Đến hẹn lại lên, sau Tết công chức của chính quyền lại chẳng muốn làm việc. Cái tâm lý chây lười, thích hưởng thụ trong những ngày Tết vẫn còn trong họ, cho dù họ là những người nhận lương từ chính tiền thuế của người dân.
Với những công chức này, ngày rộng tháng dài nên cứ thủng thẳng, túc tắc, một năm có mấy ngày Tết cứ vui chơi trước rồi làm việc sau cũng chẳng muộn. Công việc cứ để đấy, có biến mất đi đâu mà phải lo. Dường như họ chẳng nghĩ đến cho người dân, mỗi khi cầm hồ sơ, giấy tờ đến cơ quan công quyền để giải quyết, chẳng có nhân viên nào tại đấy để giải quyết dùm.
Ngày đầu tiên đi làm sau thời gian dài nghỉ Tết là giai đoạn để công chức đến công sở để nhận tiền lì xì từ sếp, sau đó lại rủ nhau đến các quán nhậu, quán karaoke tiếp tục chè chén, hội hè. Đó chính là nguyên nhân vì sao trong ngày đầu làm việc, hàng loạt công sở ở 2 thành phố chính là Hà Nội và Sài Gòn lại thưa vắng. Trong khi đó, các tụ điểm ăn chơi, như quán nhậu, karaoke lại đông nghịt khách.
Một cơ quan hành chính nhà nước vắng như chùa bà Đanh trong ngày đi làm đầu tiên. Ảnh: Tiền Phong
Một số khác, ban đầu cũng lên công sở làm việc nhưng sau đó nếu không đi nhậu với đồng nghiệp thì công chức lại dùng xe cơ quan để đi lễ chùa hoặc đi chúc Tết. Tình trạng này kéo dài bao nhiêu năm nay đã trở thành thông lệ. Việc lười biếng làm việc, mãi lo vui chơi trong những ngày đầu làm việc đã gây hiệu ứng dây chuyền, không chỉ cá biệt vài công sở, vài ban ngành mới có, mà hầu như tất thảy đều xảy ra. Việc làm này đã khiến cho công việc của các tổ chức, công ty, người dân bị chậm trễ, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Đó là chưa nói, việc cắt xén thời gian làm việc còn tác động xấu đến kỷ cương nơi cơ quan công quyền. Vậy nhưng, họ vẫn là những “công bộc”, vần là “đầy tớ nhân dân” đang góp phần vào việc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Trên tờ Tiền Phong ghi nhận tại Phòng tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc Ủy ban nhân dân phường 27 (quận Bình Thạnh, Sài Gòn) cho biết, tại đây có 4 người dân đang chờ giải quyết hồ sơ thủ tục, vậy nhưng tại các bàn làm việc lại chẳng có một bóng người. Một số phòng làm việc khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chẳng biết công chức đã đi đâu.
Chẳng riêng gì Sài Gòn, mà ngay ở Hà Nội cũng vậy. Theo tờ Tiền Phong thì “không khí làm việc tại nhiều cơ quan, công sở tại Hà Nội khá uể oải”. Cũng như những công sở khác, buổi sáng khi phát tiền lì xì thì nhân viên đông đủ, nhưng đến hơn 15h thì có nơi chỉ còn có một người trực, còn lại đi ăn nhậu hoặc đi lễ chùa. Khi có người muốn giải quyết thủ tục, liền nhận được câu trả lời: “Có việc gì thì để sáng mai đến giải quyết nhé, hôm nay là ngày làm việc đầu tiên mà”.
Đặc biệt, theo ghi nhận của tờ Tiền Phong, vào ngày 24/2, tại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau, Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Cà Mau có trụ sở trên đường 1/5, phường 5 (thành phố Cà Mau) tưng bừng mở tiệc vui Tết, vàng tiếng “dzô” cho dù đó đang là giờ làm việc. Thiệt hết biết, chẳng biết từ khi nào cơ quan công quyền lại trở thành tụ điểm nhậu nhẹt.
Trong khi cơ quan công quyền chẳng có nhân viên làm việc, thì tại các quán karaoke, quán nhậu lại đông nghịt người. Nó hoàn toàn đối lập với bầu không khí ảm đạm tại các cơ quan nhà nước. Hầu hết các quán karaoke ở Hà Nội đều đông nghẹt, khách đến nườm nượp, ai muốn đến hát phải đặt trước.
Trên tờ Vietnamnet dẫn lời một nhân viên tại Hà Nội cho hay: “Mọi người đến công ty buổi đầu năm chỉ để gặp mặt nhau sau đó rủ nhau đi nhậu hoặc đi chơi. Đối với công ty tôi, buổi đầu đi làm chỉ là đến cho có sau đó mọi người đều tụ tập bàn chuyện Tết rồi rủ nhau đi ăn nhậu”.
Thế mới biết, công chức ở Việt Nam làm việc ra sao, đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao người dân lại cứ đua nhau vào làm cho nhà nước, cho dù họ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để lo lót, và nực cười hơn là lúc nào cũng than phiền về mức lương “bèo nhèo” của đời công chức. Làm việc kiểu như vậy nhưng lúc nào chính quyền Việt Nam cũng muốn …hóa rồng và hô hào xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh.
Điều làm cho nhiều người phẫn uất, là trong khi người nông dân phải cày ải, đầu tắt mặt tối, công nhân bị đối xử tệ bạc, bị giới chủ bỏ đói, ăn uống không đủ chất, sống trong những căn nhà mướn ọp ẹp, thiếu thốn tiện nghi nhưng phải đều đặn nộp đủ thuế để nuôi nguyên một bộ máy công chức lười biếng sống trên tiền thuế của dân.
Thiệt vô cảm!
Người Quan Sát