Có một khu dân cư, bởi vì nguồn nước sinh hoạt rất bẩn, nên sau khi uống nước xong thì mang một thứ bệnh, gọi là bệnh “cổ lớn”.
Có một người ngoài địa phương đến chỗ này, người ở địa phương này nhìn anh ta cười nhạo nói:
- “Cái cổ của ông thật kỳ quái, sao lại vừa khô ráo vừa nhỏ ?”
Người ngoài địa phương nói:
- “Bởi vì cổ của các ông bị bệnh, tại sao không đi khám bệnh mà lại còn cười nhạo tôi ?”
Cư dân địa phương nói:
- “Mọi người ở đây đều như thế cả, cần gì phải đi khám bệnh, có lẽ anh là người mới cần đi khám bệnh đó chứ.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)
Suy tư:
Bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm vì nó dễ lây lan qua người khác, nhưng bệnh “nói hùa theo” thì càng nguy hiểm hơn nữa, bởi vì bệnh truyền nhiểm chỉ làm hại phần xác, nhưng bệnh “nói hùa theo” thì làm hại tâm hồn của tha nhân.
Có những người mắc bệnh “nói hùa theo” người khác để làm hại, làm nhục anh em hoặc những người không cùng phe cánh với mình. Họ nghe người ta nói như thế nào thì hùa theo như thế mà không cần biết phải trái, bệnh này người có chữ nghĩa gọi cách mỉa mai là “chó sủa theo”, bởi vì họ chỉ nói sau khi người cùng phe cánh đã nói ra.
Bởi vì người trong khu vực ai cũng có cái cổ lớn, nên những người ở đây cùng nhau cười nhạo người có cái cổ bình thường, thực ra người có cái cổ lớn bất bình thường mới đáng cười.
Cũng vậy, bệnh “nói hùa theo” thường xuất hiện trong các cộng đoàn lớn nhỏ, mà nếu không tinh ý thì dễ bị mắc lừa dưới chiêu bài là góp ý xây dựng, để rồi hùa theo “đánh” anh em chị em của mình một cách thiếu đức ái.
Hùa theo số đông chưa chắc đã đúng, như bầy chó một con sủa trước cái bóng trăng thì cả đàn sủa theo. Bệnh “nói hùa theo” thường có ở nơi những người không có lập trường, không có trí dũng, không có lễ nghĩa, và nhất là không có nhân, mà nhân chính là Đức Ái vậy.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư
--------------