Mặc dù giờ đây còn sống chung với lụt, với kẹt xe, ô nhiễm môi sinh, với nhiều bất cập từ quy hoạch treo và quản lý thiếu đồng bộ, nhưng cư dân Sài Gòn cũng đang mơ mộng về thành phố trong tương lai.
Từ lâu, Sài Gòn vốn là nơi hội tụ, sinh sống, làm ăn của người dân bốn phương. Nhưng trụ lại vùng đất này chẳng hề dễ, bởi bạn sẽ mất ít nhất 2 năm để học kỹ năng “sinh tồn” tại đô thị lớn nhất nước này. Và rồi, bạn sẽ có biết bao phẩm chất tuyệt vời.
Sài Gòn giúp bạn khỏe và lãng mạn hơn
Trang phục phổ biến của người Sài Gòn mùa khô là áo che nắng, khẩu trang bịt mặt, kính râm, quần áo dài, vớ chống nắng. Phải có bộ đồ “bảo hộ toàn diện” này bạn mới có thể di chuyển trên những con đường trưa hè nắng cháy bỏng như sa mạc. Trong bộ đồ “Ninza”, khó ai nhận ra nổi bạn, nên nếu bạn có vui vẻ chào ai, họ ắt cũng thấy… kỳ quặc.
Còn mùa mưa, bạn cần vui vẻ khi những cơn mưa ào ạt trút xuống mỗi chiều, xe chết máy, cả người và xe lội bì bõm trong nước bẩn, cố gắng để tránh “sóng dữ” do ô tô qua lại tạo ra. Nhà của bạn có thể cũng ngập đầy nước vào ngày triều cường. Cả nhà tha hồ tát nước oàm oạp, dọn đồ lên cao, “tao nhã” gặm bánh mì chờ nước rút. Rồi sau đó lại một màn cọ rửa, phơi phóng, kê dọn để rồi mai kia lại tiếp tục… chạy triều cường. Đấy, chẳng cần đến miền Tây bạn cũng sẽ được trải nghiệm mùa nước nổi.
Sài Gòn là nơi có nhiều xe máy nhất VN. Kẹt xe là chuyện thường tình, nên bạn cần học cách thư giãn ngắm biển người và xe nhích lên từng chút trong màn khói nồng hơi xăng và nóng nực. Hãy cố gắng hít thở tốt nhất qua khẩu trang dày bịch, hãy căng mắt tìm một khe hở có thể luồn lách trở về. Còn khi kẹt xe quá lâu, bạn nên học cách nghĩ về một câu chuyện hấp dẫn, dễ chịu nào đó, càng dài… càng tốt.
Đường ngập, phụ huynh phải thuê xe ba gác đón con về. Ảnh: Tuấn Kiệt
Sài Gòn giúp nhà bạn cao lên, cao mãi
Hiện thành phố có 50 điểm ngập, mà mỗi năm khả năng ngập lại cao hơn, vì sau khi xóa đi một số điểm thì lại có những điểm mới gia tăng. Hơn nữa, không chỉ vùng ven, ngoại ô, mà hầu như khắp các quận trong thành phố đều có thể ngập khi mưa lớn, triều cường. Vì thế, có thể nói “xây cho nhà cao, cao mãi” chính là sự lựa chọn thông minh của bạn.
Điều quan trọng là bạn cần tìm hiểu xem nên xây nhà cao đến mức nào. Trước đây người Sài Gòn thường xây nhà cao hơn nền cũ từ 30-50 cm. Hãy tưởng tượng phải dắt xe máy lên một cây cầu nhỏ dẫn từ hè đường vào nhà cao hơn chừng đó là mệt thế nào. Nhưng bù lại bạn sẽ an tâm khi đường xây cao lên thì nước không lọt vào nhà.
Thế mà, con số này giờ cũng không còn an toàn. Sài Gòn đã có những căn nhà đang ở lộ thiên, bỗng biến thành hầm vì thấp hơn đường cả 1m. Những căn nhà này có thể thấy dễ dàng trên đại lộ Phạm Văn Đồng vừa được khơi thông. Mà cư dân muốn sống được thì chỉ còn cách bắc ghế hay làm thang để chui qua một ô cửa nhỏ xíu.
Tuy nhiên, kỷ lục ấn tượng hơn dành cho những căn nhà mà sau khi nâng đường thì hầu như toàn bộ tầng 1 đã biến mất dưới nền đường mới tại Quốc lộ 50, từ đường Nguyễn Văn Linh đến huyện Bình Chánh… Như vậy, muốn sống tốt ở những nơi này, nhà bạn nên biến thành nhà “cao cẳng”, hay nhà sàn.
Khả năng vươn cao này chưa biết khi nào sẽ dừng, khi cho đến nay các nhà quản lý ngành xây dựng thành phố này vẫn chưa công bố code nền chuẩn xác để cư dân và tổ chức lấy căn cứ để xây dựng. Đồng thời thành phố vẫn sử dụng cách chống ngập nước bằng nâng cao đường, hoặc là do các đơn vị thi công đường mới, để đỡ tốn công, thay vì bóc lớp đường cũ, trả lại cao trình thì cứ tiếp tục làm thẳng trên mặt đường hiện hữu. Mỗi lần làm là mỗi lần đường cao hơn nhà, để chống lại, nhà phải cố vươn cao hơn đường. Y như là… Sơn Tinh và Thủy Tinh vật lộn nhau.
Nhà thấp hơn so với mặt đường. Trong ảnh một công nhân đang ngồi uống cà phê như đang ngồi trong quán bar. Ảnh: Tuấn Kiệt
Sài Gòn rèn sức chờ đợi và hy vọng
Dù sao thì Sài Gòn vẫn đang chuyển mình. Hãy nhìn kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sau hàng chục năm ròng rã, thành phố đã hoàn tất việc cải tạo tuyến kênh đen này, trả lại một phần môi trường sạch cho cư dân. Hãy nhìn vào đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Hãy nhìn vào hầm Thủ Thiêm và đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu, cầu Sài Gòn… Thành phố vẫn đang có nhiều công trình mới. Tuy rằng nhiều công trình kéo dài tiến độ xây dựng.
Vấn đề là cần kiên nhẫn mà thôi. Nếu cha mẹ bạn chưa được đi Metro thì có thể bạn và con cháu bạn sẽ có ngày được đi. Nếu ngày nay bạn phải bì bọp lội trong triều cường, thì biết đâu có ngày phải cố gắng lắm mới nhớ nổi ký ức chạy lụt “xưa như Diễm” chăng…
Vậy đấy, là người Sài Gòn, bạn sẽ được tăng khả năng chờ đợi và hy vọng. Có câu “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng câu này áp dụng với SG, chắc cũng chẳng chệch.
Một giấc mơ
Nếu bạn vào bảo tàng Quy hoạch kiến trúc TP Thượng Hải, bạn sẽ ngạc nhiên khi bất cứ cư dân Thượng Hải nào cũng có thể tìm ra căn nhà của mình trên sa bàn thành phố. Rộng 6.340 km2, gồm 20 triệu cư dân, Thượng Hải vẫn có thể quản lý chi tiết từng căn nhà, từng góc phố, từng khu quy hoạch và đặc biệt là toàn bộ hệ thống các tầng ngầm dưới lòng thành phố với những đường hầm rộng lớn dành cho hạ tầng điện, nước, thoát nước và cáp viễn thông…
Mặc dù giờ đây còn sống chung với lụt, với kẹt xe, ô nhiễm môi sinh, với nhiều bất cập từ quy hoạch treo và quản lý thiếu đồng bộ, nhưng cư dân Sài Gòn cũng đang mơ mộng về thành phố trong tương lai. Khi mà bạn được trở lại không khí trong lành của Hòn Ngọc Viễn Đông xưa với những nhà vườn rộng rãi, các biệt thự xinh đẹp, cộng thêm các khu đô thị mở rộng với các khu quy hoạch khoa học, hạ tầng hoàn thiện, hệ thống kênh rạch trong lành, nhiều cây xanh và thoáng đãng.
Là đại đô thị, một Megacity của thế giới với hơn 2.000 km2 và 10 triệu cư dân, Sài Gòn cũng có cơ hội đến ngày được hưởng tương lai tốt đẹp ấy, nếu các nhà quản lý đô thị nơi đây cũng nuôi một giấc mơ như vậy và thực sự hành động mạnh mẽ để biến nó thành hiện thực.