Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn được báo chí nhắc đến nhiều, đó chính là Nam Phương Hoàng hậu của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng là người Công giáo yêu nước.
Bà là Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ngày 14-12-1914 tại Kính Hòa, Gò Công trong một gia đình Công giáo là ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Tên thánh lúc Rửa tội là Marie- Therese. Ông ngoại của bà chính là Lê Phát Đạt- một đại gia có tiếng giàu có của đất Nam Kỳ thường gọi là Huyện Sĩ qua câu ca:
“ Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Trạch”.
Chính ông Huyện Sĩ đã công đức để xây nhà thờ mang tên ông gần nhà thương Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Năm 1926, bà được gửi qua Pháp để học tại trường trung học Couvent des Oiseaux ở Paris. Trường này do các nữ tu Công giáo dòng Đức Bà điều hành. Tháng 9-1932, bà nghỉ hè về Việt Nam trên tàu D’Artagnan và vô tình gặp vua Bảo Đại cùng đi trên tàu. Sắc đẹp của bà đã gây ấn tượng nơi vị vua trẻ. Vì vậy, sau đó, với sự sắp xếp của vài quan chức Pháp, bà đã chính thức gặp vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Họ tiến đến hôn nhân nhưng có một trở ngại về lý do tôn giáo vì vua Bảo Đại theo Phật giáo và không thể trở lại đạo Công giáo. Ông Huyện Sĩ đã xin Tòa thánh Rôma và Tòa thánh đã chấp nhận sự thành hôn của cặp hôn nhân khác đạo này trước cả tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2 gần 30 năm. Cho nên dân gian lúc đó ở Huế đã có câu ca:
Quý hồ chàng có lòng thương
Amen mặc thiếp, khói hương mặc chàng
Amen mặc thiếp, khói hương mặc chàng
Lễ cưới của họ thật trọng thể được diễn ra ngày 20-3-1934. Khi đó vua Bảo Đại 21 tuổi, còn bà vừa tròn 20 tuổi . Mặc dù có nhiều người can ngăn khi Bảo Đại dự định đặt bà là Hoàng hậu vì sẽ bị mất ngôi hoàng đế theo lời tướng số. Bởi các vua trước chỉ phong 12 hoàng hậu khi họ đã chết. Vua Bảo Đại bất chấp, vẫn đặt bà là Nam Phương Hoàng hậu. Vua Bảo Đại đã viết những lời ca tụng bà: “ Cũng như tôi, Marie Theresa rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam đoan chính, trời phú. Do vậy, tôi đã chọn từ hướng nam là Nam Phương để đặt danh hiệu này. Các vị tiên đế của tôi thường hướng về người đàn bà miền nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước hoàng hậu Nam Phương có đến 7 phụ nữ miền Nam từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế”.
Từ khi bà trở thành Nam Phương Hoàng hậu, người ta thấy bà thường sánh đôi với vua Bảo Đại trong các dịp tiếp khách ngoại giao. Đây là điều trước đây chưa có tiền lệ. Bà đi thăm các trường học ở nhiều nơi và đề nghị đưa môn nữ công gia chánh vào trường trung học. Bà là người có sắc đẹp rất Á Đông trời phú nên đã ba lần đoạt giải Hoa hậu Đông Dương. Ảnh của bà được các nhật báo quốc tế như tờ Le Mond in trang trọng. Năm 1950, ảnh của bà được phát hành trong tem thư (ảnh trên). Báo chí mô tả bà là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, có nụ cười như Mona Lisa, gương mặt đẹp nhưng thánh thiện, không kiêu căng, kín đáo nhưng không e thẹn, thân thiện nhưng không quá suồng sã…
Ngày 4-1-1936, 7 loạt súng thần công nổ vang báo tin bà Nam Phương đã sinh hoàng tử đầu lòng. Đó là thái tử Bảo Long. Tiếp đó, bà còn sinh ba con gái là Phương Mai (1937), Phương Liên (1938), Phương Dung (1941) và con trai út Bảo Thắng (1943).
Năm 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị, bà dời về cung An Định. Sống ở bậc vương giả nhưng bà luôn đau đáu với tình cảnh đất nước. Trước âm mưu của thực dân Pháp, bà đã viết thư cho bạn bè ở Pháp tố cáo:
“ Kể từ tháng 3-1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, nhưng vì lòng tham của thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay nên lửa chiến tranh trên đất nước của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục cháy ở mảnh đất vốn đã quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng minh mà nước Pháp là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh ngày đêm đang tàn phá đất nước tôi”(1).
Bà đúng là người phụ nữ Công giáo yêu nước. Năm 1946, trong Tuần lễ vàng, khi Giám mục Hồ Ngọc Cẩn ủng hộ cả dây chuyền vàng cho Chính phủ Hồ Chí Minh thì người ta thấy bà cũng đem tư trang ủng hộ cách mạng. Báo chí lúc đó đã mô tả:
“Ngay trong ngày khai mạc, bà Nam Phương đã ăn mặc chỉnh tề, quần áo dài, khăn vành màu vàng, cổ đeo kiềng vàng, tai đeo bông vàng, còn hai cổ tay lại đeo hai xuyến vàng, 10 ngón tay đeo 10 chiếc nhẫn vàng. Một chiếc bàn lớn trải khăn đỏ để sẵn, bà Nam Phương đi tới và từ từ cởi bỏ hết đồ trang sức trên cố trên tay của mình rồi đặt lên bàn ủng hộ cách mạng” (2).
Tết năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi biếu bà 10 ngàn đồng tiêu Tết, nhờ Chủ tịch Ủy ban hành chính Huế chuyển giúp. Bà rất cảm động nhưng bà đã chuyển ngay số tiền đó cho Cô nhi viện ở Huế để giúp các trẻ em mồ côi trong đó. Năm 1947, bà Nam Phương lặng lẽ rời khỏi Việt Nam qua sống ở Pháp trong một căn hộ ở Chabrique. Vì cựu hoàng đế Bảo Đại vẫn đi lại, trăng gió với người phụ nữ khác khi ra Hà Nội năm 1946, nên bà đã ly thân với Bảo Đại. Nhưng bà vẫn gửi thư cho người phụ nữ mang tên Lý Lệ Hà, vốn là hoa khôi xứ Bắc, quê Hải Phòng với lời lẽ rất lịch sự. Lá thư này viết bằng tiếng Pháp, vẫn được bà Lý Lệ Hà lưu giữ, trân trọng. Bức thư có đoạn: “ Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trường nhưng chị biết rằng em hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng đế ở Hồng Công. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông cựu hoàng. Đức Từ cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ thương em” (3). Cựu hoàng qua sống ở Pháp. Sau đó kết hôn với một phụ nữ Pháp tên là Monique Bantot, kém ông 30 tuổi. Ông trở lại đạo Công giáo với tên thánh là Jean Robert. Khi công chúa Phương Liên kết hôn với một người Pháp, Bảo Đại có về gặp bà, dự đám cưới. Bà sống cô đơn, lặng lẽ cho đến cuối đời.
Bà ra đi nhẹ nhàng khi tuổi còn rất trẻ, mới có 49 xuân xanh. Không có ai thân thích bên cạnh. Ngày tang lễ, cả 5 con của bà cùng có mặt. Bà từng ước mong được chôn cất tại quê hương nhưng do chưa có điều kiện nên mộ phần của bà hiện vẫn đặt tại nghĩa trang làng Chabrignac, miền nam nước Pháp. Đây là khu đất của bá tước De la Bosse , có vợ chính là công chúa Như Lý- con gái vua Hàm Nghi, vốn là cô của Bảo Đại. Năm 2013, nhân 100 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của bà, Hội Truyền giáo MEP ở Paris đã cùng người thân tổ chức trọng thể lễ cầu nguyện cho bà.
TS. Phạm Huy Thông:
Chú thích:
1,3 -Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang: Vua Bảo Đại- vua cuối cùng của triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng 2004.2- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.149
Chú thích:
1,3 -Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang: Vua Bảo Đại- vua cuối cùng của triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng 2004.2- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.149