tưởng đến người dân Chúa chọn. Trên đất lưu đầy, họ không quyên nguồn gốc của họ và giao ước với Giavê. Họ thực hiện hai điều kỳ diệu là làm chứng cho dân ngoại biết về Thiên Chúa của họ và làm hạt nhân cho cuộc tái kiến thiết cơ đồ dân tộc sau ngày lưu đày. Phải chăng chúng ta, những người Việt Công Giáo lưu vong cũng đang được mời gọi để tham dự vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa cho Giáo Hội và cho quê hương? Tôi nghiệm thấy rằng, sau gần 40 năm từ ngày có dấu chân người Việt lưu vong trên thế giới, Giáo Hội đã được trẻ trung hoá nhờ vào sự hiện diện và đóng góp rất năng động của chúng ta. Có ai ngờ rằng cái lớp người tỵ nạn năm xưa với biết bao khổ nhục, kinh hoàng, đắng cay giờ đây đã trở thành rường cột hay ít nhất là luồng sinh khí mới cho Giáo Hội từ Úc Châu tới Mỹ Châu, từ Âu Châu tới Á Châu.
Nhưng thưa qúy ông bà anh chị em, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đây. Chúng ta không thể quên căn cước tỵ nạn và bổn phận làm hạt nhân trong công cuộc phục hưng và công lý hóa đất nước. Ðó là bổn phận không thể tách lìa khỏi căn cước Kitô hữu của chúng ta. Như Ðức Kitô đến để đem cuộc sống sung mãn cho đồng loại, chúng ta cũng không thể vô cảm với những tiếng than khóc của đồng bào ruột thịt đang quằn quạy dưới gông cùm cộng sản. Chúng ta không thể vô cảm với sự ác độc gian dối là chế độ vong nô đang khống chế toàn diện đời sống của người dân trong nước. Chúng ta không thể lặng yên khi Thái Hà, Cồn Giầu, Ðồng Chiêm, Văn Giang, Tiên Lãng, Con Cuông và dân oan khắp nơi tiếp tục bị đàn áp. Người Việt hải ngoại chúng ta đóng góp hàng chục tỷ Mỹ Kim mỗi năm cho thân nhân và Giáo Hội quê nhà. Nhưng trên hết mọi sự giúp đỡ, chúng ta hãy đóng góp vào tiến trình công lý hóa cho dân tộc. Một chính thể bất lương là nguyên cớ của sự bất công và sự bế tắc toàn diện. Một chính thể vong nô vong bản là nguyên cớ của những nỗi nhục quốc thể mà lịch sử 4,000 năm văn hiến dân tộc chúng ta chưa từng chứng kiến.
Thưa qúy ông bà anh chị em,
Hôm nay, ở tại một quốc gia có rất nhiều gắn bó với Việt Nam, chúng ta không thể không bồi hồi cho số phận của quê cha đất tổ. Chúng ta không thể không ngậm ngùi khi nhìn thấy sự tương phản hay ít ra là sự khác biệt đáng đau buồn giữa một quốc gia dân chủ pháp quyền nhân bản với một xã hội độc tài đảng trị. Tôi không nghĩ là chúng ta làm chính trị theo cái nghĩa hẹp hòi tiêu cực khi phải chia sẽ những trăn trở về hiện tình đất nước. Tranh đấu cho công lý và sự thật, tự do và nhân phẩm là con đường tất yếu của những ai theo Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta không thể đồng lõa và vô cảm với sự giả dối, gian ác và phi nhân. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và nhiệt tâm cho Vương Quốc của Ngài đòi hỏi thôi thúc chúng ta trong cuộc chiến cho công lý và sự thật, ánh sáng và sự sống - cuộc chiến mà chính Ðức Kitô đã tranh đấu và khải hoàn qua sự chết và phục sinh của Ngài.
Bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta là đừng chỉ kiếm những gì giới hạn cho nhu cầu vật chất: phải ăn gì, uống gì, mặc gì. Ngay cả trong việc sống đạo, đôi khi người Công Giáo chúng ta cũng chỉ giới hạn vào những việc thuàn tuý tôn giáo như đi nhà thờ, đọc kinh, rước sách vvv.. Ở Việt Nam, có nhiều nơi xây nhà thờ như trăm hoa đua nở. Thiển nghĩ rằng việc xây dựng con người nhân bản và xã hội công bằng mới là quan trọng hơn cả. Ðức Kitô dạy rằng: "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi những thứ kia Ngài sẽ ban thêm cho". Nước Thiên Chúa là gì nếu không phải là một môi trường, một xã hội có nhân bản, tôn trọng quyền làm người, phát huy phẩm giá, bảo vệ người cô thế. Sự công chính của Thiên Chúa là gì nếu không phải là sự thật, công lý, chính trực.
Anh chị em thân mến, mùa Xuân là mùa của hy vọng. Chúng ta, những người Công Giáo đã cảm nghiệm được phần nào ánh sáng hy vọng nơi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Sự đơn sơ, nghèo khó và nhất là sự quan tâm của ngài đến những người cùng khốn đã làm cho người Công Giáo khắp nơi như có được sinh khí mời của Chúa Thánh Thần. Riêng đối với người Việt Công Giáo chúng ta, sự kiện Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chính là sự tỏ bày uy quyền của Thiên Chúa trong nhỏ mọn yếu đuối. Thiên Chúa tiếp tục dùng khí cụ mọn hèn như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và có thể nói như người Việt Công Giáo, nhất là người Việt Công Giáo ly hương tỵ nạn chúng ta. Tôi xin kính chúc qúy ông bà anh chị em một mùa Xuân an bình thánh thiện và nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Xin Ngài tiếp tục biến đổi chúng ta thành những khí cụ của Ngài bằng đời sống cầu nguyện, yêu thương, hy sinh và dấn thân.
Cuối thánh lễ, chủ tịch cộng đoàn Việt Nam tại Thành Phố Ðào Viên đã đại diện cộng đoàn nói lên những lời cám ơn của cộng đoàn đến Ðức Cha và chúc tết Ðức Cha:
Tình yêu Thiên Chúa bao la muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài.
Trọng kính Ðức Cha! Kính thưa quý Cha, quý Tu Sĩ , quý Ân Nhân, quý khách xa gần và thưa tất cả cộng đoàn. Hôm nay trong không khí hân hoan, của ngày đại lễ Tết cổ truyền của dân tộc, đang diễn ra trên cộng đoàn của chúng con. Cùng hòa chung với những cảm xúc ngọt ngào của cảnh sắc đất trời nơi xứ người. Chúng con vô cùng vui sướng, được đón nhận hồng ân của Chúa, của Mẹ tình thương, của Ðức Cha, quý Cha, cùng với sự hiệp thông chia sẻ, của quý vị Tu Sĩ, quý Ân Nhân, quý khách xa gần. Ðây quả là niềm vinh dự đặc biệt đối với chúng con. Trước hết, chúng con thành kính dâng lên Ðức Cha, quý Cha, và quý vị, lời chào trân trọng , tâm tình, mến yêu, với lòng biết ơn chân thành, và lời chúc tốt đẹp nhất của ngày đầu xuân.
Lạy Ðức Cha kính mến! kính thưa quý Cha và quý vị. Ngày mừng vui hôm nay, thoáng nhìn ngược về dòng lịch sử của cộng đoàn chúng con. 20 năm về trước, nơi đây, còn đơn sơ trống rỗng, một số anh chị em tham dự Thánh Lễ có thể đếm đầu ngón tay. Nhưng đến ngày hôm nay, con số anh chị em tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật mỗi ngày một gia tăng, vào khoảng từ 500 đến 700 người. Vì cộng đoàn chúng con, phần đa là anh em lao động, kẻ đến người về nên hàng năm phải bầu lại ban mục vụ. Và nhận Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam làm bổn mạng của cộng đoàn. Sau nhiều năm thành lập cho tới nay, cộng đoàn chúng con có gặp nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Nhưng nhờ tình thương của Chúa quan phòng, cùng với sự hy sinh năng động của quý Cha và sự giúp đỡ của tất cả quý vị. Hôm nay trên mảnh đất hẻo lánh ngày nào năm xưa, hàng trăm hàng ngàn người quy tụ nơi đây, trong không khí tưng bừng, đón mừng ngày tết cổ truyền. Cảm tạ tình thương Chúa đã xuyên suốt cuộc hành trình của cộng đoàn chúng con.
Ðồi kia ai đắp mà cao!
Sông sâu bể rộng ai đào mà sâu.
Chúng con xin được thành kính tri ân , Cha, Nhạc sĩ Pet Nguyễn Hùng Cường, phụ trách cộng đoàn chúng con. Kính thưa Cha chúng con chẳng biết lấy gì để đền đáp công ơn mà Cha đã dành cho chúng con. Qua nhiều năm thăng trầm, Cha đã vất vả hy sinh, không quản ngại đường sá xa xôi. Mặc cho mưa dầm giá rét, cũng như lúc mùa hè nóng nực, Cha vẫn đến để động viên, khích lệ, với bao mồ hôi nước mắt và lòng thương yêu quảng đại của Cha, đã làm cho cộng đoàn chúng con trang sử mới huy hoàng.
Ơn sâu nghĩa nặng, tình đầy,
Tri ân cảm tạ mỗi ngày đời con.
Trọng kính Ðức Cha khả ái! Chúng con được biết Ðức Cha là những bông hoa đầu mùa của Giáo Hội Việt Nam. Ðang rực rỡ tươi nở nơi xứ người. Chúng con được nghe biết và xem thấy qua các trang mạng về Ðức Cha rất nhiều. Nhưng hôm nay thật hạnh phúc vì chúng con được xem thấy trực tiếp, không những xem thấy, mà chúng con còn được Ðức Cha, dành cho nhiều thời gian vàng bạc, đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên, khích lệ, để chúng con vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Những hình ảnh ấy, tình yêu ấy, chúng con sẽ luôn khắc ghi vào tâm trí. Chúng con nguyện kính chúc Ðức Cha, luôn sức khỏe, thánh đức, tràn đầy hồng ân của Chúa trên con đường mục vụ. Chúng con hết lòng cảm tạ Cha quản hạt, quý Cha đồng tế... và tất cả quý vị đã giúp đỡ cách này hay cách khác, để cho Thánh Lễ diễn ra được phần trang trọng và sốt sắng. Cúi xin Chúa là nguồn mỗi ơn phúc và các Thánh Tử Ðạo Bổn mạng, tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác và trả công bội hậu, cho tất cả những ai đã giúp đỡ chúng con. Chắc rằng trong dịp lễ trọng đại này, chúng con không thể tránh khỏi những thiết sót. Xin Ðức Cha, quý Cha, và quý vị rộng lượng tha thứ. Cuối cùng một lần nữa, chúng con xin hết lòng cảm tạ và xin được gửi tới Ðức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn , lời chúc sức khỏe, và lời chào bình an trong chúa xuân.
Giờ đây, chúng con có bó hoa tươi, với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân, kính dâng Ðức Cha và quý Cha. Xin Ðức Cha và quý Cha vui nhận.
Cuối cùng, một đại diện Cộng đoàn đã tặng hoa cám ơn Ðức Cha và bày tỏ ước mong Ðức Cha sẽ luôn cầu nguyện cho anh chị em công nhân Việt Nam đang lao động khổ cực trên đất khách quê người tại Ðài Loan này.
(Ban Mục Vụ Cộng Ðoàn Việt Nam tại Ðào Viên Ðài Loan)
BY: PV ÐÀI LOAN