Nhân tiện ở VN đang rộn tin về sân bay Tân Sơn Nhất bị sự cố đúng lúc ai đó đang phôi thai sân bay Long Thành vài chục tỷ đô la. Ở nước mình không cái gì là không có thể. Người đọc tin và bình luận “tát nước theo mưa đôi” khi giúp xẻ thịt nốt sb Tân Sơn Nhất vốn là mảnh đất vàng. Và dự án Long Thành cũng giúp cho hàng ngàn người có villa, xe hơi, con cái du học.
Trung Quốc có chỉ số tham nhũng trung bình. Tuy nhiên, xem tờ báo China Daily trong khách sạn (26-11-2014) biết thêm, Tập Cận Bình đang vươn bàn tay sắt trị những kẻ trộm cắp hàng tỷ đô la. Năm qua, họ đã lôi hơn 500 kẻ tham nhũng từ nước ngoài về xử. Hợp tác với Mỹ và châu Âu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tập.
Tuy nhiên, họ làm ra những thứ mình ngưỡng mộ. Ăn cắp ăn trộm cũng phải để cho dân nghèo hưởng đôi chút. Nhìn sân bay Nội Bài từng là cánh én mùa xuân, nay như cái đống rác cũ của thời hội nhập, đủ biết người ta ăn cắp từng vòi nước đến viên gạch lát sàn. Trong khi đó, sân bay Bắc Kinh mỗi lần đến, đều thấy họ làm đẹp hơn, hiện đại hơn, chả khác gì Changi của Singapore, được cho là đẹp nhất thế giới.
Từ sân bay Vientiane, sau gần 2 tiếng trên trời, máy bay đầy ắp khách của hãng China Eastern Airlines đã hạ cánh xuống sân bay Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trước đó, mình cho rằng, đây là sân bay nhà quê, chắc không thể hơn Nội Bài nhà mình.
Khi máy bay hạ thấp độ cao, nhìn sân bay hình như được xây dựng trên một quả đổi khổng lồ, xung quanh là bình nguyên bao la, đường băng dài thẳng tắp và nhà ga như một chiếc máy bay đang cất cánh, mới hiểu mình đã nhầm.
Đây là sân bay nằm trên độ cao 2100m so với mực nước biển, có hai đường băng, máy bay nối đuôi lên xuống, phút một chuyến, tựa như bất kỳ sân bay hiện đại nào trên thế giới. Kunming Changshui International Airport có thể tiếp 38 triệu khách vào năm 2020 và sau đó tăng lên gần gấp đôi.
Vào trong sảnh, thấy như sân bay Bắc Kinh, cũng mái vòm ấy, đường đi lối lại như Changi, sạch và đẹp, các cửa kiểm tra an ninh, soát vé được tin học hoá gần như tối đa.
Mình từng học lịch sử, cụ Hồ tới Côn Minh cầu cứu bạn giúp ta chống Pháp khi đó còn rất nghèo. Bây giờ thủ phủ của Vân Nam đã phát triển vượt bậc, xứng đáng với một tỉnh có diện tích (394.100 km²) rộng hơn Việt Nam, dân số 45 triệu.
Hôm qua (26-11-2014) tôi đi tiếp sang Mongolia từ sân bay Bắc Kinh. Qua sân bay này khá nhiều lần nên thấy sự thay đổi ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và hiện đại hơn. Năm 2008, với 600 triệu đô la để cải tạo mở rộng và nâng cấp là vốn vay của ngân hàng Châu Âu, họ đã làm nhiều kỳ tích.
Kể từ năm 2004, đây là sân bay bận rộn nhất châu Á. Số lượng khách tăng dần từ 33 triệu năm 2005, thì năm 2009 đã là 65 triệu, năm 2010 đã đạt 73 triệu. Với hơn nửa triệu lượt máy bay lên xuống trong năm 2013, sân bay Bắc Kinh được đánh giá đứng thứ 2 trên thế giới về số hành khách (83 triệu), chỉ sau sân bay Atlanta của Mỹ (94 triệu).
Danh sách những sân bay bận rộn nhất thế giới có thể xem tại đây.
Dịch vụ trên sân bay thật hoàn hảo, từ xếp chỗ, cân hàng, phục vụ mặt đất, tới cửa khẩu, từ cái xe đẩy hàng rất sạch và nhẹ, sàn bóng như khách sạn 5 sao, tất cả đều thuận tiện cho khách đi lại. 3 terminals được nối bằng những tầu điện chạy tự động, chẳng khác gì Tokyo hay Washington DC.
Cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh khoảng 20km, đi tắc xi hết 100 tệ, cao tốc 6 làn xe chạy hai chiều, tốc độ 60km-100km/giờ, hai bên đường là cây xanh, qui hoạch đô thị đâu ra đấy. không có chuyện nhà cửa thụt thò, kiến trúc nham nhở như từ Nội Bài về Hà Nội. Cùng là nước XHCN, Trung Quốc làm ra khá nhiều thứ chất lượng cao, đường xá đâu vào đó, sân bay đạt trình độ quốc tế.
Nghe đồn nước mình định xây dựng sân bay Long Thành mấy chục tỷ đô la, chẳng hiểu khi hoàn thành có bằng một góc của Côn Minh hay Bắc Kinh. Với xếp hạng tham nhũng gần cuối bảng, minh bạch đội sổ, nhân quyền và tự do báo chí luôn bị xếp thứ cuối, thì khó mà nói chuyện làm cái gì cho ra hồn. Những kẻ quyền thế có thể bỏ tù bất kỳ ai nếu quyền lợi trộm cắp của chúng bị phanh phui. Lúc về hưu mới xử như xử Tổng thanh tra Trần Văn Truyền “thối tay” thì quốc gia đã mục ruỗng vì bầy sâu.
Chuyện vui khi “Vạn lý trường chinh”
Trung Quốc đã tiến rất xa, nhưng tiếng Anh còn nhiều bất cập. Trên sân bay Côn Minh kể cả Bắc Kinh, đội ngũ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp, nhưng tiếng Anh hơi yếu, dù họ rất cố gắng.
Từ Vientiane đi, mình hỏi, bay bao lâu thì đến nơi (Côn Minh), cô bé xinh, miệng cười chúm chím rất tươi, 4 giờ chiều, thưa ông. Hóa ra là giờ đến. Hỏi mấy giờ địa phương, lại bảo, 2 tiếng bay thôi, nhanh lắm, thưa ông.
Xin ly nước cam, nàng mang nước xoài. Xin nước chè xanh nàng mang chè đen. Hỏi gì cũng yes, yes, và yes, nụ cười như trong Hồng Lâu Mộng, chỉ tội mình nói nàng không hiểu, nàng nói mình cũng lắc. Mình nói tiếng Anh, nàng phang tiếng Tầu, thế mà vẫn vui và hiểu nhau. Ngôn ngữ tình yêu chẳng cần lời
Về dịch vụ, dân Trung Quốc thuộc về đẳng cấp thế giới. Nhìn người ta bưng bê, lau chùi bàn ghế, quét dọn…rất chăm chú và để tâm vào công việc. Đất nước này rồi còn tiến xa vì sự cần cù, chịu khó.
Tuy nhiên có chi tiết nói to, cười to, nhổ bậy, khạc đờm…nổi tiếng thế giới. Năm 2008, chính quyền Bắc Kinh từng có chiến dịch chống nhổ bậy để phục vụ Olympic thế giới.
Đến sân bay Bắc Kinh đã 11 giờ đêm. Taxi hàng đàn như châu chấu. Một anh đứng cầm gậy chỉ huy rất chuyên nghiệp. Anh ta ước lượng khoảng 20 xe cho tiến lên đón khách. Hết lượt lại đến xe khác, rất nhanh và thuận tiện.
Mình được một cụ cỡ tuổi anh Cua, râu lởm khởm, đón lên xe. Cụ đứng nhìn mình đưa va li vào khoang hành lý, và coi như là việc của khách đi xe.
Mình nói tiếng Anh, làm ơn cho về khách sạn Shangri-La (China World Hotel) rất nổi tiếng ở Bắc Kinh. Bố ta “hảo lờ, hảo lờ” rồi ra hiệu đưa địa chỉ. Bố bảo “búa tủng English”. Loay hoay một hồi, lo quá, chẳng biết làm thế nào cho dân TQ hội nhập, đành gọi thằng cu chỉ huy taxi. Nó xem xong, xủng xoảng một hồi, cụ lái cười ha ha rất to, lại “hảo lờ, hảo lờ”.
Dọc đường, mình hỏi chuyện tiếng Anh, ông trả lời tiếng Tầu, cứ như là cả thế giới biết tiếng nước này. Dân Trung Quốc cũng vui, nói mà không cần người khác hiểu và coi như xong nhiệm vụ.
Rồi ông ra hiệu, anh Cua người nước nào. Ủa sư duê nản dẩn – tôi là người Việt Nam. Bố ta sướng quá, duê nản, duê nản, đả, trảm… chắc bảo là TQ và VN sắp đánh nhau. Mình bảo, ủa tủng sản, you tủng sản too, why fighting – tôi là cộng sản, anh là cộng sản, sao lại đánh nhau. Búa tủng. Thế là hai bên tịt ngóm, hết vốn từ.
Nói rồi bố ho sù sụ và khạc một cục đờm cỡ cái chén. Cứ nghĩ bố ta cho vào cái khăn gì cho lịch sự, bỗng ông kéo cửa kính, phun toẹt ra đường highway, xe đang tốc độ 100km/giờ, chắc phải bay vài chục mét, chưa chừng rơi toẹt vào cửa kính xe sau.
Từ sân bay về khách sạn mất khoảng 30 phút, không tắc đường, có lẽ nửa đêm rồi. Hai bên cứ thế nôn ọe tiếng tầu, tiếng Anh, bác tài ho và khạc nhổ đờm cỡ 20 lần thì tới China World Hotel ngay trên đại lộ Tràng An, đêm về đẹp như trong mộng.
Khi bay sang Ulaanbaataar (Ulanbator), gặp anh lái xe Mông mắt híp, do vp thuê ra đón, vui như hội. Anh ấy nói tiếng Anh tốt hơn, thỉnh thoảng phang một từ na ná tiếng Nga. Thế là mình được dịp trổ tài tiếng của Putin một lúc mỏi cả tay.
Thấy cái xe bus chạy bằng điện như thời Liên Xô, mình mới hỏi, anh thích nước nào nhất: Liên Xô, Trung Quốc hay Mỹ. Anh ý nghĩ một lúc lâu rồi bảo, Liên Xô chết rồi, không còn Lê Nin ở đây (dân giật tượng Lê Nin đổ năm ngoái), thích Mỹ hơn và chỉ luôn quán KFC ven đường. Anh rất ghét dân Trung Quốc vì hay khạc đờm nơi công cộng, tởm lắm, ochien plokhơ – rất kém tắm.
Hóa ra không chỉ có Cua sợ đờm Trung Quốc mà lạc hậu như Mông cổ du mục cũng thấy kinh, dù ở đây đang là -15oC, đờm có nhổ ra thì đóng băng trong vòng 1 phút.
Gửi bà con vài tấm ảnh minh họa cho lời Cua Times nói cấm sai. Chụp bằng Lumix. LX7
HM. 26-11-2014