Nhà báo Lại Văn Sâm (VTV)
Anh Lại Văn Sâm thân mến,
Tôi là một khán giả của CẦU TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ 25 NĂM NGÀY QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN diễn ra tối 19.12.2014 trên VTV1 do anh làm tổng đạo diễn.
Đúng ra, tôi phải gọi bằng ông theo cách xưng hô lịch sự thông thường, song để biểu tỏ sự chân tình, tôi xin phép được gọi bằng anh cho thân mật và tiện trao đổi.
Tôi đã chăm chú và xúc động dõi theo toàn bộ buổi truyền hình trực tuyến, đắm mình vào những hình ảnh, những âm thanh gợi lại bao kỷ niệm đã từng hằn sâu trong ký ức của một người đã bước vào tuổi 80 với những trải nghiệm hào hùng và khắc nghiệt của nước mắt và máu qua các cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc và bọn bành trướng xâm lược.
Tôi chân thành cám ơn anh và các cộng sự của anh cùng với những văn nghệ sĩ đã làm sống lại trong tôi, và chắc không chỉ riêng tôi, những chặng đường đời đáng nhớ của mình gắn liền với “những khúc quân hành” của nhân dân mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, và khi vết thương chưa liền da đã phải tiếp tục chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược.
Các anh chị đã có những cố gắng để làm sống lại dòng thác thời gian cuồn cuộn chảy, cuốn theo những biến động dữ dội trong đời sống đất nước, trong thân phận của mỗi con người gắn với số phận của dân tộc. Giữa dòng chảy của lịch sử, thời gian đã xóa nhòa đi nhiều điều, nhưng thời gian cũng làm nổi bật lên những giá trị mang tính vĩnh hằng mà không một thế lực nào có thể làm phôi pha hay cố tình xóa bỏ được.
Thời gian cũng đang kết nối quá khứ với hiện tại, làm nổi rõ lên những thăng trầm của thời cuộc, ở đó chất chứa bao câu hỏi cần phải có câu trả lời. Những câu hỏi thấm đẫm máu và nước mắt. Những câu trả lời sòng phẳng, công khai và minh bạch. Vì, xét đến cùng, lịch sử chính là con người nhân với thời gian.
Chính vì thế, tôi cám ơn vì những thành công của sự dàn dựng công phu đã kết nối nhịp nhàng và sinh động ba địa điểm truyền hình Hà Nội, Cam Ranh, TP Hồ Chí Minh đã làm sống lại những sự kiện lịch sử. Một quá khứ gần và một quá khứ xa đang hòa quyện, trộn lẫn vào cuộc sống hôm nay với đầy rẫy những nhiễu nhương của thế sự, đánh thức những suy tư không giống nhau của mấy thế hệ khác nhau đang bị cuốn theo “khúc quân hành” của 70 năm. Làm được điều này thật không dễ!
Nhưng, thưa anh Lại Văn Sâm,
Càng xúc động bao nhiêu trong những thời khắc được sống với những hồi ức và kỷ niệm thì lại càng phẫn nộ bấy nhiêu khi anh nói lời kết thúc đêm truyền hình! Phẫn nộ vì một quên lẫn tày trời tạo ra một hẫng hụt quá lớn cho triệu triệu người đang dõi theo cầu truyền hình để được sống với những hồi ức và những rung động của trái tim trung thực tội nghiệp của mình ! Chao ôi, nói một phần sự thật còn tệ hơn nói dối, sự lường gạt lịch sử là một tội ác. Làm sao mà nhà đạo diễn tài ba Lại Văn Sâm lại có thể quên hẳn một cuộc chiến tranh : Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược!
Đúng hơn, phải nói cho rạch ròi, anh đã quên hẳn cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam. Mà vì anh đã quên nên tôi phải nhắc lại những điều mà mỗi một người Việt Nam vốn đang lưu chảy trong huyết quản của mình dòng máu Lạc Hồng không thể quên :
Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Tà Teng (xã Phú Mỹ huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang).
Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer. Tiếp đó là cuộc phản công của quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt quân Khơme Đỏ, giúp nhân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. 55.300 chết hoặc bị thương (kể cả dân thường) từ năm 1977 tới tháng 10-1989.
Trong cuộc chiến này, “khúc quân hành” không chỉ có lời ca, tiếng hát mà mỗi chặng đường đều thấm đẫm máu của chiến sĩ ta trộn lẫn với máu và nước mắt của nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang! Mà quên làm sao được khi chính điện chúc mừng của lãnh đạo Campuchia nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội ta cũng đã trân trọng nhắc đến điều này khi mà trên đất nước còn nhiều liệt sĩ Việt Nam nằm lại.
Cũng trong “sự quên” đó, nhà đạo diễn tài ba cũng quên luôn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình xua hơn 60 vạn quân xâm lược của 7 quân đoàn với 21 sư đoàn tác chiến, 9 sư đoàn dự bị đã tàn sát nhân dân ta trên các tỉnh biên giới. Máu của các chiến sĩ ta thấm đẫm suốt dải biên cương của Tổ quốc, hàng chục nghìn dân thường bị quân xâm lược giết hại dã man.
Và anh Lại Văn Sâm ơi, máu người đâu phải là nước lã, do đâu, dưới áp lực nào mà anh lại quên? Có thật anh đã quên? Tôi không tin. Những tưởng rằng chuyện đau lòng và ô nhục về việc đục bỏ những tấm bia ghi tên các liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc đã được đào sâu chôn chặt khi mà người ta đã hiểu ra được cái giá phải trả sẽ là quá lớn vì đã dại dột xúc phạm lương tri, lương năng của con người Việt Nam, dẫm đạp lên tình cảm thiêng liêng của truyền thống dân tộc.
Ấy thế mà, đúng vào lúc đất nước đang gọi dậy “khúc quân hành” của những bước chân quật cường, dũng mãnh “đâu có giặc là ta cứ đi” khi mà giặc ngoại xâm đang ngang nhiên đánh chiếm Hoàng Sa để biến thành quận huyện và thành phố của chúng, đánh chiếm để xây sân bay quân sự trên các đảo của ta ở Truờng Sa, công khai tuyên bố “đường 9 đoạn tự vẽ” trên Biển Đông để biến vùng biển có vị trí chiến lược to lớn này thành ao nhà của chúng bất chấp sự lên án của công luận quốc tế, thì chuyện đau lòng và ô nhục đó lại tái hiện.
Liệu ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này có phải nhắc lại lời Phan Bội Châu vào đầu thế kỷ trước của thuở mất nước : “Nước là máu của tổ tiên ta chứa lại, Núi là thịt của tổ tiên ta chồng chất lên, Mồ hôi nước mắt của tổ tiên ta đã rưới khắp nước Nam này, Nỡ nào một buổi mai để bọn sài lang ăn cho no bụng!…Nhục thay cho núi sông ta, đau lòng thay cho tổ tiên ta, Mối hận này, bể phải gào mà núi cũng phải khóc…Hồn nước ta ơi! Hãy về đây” ?
Để ai đó khỏi quên có lẽ phải nhắc lại lời Hồ Chí Minh về sức mạnh vô biên của tinh thần yêu nước của dân ta, mỗi khi tổ quôc bị xâm lăng thì “tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Lũ cướp nước hiểu được điều đó cho nên chúng trăm phương nghìn kế dụ dỗ, đe dọa, lừa bịp, gạ gẫm để bằng tiền, bằng súng, bằng mưu ma chước qủy nhằm làm băng hoại truyền thống yêu nước của người Việt Nam để thay bằng một thứ thế phẩm lừa mị của cái gọi là “cùng chung ý thức hệ”! Vậy thì, cái “sự quên” khốn khổ của anh chính là tử huyệt mà bọn xâm lược đang cố bấm vào hệ thần kinh nhạy cảm nhất trong tâm thế Việt Nam hôm nay đấy anh Lại Văn Sâm ạ.
Nhưng, cũng chính vì thế mà tôi tin rằng anh không quên, nhà đạo diễn tài ba không hề quên, không thể quên. Ngược lại anh rất nhớ, phải rất nhớ để trong mạch cảm xúc tuôn trào nhà đạo diễn không buột miệng nói ra câu gì đó mà người ta đã thẳng thừng gạch bỏ trong kịch bản và nghiêm cấm những bột phát từ trái tim đập theo nhịp trung thực của tâm hồn nghệ sĩ đích thực có thể khiến ông “bạn láng giềng cùng chung ý thức hệ”, mà ai đó quyết đền ơn tri ngộ vì đã được bảo kê cho cái ghế quyền lực của mình đang lung lay, khỏi phiền lòng.
Liệu có nói được rằng thật khổ thân cho những người tử tế muốn sống và làm việc một cách tử tế. Xem ra, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” khi lâm vào tình huống “ma đưa lối. qủy dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” người có bản lĩnh lắm mới giữ được cái thiên lương của mình.
Bởi vậy, càng giận anh bao nhiêu, tôi lại càng thông cảm với những áp lực mà tôi đoán rằng nhà đạo diễn CẦU TRUYỀN HÌNH HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH cũng như các đồng nghiệp của anh phải gánh chịu. Đó là lý do tôi viết thư ngỏ này gửi đến anh.và qua anh gửi đến các bạn đồng nghiệp của anh đang góp phần giữ cái nhịp đập lành mạnh và dữ dội của đời sống xã hội.
Trong thế kỷ internet nối mang toàn cầu thì những người làm truyền hình đảm đương một sứ mệnh thật nặng nề để nối liền nhịp đập cuộc sống đất nước, của thế giới với nhịp đập trái tim của mỗi một con người lương thiện và trung thực muốn có một cuộc sống tử tế.
Mong rằng các anh chị chân cứng đá mềm. Và để giữ được cái thiên lương của người có bản lĩnh thì làm sao cho nhịp đập trái tim mình không lạc điệu với nhịp của thời đại mà chúng ta đang sống, thời đại của nền văn minh trí tuệ. Vì rằng trên con đường vùn vụt các thế hệ, quả tim tội nghiệp của con người vẫn là quả phao để cứu giữ ít nhiều thơ mộng khỏi sa xuống vực tối của sự lừa mị bẩn thỉu.
Giấy ngắn tình dài, hy vọng nhận được hồi âm của những người mà tôi yêu mến.
Thân kính,
Tương Lai,