Câu chuyện cuộc đời: Ở Đức, phá thai không phải việc tùy tiện
Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022
Đây là câu chuyện kể về hành trình “phá thai” tại nước Đức của một người phụ nữ châu Á cùng chồng mình. Người chồng học tiến sĩ kinh tế học tại đại học Humboldt, còn người vợ đang học học kỳ 6 tại đại học Berlin. Hai vợ chồng đã thống nhất từ khi cưới rằng, trong vòng 3 năm sau khi kết hôn họ sẽ không sinh con. Tuy nhiên nước Đức đã thay đổi điều ấy…
Ngày 6/12/2007, bác sĩ phụ khoa Celine thông báo với tôi rằng: “Bạn đã có thai!” Tôi nghe xong, tròn mắt và miệng thốt lên lời cảm ơn một cách vô thức, nhưng trong lòng lại thầm than khổ! Bởi vì tôi vừa mới kết hôn vào năm trước. Hai vợ chồng tôi vẫn còn đang đi học. Ở quê hương tôi tại châu Á, việc phá thai là rất dễ dàng. Vậy nên về đến nhà, tôi gọi điện thoại cho bác sĩ Celine, hỏi xem cô có thể thu xếp giúp tôi việc phá thai được không. Thật không ngờ, bác sĩ Celine vốn có giọng nói ôn hòa, nhẹ nhàng bỗng trở nên bực bội, cứng ngắc:
“Xin lỗi, trong bệnh viện của tôi không có loại dịch vụ này!”
Tôi lại nói: “Vậy thì, xin cô có thể cung cấp cho tôi loại thuốc để sinh non được không?” Tôi vừa nói vừa có chút luống cuống…
“Đương nhiên là không được, ở Đức bán thuốc sinh non là phạm pháp đấy! Tại sao cô không suy nghĩ về việc giữ lại thai nhi và sinh con?”
Tôi thành khẩn giải thích cho cô Celine về hoàn cảnh của mình.
Sau một lúc trầm tư, cô nói với tôi một cách rất không đồng tình:
“Nếu như bạn quyết tâm bỏ thai thì đầu tiên bạn phải đi đến Ủy ban tư vấn tâm lý tại Trung tâm trợ giúp phụ nữ ở Berlin để trình bày cho các chuyên gia tâm lý nghe. Sau khi nhận được văn bản đồng ý của ủy ban và chỉ định bệnh viện phẫu thuật thì bạn mới liên hệ với bệnh viện đó để tiến hành các công việc tiếp theo.”
Ba ngày sau, chồng tôi đưa tôi đến trung tâm trợ giúp phụ nữ để hỏi ý kiến của các chuyên gia tâm lý. Người tiếp đón chúng tôi là một phụ nữ khoảng 45 tuổi, tên là Teresa, là một chuyên viên tư vấn tâm lý.
Cô Teresa bắt đầu hỏi hai vợ chồng tôi: “Tại sao hai vợ chồng bạn lại không muốn giữ lại đứa bé này?”
Cô Teresa vừa nghe chúng tôi trình bày vừa ghi lại những lời tôi nói lên một tờ giấy. Sau đó, cô nhỏ nhẹ mời chồng tôi ra ngoài trước để nói chuyện riêng với tôi.
“Thưa cô! Xin hỏi là cô nguyện ý quyết định việc này phải không?”
“Cô nói gì?” Tôi trợn tròn mắt lên nhìn cô ấy một cách khó hiểu.
“Tôi là muốn hỏi rằng, cô quyết định bỏ thai là hoàn toàn xuất phát từ ý nguyện của bản thân mình chứ không phải vì bị ép buộc từ bên ngoài, giống như là bị chồng thúc ép hay là uy hiếp chẳng hạn?”
Trong phút chốc đó, tôi vừa có chút giận vừa có chút buồn cười mà hỏi lại: “Chẳng phải việc này rất đơn giản sao? Chỉ cần qua tay của một người là xong, việc gì phải nâng lên đến thành thẩm vấn vụ án hình sự như vậy chứ ?”
Không đầy 5 phút sau, cô Teresa đưa cho chúng tôi một tờ giấy bản khai và nói:
“Xin hai vợ chồng cô hãy về nhà bàn bạc kỹ thêm một chút. Nếu như một tuần sau mà vẫn quyết định bỏ thai thì hãy mang tờ giấy kia đến để chúng tôi ký và đóng dấu.”
Khi chúng tôi còn đang chán nản và thất vọng đi ra ngoài thì cô Teresa lại nói một câu:
“Pháp luật ở Đức quy định, nếu thai nhi đã đủ 10 tuần tuổi thì tuyệt đối cấm nạo phá thai, cho nên xin hai bạn về nhà xác định chính xác thời gian mang thai nếu không sẽ phạm tội!”
Thông tin mà cô Teresa nói ra lại khiến chúng tôi quá sợ hãi. Căn cứ vào hồ sơ mà bác sĩ khám thì tôi đã mang thai được 8 tuần rồi, cộng thêm mấy ngày hôm nay đi hỏi xem bỏ thai thế nào cho hợp pháp đã mất 2 ngày nữa, vậy là chỉ còn 12 ngày nhưng bây giờ lại phải suy nghĩ trong vòng 7 ngày để lấy được chữ ký và con dấu này nữa, không biết có kịp không.
Tôi lại tới một phòng khám ở Berlin để xin họ giải quyết sớm hộ tôi. Tiếp đón tôi là một y tá rất nhẹ nhàng, thái độ của cô ấy rất thân mật. Cô ấy nói:
“Tôi rất hiểu hoàn cảnh của chị và cũng rất muốn giúp đỡ chị nhưng trước khi làm phẫu thuật, phụ nữ có thai nhất định phải tự mình đi đến Ủy ban tư vấn tâm lý để được tư vấn. Sau đó phải nhận được văn bản đồng ý của họ thì phòng khám mới tiến hành giải quyết được!”
Từng ngày trôi qua, lòng tôi như lửa đốt… Một tuần sau, tôi cầm bản tờ khai tới “Ủy ban tư vấn tâm lý” và nhận được sự đồng ý. Từ nơi ấy, chúng tôi tranh thủ lái xe thật nhanh tới bệnh viện mà tôi được chỉ định để bỏ thai.
Tới bệnh viện, một nữ bác sĩ trẻ tuổi tiếp đón chúng tôi, rồi cô ấy đưa cho tôi một bản tài liệu. Bên trên bản tài liệu này là dòng chữ màu đen được in đậm:
“Xin đừng dễ dàng bóp chết sinh mệnh vô tội!”
Lúc này tôi thực sự hoang mang và hoảng sợ… Vì đã có giấy hẹn đồng ý của ủy ban tư vấn, mọi thủ tục với tôi đều diễn ra thông thuận. Bệnh viện hẹn tôi sẽ làm phẫu thuật vào 9 giờ sáng ngày thứ hai tuần sau. Nhưng ngay hôm đó, tôi phải làm một số xét nghiệm toàn bộ và gặp mặt bác sĩ gây tê một lần.
Khi ra về, tôi đi qua phòng “Chống nạo phá thai”, một phụ nữ trung niên đi đến bên tôi nói một cách cấp bách nhưng cũng không mất đi vẻ lịch sự:
“Cô thực sự quyết định không cần đứa con trong bụng này sao? Cho dù là cô không chào đón sự ra đời của đứa trẻ này, cũng đừng dễ dàng bóp chết một sinh mệnh. Mặc dù cô là mẹ của đứa trẻ, thì cũng không có quyền làm như vậy! Phải biết rằng, ý nghĩa của sinh mệnh nằm ở sự tôn trọng …”
Tôi vội vàng giải thích một câu: “Chúng tôi đều đang còn đi học, không có điều kiện…” rồi vội vã chạy đi, bỏ lại đằng sau hai từ: “Tạm biệt”. Lẽ ra việc sắp hoàn thành, trong lòng phải cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng suốt chặng đường đi, trong lòng tôi lại rầu rĩ khó tả, ánh mắt của người phụ nữ kia cứ như thể theo sau tôi vậy.
Đến ngày hôm sau là đến hẹn bỏ thai, bác sĩ cho tôi biết tình trạng sức khỏe của tôi không có vấn đề gì. Hai vợ chồng tôi đến bệnh viện chỉ định, ngoài trời tuyết rơi phủ trắng cả đường nhưng những nhân viên bảo vệ thai nhi ấy vẫn đang đứng trong gió tuyết mà khuyên bảo từng người phụ nữ ra vào cửa. Tôi lặng người một lúc ngồi trong xe nhìn họ, không biết bao lâu thời gian, chồng tôi cúi vào trong xe cầm tay tôi. Tôi đột nhiên tỉnh lại, nói một lời dứt khoát: “Không!” Rồi tôi kéo tay chồng tôi đến trước mặt các bác sĩ gây tê nói lời xin lỗi. Nhưng họ không có vẻ gì là giận tôi cả mà trên mặt đều toát lên vẻ mừng rỡ.
Khi đi qua phòng “Chống nạo phá thai”, mấy nhân viên của tổ chức này rất tự nhiên vừa nở nụ cười vừa ôm tôi, rồi lấy từ trong túi ra một ngôi sao làm từ vải và nói:
“Bạn thân yêu, đây là dành cho cháu bé, bạn là người mẹ thứ 1247 mà chúng tôi khuyên thành công. Chúc mừng bạn đã có quyết định sáng suốt nhất cuộc đời.”
Tôi nắm đôi tay lạnh như băng của cô nhân viên, những bông tuyết vẫn còn đọng trên mái tóc của cô khiến nước mắt tôi trào ra lúc nào không biết. Giờ đây, tôi cảm thấy thật xấu hổ khi phải nhắc lại chuyện này. Nhưng tôi vẫn muốn kể ra câu chuyện này để nói với các bạn rằng: “Đừng dễ dàng từ bỏ giọt máu của mình!”
Bởi vì không phải ai cũng may mắn như tôi là sinh sống ở nước Đức, nhờ vào quy định nghiêm ngặt của họ mà tôi đã không phải hối hận suốt cuộc đời mình. Còn các bạn ở những nơi mà “chuyện bỏ thai là một việc rất dễ dàng” thì bạn có cơ hội để giữ lại con của mình không?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á và là một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tháng 9 năm 2016, theo GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, tổng tỷ suất phá thai nước ta là 2,5 – nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam đã trải qua 2,5 lần phá thai trong cả cuộc đời sinh đẻ của mình. Đáng báo động là có đến 20% người nạo phá thai ở Việt Nam nằm trong độ tuổi vị thành niên.
Cũng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2021, thế giới có hơn 5 triệu người chết vì đại dịch COVID-19, nhưng có đến 42,6 triệu thai nhi bị phá bỏ.