http://vhtttg.blogspot.de/ chân thành kính chúc Qúy Độc Giả An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

Chia sẻ thông tin văn hóa hữu ích

Chia sẻ thông tin văn hóa hữu ích

Những lời cuối cho một năm cũ


Năm 2014 sẽ qua đi. Ở Việt Nam nó sẽ qua đi và để lại rất nhiều đau đớn.

Năm 2014 để lại rất nhiều người trung thực và can đảm ở trong tù. Nó cũng để lại những người lương thiện đang trong nguy cơ bị tòa án lấy mạng sống để thế cho những kẻ có tội thực sự. Nó để lại bao nhiêu người dân lương thiện bị đánh chết ở cái nơi mà lẽ ra họ phải được bảo vệ, bởi những người sống bằng tiền thuế của họ và lẽ ra phải bảo vệ họ. Nó để lại những người phụ nữ quả cảm đang tuyệt thực đòi công lý. Nó để lại cả một xã hội trong tình trạng chấn thương tinh thần tập thể triền miên: oan ức nối tiếp oan ức, bất công nối tiếp bất công, mất mát nối tiếp mất mát, xót xa nối tiếp xót xa, phẫn nộ nối tiếp phẫn nộ. Ngay giữa thời bình mà hầu như chẳng có ngày nào được yên.

Năm 2014 còn để lại nguy cơ nô lệ cho cả một dân tộc.

Những ngày cuối năm dồn dập hung tin. Tôi không đủ năng lượng, không đủ thời gian, không đủ sự vững vàng tinh thần để đề cập đến tất cả các sự kiện. Xin nhường lại cho những người khác vụ việc những người tử tù oan, những người đang tuyệt thực, những cựu tù nhân lương tâm và những người hoạt động nhân quyền vô cớ bị đánh đập, và những vụ việc khác. Ở đây tôi dành vài lời cuối cùng của năm để nói về sự vụ bắt bớ các bloggers.

Đã có nhiều bài viết nhằm giải đáp câu hỏi vì sao các bloggers bị bắt. Trong bài này tôi đặt ra một câu hỏi khác: « Ai làm cho các bloggers bị bắt ? »

Câu trả lời tưởng như dễ dàng và đơn nhất: chính các bloggers bằng hành động làm blog đã tự dẫn mình đến chỗ bị bắt giam và phải vào tù.

Nhưng tôi cho rằng câu trả lời không đơn giản như thế.

Còn một câu trả lời khác: Chúng ta làm cho họ phải vào tù.

« Chúng ta » là ai ? Theo tôi, trong chữ « chúng ta » này có hai đối tượng (chữ « đối tượng » ở đây không được hiểu theo nghĩa mà công an thường dùng): các tác giả có bài được giới thiệu và các độc giả của những bloggers ấy.

Ta hãy lấy trường hợp Bọ Lập làm ví dụ: blog Quê Choa chủ yếu đăng lại các bài viết đã đăng ở nơi khác, hoặc đăng bài của những người khác gửi đến Quê Choa, Bọ Lập viết blog rất ít và hầu như không viết về đề tài chính trị. Vậy không thể nói rằng Bọ Lập bị bắt vì các bài viết của Bọ Lập.

Bọ Lập bị bắt vì giới thiệu bài viết của những người khác. Chính các tác giả viết bài (trong có tôi) đã làm cho Bọ Lập phải vào tù.

Mặt khác, để biết ai là người làm cho Bọ Lập vào tù ta phải trả lời thêm câu hỏi này: nếu Quê Choa đăng bài nhưng không có độc giả hoặc ít độc giả thì chủ nhân của Quê Choa có bị bắt không ? Câu trả lời chắc chắn là « không ». Nếu blog không có độc giả hoặc ít độc giả thì chính quyền đâu cần bận tâm.

Chính là con số hàng trăm triệu lượt truy cập của Blog Quê Choa đã khiến cho chính quyền bất chấp hết cả luật pháp lẫn đạo lý để đưa con người tàn tật ốm đau ấy vào nhà giam.

Chính sự yêu mến mà độc giả dành cho Quê Choa đã làm cho Bọ Lập phải vào tù.

Việc bắt Hồng Lê Thọ hoàn toàn nằm trong logic này. Nguyễn Hữu Vinh tuy có viết bài, có bày tỏ chính kiến một cách rõ ràng, nhưng cũng không đi ra ngoài logic này, bởi trang Ba Sàm cũng giới thiệu tin và đăng lại bài của người khác, cũng có số lượt độc giả truy cập rất lớn.

Sự lan tỏa của các blog là điều mà các chính quyền dân chủ rất ủng hộ, cổ vũ, nhưng đó lại là điều mà một chính quyền độc tài không chịu đựng nổi. Và blog chỉ có thể lan tỏa được khi có sự quan tâm của độc giả.

Chúng ta, các tác giả và độc giả của blog Ba Sàm, blog Trương Duy Nhất, blog Quê Choa, blog Người Lót Gạch…, chúng ta đừng quên rằng chính chúng ta đã đẩy Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ và những bloggers khác vào tù.

Chỉ còn lại là chúng ta có định làm gì cho họ không mà thôi. Một chữ ký, một bông hồng, một bài viết, đăng lại một bài của họ, nói lên một suy nghĩ về họ, tiếp tục công việc dang dở của họ (lập ra một blog khác, nếu không phải Quê Choa thì là Quê Tôi hay Quê Ta…, nếu không phải Người Lót Gạch thì là Người Lót Đường…), hay bất kỳ một hành động cá nhân hoặc hành động tập thể nào khác, để thể hiện chút tình đối với họ.

Việc các bloggers phải vào tù đặt chúng ta trước hai sự thật mà chúng ta phải đối diện: sự thật về chế độ, và sự thật về chính chúng ta.

Liệu chúng ta có thể im lặng nhìn họ ngồi tù trong đau yếu bệnh tật?

Liệu chúng ta có thể hoan hỉ say sưa đón năm mới, bỏ mặc họ một mình sau chấn song lạnh lùng tàn nhẫn của chế độ và sau màn sương mù lạnh lẽo vô cảm của chúng ta???

Họ đã làm rất nhiều cho chúng ta.

Họ đã làm rất nhiều và đã vào tù để giữ cho chúng ta niềm hy vọng, để cho chúng ta còn có thể tự hào rằng Việt Nam vẫn có những con người đích thực.

Họ vào tù để chúng ta được sống trong sự thật.

Họ dùng chính cuộc sống của họ để trả giá cho tự do của chúng ta.

Chúng ta đừng quên điều đó. Đừng để sự hy sinh của họ thành ra vô ích.

Chúng ta cần giữ ngọn lửa mà họ đã nhen nhóm và nuôi dưỡng suốt những năm qua, thổi bùng nó lên trong bóng đêm đen tối và lạnh giá này để tiếp tục đi về phía bình minh.

Paris, 27/12/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn: blog RFA
Read more…

Vài ghi chép ở Trung Quốc

Sân bay quốc tế Côn Minh. Ảnh: HM
Sân bay quốc tế Côn Minh. Ảnh: HM
Nhân tiện ở VN đang rộn tin về sân bay Tân Sơn Nhất bị sự cố đúng lúc ai đó đang phôi thai sân bay Long Thành vài chục tỷ đô la. Ở nước mình không cái gì là không có thể.  Người đọc tin và bình luận “tát nước theo mưa đôi” khi giúp xẻ thịt nốt sb Tân Sơn Nhất vốn là mảnh đất vàng. Và dự án Long Thành cũng giúp cho hàng ngàn người có villa, xe hơi, con cái du học.

Trung Quốc có chỉ số tham nhũng trung bình. Tuy nhiên, xem tờ báo China Daily trong khách sạn (26-11-2014) biết thêm, Tập Cận Bình đang vươn bàn tay sắt trị những kẻ trộm cắp hàng tỷ đô la. Năm qua, họ đã lôi hơn 500 kẻ tham nhũng từ nước ngoài về xử. Hợp tác với Mỹ và châu Âu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tập.
Tuy nhiên, họ làm ra những thứ mình ngưỡng mộ. Ăn cắp ăn trộm cũng phải để cho dân nghèo hưởng đôi chút. Nhìn sân bay Nội Bài từng là cánh én mùa xuân, nay như cái đống rác cũ của thời hội nhập, đủ biết người ta ăn cắp từng vòi nước đến viên gạch lát sàn. Trong khi đó, sân bay Bắc Kinh mỗi lần đến, đều thấy họ làm đẹp hơn, hiện đại hơn, chả khác gì Changi của Singapore, được cho là đẹp nhất thế giới.
Từ sân bay Vientiane, sau gần 2 tiếng trên trời, máy bay đầy ắp khách của hãng China Eastern Airlines đã hạ cánh xuống sân bay Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trước đó, mình cho rằng, đây là sân bay nhà quê, chắc không thể hơn Nội Bài nhà mình.
Khi máy bay hạ thấp độ cao, nhìn sân bay hình như được xây dựng trên một quả đổi khổng lồ, xung quanh là bình nguyên bao la, đường băng dài thẳng tắp và nhà ga như một chiếc máy bay đang cất cánh, mới hiểu mình đã nhầm.
Đây là sân bay nằm trên độ cao 2100m so với mực nước biển, có hai đường băng, máy bay nối đuôi lên xuống, phút một chuyến, tựa như bất kỳ sân bay hiện đại nào trên thế giới. Kunming Changshui International Airport có thể tiếp 38 triệu khách vào năm 2020 và sau đó tăng lên gần gấp đôi.
Vào trong sảnh, thấy như sân bay Bắc Kinh, cũng mái vòm ấy, đường đi lối lại như Changi, sạch và đẹp, các cửa kiểm tra an ninh, soát vé được tin học hoá gần như tối đa.
Mình từng học lịch sử, cụ Hồ tới Côn Minh cầu cứu bạn giúp ta chống Pháp khi đó còn rất nghèo. Bây giờ thủ phủ của Vân Nam đã phát triển vượt bậc, xứng đáng với một tỉnh có diện tích (394.100 km²) rộng hơn Việt Nam, dân số 45 triệu.
Hôm qua (26-11-2014) tôi đi tiếp sang Mongolia từ sân bay Bắc Kinh. Qua sân bay này khá nhiều lần nên thấy sự thay đổi ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và hiện đại hơn. Năm 2008, với 600 triệu đô la để cải tạo mở rộng và nâng cấp là vốn vay của ngân hàng Châu Âu, họ đã làm nhiều kỳ tích.
Kể từ năm 2004, đây là sân bay bận rộn nhất châu Á. Số lượng khách tăng dần từ 33 triệu năm 2005, thì năm 2009 đã là 65 triệu, năm 2010 đã đạt 73 triệu. Với hơn nửa triệu lượt máy bay lên  xuống trong năm 2013, sân bay Bắc Kinh được đánh giá đứng thứ 2 trên thế giới về số hành khách (83 triệu), chỉ sau sân bay Atlanta của Mỹ (94 triệu).
Danh sách những sân bay bận rộn nhất thế giới có thể xem tại đây.
Sảnh của sân bay Bắc Kinh. Ảnh: HM
Sảnh của sân bay Bắc Kinh. Ảnh: HM
Dịch vụ trên sân bay thật hoàn hảo, từ xếp chỗ, cân hàng, phục vụ mặt đất, tới cửa khẩu, từ cái xe đẩy hàng rất sạch và nhẹ, sàn bóng như khách sạn 5 sao,  tất cả đều thuận tiện cho khách đi lại.  3 terminals được nối bằng những tầu điện chạy tự động, chẳng khác gì Tokyo hay Washington DC.
Cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh khoảng 20km, đi tắc xi hết 100 tệ, cao tốc 6 làn xe chạy hai chiều, tốc độ 60km-100km/giờ, hai bên đường là cây xanh, qui hoạch đô thị đâu ra đấy. không có chuyện nhà cửa thụt thò, kiến trúc nham nhở như từ Nội Bài về Hà Nội. Cùng là nước XHCN, Trung Quốc làm ra khá nhiều thứ chất lượng cao, đường xá đâu vào đó, sân bay đạt trình độ quốc tế.
Nghe đồn nước mình định xây dựng sân bay Long Thành mấy chục tỷ đô la, chẳng hiểu khi hoàn thành có bằng một góc của Côn Minh hay Bắc Kinh. Với xếp hạng tham nhũng gần cuối bảng, minh bạch đội sổ, nhân quyền và tự do báo chí luôn bị xếp thứ cuối, thì khó mà nói chuyện làm cái gì cho ra hồn. Những kẻ quyền thế có thể bỏ tù bất kỳ ai nếu quyền lợi trộm cắp của chúng bị phanh phui. Lúc về hưu mới xử như xử Tổng thanh tra Trần Văn Truyền “thối tay” thì quốc gia đã mục ruỗng vì bầy sâu.
Chuyện vui khi “Vạn lý trường chinh”
Trung Quốc đã tiến rất xa, nhưng tiếng Anh còn nhiều bất cập. Trên sân bay Côn Minh kể cả Bắc Kinh, đội ngũ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp, nhưng tiếng Anh hơi yếu, dù họ rất cố gắng.
Từ Vientiane đi, mình hỏi, bay bao lâu thì đến nơi (Côn Minh), cô bé xinh, miệng cười chúm chím rất tươi, 4 giờ chiều, thưa ông. Hóa ra là giờ đến. Hỏi mấy giờ địa phương, lại bảo, 2 tiếng bay thôi, nhanh lắm, thưa ông.
Xin ly nước cam, nàng mang nước xoài. Xin nước chè xanh nàng mang chè đen.  Hỏi gì cũng yes, yes, và yes, nụ cười như trong Hồng Lâu Mộng, chỉ tội mình nói nàng không hiểu, nàng nói mình cũng lắc. Mình nói tiếng Anh, nàng phang tiếng Tầu, thế mà vẫn vui và hiểu nhau. Ngôn ngữ tình yêu chẳng cần lời :razz:
Về dịch vụ, dân Trung Quốc thuộc về đẳng cấp thế giới. Nhìn người ta bưng bê, lau chùi bàn ghế, quét dọn…rất chăm chú và để tâm vào công việc. Đất nước này rồi còn tiến xa vì sự cần cù, chịu khó.
Tuy nhiên có chi tiết nói to, cười to, nhổ bậy, khạc đờm…nổi tiếng thế giới. Năm 2008, chính quyền Bắc Kinh từng có chiến dịch chống nhổ bậy để phục vụ Olympic thế giới.
Đến sân bay Bắc Kinh đã 11 giờ đêm. Taxi hàng đàn như châu chấu. Một anh đứng cầm gậy chỉ huy rất chuyên nghiệp. Anh ta ước lượng khoảng 20 xe cho tiến lên đón khách. Hết lượt lại đến xe khác, rất nhanh và thuận tiện.
Mình được một cụ cỡ tuổi anh Cua, râu lởm khởm, đón lên xe. Cụ đứng nhìn mình đưa va li vào khoang hành lý, và coi như là việc của khách đi xe.
Mình nói tiếng Anh, làm ơn cho về khách sạn Shangri-La (China World Hotel) rất nổi tiếng ở Bắc Kinh. Bố ta “hảo lờ, hảo lờ” rồi ra hiệu đưa địa chỉ. Bố bảo “búa tủng English”. Loay hoay một hồi, lo quá, chẳng biết làm thế nào cho dân TQ hội nhập, đành gọi thằng cu chỉ huy taxi. Nó xem xong, xủng xoảng một hồi, cụ lái cười ha ha rất to, lại “hảo lờ, hảo lờ”.
Dọc đường, mình hỏi chuyện tiếng Anh, ông trả lời tiếng Tầu, cứ như là cả thế giới biết tiếng nước này. Dân Trung Quốc cũng vui, nói mà không cần người khác hiểu và coi như xong nhiệm vụ.
Rồi ông ra hiệu, anh Cua người nước nào. Ủa sư duê nản dẩn – tôi là người Việt Nam. Bố ta sướng quá, duê nản, duê nản, đả, trảm… chắc bảo là TQ và VN sắp đánh nhau. Mình bảo, ủa tủng sản, you tủng sản too, why fighting – tôi là cộng sản, anh là cộng sản, sao lại đánh nhau. Búa tủng. Thế là hai bên tịt ngóm, hết vốn từ.
Nói rồi bố ho sù sụ và khạc một cục đờm cỡ cái chén. Cứ nghĩ bố ta cho vào cái khăn gì cho lịch sự, bỗng ông kéo cửa kính, phun toẹt ra đường highway, xe đang tốc độ 100km/giờ, chắc phải bay vài chục mét, chưa chừng rơi toẹt vào cửa kính xe sau.
Nội thất của sb Bắc Kinh. Ảnh: HM
Nội thất của sb Bắc Kinh. Ảnh: HM
Từ sân bay về khách sạn mất khoảng 30 phút, không tắc đường, có lẽ nửa đêm rồi. Hai bên cứ thế nôn ọe tiếng tầu, tiếng Anh, bác tài ho và khạc nhổ đờm cỡ 20 lần thì tới China World Hotel ngay trên đại lộ Tràng An, đêm về đẹp như trong mộng.
Khi bay sang Ulaanbaataar (Ulanbator), gặp anh lái xe Mông mắt híp, do vp thuê ra đón, vui như hội. Anh ấy nói tiếng Anh tốt hơn, thỉnh thoảng phang một từ na ná tiếng Nga. Thế là mình được dịp trổ tài tiếng của Putin một lúc mỏi cả tay.
Thấy cái xe bus chạy bằng điện như thời Liên Xô, mình mới hỏi, anh thích nước nào nhất: Liên Xô, Trung Quốc hay Mỹ. Anh ý nghĩ một lúc lâu rồi bảo, Liên Xô chết rồi, không còn Lê Nin ở đây (dân giật tượng Lê Nin đổ năm ngoái), thích Mỹ hơn và chỉ luôn quán KFC ven đường. Anh rất ghét dân Trung Quốc vì hay khạc đờm nơi công cộng, tởm lắm, ochien plokhơ – rất kém tắm.
Hóa ra không chỉ có Cua sợ đờm Trung Quốc mà lạc hậu như Mông cổ du mục cũng thấy kinh, dù ở đây đang là -15oC, đờm có nhổ ra thì đóng băng trong vòng 1 phút.
Gửi bà con vài tấm ảnh minh họa cho lời Cua Times nói cấm sai. Chụp bằng Lumix. LX7
HM. 26-11-2014
Một góc của Côn Minh. Ảnh: HM
Một góc của Côn Minh. Ảnh: HM
Côn Minh từ trên cao. Ảnh: HM
Côn Minh từ trên cao. Ảnh: HM
Nhà máy được tổ chức đâu ra đó. Ảnh: HM
Nhà máy được tổ chức đâu ra đó. Ảnh: HM
Sân bay Côn Minh được xây trên một quả đồi. Ảnh: HM
Sân bay Côn Minh được xây trên một quả đồi. Ảnh: HM
Cảng hàng không Côn Minh. Ảnh: HM
Cảng hàng không Côn Minh. Ảnh: HM
Sảnh đợi của Côn Minh. Ảnh: HM
Sảnh đợi của Côn Minh. Ảnh: HM
Cửa ra máy bay của Côn Minh. Ảnh: HM
Cửa ra máy bay của Côn Minh. Ảnh: HM
China Eastern Airlines. Ảnh: HM
China Eastern Airlines. Ảnh: HM
Bắc Kinh: Sảnh đi quốc tế. Ảnh: HM
Bắc Kinh: Sảnh đi quốc tế. Ảnh: HM
Lối ra tầu điện đi các terminal. Ảnh: HM
Lối ra tầu điện đi các terminal. Ảnh: HM
Mái tóc để chỏm truyền thống. Ảnh: HM
Dân nghềo trong sân bay BK. Mái tóc để chỏm truyền thống. Ảnh: HM
Phòng dành cho Business Class của sb Bắc Kinh. Ảnh: HM
Phòng dành cho Business Class của sb Bắc Kinh. Ảnh: HM
P1150273_01
Xe điện thời Lê Nin vẫn chạy ở Ulaanbaataar. Ảnh: HM
KFC - Dấu hiệu Lincoln - Washington đang tìm cách thay thế Lê Nin. Ảnh: HM
KFC – Dấu hiệu của người Mỹ đang tìm cách thay thế Lê Nin. Ảnh: HM

Nguồn: HIỆU MINH BLOG
Read more…

LỚN LÊN MỚI BIẾT




Hồi nhỏ tưởng CS dạy lịch sử là để biết về tổ tiên nòi giống
Lớn lên mới biết là láu cá nhồi sọ
Hồi nhỏ tưởng ráng học thành tài để phục vụ đất nước
Lớn lên mới biết thành tài chỉ được phục vụ Nga Tàu và nước khác
Hồi nhỏ tưởng công an bắt cướp
Lớn lên mới biết công an ăn cướp
Hồi nhỏ tưởng cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc
Lớn lên mới biết đó là cờ Phúc Kiến bên Tàu
Hồi nhỏ tưởng Mỹ-Nguỵ là ác
Lớn lên mới biết CS mới ác
Hồi nhỏ tưởng bán vàng giàu nhất
Lớn lên mới biết bán nước giàu hơn
Hồi nhỏ tưởng đánh trận lập công lớn mới được lên tướng
Lớn lên mới biết lòn cúi hèn hạ với giặc cũng lên tướng
Hồi nhỏ tưởng chống Tàu là yêu nước
Lớn lên mới biết chống Tàu là phản quốc
Hồi nhỏ tưởng Đảng giải phóng miền Nam đói rách
Lớn lên mới biết là cướp miền nam giàu có
Hồi nhỏ tưởng bác Hồ là người Việt Nam
Lớn lên mới biết là người Tàu
Hồi nhỏ tưởng cán bộ là đầy tớ lo cho dân ấm no
Lớn lên mới biết dân là đầy tớ lo cho cán bộ ấm no
Hồi nhỏ tưởng yêu nước là yêu tổ quốc
Lớn lên mới biết yêu nước là yêu Đảng
Hồi nhỏ tưởng những người lưu vong là Việt gian
Lớn lên mới biết đó là khúc ruột ngàn dặm
Hồi nhỏ tưởng hi sinh xương máu đánh Mỹ là đánh cho dân tộc
Lớn lên mới biết là đánh cho Liên Sô và Tàu
Hồi nhỏ tưởng Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Hồ Thị Kỷ là anh hùng
Lớn lên mới biết đó là sản phẫm tuyên truyền bố láo
Hồi nhỏ tưởng thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Đảo Gạc Ma là của Việt Nam
Lớn lên mới biết Đảng đã bán cho Tàu
Hồi nhỏ tưởng muốn thành tiên thành thánh phải tu thân tích đức
Lớn lên mới biết gian manh xảo trá độc ác giết vài triệu người thì Bác Hồ mới được thành tiên thành thánh
Hồi nhỏ tưởng tiền cứu trợ thiên tai dành cho dân
Lớn lên mới biết dành cho cán bộ.
Hồi nhỏ tưởng cờ vàng của bọn “nguỵ”
Lớn lên mới biết cờ vàng có từ thời Vua Thành Thái

Học sinh Miền Bắc
Read more…

GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN: MỜI ĐỌC BÀI VĂN CỦA THIÊN ĐƯỜNG XHCN: HA HA HA


Read more…

Trúng số rồi khánh kiệt

Trong khi nhiều người dân nước Mỹ “thèm thuồng” nhìn một công dân ở bang Florida (Mỹ) hồi tháng 5 vừa qua ẵm giải độc đắc Powerball trị giá hơn 590 triệu USD, mức trúng thưởng cao nhất từ trước đến nay, trang tin Business Insider (Mỹ) đã điểm lại danh sách 10 người từng trở nên siêu giàu nhờ trúng số triệu đô nhưng sau đó lại nhanh chóng lâm vào cảnh túng bấn hoặc tự kết liễu cuộc đời mình.
1
Trúng số chưa hẳn là may?
  1. Gia đình Griffith (Anh)
Giải độc đắc: 2,76 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 6 năm
Trước khi trúng giải độc đắc trị giá 2,76 triệu USD hồi năm 2006, hai vợ chồng Lara và Robert Griffith hiếm khi gây gổ.  Họ đã mua một căn nhà trị giá một triệu USD và một chiếc xe Porsche sang trọng sau khi lãnh giải.
Tuy nhiên, vào năm 2012, Robert lái chiếc Porsche bỏ đi sau khi Lara chất vấn chồng về những email cho thấy anh này đang có tình cảm với một người phụ nữ khác.
Thế là cuộc hôn nhân kéo dài 14 năm của họ tan vỡ, rồi một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu hủy toàn bộ căn nhà. Giờ thì Lara chẳng còn lại một xu nào từ khoản tiền trúng số đó nữa.
2
  1. Sharon Tirabassi (Canada)
Giải độc đắc: hơn 10 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: khoảng 9 năm
Vào năm 2004, Sharon Tirabassi, một bà mẹ độc thân phải sống nhờ trợ cấp xã hội tại Canada, trúng độc đắc hơn 10 triệu USD.
Cô này vung tiền trúng số cho việc mua một căn nhà lớn, những chiếc xe sang, quần áo hiệu, những chuyến du lịch đắt giá, tiệc tùng, tặng người thân, cho bạn bè vay.  Kết quả là chưa đến 10 năm sau, Tirabassi giờ đây phải quay lại kiếm sống bằng nghề lái xe buýt, làm thêm giờ và sống trong một căn hộ cho thuê.
May mắn là cô còn để lại được một số tiền cho sáu đứa con của mình với điều kiện chúng chỉ được phép lấy khi tròn 26 tuổi.
3
Xếp hàng mua vé số Powerball
  1. Suzanne Mullins (Mỹ)
Giải độc đắc: 4,2 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm
Khi trúng thưởng khoản tiền 4,2 triệu USD vào năm 1993 tại bang Virginia (Mỹ), Suzanne Mullins quyết định chọn hình thức nhận tiền trúng thưởng hằng năm, thay vì lãnh trọn một lần.
Bà này ban đầu mượn một số tiền trị giá 200.000 USD và dùng những khoản tiền trúng giải hằng năm để thanh toán.
Sau đó, Mullins đã đổi qua nhận tiền thưởng luôn một lần và ngưng không tiếp tục trả nợ, dẫn đến tình trạng nợ nần ngập đầu do lãi mẹ đẻ lãi con.  Các chủ nợ đã đâm đơn kiện và tòa đã yêu cầu bà này nộp 154 triệu USD. Tuy nhiên, bà đã không còn “một xu dính túi”.
  1. Evelyn Adams (Mỹ)
Giải độc đắc: 5,4 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 15 năm
Evelyn Adams, ngụ tại bang New Jersey (Mỹ), trúng độc đắc đến hai lần, một lần vào năm 1985 và lần thứ hai một năm sau đó, với tổng số tiền là 5,4 triệu USD.
Bà này sau đó đã nướng sạch tiền vào trong các sòng bạc ở thành phố Atlantic. Giờ thì bà đang sống lang thang trong công viên.
4
  1. Jack Whittaker (Mỹ)
Giải độc đắc: 315 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 4 năm
Trước khi trúng giải độc đắc trị giá 315 triệu USD của vé số Powerball vào năm 2002, Jack Whittaker đã có một cuộc sống khá giả tại bang West Virginia, với một công ty dịch vụ trị giá hơn 1 triệu USD.
Ông này sau đó đã trích một phần tiền trúng thưởng để xây nhà thờ, bỏ ra 10% để làm từ thiện và thành lập một quỹ từ thiện của riêng mình.  Whittaker có lẽ sẽ không có tên trong danh sách này nếu như vận rủi liên tục đến với ông.
Ông bị trộm cuỗm mất hơn 500.000 USD khi đậu xe bên ngoài một câu lạc bộ thoát y. Ông trở nên nghiện rượu, ly dị vợ và thường xuyên gây gổ với những người xung quanh.  Chỉ trong vòng 4 năm, toàn bộ tài sản của Whittaker đã tiêu tan và ông này từng tuyên bố rằng lấy làm tiếc phải chi mình xé tờ vé số trúng đi.
5
  1. Janite Lee (Mỹ)
Giải độc đắc: 18 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm
Janite Lee, một người nhập cư gốc Hàn Quốc sống tại Mỹ, có một quyết định lạ lùng khi chọn cách chi 18 triệu USD tiền trúng số cho người khác hơn là cho bản thân.
Sau khi trúng số hồi năm 1993, bà này đã dùng phần lớn tài sản mà mình vừa may mắn có được để tài trợ cho các chương trình của chính phủ và cho các tổ chức chính trị.  Lee từng được ăn tối cùng cựu Tổng thống Bill Clinton nhờ những khoản đóng góp kếch xù của mình.  Lee còn cho Đại học Washington (Mỹ) 1 triệu USD để xây một thư viện. Nhà trường đã lấy tên bà để đặt cho thư viện mới này.
Ngoài ra, bà cũng rất mê cờ bạc. Với thói quen chi 347.000 USD/năm, bà nhanh chóng ngập trong nợ nần và phải tuyên bố phá sản vào năm 2001.
  1. Michael Carroll (Anh)
Giải độc đắc: 15,5 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 8 năm
Vào năm 2002, Michael Carroll, một thanh niên 19 tuổi làm nghề dọn rác, trúng độc đắc khoảng 15,5 triệu USD. Sau khi trở nên giàu có, Carroll bắt đầu vung tiền vô tội vạ, mua quà cho gia đình và bạn bè, hút ma túy, rượu chè, cờ bạc và thường ngủ với bốn gái mại dâm/ngày.
Tám năm sau, anh này quay lại nghề dọn rác.
6
Mega Millions grows to $640M
  1. Billie Bob Harrell Jr. (Mỹ)
Giải độc đắc: 31 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 20 tháng
Billie Bob Harrell Jr. trúng giải thưởng độc đắc 31 triệu USD vào năm 1997 khi đang là một người bán hàng rong.  Ban đầu, ông này mua một trang trại, tậu thêm 6 căn nhà và nhiều xe hơi.
Nhưng cũng giống như những người trúng vé số khác, Harrell không thể từ chối những lời cầu khẩn vay tiền từ bạn bè và người thân, để rồi trở nên khánh kiệt chỉ trong vòng 20 tháng.
Harrell tự sát vào năm 1999.
7
  1. Callie Rogers (Anh)
Giải độc đắc: 3 triệu USD.
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 6 năm
Khi trúng độc đắc 3 triệu USD vào năm 2003, Callie Rogers chỉ mới 16 tuổi. Cô này tung tiền vào mọi thứ, từ quần áo, các chuyến du lịch, tiệc tùng, phẫu thuật thẩm mỹ để tăng kích cỡ vòng ngực và ma túy.
Sáu năm sau, cô lâm vào cảnh nợ nần và đã hai lần tìm cách tự sát. Cuối cùng, Rogers phải đi làm người ở để có tiền nuôi sống bản thân và hai đứa con.
  1. Gerald Muswagon (Canada)
Giải độc đắc: 10 triệu USD
Thời gian từ lúc trúng số đến lúc khánh kiệt: 7 năm
Vào năm 1998, Gerald Muswagon trúng độc đắc 10 triệu USD tại Canada. Tuy nhiên, anh này nướng hết tiền vào rượu và tiệc tùng trong vòng vỏn vẹn có 7 năm.
Đến năm 2005, Muswagon tìm đến cái chết bằng cách tự treo cổ trong nhà xe của cha mẹ.
8
Còn tui, mặc dầu không có trúng độc đắc, nhưng cũng không khá hơn 10 nhà triệu phú trên đây vì bị con bồ nhí chia tay, chỉ còn có chiếc… bicycle.
Nguồn: Phan Van Phuoc
Read more…

CHỢ TRỜI SAU 1975 ĐẢNG cs CƯỚP SÀI GÒN

Giờ thì anh em cải tạo, người nào cũng ‘sáu, bẩy bó’, lưu lạc bốn phương, kẻ ở lại trong nước, người đã ra nước ngoài. Ngồi viết lại chuyện chợ trời để nhớ lại một thời điêu linh. 

- Mại dzô… Mại dzô… Đồng hồ mười hai trụ đèn, không người lái, hai cửa sổ… Xem thử đi các đồng chí… Cái đồng hồ này đáng giá cả một gia tài, nhưng bây giờ chỉ bán với giá ủng hộ… 

- Chụp ảnh lấy liền chỉ mất 30 giây bằng máy Polaroid tối tân của Mỹ… Chụp đầy đủ cả bộ Đạp-Đổng-Đài để làm kỷ niệm… Chỉ còn một ít giấy ảnh, chụp ngay kẻo hết... Giá chỉ một ngàn đồng Ngụy một tấm… 








Vài chú bộ đội tần ngần dừng chân đứng lại, một chú thắc mắc: 


- Chụp 30 giây "nà thế lào"? 
- Chỉ sau 30 giây là đồng chí có một tấm ảnh bên cạnh xe đạp, đồng hồ đeo trên tay và radio đeo bên nách… Chụp đi đồng chí rồi gửi về Bắc làm kỷ niệm, chỉ mất có 1 đồng tiền mới, không có tiền mới thì trả tiền Ngụy cũng được! 




‘Đạo cụ’ của anh thợ chụp hình gồm chiếc xe đạp, cái vỏ radio bằng da và nếu người chụp không có đồng hồ anh ta sẵn sàng cho mượn để thực hiện một bộ sưu tập Đạp-Đổng-Đài như quảng cáo. 

Mặt hàng ăn khách nhất ở chợ trời là “3D” (Đạp, Đổng, Đài) được đánh giá là ‘đỉnh cao’ của sự sung túc theo tiêu chuẩn người miền Bắc. Đồng hồ họ thích loại có nhiều cửa sổ’, một cửa sổ thì có ngày, hai cửa sổ thì có cả ngày lẫn thứ nhưng không biết họ có hiểu những chữ Mon, Tue, Wed... hay không? 

Radio thì ở miền Nam hầu như gia đình nào cũng có, nào là Sony, National, Zenith... có đủ cả AM lẫn FM.

Tình thế đã thay đổi nên nhu cầu nghe radio không còn cần thiết, cách tốt nhất là đem ra chợ trời bán lấy tiền mua gạo.
Xe đạp thì Sài Gòn cũng không hiếm và chạy đầy đường, kiểu cách thì đa dạng không như xe Phượng Hoàng của Trung Quốc vốn lâu nay làm chúa đường phố Hà Nội. 


Chú bộ đội ngồi hóng chuyện dân chợ trời 

Chợ trời là ‘nền kinh tế mới nổi’ trong thời kỳ Sài Gòn vừa đổi chủ. Chợ trời, ve chai, lạc soong nở rộ khắp hang cùng ngõ hẻm. Bụng đói nên mọi người phải ra đường kiếm kế mưu sinh. Trong hàng ngũ dân chợ trời, những người chân chính kiếm sống gồm đủ thành phần.




Người ta đồn ca sĩ Thái Thanh đi bán xôi ở khu vườn hoa Công lý, nhạc sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) ra chợ trời Sài Gòn. Thế là gần như ban Thăng Long xuống đường hợp ca bản… chợ trời! 




Danh ca Thái Thanh và hai cố nhạc sĩ Hoài Trung & Hoài Bắc 

Nhà văn Nguyễn Thụy Long với tác phẩm nổi tiếng Loan Mắt Nhung vốn hiền lành là thế nhưng cũng phải chạy chợ trời để nuôi con khi bị vợ bỏ. Nguyễn Thụy Long tâm sự: “Ra chợ trời có nhiều mánh kiếm ăn nhưng tôi chẳng được ‘quý phái’ như nhiều tay chợ trời khác. Như ký giả Hồng Dương buôn bán vàng ở chợ Lê Thánh Tôn, vải vóc, quần áo cũ hay sách báo lậu, môi giới ăn hoa hồng. Tôi cũng là dân chợ trời nhưng mua đi bán lại vài ba cái bù loong dỉ nên rất là đói rách…” 
Nhà giáo vì ‘mất dậy’, ‘vô lương’ nên phải đứng chợ trời. Công chức mất sở làm phải ra chợ trời còn sĩ quan ‘ngụy’ bận đi cải tạo... Từ xưa, trong mắt số đông người miền Nam, chợ trời đồng nghĩa với sự lừa đảo, dối trá, ma lanh, láu cá. ‘Dân chợ trời’ là một cụm từ miệt thị chỉ những tay mua bán theo cơ hội, thời cơ nhưng trong thời điêu linh, Sài Gòn biến thành một chợ trời khổng lồ, trong đó đủ các thành phần xã hội, thượng vàng hạ cám. Tất cả chỉ vì miếng ăn, có cái tọng vào họng là được, bất kể sang hèn. 





Chợ trời là một hiện tượng nở rộ tại Sài Gòn trong thời điêu linh, kể từ sau 30/4/1975. Về mặt kinh tế, những nơi nào có nhu cầu mua-bán thì ở đó có chợ trời. Tuy nhiên, xét cho cùng, chợ trời thời điêu linh là một hình thức tự phát khi nhu cầu của người miền Nam cần bán những mặt hàng được coi là không còn cần thiết trong tình hình mới gặp nhu cầu của người mua là những người đến từ phương Bắc, họ săn nhặt những mặt hàng lạ còn sót lại từ thế giới tư bản niền Nam. 

Bước vào khu vục chợ trời, bạn sẽ được chào đón bằng câu: ‘Có gì bán không anh?’. Nhiều người tỏ vẻ bất bình trước câu hỏi sỗ sàng đó, có người lại trả đũa một cách khó chịu: ‘Tôi bán tôi, anh có mua không?’. Sau này, không ngờ câu hỏi cay cú đó lại được sử dụng ở các chợ người, hay còn gọi là ‘chợ lao động’. 

Cán ngố bên những chiếc xe đạp thồ trước dinh Độc Lập 

Ở gần khu vực tôi sinh sống có chợ trời Lăng Cha Cả. Chợ buôn bán đủ các loại mặt hàng, từ ‘thượng vàng’ đến ‘hạ cám’. Tại đây, tôi đã từng đem bán cái nhẫn tốt nghiệp United States Defense Language Institute và chiếc quần jeans có cái nhãn Levi’s gắn bên cạnh túi. Bán được 2 món đồ thấy nhẹ hẳn người vì không còn ‘tàn dư Mỹ Ngụy’ trên người mà lại có tiền cho vợ con đong gạo ‘bông cỏ’, mua khoai lang sùng, khoai mì chạy chỉ và cả ‘cao lương’ tức hột bo bo cứng như đá để độn cơm. Thật đúng là thời ‘cao lương mỹ vị’ đến độ ‘cao lương’ trở thành món tầm thường mà ai cũng ngán. Phải nói là ngán ngẩm mới đúng.

Nhà văn Hoàng Hải Thủy vốn là người rất ít khi làm thơ nhưng chợ trời đã khiến ông ‘tức cảnh’ với những dòng dưới đây: 

Đói ăn ra đứng chợ trời
Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây?
Chợ bầy những đọa cùng đầy
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa
Bán đồ toàn những người ta
Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường
Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường
Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây! 

Ở chợ trời, người bán nhiều hơn người mua, dĩ nhiên đa số người mua là những ‘Ma’ cùng ‘Mường’, họ là những từ phương xa đổ vào thành phố. Họ là những chiến binh chất phác, chân quê, ‘xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’ và khi được đặt chân lên Hòn Ngọc Viễn Đông họ ngỡ ngàng như trong mơ, hàng hóa phong phú như ở các nước… Đông Âu! 

Bên cạnh những chiến binh chân chất là những anh bộ đội có tính ‘sĩ diện hão’. Hỏi anh ngoài Bắc có ‘ti vi’ không, anh trả lời như một cái máy ghi âm Akai: “Thứ đó chạy đầy đường”. Hình như, theo sự hiểu biết của anh, TV là một loại xe Honda nên nói liều là… chạy đầy đường!

Quà từ Sài Gòn mới giải phóng 

Đến khi thân nhân ở nước ngoài gửi quà về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất và bưu điện đường Hai Bà Trưng lại phát sinh một nghề mới, nghề chợ trời mua thu gom đồ. Họ bám lấy người đi lãnh đồ như ruồi, không tiền đóng thuế cho hải quan, họ tình nguyện đóng thuế giùm, miễn là bán lại đồ cho họ. 

Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh cười ra nước mắt ở chỗ lãnh đồ gửi từ Mỹ về. Trong thùng đồ gửi về có một cây thuốc lá Pall Mall. Cây thuốc thơm tho đã nằm trên bàn kiểm hàng, thủ tục thuế má cũng đã đóng đủ cả chỉ còn việc người lãnh đồ chờ nhận. Tuy nhiên, nhân viên Hải quan (quan thuế) cho biết rằng thân nhân bên Mỹ đã gửi đồ một cách… phạm pháp. Người lãnh đồ thắc mắc, hồi hộp hỏi:

- Thưa… trong những gói thuốc này có… héroin hay sao? 
- Không, nhưng nhà nước xử nhẹ thôi, sẽ mua lại với giá chính thức, và cho lại anh một gói hút lấy thảo gọi là tình nghĩa với bà con. 

Người lãnh đồ sống trong tâm trạng của kẻ đi xin và được cho những gì… nhà nước không cấm. Thuốc Pall Mall vẫn bầy bán trên lề đường Đồng Khởi, hồi xưa gọi là Tự Do. Người ta mới hiểu ra, thuốc lá tịch thu ở chỗ lãnh đồ có chân chạy ra đường Đồng Khởi. 

Hàng từ ngoại quốc gửi về, nằm trong kho, người nhận quà được giấy báo, đôi khi hỡi ơi, chỉ còn thùng bị rút ruột hoặc bị đánh tráo. Vải từ bên Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà toàn dệt ở Việt Nam, nhà máy dệt Nam Định chẳng hạn. Gặp những chuyện đó chỉ có nước cắn răng chịu trận. Thân phận con kiến sao kiện được củ khoai. 

Chuyện đó xảy ra hàng ngày nên không còn là chuyện la. Người ta nói rằng có nhân viên hải quan làm việc một năm trời, đồng lương ba cọc ba đồng mà xây nổi nhà cao tầng giữa thành phố. Rồi giai cấp mới làm kinh doanh qua việc nuôi chó bẹc giê kiếm lời. Một giai cấp nhà giầu mới ra đời, người ta chăm sóc chó, cho chó ăn cả ký lô chả quế, ăn phở tái nạm gầu. 

Lời đồn đại về lối sống của giai cấp mới này nhiều vô số kể, nhưng tôi không thể tin hết nếu chưa kiểm chứng. Trong hồi ức này những điều tôi viết ra đều đã được kiểm chứng và đúng là sự thật. Tôi không “bắt” ai phải tin hay nghĩ gì khác.


Cái cột đèn trong thành phố nó bị trồng cứng xuống lề đường nên đành đứng nguyên một chỗ, còn đồ Mỹ có chân, nó chạy ra chợ trời! Nồi cơm điện, bàn ủi, hay đổng-đài nó có thể chạy ra đến chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm. Nơi đây người ta bán chúng với bất cứ giá nào, dân chợ trời mua tùy theo túi tiền có sẵn và người mua về bao giờ cũng vui vì có được món hàng mà mình ao ước!

=== 

Chợ trời thuốc tây lớn nhất Sài Gòn trải dài suốt một con đường bên hông chợ Tân Định. Người ta có thể tìm mua đủ các loại tân dược tại đây, từ những viên thuốc cảm, sổ mũi, nhức đầu cho đến thuốc ‘đặc trị’ huyết áp, tiểu đường, thấp khớp – cái thì còn ‘đát’ nhưng có cái hết ‘đát’ từ mấy năm về trước. Nguồn hàng có xuất xứ đa dạng: thuốc từ các viện bào chế trước 1975, thuốc từ các nước ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ và sau này còn có cả thuốc từ các nước tư bản do thân nhân từ nước ngoài gửi về. 

Nguồn thuốc gửi về có đến 90% tìm đường ra chợ trời vì người nhận thuốc không phải để uống mà để bán đi lấy tiền lo cơm áo hàng ngày. Người ta quan niệm, chống đói quan trọng hơn chống bệnh tật gấp nghìn lần. Thân nhân ở nước ngoài được báo là cứ gửi thuốc về, mặt hàng này có giá rất cao nếu so với quần áo, vải vóc, mỹ phẩn, kẹo bánh. Hơn nữa, trọng lượng lại rất nhẹ cân nếu so với các ‘hàng viện trợ’ khác, đỡ tốn cước phí đối với người gửi. 

Từ Mỹ, từ Pháp cũng xuất hiện những công ty của người Việt chuyên gửi thuốc tây về Việt Nam với danh sách các loại thuốc ‘hot’ nhất, có nghĩa là bán được nhiều tiền nhất trên thị trường chợ trời. Tại Sài Gòn có cả một hệ thống thu mua mặt hàng thuốc tây, họ là dân chợ trời nhưng đến tận nhà. Hệ thống chân rết này bắt đầu từ những tay ‘cò’, có mặt tại khu lãnh hàng trên phi trường Tân Sơn Nhất hay bưu điện, thấy ai lãnh thuốc là xin địa chỉ đến tận nhà để mua, vừa kín đáo lại vừa an toàn, không sợ công an ‘vồ’. 

Dân chợ trời thuốc tây cũng xuất thân đủ mọi ngành nghề: từ ông dược sĩ chính hiệu bị mất sở làm đến anh "sỹ quan ngụy" vừa tốt nghiệp cải tạo, từ tên chuyên nghiệp mánh mung đầu đường xó chợ đến kẻ trong túi không có tiền uống cà phê cũng ra chợ trời buôn nước bọt. Họ đứng ra làm trung gian, dẫn mối. 

Bạn cải tạo của tôi ra chợ trời kiếm ăn cũng không ít. ‘Tổng hành dinh’ của đám chợ trời chúng tôi là nhà Nam ‘đầu bạc’ ở đường Hai Bà Trưng, ngay chân Cầu Kiệu, nên rất gần với chợ trời thuốc tây trên đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định. 
Nam vốn là bác sĩ quân y, khi đi học tập về sống chung với ca sĩ Phương Hồng Quế và mở phòng mạch trên đường Triệu Quang Phục trong quận 5, Chợ Lớn. Căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng vốn là của gia đình Quế nên được đám bạn chọn là nơi ra vào từ chợ trời. 

Thuốc tây thu gom ở chợ Nguyễn Hữu Cầu được gửi tạm tại đây trước khi sang tay, mua đi bán lại. Mỗi khi bác sĩ Nam cần thuốc cho phòng mạch cũng đều nhờ anh em chợ trời săn lùng, anh em không ra chợ trời Nam cũng sẵn sàng mua ủng hộ mỗi khi có thuốc tây từ nước ngoài gửi về làm quà. Phần tôi thỉnh thoảng cũng có chút quà nên nhờ Nam mua giúp. Tôi hiểu, những lọ vitamin nếu đem ra chợ trời bán sẽ bị chê ỏng chê eo nên hễ có là tôi nhờ Nam mua… ủng hộ! 

Nhóm chợ trời thuốc tây chúng tôi gồm đủ thành phần đã tốt nghiệp ‘đại học cải tạo’: Huệ (sĩ quan Hải quân… mắc cạn), Cường ‘điếc’ (pháo binh Thủy quân Lục chiến nên tai bị nghễnh ngãng vì tiếng súng), chú Định (dân Quốc gia Hành chính, đã từng là phó quận), Quyền (Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội bị… ‘mất dậy’)… 

Riêng tôi được miễn ‘công tác ra chợ trời thuốc tây kiếm sống’, thay vào đó là chân ‘gia sư’ kèm Anh Văn cho Phương Hồng Quế, Phương Dung, Thu Hiền và một số bạn bè của Quế cũng như con cái của các bạn cải tạo. Ông thầy ngày một đông học trò nên cuộc sống cũng có phần dễ thở trong suốt thời điêu linh. 

Tan chợ, anh em thường tụ họp tại Hai Bà Trưng, thỉnh thoảng vào cuối tuần lại chung tiền tổ chức ‘giải lao’ sau những ngày ‘hành sự’ tại chợ Nguyễn Hữu Cầu. Tết Trung Thu Quế lại còn tổ chức cho con cái ‘cái bang’ về Hai Bà Trưng đốt lồng đèn, ăn bánh Trung thu… 


Tết Trung Thu 1983 tại đường Hai Bà Trưng 

Giờ thì anh em cải tạo, người nào cũng ‘sáu, bẩy bó’, lưu lạc bốn phương, kẻ ở lại trong nước, người đã ra nước ngoài. Ngồi viết lại chuyện chợ trời để nhớ lại một thời điêu linh.

Khuyết Danh
Read more…