http://vhtttg.blogspot.de/ chân thành kính chúc Qúy Độc Giả An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Chia sẻ thông tin văn hóa hữu ích

Chia sẻ thông tin văn hóa hữu ích

Câu chuyện cuộc đời: Ở Đức, phá thai không phải việc tùy tiện


Đây là câu chuyện kể về hành trình “phá thai” tại nước Đức của một người phụ nữ châu Á cùng chồng mình. Người chồng học tiến sĩ kinh tế học tại đại học Humboldt, còn người vợ đang học học kỳ 6 tại đại học Berlin. Hai vợ chồng đã thống nhất từ khi cưới rằng, trong vòng 3 năm sau khi kết hôn họ sẽ không sinh con.
Tuy nhiên nước Đức đã thay đổi điều ấy…

Ngày 6/12/2007, bác sĩ phụ khoa Celine thông báo với tôi rằng: “Bạn đã có thai!” Tôi nghe xong, tròn mắt và miệng thốt lên lời cảm ơn một cách vô thức, nhưng trong lòng lại thầm than khổ! Bởi vì tôi vừa mới kết hôn vào năm trước. Hai vợ chồng tôi vẫn còn đang đi học.
Ở quê hương tôi tại châu Á, việc phá thai là rất dễ dàng. Vậy nên về đến nhà, tôi gọi điện thoại cho bác sĩ Celine, hỏi xem cô có thể thu xếp giúp tôi việc phá thai được không. Thật không ngờ, bác sĩ Celine vốn có giọng nói ôn hòa, nhẹ nhàng bỗng trở nên bực bội, cứng ngắc:

“Xin lỗi, trong bệnh viện của tôi không có loại dịch vụ này!”

Tôi lại nói: “Vậy thì, xin cô có thể cung cấp cho tôi loại thuốc để sinh non được không?”
Tôi vừa nói vừa có chút luống cuống…

“Đương nhiên là không được, ở Đức bán thuốc sinh non là phạm pháp đấy!
Tại sao cô không suy nghĩ về việc giữ lại thai nhi và sinh con?”

Tôi thành khẩn giải thích cho cô Celine về hoàn cảnh của mình.

Sau một lúc trầm tư, cô nói với tôi một cách rất không đồng tình:

“Nếu như bạn quyết tâm bỏ thai thì đầu tiên bạn phải đi đến Ủy ban tư vấn tâm lý tại Trung tâm trợ giúp phụ nữ ở Berlin để trình bày cho các chuyên gia tâm lý nghe. Sau khi nhận được văn bản đồng ý của ủy ban và chỉ định bệnh viện phẫu thuật thì bạn mới liên hệ với bệnh viện đó để tiến hành các công việc tiếp theo.”

Ba ngày sau, chồng tôi đưa tôi đến trung tâm trợ giúp phụ nữ để hỏi ý kiến của các chuyên gia tâm lý. Người tiếp đón chúng tôi là một phụ nữ khoảng 45 tuổi, tên là Teresa, là một chuyên viên tư vấn tâm lý.

Cô Teresa bắt đầu hỏi hai vợ chồng tôi: “Tại sao hai vợ chồng bạn lại không muốn giữ lại đứa bé này?”

Cô Teresa vừa nghe chúng tôi trình bày vừa ghi lại những lời tôi nói lên một tờ giấy.
Sau đó, cô nhỏ nhẹ mời chồng tôi ra ngoài trước để nói chuyện riêng với tôi.

“Thưa cô! Xin hỏi là cô nguyện ý quyết định việc này phải không?”

“Cô nói gì?” Tôi trợn tròn mắt lên nhìn cô ấy một cách khó hiểu.

“Tôi là muốn hỏi rằng, cô quyết định bỏ thai là hoàn toàn xuất phát từ ý nguyện của bản thân mình chứ không phải vì bị ép buộc từ bên ngoài, giống như là bị chồng thúc ép hay là uy hiếp chẳng hạn?”

Trong phút chốc đó, tôi vừa có chút giận vừa có chút buồn cười mà hỏi lại:
“Chẳng phải việc này rất đơn giản sao? Chỉ cần qua tay của một người là xong, việc gì phải nâng lên đến thành thẩm vấn vụ án hình sự như vậy chứ ?”

Không đầy 5 phút sau, cô Teresa đưa cho chúng tôi một tờ giấy bản khai và nói:

“Xin hai vợ chồng cô hãy về nhà bàn bạc kỹ thêm một chút. Nếu như một tuần sau mà vẫn quyết định bỏ thai thì hãy mang tờ giấy kia đến để chúng tôi ký và đóng dấu.”

Khi chúng tôi còn đang chán nản và thất vọng đi ra ngoài thì cô Teresa lại nói một câu:

“Pháp luật ở Đức quy định, nếu thai nhi đã đủ 10 tuần tuổi thì tuyệt đối cấm nạo phá thai, cho nên xin hai bạn về nhà xác định chính xác thời gian mang thai nếu không sẽ phạm tội!”

Thông tin mà cô Teresa nói ra lại khiến chúng tôi quá sợ hãi. Căn cứ vào hồ sơ mà bác sĩ khám thì tôi đã mang thai được 8 tuần rồi, cộng thêm mấy ngày hôm nay đi hỏi xem bỏ thai thế nào cho hợp pháp đã mất 2 ngày nữa, vậy là chỉ còn 12 ngày nhưng bây giờ lại phải suy nghĩ trong vòng 7 ngày để lấy được chữ ký và con dấu này nữa, không biết có kịp không.

Tôi lại tới một phòng khám ở Berlin để xin họ giải quyết sớm hộ tôi. Tiếp đón tôi là một y tá rất nhẹ nhàng, thái độ của cô ấy rất thân mật. Cô ấy nói:

“Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị và cũng rất muốn giúp đỡ chị nhưng trước khi làm phẫu thuật, phụ nữ có thai nhất định phải tự mình đi đến Ủy ban tư vấn tâm lý để được tư vấn. Sau đó phải nhận được văn bản đồng ý của họ thì phòng khám mới tiến hành giải quyết được!”

Từng ngày trôi qua, lòng tôi như lửa đốt… Một tuần sau, tôi cầm bản tờ khai tới “Ủy ban tư vấn tâm lý” và nhận được sự đồng ý. Từ nơi ấy, chúng tôi tranh thủ lái xe thật nhanh tới bệnh viện mà tôi được chỉ định để bỏ thai.

Tới bệnh viện, một nữ bác sĩ trẻ tuổi tiếp đón chúng tôi, rồi cô ấy đưa cho tôi một bản tài liệu. Bên trên bản tài liệu này là dòng chữ màu đen được in đậm:

“Xin đừng dễ dàng bóp chết sinh mệnh vô tội!”

Lúc này tôi thực sự hoang mang và hoảng sợ…
Vì đã có giấy hẹn đồng ý của ủy ban tư vấn, mọi thủ tục với tôi đều diễn ra thông thuận. Bệnh viện hẹn tôi sẽ làm phẫu thuật vào 9 giờ sáng ngày thứ hai tuần sau. Nhưng ngay hôm đó, tôi phải làm một số xét nghiệm toàn bộ và gặp mặt bác sĩ gây tê một lần.

Khi ra về, tôi đi qua phòng “Chống nạo phá thai”, một phụ nữ trung niên đi đến bên tôi nói một cách cấp bách nhưng cũng không mất đi vẻ lịch sự:

“Cô thực sự quyết định không cần đứa con trong bụng này sao? Cho dù là cô không chào đón sự ra đời của đứa trẻ này, cũng đừng dễ dàng bóp chết một sinh mệnh. Mặc dù cô là mẹ của đứa trẻ, thì cũng không có quyền làm như vậy! Phải biết rằng, ý nghĩa của sinh mệnh nằm ở sự tôn trọng …”

Tôi vội vàng giải thích một câu: “Chúng tôi đều đang còn đi học, không có điều kiện…”
rồi vội vã chạy đi, bỏ lại đằng sau hai từ: “Tạm biệt”.
Lẽ ra việc sắp hoàn thành, trong lòng phải cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng suốt chặng đường đi, trong lòng tôi lại rầu rĩ khó tả, ánh mắt của người phụ nữ kia cứ như thể theo sau tôi vậy.

Đến ngày hôm sau là đến hẹn bỏ thai, bác sĩ cho tôi biết tình trạng sức khỏe của tôi không có vấn đề gì. Hai vợ chồng tôi đến bệnh viện chỉ định, ngoài trời tuyết rơi phủ trắng cả đường nhưng những nhân viên bảo vệ thai nhi ấy vẫn đang đứng trong gió tuyết mà khuyên bảo từng người phụ nữ ra vào cửa. Tôi lặng người một lúc ngồi trong xe nhìn họ, không biết bao lâu thời gian, chồng tôi cúi vào trong xe cầm tay tôi.
Tôi đột nhiên tỉnh lại, nói một lời dứt khoát: “Không!”
Rồi tôi kéo tay chồng tôi đến trước mặt các bác sĩ gây tê nói lời xin lỗi.
Nhưng họ không có vẻ gì là giận tôi cả mà trên mặt đều toát lên vẻ mừng rỡ.

Khi đi qua phòng “Chống nạo phá thai”, mấy nhân viên của tổ chức này rất tự nhiên vừa nở nụ cười vừa ôm tôi, rồi lấy từ trong túi ra một ngôi sao làm từ vải và nói:

“Bạn thân yêu, đây là dành cho cháu bé, bạn là người mẹ thứ 1247 mà chúng tôi khuyên thành công.
Chúc mừng bạn đã có quyết định sáng suốt nhất cuộc đời.”

Tôi nắm đôi tay lạnh như băng của cô nhân viên, những bông tuyết vẫn còn đọng trên mái tóc của cô khiến nước mắt tôi trào ra lúc nào không biết.
Giờ đây, tôi cảm thấy thật xấu hổ khi phải nhắc lại chuyện này.
Nhưng tôi vẫn muốn kể ra câu chuyện này để nói với các bạn rằng:
“Đừng dễ dàng từ bỏ giọt máu của mình!”

Bởi vì không phải ai cũng may mắn như tôi là sinh sống ở nước Đức, nhờ vào quy định nghiêm ngặt của họ mà tôi đã không phải hối hận suốt cuộc đời mình.
Còn các bạn ở những nơi mà “chuyện bỏ thai là một việc rất dễ dàng” thì bạn có cơ hội để giữ lại con của mình không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á và là một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Tháng 9 năm 2016, theo GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, tổng tỷ suất phá thai nước ta là 2,5 – nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam đã trải qua 2,5 lần phá thai trong cả cuộc đời sinh đẻ của mình.
Đáng báo động là có đến 20% người nạo phá thai ở Việt Nam nằm trong độ tuổi vị thành niên.

Cũng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2021, thế giới có hơn 5 triệu người chết vì đại dịch COVID-19, nhưng có đến 42,6 triệu thai nhi bị phá bỏ.

Uyển Như biên tập
Read more…

OCEAN VUONG: MỘT NHÀ THƠ LỚN, THIÊN TÀI GỐC VIỆT...

Một người Mỹ gốc Việt (quê mẹ ở Gò Công, Tiền Giang. Sau 30.4.75 vượt biên và định cư ở Mỹ),

33 tuổi, vừa được trao một giải thưởng văn chương danh giá của Mỹ trị giá $625.000.
Anh được người Mỹ đánh giá là thiên tài văn chương mới của nước Mỹ.
***


OCEAN VUONG: MỘT NHÀ THƠ LỚN, THIÊN TÀI GỐC VIỆT...
“Có những người con làm rạng danh cha mẹ
Có những con dân làm rạng danh Tổ quốc”.
Tôi hỏi 8 người bạn thích đọc sách, biết Ocean Vuong không? Tất cả đều trả lời là không, vậy là tôi nằm trong khối đa số hổ thẹn, vì không biết đến một nhân tài gốc Việt, sống ở Mỹ, một thi sĩ mà người bản xứ không tiếc lời ca tụng, cho giải thưởng về thơ (genius prize) trị giá 625.000USD
Thơ của em, Night Sky With Exit Wound (Trời đêm với những vết thương xuyên thấu) và quyển tiểu thuyết Trên Trái Đất Chúng Ta Một Thoáng Huy Hoàng (On the earth, we’re gorgeous) được dịch ra 30 thứ tiếng, kể cả tiếng Việt; quyển tiểu thuyết được New York Times cho là “biến cố văn chương” năm 2019, và trong danh sách best sellers trong 6 tuần liên tiếp.
XUẤT THÂN
Từ đây, tôi gọi tên em là Vương Hải, chứ không gọi Ocean Vuong như người Mỹ.
Em sinh năm 1988, bà Ngoại tên Lan, mẹ tên Hồng, gốc người Gò Công, gia đình 6 người vượt biên qua trại tị nạn Philippines, ở đó 1 năm, định cư ở Mỹ năm 1990, lúc Hải được 2 tuổi.
Gia đình 6 người cư ngụ trong một căn hộ chung cư có một phòng ngủ, ở vùng da đen Harford, Connecticut. Nơi đây đã để lại dấu ấn trong đời và trong thơ văn của Hải. Cho tới khi tiếp xúc với bên ngoài, em cứ nghĩ nước Mỹ là của người da đen.
Tên khai sinh do Cha đặt là Vương Quốc Vinh, sau khi Cha đi tù vì tội bạo hành mẹ, ly dị mẹ ,bỏ nhà ra đi, người mẹ quyết định đổi tên em là Hải để cắt đứt với quá khứ.
Một lần phỏng vấn, hỏi nguồn thơ của em từ đâu ra, em trả lời là mặc dù mẹ em mù chữ, nhưng khi đặt tên em, bà nghĩ đến Thái Bình Dương, là biển nối liền Mỹ với quê hương VN là có ý thơ rồi (phải chăng từ câu hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”). Hơn nữa, em được giáo dục bởi 3 người đàn bà: bà ngoại, mẹ và dì Mai, đã đọc thơ, kể chuyện, hát ca dao cho em nghe, do đó thơ, từ thuở nhỏ đã thấm vào hồn em.
Bà ngoại Lan, là người mù chữ, cũng như mẹ em và dì Mai, có lẽ trong gia đình có gen ex mang chứng khó đọc chữ (dyslexia) vì người em của Hải đã bị chứng này.
Thời trẻ bà Ngoại bỏ nhà ra đi, làm me Mỹ, gặp ông Ngoại là người Mỹ da trắng, tên Paul, gốc nông dân ở Michigan, cũng bỏ nhà, đăng lính Hải quân, qua chiến đấu ở VN.
Bà ngoại sinh 2 cô con gái, giống Mỹ nhiều hơn giống Việt. Có lúc vì khó khăn, bà phải bỏ con vào cô nhi viện, khi chồng về Mỹ năm 1971 và không trở lại.
Chính bà ngoại là người đã kể cho Hải nghe chuyện chiến tranh VN, do đó, dù đến Mỹ năm 2 tuổi, chiến tranh VN bàng bạc trong thơ văn của Hải. Có thể nói, Hải rời VN nhưng VN không rời Hải.
Mẹ Hải, bà Hồng, sống bằng nghề làm móng tay.
Người tình đầu của em là Trevor, da trắng, con nông gia trồng thuốc lá, là đề tài mà em đã viết trong thơ và quyển tiểu thuyết hết sức sống động. Sau đó, Trevor chết vì chích ma túy quá liều.
Hình ảnh người cha vắng mặt trong đời em, được tả một cách nhạt nhòa bàng bạc trong thơ Hải.
QUÁ TRÌNH HỌC VẤN
Hải đi học Mẫu giáo hồi 5 tuổi, nhưng mãi tới năm 11 tuổi em mới đọc và hiểu được tiếng Anh một cách thông thạo.
Sau đó em thường đi thư viện và miệt mài trong sách vở. Em kể khi nghe băng bài diễn văn của Mục sư Martin Luther King, Jr “I have the dream” thì em bắt đầu có mộng lớn của riêng mình.
Chú bé cô đơn, bị hiếp đáp trên xe bus, trên đường đi học, tìm an ủi trong sách vở, bắt đầu làm thơ. Thầy giáo nghĩ là em đạo văn, ông không thể tưởng tượng một đứa học trò nghèo, xuất thân từ gia đình mù chữ, phát âm chữ THE cũng ngọng, thì làm sao có thể làm thơ hay như vậy, nên phạt em về tội ăn cắp, ăn cắp Thơ. Nhưng ông giáo đã lầm, một Thiên tài vừa xuất hiện mà ông không biết!
Em kể: tôi viết rất chậm, xem từ ngữ như một vật thể, tôi luôn cố tìm từ ngữ trong từ ngữ:
Tôi bước vào đời mình
Cách từ ngữ
Bước vào tôi
Nói về chuyện đọc sách, em viết:
Ôi thằng con ngốc
Con có thể lạc lối trong mọi cuốn sách
Nhưng không bao giờ quên được chính mình.
Vào Đại Học, lúc đầu em chọn Marketing vì hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để giúp gia đình, nhưng sau 8 tuần thì em bỏ học, vì biết mình đã chọn sai, nên đổi qua Brooklyn College - ĐH New York, theo học Văn chương Anh thế kỷ 19. Em lấy bằng BA, sau đó tốt nghiệp MFA về Thơ của ĐH New York, hiện nay làm Giảng sư MFA ở ĐH Massachusetts, thành phố Amherst.
Quyết định chuyển ngành học từ Marketing qua Văn chương là điều may cho bản thân Hải, cho nước Việt và cho thế giới Thi ca: một nhân tài có dịp để thăng hoa.
Tạp chí Foreign Policy bình chọn Ocean Vuong là 1 trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu nhân loại trong năm 2016.
Tôi xin trích vài bài dịch thơ, nói về các người thân của Vương Hải.
VỀ MẸ:
* Trong bài thơ Rồi Có Một Ngày, Ta Sẽ Yêu Ocean Vương
Hải, bạn đang nghĩ gì?
Phần đẹp nhất của y thể là bất cứ nơi đâu.
Phủ hình bóng mẹ (trang 82)
* Trong bài thơ Đầu Ra Trước (head first)
Nhưng chỉ có người mẹ, có thể bước đi, với sức nặng của nhịp đập của quả tim thứ hai (trang 20)
Tôi nghĩ tôi thương mẹ nhiều lắm (trang 70)
Con thương mẹ, mẹ ơi (trang 7)
Không có gì bằng cơm với cá,
Không có gì bằng má với con (thành ngữ VN, trang 20)
VỀ CHA:
Đừng lo, cha mày chỉ là cha mày.
Cho đến, khi một người trong nhà quên mất.
Giống như cách mà xương sống,
Không nhớ hai cánh tay.
VỀ BÀ NGOẠI :
* Trong tập thơ Burning
Ngoại tôi hôn.
Như thể bom đang nổ sau nhà,
Nơi mà bạc hà và hoa lài toả hương,
Qua cửa sổ bếp,
……….
Khi ngoại tôi hôn, sẽ không
Có âu yếm cầu kỳ, không âm nhạc Tây phương
Của đôi môi mím chặt, ngoại hôn như để hút lấy
Bạn vào trong bà.
Vương Hải như đóa sen, mọc từ bùn, vươn lên và tỏa hương. Em đi từ no one (không là ai) trở nên anyone (bất cứ ai) rồi trở thành someone (một người hơn người).
Tôi theo dõi nhiều buổi phỏng vấn, đọc thơ của Vương Hải trên các chương trình TV Mỹ, Canada, Pháp, Đức. … Điều đập vào mắt tôi là cách em chào cử tọa, cúi mình thật thấp. Người Nhật bảo: những hạt lúa chín là những hạt lúa cúi đầu - thái độ thật khiêm tốn, ăn mặc giản dị, giọng nói nhẹ nhàng của phái nữ, trầm bổng đầy chất thơ.
Thật khó tưởng tượng một chú bé, thuở nhỏ nói thứ tiếng Anh của người da đen ít học. Một lần ở tiệm Sears, người bán hàng hỏi em là con nuôi của mẹ (vì mẹ là con lai Mỹ rất trắng), em trả lời không, tôi từ asshole của mẹ tôi ra. Ngày nay, em sử dụng thứ tiếng Anh hết sức trau chuốt của giới trí thức khoa bảng.
Em kể lại, thuở nhỏ, bài học đầu tiên mà bà ngoại và mẹ em dạy để sinh tồn ở nước Mỹ là đừng để ai chú ý tới mình. Vì mình là người Việt da vàng đã khác họ rồi, phải làm sao để trở nên... vô hình, mẹ dạy con phải tự biến mất. Em hiểu là người lớn muốn cho em yên thân, được an toàn (ngày nay với phong trào bài Á, những lời khuyên đó có còn đúng ?)
Có sự khác biệt giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Thế hệ 2 muốn người ta biết đến mình, để vươn lên; tự hào về mình. Thế hệ thứ nhất dạy con mình biến đi, tự vệ bằng cách tự xóa mình.
Mong em sẽ đi xa hơn nữa (vì còn quá trẻ, 33 tuổi) trong sự nghiệp sáng tác của mình để đạt được Nobel Văn học.
Tiếc cho em, đạt được vinh quang, thoát cảnh nghèo, thì những người thân lần lượt ra đi: bà Ngoại, người đã dạy Văn chương bình dân VN , kể cho em nghe về cuộc chiến tàn khốc, chết vì ung thư xương giai đoạn cuối, mà em đã tả một cách sống động trong tiểu thuyết.
Người mẹ Hải hết lòng thương yêu (Con thương mẹ, mẹ ơi) ra đi vì ung thư vú di căn. Người mẹ, làm nail, suốt ngày phải cúi đầu giũa móng tay, móng chân cho khách, luôn miệng nói sorry, sợ đau khách sẽ không được tip.
Một bữa, khi dự buổi ra mắt sách của Hải, nghe con đọc thơ tiếng Anh mà bà chẳng hiểu gì, chỉ quan sát cử tọa, bà khóc nức nở vì sung sướng.
Bà nói: “Má không bao giờ nghĩ là mình sẽ sống để thấy ngày những người da trắng, đứng tuổi, vỗ tay tán thưởng con của má”.
Hải trả hiếu cho Mẹ bằng sự thành công khi được đánh giá là Thiên tài nước Mỹ. Có chăng một chốn gọi là chín suối? Nếu có, chắc Mẹ em đang nở nụ cười mãn nguyện: nhiệm vụ của bà đã hoàn thành.
Cám ơn Vương Hải, đã cho tôi niềm hãnh diện của người Việt
“Summer in the mind,
God opens his other eye:
Two moons in the lake”.
Vương Hải
TĂNG QUỐC VIỆT
Read more…

SAU LƯNG CỦA MỖI CÔNG DÂN LUÔN LÀ TỔ QUỐC



Tổng thống Park Chung-hee đã khóc vì thấy dân khổ quá. Ông tuyên bố sau 10 năm nữa sẽ có nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc, và sự thật đã đến với họ trong đó có Việt Nam.
Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích rằng, Hàn Quốc lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa, đây cũng bởi tính sĩ diện của họ rất cao.
Nhưng chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có được chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên cách đào tạo phương Tây sao cho phù hợp với đặc trưng của châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, Hàn Quốc chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, và để dành thời gian và công sức lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
Đúng 20 năm sau, năm 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn. Ô tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo… bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó mặc dù dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào, chỉ biết rằng trên tivi lúc đó chỉ có vẻn vẹn 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy.
Từ một dân tộc “xin việc”, tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động tại đây, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, mà người xếp hàng “xin việc” lúc bấy giờ lại là người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi “cho việc” người khác.
Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ. Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí.
Phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Ngay lập tức người Hàn tuyển chọn ra 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ… 4 năm sau tốt nghiệp, (năm 1992), những bộ phim đầu tay như: Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng,…với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet đã chinh phục được hàng triệu con tim.
Ngành làm phim đã phối hợp khéo léo với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng để xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
Vào năm 1988, ngoài 2.000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh thì cũng có ngần ấy người được cử sang Milan và Paris để học thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu “tròn tròn xinh xinh” của dân châu Á, người Tây không thích, không bán được. Có những năm mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ, ngạc nhiên và thích thú.
Ngoài ra, người Hàn cũng cử những sinh viên giỏi toán nhất nước theo học ngành tài chính ở các trường đại học lớn của Mỹ, với tham vọng Seoul sẽ thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời và họ tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Hộ không hề chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu có.
Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi. Ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á để cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy
Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải là “Made in Korea”, dù vào thập niên bảy mươi sản phẩm vô cùng kém cỏi và xấu xí. Nhưng nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?
Tôi đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở Việt Nam cẩn thận ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm ưa thích của chị ấy rồi nhắn mình mua giùm. Ở cửa hàng mỹ phẩm, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho xem, đều là của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tôi lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì cô đã không thành công khi tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng. Tôi nhìn cô ấy sững sờ, lẽ nào chỉ là 1 cô gái bán hàng bình thường mà có lòng yêu đất nước mãnh liệt thế sao? Tôi thôi bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không, vì kính phục quá. Lúc Tôi bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tôi biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.
St





99
1 bình luận

Thích




Bình luận
Read more…

THĂM MỘ ALEXANDRE DE RHODES TẠI BA TƯ - TRI ÂN NGƯỜI KHAI SÁNG CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes


“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ Quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.

Và may mắn thay, trong chuyến đi Ba Tư (Iran) lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.

 

Chân dung người sáng tạo chữ Quốc ngữ Việt Nam - Alexandre de Rhodes


SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG

Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.

Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih - một Hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.

 

Người đã giúp anh Trường có được tờ giấy phép vào thăm mộ ngài Alexandre de Rhodes

Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gốc Armenia, cô Malih hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.

Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.

Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.


NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG

Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….

 

Đường vào nghĩa trang nơi Ngài Alexandre de Rhodes an nghỉ

Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.
 

Anh Trường cùng thành viên trong Đoàn mua hoa trước khi đến thăm mộ Ngài Alexandre de Rhodes

Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.

Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam.

 

Mộ ngài Alexandre de Rhodes

Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẽ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc.

Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: "ông ấy là ai mà chúng tôi có vẻ tôn kính thế?". 

Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bảng chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt - Bồ - La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.

 

Anh Trường đặt lên mộ ngài bó hoa tươi thắm với tấm lòng thành kính


NGƯỜI QUẢN NGHĨA TRANG

Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm.

Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không.

Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.

Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thỉnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…


 

Anh Trường cùng người quản trang 
Rostam Gharibian

THAY LỜI TRI ÂN

Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.

Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, Ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm, chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.

Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ mãi mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.

 

Những người con đất Việt kính cẩn nghiêng mình trước mộ ALEXANDRE DE RHODE

Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.

Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes !”

 
Esfahan, Iran. 21/3/2017

Trần Văn Trường - GĐ VYC Travel
Read more…

HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ



Cỡi sao Cơ – Vĩ!

Nương ánh Khuê Tinh.(1)

Xe cưu mã rước thần xuôi lạc cảnh;(2)

Thuyền phúc ân nghinh phụ trẩy thiên đình.

Trí tụng suy - dạ bồi hồi nhớ cha khả kính;

Lòng thổn thức - tâm ngưỡng vọng công đức anh linh.

Khi xưa:

Can Mậu Niên Thìn, cắt rốn hòa nhân lọai;

Phú Cam Đất Huế, chôn rau nhập thế sinh.



Danh xưng: Văn Thuận;

Thánh hiệu: Phan Sinh.

Giống dòng tử đạo;

Thế phiệt trâm anh.

Đầy một giáp biệt mẹ cha, theo chân thiên triệu;

Đủ mười hai vào chủng viện, dõi gót duy linh.

Mài miệt rừng nhu biển thánh;

Luận suy bác cổ thông kim.

Mới tuổi hai lăm, chức thánh trao: thụ phong đời linh mục;

Vừa sang hai tám, bề trên phán: trẩy du học đăng trình.

Trương thư pháp làu làu Hán tự;

Gióng bút thần thông thạo La-Tinh.

Thêm nghiên cứu chữ Nha – Bồ - Pháp;

Lại trau dồi âm Bỉ - Hy - Anh.

Xuất dương hải ngọai tìm thâu tinh túy;

Hồi xứ sơn hà truyền đạt môn sinh.

Trồng cây nhỏ ươm mầm truyền giáo;

Gieo giống vàng gặt hạt Lan Đình. (3)

Chưa đủ bốn mươi, trí đẫy tràn ơn thần khí;

Ba mươi chín tuổi, tay quyền trượng dắt sinh linh.

Đất Nha Trang, tước chủ chăn đạt lý;

Đồng Phú Khánh, ngôi giám mục thấu tình,

Thuở điêu linh, đông tây so bì cốt nhục;

Thời tao lọan, nam bắc tán tận đệ huynh.

Dụng nhân trí vỗ về an chính đại!

Đem yêu thương ăm ắp nghĩa quang minh.

Từ Nha phận, vâng lời : nhận bài sai Tòa Thánh;

Đến Sài thành, tân nhiệm: Tổng Giám Mục kế quyền.

Ba mươi tháng tư - cơ trời vận nước;

Một chín bảy lăm – ngừng cuộc đao binh.

Thay cờ đổi chủ;

Quốc pháp gia hình.

Năm đinh mão chính ngày Mông Triệu;

Tiết trời thu đến khắc nộp mình?

Không bản án thế gian, mà cùm gông ngục thất?

Chẳng văn bài cáo trạng, sao xiềng xích xà lim?

Không bị gậy hành trang, không áo xống;

Chẳng bạc tiền lương thực, chẳng thông tin.

Nơi lao lý rực tràn ân cứu độ;

Chốn đọa đày cháy bỏng lửa thần linh.

Một giọt nước hòa chung ba giọt rượu;

Hai bàn tay dâng tiến lễ hy sinh.

Trong vô vọng cha khai “đường hy vọng”

Trước hận thù cha mở lối ân tình.

Bút thần khí trào tuôn trang giấy ố;

Ánh hắt hiu soi cửa sổ tụ hùynh.

Ba lượt lưu đày phát vãng;

Chín năm biệt lập ngục hình.

Thiên hạ thương tâm xứ;

Lao Lao tống khách đình.(4)

Này tù Phú Khánh - Cây Vông - Giang Xá;

Nọ ngục môn Nam – Trung – Bắc lưu trình.

Ủi an đồng nạn vững vàng cam khổ;

Cảm hóa quân canh thu phục lý hình.

Cận mặc giả hắc!

Cận đăng giả minh!(5)

Cuộc nhân thế khi thường khi biến;

Lẽ tuần hòan lúc nhục lúc vinh.

Năm ngàn buổi lao lung, trọng tù buông gông xóa án;

Mười ba năm thấm thóat, ngục sĩ tháo cũi cởi xiềng.

Nhìn qúa khứ đã sáu mươi: cây ngô đồng ngả bóng;

Nhủ tương lai dù lục tuế: thần hạc lão còn tinh.

Tại Hà Nội ba năm quản thúc;

Sang Rô Ma chạy chữa bệnh tình.

Nhà Hội Thánh mẹ hiền, an hòa ấp ủ;

Đức Giáo Tông cha thánh, chúc phúc an bình.

Trao nhiệm chức Hội Đồng Tòa Thánh!

Ủy thác vai Công Lý Hòa Bình.

Cả thế giới vui chào người trung nghĩa;

Khắp trần hòan mến mộ đức hy sinh.

Thất thập cổ lai, mũ Hồng Y ngời rực!;

Thiên niên kỷ mới, đầu bạch phát khôi tinh!

Kìa bóng thỏ mờ dần khung chiều tắt;

Nọ bạch câu vèo thóang cửa phù sinh.(6)

Bảy bốn tuổi cùng trần ai sánh bước;

Năm mươi năm dậy nhân thế công bình.

Đáo kỳ viên mãn!

Bách tuế quy linh!

Xác đã mất như hạt cây vùi xuống;

Thần còn đây mầm nở sống hòan sinh.

Hoa kỳ diệu nức hương lan hòan vũ;

Trái tròn đầy thỏa ngọt khắp sinh linh.

Vọng tưởng;

Giai thành.(7)

Bùi Nghiệp

CHÚ THÍCH :

( 1) sao Cơ, sao Vĩ, Sao Khuê : các ngôi sao tượng trưng cho văn học thông thái.

(2) Xe cưu mã : từ chữ ngựa cưu xe cói, bánh xe và móng ngựa phải buộc cỏ cói vào, để người già di chuyển cho êm ái.

(3) Lan đình : loài hoa thơm nở lâu không tàn

(4) Thiên hạ thương tâm xứ,Lao Lao tống khách đình.(thơ Lý Bạch) nghĩa là : Đây là nơi thương tâm trong chốn nhân gian,Tiễn khách ở đình Lao Lao.( Đình Lao Lao ở phía nam huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô ngày nay)

(5) Cận mặc giả hắc! Cận đăng giả minh!: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

(6) Bóng thỏ : ánh trăng; Bạch câu : do chữ bạch câu quá khích là bóng ngựa trắng vèo qua khe cửa. Hai chữ này ý nói thoáng qua.

(7) Giai thành : phần mộ.




Read more…

"CHÁY NHÀ SẼ RA MẶT CHUỘT" !

Có một con chuột bị mèo đuổi, vô tình chui vào trong tượng Phật trên chùa và làm tổ ở đó...
Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người dân mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật của toàn phủ phục, nên con chuột tự thấy mình cũng oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung…

Mỗi khi người dân đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai thế, đến loài người còn bái lại ta, mà bấy lâu nay sao cứ phải sợ mèo nhỉ!”.

Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và quỳ lạy như thế, chuột cũng ngộ nhận và tự cho mình cao quý và tôn kính như… Phật.
Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy... Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên:

- “Này mèo! Nhà người không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”
Mèo cười to:

- “Những người quỳ lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!

Trong cuộc sống, không ít những kẻ nhờ thủ đoạn, hoặc do may mắn, bỗng ngồi vào một ví trí nào đó, thấy những người xung quanh đều xum xoe nịnh nọt, bổng lộc tự đến đầy nhà… thì tưởng mình là tài năng, cao quý và oai vệ lắm.

Họ giống như con chuột bỗng chui vào tượng Phật, nhưng vì tự đắc, nên không hề biết người khác cung kính mình là vì nhân cách của Phật. Họ cũng ngộ nhận về học thức, ân đức của chính mình; không biết chỉ là nhờ vị trí cái ghế ngồi mà họ đang may mắn tạm thời nắm giữ. Họ càng không lường được rằng, rất có thể tới một ngày... “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột"!

Nguồn: ST
Read more…

Lịch sử Việt Nam tổng quát


Lịch sử Việt Nam từ đầu thời đại đồng thau, các bộ lạc người Việt đã định cư chắc chắn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sống chủ yếu ở miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, hàng chục bộ lạc Âu Việt sống chủ yếu ở miền Việt Bắc. Tại nhiều nơi, người Lạc Việt và người Âu Việt sống xen kẽ với nhau, bên cạnh các thành phần dân cư khác. 

Bản đồ Bách Việt: các bộ tộc người Việt thời cổ đại. Tham khảo Nội dung 1 Nhà nước Văn Lang 2 Âu Lạc 3 1000 năm Bắc thuộc 4 Thời kỳ độc lập thật sự Nhà nước Văn Lang Do nhu cầu trị thủy, nhu cầu chống ngoại xâm và do việc trao đổi kinh tế, văn hóa ngày càng gia tăng, các bộ lạc sinh sống gần gũi nhau có xu hướng tập hợp và thống nhất lại. Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả. Thủ lĩnh bộ lạc này là người đứng ra thống nhất tất cả các bộ lạc Lạc Việt, dựng lên nước Văn Lang, tự xưng là vua, mà sử cũ gọi là Hùng Vương và con cháu ông nhiều đời về sau vẫn nối truyền danh hiệu đó. 

Căn cứ vào các tài liệu sử học, có thể tạm xác định địa bàn nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ nước ta hiện nay cùng với một phần phía nam Quảng Ðông, Quảng Tây (Trung Quốc). 

Thời gian tồn tại của nước Văn Lang khoảng từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ 3 trước Công nguyên. Âu Lạc Năm 221 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng cho quân xâm lược đất của toàn bộ các nhóm người Việt. Thục Phán, thủ lĩnh liên minh các bộ lạc Âu Việt, được tôn làm người lãnh đạo cuộc chiến chống Tần. Năm 208 trước Công Nguyên, quân Tần phải rút lui. Với uy thế của mình, Thục Phán xưng vương (An Dương Vương), liên kết các bộ lạc Lạc Việt và Âu Việt lại, dựng nên nước Âu Lạc. 

1000 năm Bắc thuộc Năm 179 trước Công Nguyên, Triệu Đà, vua nước Nam Việt, tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại. Suốt 7 thế kỷ tiếp đó, mặc dù các thế lực phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ, chia nước ta thành nhiều châu, quận với những tên gọi khác lạ mà chúng đặt ra, nhưng vẫn không xóa nổi cái tên “Âu Lạc” trong ý thức, tình cảm và sinh hoạt thường ngày của nhân dân ta. 

Mùa xuân năm 542, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương, giải phóng lãnh thổ. Tháng 2-544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời. Chính quyền Lý Bí tồn tại không lâu rồi lại rơi vào vòng đô hộ của các triều đại phong kiến phương Trung Quốc (từ năm 602). Quốc hiệu Vạn Xuân bị vùi dập và chỉ được khôi phục sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc. 

Thời kỳ độc lập thật sự Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, chiến thắng Bạch Ðằng mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thật sự cho đất nước ta (mặc dù sau này vẫn thường xuyên bị xâm lược).

Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên các sứ quân cát cứ, thống nhất quốc gia, lên ngôi Hoàng đế và cho đổi quốc hiệu là Ðại Cồ Việt (nước Việt lớn). Quốc hiệu này duy trì suốt đời Ðinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu thời Lý (1010-1053). Năm 1054, nhân điềm lành lớn là việc xuất hiện một ngôi sao sáng chói nhiều ngày mới tắt, nhà Lý liền cho đổi tên nước là Ðại Việt và quốc hiệu Ðại Việt được giữ nguyên đến hết thời Trần. 

Tháng 3-1400, Hồ Quý Ly phế Trần Thiếu Ðế, lập ra nhà Hồ và cho đổi tên nước thành Ðại Ngu (“ngu” tiếng cổ có nghĩa là “sự yên vui”). Quốc hiệu đó tồn tại đến khi giặc Minh đánh bại triều Hồ (tháng 4-1407). 

Sau 10 năm kháng chiến (1418-1427), cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đặt tên nước là Ðại Việt (lãnh thổ nước ta lúc này về phía Nam đã tới Huế). 

Quốc hiệu Ðại Việt được giữ qua suốt thời hậu Lê (1428-1787) và thời Tây Sơn (1788-1810). 

Năm 1802, Nguyễn Ánh đăng quang, mở đầu thời Nguyễn và cho đổi tên nước là Việt Nam, Quốc hiệu Việt Nam được công nhận hoàn toàn về mặt ngoại giao để trở thành chính thức vào năm 1804. Tuy nhiên, hai tiếng “Việt Nam” lại thấy xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ cuối thế kỷ 14 đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí do trạng nguyên Hồ Tông Thốc biên soạn. 

Cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đầu thế kỷ 15) nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Ðiều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), chẳng hạn ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu : “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Người ta cũng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Phòng, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Tây, bia chùa Phúc Thành (1664) ở Bắc Ninh… Ðặc biệt bia Thủy Môn Ðình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu : “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ “Việt Nam” kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam). 

Ðến đời vua Minh Mạng (1820-1840), quốc hiệu được đổi thành Ðại Nam. Dù vậy, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm văn học, trong nhiều giao dịch dân sự và quan hệ xã hội. 

Lịch sử đã chứng minh, đất nước Việt Nam chúng ta mặc dù đã trải qua biết bao lần bị xâm lược, trải qua thời kỳ Bắc thuộc tưởng chừng như đã bị đồng hóa nhưng dân tộc ta vẫn luôn đấu tranh, luôn gìn giữ bản sắc dân tộc, vẫn luôn là “con rồng cháu tiên”.

Read more…

CƯỜI VĂNG NƯỚC... D.Á.I


CƯỜI VĂNG NƯỚC... D.Á.I

"Nói ngọng là tại hướng đình
Cả làng nói ngọng chứ mình em đâu"

Cứ bảo tiếng Hà Nội chuẩn, thế mà có ông nào quê xứ này làm được thủ tướng? Dân sống ở Hà Nội mình đa số phát âm chữ r, d, gi như nhau. PTV trên VTV toàn nói "mưa dào dải dác" chứ có uốn lưỡi cho chuẩn là "mưa rào rải rác" bao giờ

Như thằng cu IT ở công ty dặn tôi:

- Khi nào máy chạy chậm thì anh phải đe-le-te (delete) trong thùng dác đi, sau đó di-phét (refresh), không được thì anh di-tát (restart) cho em, không được nữa thì máy anh bị vi-dút cmnr!

Bố cái thằng “dồ”!

----------
Hơi xấu hổ, nhưng phải nói thật là gia đình tôi có truyền thống nói ngọng. Điển hình là bố tôi. Ông không thể nào phát âm được vần "ích". Ví dụ “o du kích” ông phát âm là “o du…kứt”, nghe rất phản cảm. Vì vậy ông luôn tránh từ này. Ông chuyển thành “cô dân quân”, thật là sáng tạo. May là tôi không có gien ngọng của ông, nhưng thằng em tôi thì kế thừa hoàn toàn. Nó nói sao mà tất cả dấu hỏi đều thành dấu nặng còn dấu ngã thì thành dấu sắc. Nó gọi tôi là “ăn Hại” thay vì "anh Hải". Học cấp 1 nó quên "vợ" ở nhà suốt. Có lần nó còn tâm sự với tôi rằng: "Em không “hiệu” sao “mối” lần em cười mạnh là văng “cạ” nước “dái”.

Tôi không hiểu nó cưa gái bằng ngôn từ hay hành động. Tôi đoán là nó sẽ cười để văng nước "dái" vào người con bé kia như một loại bùa yêu chăng? Thậm chí đến tận bây giờ nó vẫn ngọng, không "thệ hiệu" được thằng này thế nào. Có lần nó tặng tôi cái áo lông, nó bảo: "Áo lông vú đấy, của bọn tây, ấm lắm anh ạ".

Đúng là ấm thật đấy các bạn ạ. Mà tây nó lạnh nên nó mới có nhiều lông vú để mà thu hoạch chứ dân VN mềnh mỗi thằng vài sợi thì dệt thế quái nào được áo.

Nhưng thằng em tôi đặc biệt lắm, ngọng thế nó vẫn nói được ba thứ tiếng mới tài: Đức, Anh và Nhật! Chắc do nó học ĐH ở Đức, làm thạc sỹ ở Mỹ và làm việc cho hãng ô tô Nhật. Chỉ có điều bây giờ có vợ nên nó cười tế nhị hơn, chắc để tránh văng nước... dái vào người vợ.

----------

Dân miền Bắc mình có rất nhiều người nói lẫn l và n. Dân gian hay gọi là ngọng. Có người ngọng n, có người ngọng l, có người ngọng đều cả l và n mới tài. Chỉ cần đảo cho nhau là hết ngọng mà không thể làm được, thế chứ lị.

Tôi có thằng em họ dân Sài Gòn, ra Hà Nội ngủ ở nhà tôi, sáng ra nó bảo:
- Ở thủ đô cái gì cũng của Lào anh ạ.
- Mày điên à, Lào liếc gì?
- Thì đấy, tối nào em cũng thấy có thằng nó rao: bánh mỳ Lào, kết quả Lào, bánh khúc Lào, xôi Lào! Mà đồng nát cũng Lào, đổi dép cũng Lào, keo diệt chuột Lào… Lào cmn tất còn gì?

Bố sư thằng phản động! Nhưng mà nó nói quá đúng! Nhân tiện đây anh nhắc nhở cái thằng bán bánh mỳ Lào hay đi qua khu anh mày nhé. Mày đi chậm chậm thôi không thì phá sản con ạ. Tao chưa lần nào mua được bánh mỳ Lào của mày> Mày đạp xe bán bánh mà cứ như đổ đèo tua - đờ - phờ- răng thế thì bố thằng nào đuổi kịp mày hả? Mày kinh doanh hay mày trêu khách hàng thế? Đi chậm lại chứ!

----------

Hồi tôi còn học đại học, mấy thằng SV Xây dựng hay sang sân Bách Khoa đá bóng. Có lần thế nào đá xong có ông thấy mất đôi giầy mô-ca mua ở siêu thị vỉa hè đường Láng. Lẽ ra về luôn thì không sao nhưng thằng ngu ấy tiếc của, đứng chửi đổng:
⁃ Mẹ cha thằng “lào” lấy giầy của tao!
Đen cái là bọn sinh viên Lào đá ngay sân bên cạnh, nó nghe thấy chửi, cả “lước” nó lao sang a-lô-xô song phi thằng kia như bổ củi. Nhục nhục là!

----------

Một điều đặc biệt là dân ta ngọng ở mọi tầng lớp, từ nam phụ lão ấu đến già trẻ gái trai, từ công nhân tới trí thức, từ nhân viên lên lãnh đạo, thành thị đến nông thôn, từ bắc vô nam, miền núi đến hải đảo…, không phân biệt thành phần giai cấp. Sếp công ty cũ tôi chẳng hạn, lần đầu đi làm tôi choáng luôn. Đang họp giao ban thì có điện thoại, sếp tôi cầm lên nói luôn:

- A nô! Vâng, em chào anh Nong. Nâu không gặp anh. Dạ, cái gì ạ? Gạch “nát” à? Ôi, anh đừng dùng noại đấy. Để em nấy cho anh gạch Itani, “nát” đảm bảo nong nanh nuôn.

Ôi giời ôi, tôi đố ông nào mua được gạch “nát” mà lại của I-ta-ni đấy! Thứ nhất là tra gu gồ không có hãng I-ta-ni, thứ hai là nếu có nó cũng bán gạch nguyên vẹn, muốn nát chỉ có đem về đập ra thôi ối giời ôi.

À, còn nữa, có lần sếp gọi tôi vào bảo:

- Mày qua kiểm tra cho sếp T cái máy giặt anh tặng, anh thấy sếp bảo nó “nắc” quá!

- Thế máy sếp mua hãng nào ạ?

- “Ê nếc trôn nắc!”

Ôi cha mẹ ơi, sếp mua cái “noại” ấy nó “nắc” là đúng. Trôn nắc thì kinh rồi.

Chưa hết đâu. Sếp tôi hay tìm hiểu về công nghệ, có lần Sếp được tặng cái Tivi Samsung LED 60 inh to cụ. Hôm nhậu ở nhà, sếp bảo:

- Công nghệ màn hình mới nhất đấy! 
Các chú biết nà gì không?

- Không ạ! Anh em đồng thanh nói.

- Đèn NÉT! (LED)

Ôi sếp ơi là sếp ơi! Đau “nòng” em quá!

----------

Thưa các đồng chí và các bạn, trong cuộc sống, đặc biệt là giao tiếp, việc nói lẫn l-n khiến mọi câu chuyện nghiêm túc bỗng trở thành khôi hài. Nó làm cho người nghe có cái nhìn hơi thiếu thiện cảm, thậm chí đánh giá tiêu cực về người nói. Có lần tôi đi hội thảo về giao thông đô thị, có ông chuyên gia nói như sau:

- Có nhiều cách phân nàn, đơn giản nhất nà dùng con nươn. Con nươn rất nà ninh hoạt, nó phân nuồng, tránh chồng nấn giao thông, giảm niu nượng …

Ông chuyên gia chỉ nói một câu thôi mà khán giả đang nghiêm túc bỗng quay sang cười nói rôm rả. Tôi biết ông giận lắm, ông muốn chửi lắm, tôi chắc nếu được chửi ông sẽ chửi bọn khán giả thế này:

- Đ.m nũ nợn!

----------

Có một điều đặc biệt rằng không chỉ nói ngọng, dân mình viết cũng ngọng, văn bản giấy tờ pháp lý mà cứ như trò đùa. Tôi có ông anh làm đồ gỗ dân Hà Tây, lúc gặp nhau tôi hỏi:

- Anh cho em cái số di động của anh?

- 090xxxxxx. Anh tên là Nợi.

- ??!!! Vâng, anh Lợi ạ?

- Không, e nờ nhẹ. Nợi!

- Ôi, em tưởng anh nói lẫn l-n! Phải là Lợi chứ nhỉ??? Nợi làm gì có nghĩa?

- Tao không ngọng.

- Hay ngày xưa ông già anh đi khai sinh cho anh nói ngọng?

- Ông già tao cũng không ngọng đâu.

- Lạ nhỉ?

- Lạ cái gì! Là tại cái thằng hộ tịch ngày xưa nó viết ngọng. Giờ không sửa được nữa.

- Thôi, đừng sửa. Thế mới độc anh ạ !

- Độc độc cái... nồn!

Nguồn sưu tầm
Read more…