Chọn Vàng tâm,
Hà Nội “trồng nhầm” cây “gỗ bút chì”
Chuyên gia lâm nghiệp khẳng định: Cây mới thay thế ở đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội là cây Mỡ. Gỗ cây này mềm, thường dùng làm bút chì, vỏ bao diêm, không phải cây gỗ quý Vàng tâm.
Vừa qua, trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - con đường từng được mệnh danh là “con đường đẹp Việt Nam”, hàng trăm cây xanh bị đốn hạ. Loại cây trồng thay thế được cho là cây Vàng tâm, một loại cây gỗ quý có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng 382 cây thay thế này không phải cây Vàng tâm mà là cây Mỡ, còn gọi là Mỡ vàng tâm.
Hàng trăm cây mới được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh được cho là cây Vàng tâm
Để làm rõ hơn về việc này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Vũ Quang Nam, Trưởng bộ môn Tài nguyên thực vật rừng – ĐH Lâm nghiệp Hà Nội. Ông Nam là một trong những chuyên gia đầu ngành về các loại cây thuộc họ Mộc Lan (gồm: Giổi, Mỡ, Vàng tâm…).
Cầm trên tay một cành cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, TS Nam nói: “Tôi khẳng định chắc chắn 100% đây là cành và lá của cây Mỡ, không phải cây Vàng tâm trong Sách đỏ và cũng không có loại cây nào là Mỡ vàng tâm”.
Tiến sỹ Vũ Quang Nam khẳng định mẫu vật lấy từ cây trồng mới
trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây Mỡ
Cận cảnh lá cây mới thay thế
Nhiều năm nghiên cứu về rừng nhưng ông Nam tỏ ra ngạc nhiên khi cây Mỡ hoặc Vàng tâm được trồng trên đường phố Hà Nội.
“Chưa bao giờ tôi thấy cây Mỡ hay Vàng tâm trong danh mục cây đô thị của bất cứ thành phố nào. Bởi cả hai loại cây đó đều có thời gian sinh trưởng lâu, tán mỏng, tính thẩm mỹ kém hơn nhiều các loại cây đô thị khác như bằng lăng, phượng vĩ…”, TS Nam nói.
Ông Nam cho hay, hai loại cây này có thân vỏ, bộ tán khá giống nhau nên hay bị nhầm lẫn. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của hai loại cây này là dựa vào búp, lá và hoa.
Theo TS Nam, đặc điểm dễ phân biệt nhất là chồi của cây Mỡ không có màu nâu
Cây Mỡ (tên khoa học Manglietia Phuthoensis - Dandy) thân thẳng, vỏ xám trắng, lá nhẵn xanh hình trái xoan, cành non và chồi màu xanh. Cây thích hợp với không khí ẩm, loại đất ferralit đỏ vàng, thường mọc ở rừng nguyên sinh và thứ sinh ở miền Bắc và miền Trung.
Gỗ Mỡ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ gia công, khó bị mối mọt. Gỗ Mỡ dùng chủ yếu làm nguyên liệu giấy, sản xuất ván lạng, dùng làm bút chì, làm trụ mỏ và cũng có thể đóng đồ gia dụng, làm nhà cửa.
Cây Mỡ có hoa ở đầu cành, bộ nhụy kéo dài, không có cuống nhụy, kích thước hoa từ 5 – 7 cm, hoa thơm, có 9 – 12 cánh.
So sánh hoa của Vàng tâm (trái) và Mỡ (phải)
Còn cây Vàng tâm (tên khoa học Manglietia Phuthoensis dandyi Dandy), vỏ nhẵn hình xám bạc, cành non và chồi phủ lông tơ óng ánh màu nâu, phù hợp với khí hậu ẩm, đất chua và màu mỡ. Cây được trồng ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.
Hoa Vàng tâm hình cầu, nhụy màu đỏ tía, quả hình cầu, múi cong, nhọn. Khi chín hóa gỗ màu tím nâu. Vỏ và quả Vàng tâm còn được dùng làm thuốc.
Gỗ Vàng tâm nhẹ và bền nên hay làm cung đình, nhà thờ, nhà chùa, hoành thiên, câu đối, áo quan, tượng Phật, và ngày nay làm hộp khảm trai, sơn mài, và làm tranh sơn mài.
Theo đó, nhiều cây đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, nhất là cây xà cừ. Nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, xà xừ, long não… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trước những ý kiến trái chiều về việc chặt hạ, thay thế cây xanh, ngày 20.3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua.
_____
Bản tin của Báo Dân trí:
Hà Nội trồng "nhầm" gỗ mỡ thay vì vàng tâm?
Dân trí Sau khi UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng việc thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố, dư luận lại xôn xao trước thông tin loại cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh, không phải cây vàng tâm như được thông báo trước đó…
Mỡ hay Vàng tâm ?
Trong đề án chặt hạ, di chuyển 6.700 cây xanh của TP Hà Nội, cây gỗ vàng tâm được lựa chọn trên nhiều tuyến phố, trong đó có đường Nguyễn Chí Thanh với gần 400 cây. Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí vào sáng nay, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh khẳng định, loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ. Loại cây này cùng họ thực vật với cây vàng tâm nhưng khác chi.
Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho biết, bản thân ông cũng hết sức bất ngờ vì cây mỡ là loại cây trồng rừng, có nhiều ở khu vực Yên Bái, gỗ chủ yếu để làm giấy, bút chì và gỗ dán. Đây là loại cây chưa bao giờ có tên trong những nghiên cứu về cây bóng mát. Mặc dù là cây bản địa nhưng từ thời Pháp thuộc cũng như trong quy hoạch cây xanh hiện đại, cây mỡ chưa bao giờ được nhắc đến trong bản đồ cây bóng mát từ trước cho đến nay.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (bên phải)
“Tôi sống Hà Nội đã gần hết đời người rồi. Thực sự tôi thấy rất đau xót trước quyết định chặt hạ những cây bóng mát lớn như vậy để thay thế những cây mới còn rất bé, chưa kể về cơ sở khoa học chưa thoả đáng nữa. Đặc biệt, khi có thông tin cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm nhưng thực tế khi tôi trực tiếp khảo sát thì lại là cây mỡ. Rất nhiều nhà khoa học cũng có thể chứng minh được rằng đó là cây mỡ có nhiều ở Yên Bái, nơi thuỷ tổ của trồng mỡ tại Việt Nam”, ông Cường cho biết.
Ông Cường khẳng định mạnh mẽ, theo kiến thức của ông và kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, tên chính xác của loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh phải là cây mỡ chứ không thể là Vàng tâm.
“Đối với dân lâm nghiệp lâu năm như chúng tôi khi chặt những cây Mỡ già có đường kính khoảng 30 - 40cm, trong lõi gỗ vàng nên có thể gọi là mỡ Vàng tâm cho tiện. Loại này có thể làm gỗ, làm nhà cửa được. Cây Vàng tâm và cây Mỡ là hai cây cùng một họ thực vật. Cây Mỡ là một chi khác, cây Vàng tâm là một chi khác. Từ xưa đến nay, chưa ai nghiên cứu cây Mỡ đó là cây bóng mát được vì tán nó rất hẹp. Những cây trên đường Nguyễn Chí Thanh cành nó rất nhỏ chỉ bằng ngón tay. Nếu sau này có lớn thì may lắm cũng chỉ bằng cổ tay thôi”, ông Cường giải thích.
Phố Nguyễn Chí Thanh sau khi đã được thay thế cây xanh
Phân tích thêm về phát hiện bất ngờ này, ông Cường nhấn mạnh: “Thân cây Mỡ trồng trên rừng và cây mỡ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn giống nhau. Thứ hai là dựa trên phân bố cành nhỏ cũng giống nhau chỉ bằng tầm ngón tay như hiện tại vì loại này ở trong rừng. Với chuyên gia thì chỉ cần nhìn vỏ, lá là có thể xác định tên loài cây này được rồi. Tôi khẳng định như vậy vì cá nhân tôi đã thực tế xuống tận nơi và chụp cả ảnh về loại cây này”.
Để làm rõ hơn về nguồn gốc và tác dụng của loại cây đã được thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh, con đường được cho là đẹp nhất Việt Nam, PV Dân trí đã liên lạc với Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, đơn vị tổ chức lễ ra quân trồng cây đầu xuân Ất Mùi 2015 vừa qua trên đường Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc công ty này cho biết: “Đơn vị thực hiện trồng cây là phía ngân hàng, bên công ty cây xanh không thực hiện”.
Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam). TS Hà cho biết thêm:
“Cây Vàng tâm là loại cây gỗ quý. Hiện nay đa số tồn tại trong tự nhiên vì nó sinh trưởng rất chậm chưa được phát triển rộng rãi vì hiệu quả kinh tế nó cũng không cao. Tôi cho rằng người cung cấp giống và người trồng cây đã phải có báo cáo chính xác vì cây Mỡ và cây Vàng tâm là khác nhau không thể đánh bùn sang ao được. Còn thực sự nếu trồng cây Vàng tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh thì cây cũng rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được”.
Cây bóng mát đô thị phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt
Bên cạnh việc khẳng định loại cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây Vàng tâm đã được thông báo trước đó, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường nhấn mạnh thêm rằng, việc chặt hạ và đồng thời trồng mới hàng ngàn cây trên 190 tuyến phố ở Hà Nội là điều đáng lo ngại về sự sống của cây mới trong môi trường thổ nhưỡng Hà Nội. Hà Nội là vùng đất trũng, mực nước ngầm cao, tầng đất sét là chủ yếu.
Trong khi đó, muốn làm một cây bóng mát ở Hà Nội nói riêng và các đô thị phải qua các công đoạn như gieo hạt, trồng thành cây con, trồng thử trong vườn ươm, trồng thử trên đường phố trong một vài năm để xem có sống được hay không mới đưa vào sử dụng. Nếu không sống được thì phải loại bỏ luôn chứ không trồng vô tội vạ. Tất cả phải có căn cứ, cơ sở khoa học rất cụ thể. Do đó, ông Cường cho rằng, khi mang một cây trồng rừng như cây mỡ về trồng trong phố ào ào thực sự phi khoa học.
Hơn nữa, hiện tại đã chặt những cây sấu, xà cừ vài chục năm tuổi để thay thế vào đó là những cây chỉ có tuổi đời hàng chục năm mà lại còn chưa biết có sống được hay không để toả bóng mát cũng là điều cực kỳ vô lý, chưa có cơ sở khoa học nào để làm việc đó cả.
Những gốc cây mới được cho là cây Mỡ chứ không phải Vàng tâm
trên phố Nguyễn Chí Thanh
“Bây giờ chúng ta nên tổ chức xem đánh giá có sự tham gia của các nhà khoa học, lâm sinh, các người chuyên trồng rừng đưa một loại cây như vậy về đồng bằng nó sống như thế nào. Những cây này thực tế nó sống ở vùng đồi, vùng đất chua, nay lại đưa về vùng trũng, ẩm ướt, có mực nước ngầm rất cao như ở Hà Nội thì có thể xảy ra thối rễ hoặc những tác hại khác mà mình chưa lường trước hết được”, ông Lê Huy Cường nói.
Viện dẫn thêm cho quan điểm của mình, ông Cường phân tích, từ thời Pháp thuộc, họ cũng đã có những thử nghiệm kỹ càng mới đưa ra trồng những loại như cây sấu, cây sao… chứ không phải trồng thoải mái.
Đồng quan điểm với chuyên gia Lê Huy Cường, TS Đặng Văn Hà cũng cho rằng, việc trồng cây cần phải có sự tính toán kỹ càng và đề án thay thế 6.700 cây xanh của UBND TP Hà Nội vừa qua đã được triển khai rất vội vàng. Hà Nội đáng lẽ nên bàn bạc với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây và các đơn vị khác để có những quyết định đúng đắn, hợp lý hơn.
Cây gỗ mỡ (Manglietia conifera) là cây gỗ nhỡ cao 20-25m, đường kính 30–60 cm. Thân đơn trục thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ. Tán hình tháp. Vỏ nhẵn màu xám xanh, không nứt, nhiều lỗ bì tròn; lớp vỏ trong màu trắng ngà, thơm nhẹ. Cành non xanh nhạt gần thẳng góc với thân chính. Lá kèm bao chồi rụng sớm để lại sẹo vòng quanh cành. Lá đơn mọc cách, hình trái xoan hoặc trứng ngược, đầu và đuôi lá nhọn dần; phiến lá dài 15–20 cm, rộng 4–6 cm, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn, hai mặt lá nhẵn, gân lá nổi rõ. Cuống lá dài, mảnh, gốc mang vết lõm. Hoa lớn, dài 6–8 cm, mọc lẻ ở đầu cành. Bao hoa có 9 cánh, màu trắng; 3 cánh ngoài cùng phớt xanh. Nhị nhiều, chỉ nhị ngắn, nhị và nhụy xếp sát nhau trên đế hoa hình trụ. Nhụy gồm nhiều lá noãn rời xếp xoắn ốc tạo thành khối hình trứng. Quả đại kép hình trứng hoặc hình trụ. Hệ rễ hỗn hợp. Cây mỡ ưa đất hơi chua, sâu, ẩm mát, còn nhiều mùn hoặc thảm tươi. Mỡ chủ yếu dùng phủ xanh đất trống sau khai thác rừng, phục hồi rừng nghèo kiệt, khó thích nghi ở đất trống đồi trọc.
Cây vàng tâm (Magnolia fordiana)Cây gỗ thường xanh, cao 25–30 m, đường kính thân cây 70–80 cm. Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, dày 5–17 cm, rộng 1,5-6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1–2 cm; bao hoa màu trắng; nhị nhiều; lá noãn nhiều, xếp xoắn ốc. Mỗi lá noãn chứa 5 noãn. Quả hình trứng hay tròn - trứng, dài 4-5,5 cm, gồm nhiều đại. Phân quả đại chất thịt, màu đỏ thẫm; lúc chín hóa gỗ, màu tím, ngoài có nhiều mụn lồi, đấu tròn hay có mũi nhọn nhỏ rất ngắn. Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 9-10. Tái sinh bằng hạt. tốc độ tăng trưởng trung bình. Mọc rải rác. trong rừng rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao 100 - 700m. Cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, ưa đất hơi chua, ẩm, màu mỡ và sinh trưởng tốc độ trung bình.
Xuân Ngọc
7 nhận xét :
Trồng một cây xanh trong đô thị tốn tiền triệu/ 1cay nay thay cây vàng tâm thành cây gỗ mỡ ( mỗi cây mỡ giá 5000-10000 đồng) thử hỏi bọn chúng lấy ra được bao nhiêu tiền để chia nhau. Có phải đây là chiến dịch để chặt một số cây sưa còn lạị của hà nội một cách hợp pháp của bọn lợi ích nhóm ( bọn maphia + bọn quan lại thối nát ăn không từ một cái gì của dân) không?Trả lời
Họ cố ý nhầm đấy, vì giá trị cây vàng tâm gấp cả chục lần cây mỡ, nếu không "nhầm" thì làm gì có khoản "chênh lệch" lớn để chia chác?
Họ còn "nhầm" giữa cây cần chặt hạ với cây cần bảo vệ...Trả lời
Các nhà khoa học nói , Thành Ủy, UBND, MTTQ Tp Hà Nội đã nghe thấy chưa ? Hay các nhà khoa học này không có tính Đảng nên nói không đáng tin . Chắc Các ô. BT, CT, Pct, GĐ Sở, PBTG nói đang tin hơn Và sau bức màn là đồng tiền nói đang tin hơn nữa !Trả lời
Cây mỡ người ta trồng thành rừng để lấy làm nguyên liệu làm giấy.Ban đầu người ta trồng dày sát nhau để tiết kiệm đất,sau đó cây lớn hơn thì người ta tỉa thưa bán dần,chỉ để lại theo mật độ thích hợp theo sự phát triển của cây để làm gỗ chẳng hạn.Giá thành lúc tiả thưa cũng rẻ thôi,theo tôi họ đã "nhầm" đúng cách là mua xong thuê người đánh về trồng vừa rẻ lại vừa dễ lừa là vàng tâm.Tinh(tướng)hoa đến thế là cùng,lạy mớ bái các quan HN và quan cs nước mìnhTrả lời
Ở các nước dân chủ, chỉ cần phát ngôn thiếu thận trọng là chính khách đã phải hoặc tự từ chức, chứ đừng nói gì đến hành động sai làm ảnh hưởng lợi ích cộng đồng hay vi phạm luật.
Ông Phạm Quang Nghị và ông Nguyễn Thế Thảo nên từ chức ngay, nếu còn chút lương tâm và liêm sỉ.
Một ĐV nhưng mà tốt.Trả lời
Trả lời
Bạn hỏi tức là trả lời - họ không có chút lương tâm và liêm sỉ nên không có chuyện từ chức!
Trả lời
Ông GSTS Nguyễn Lân Dũng nói rằng lãnh đạo họ chẳng có hỏi gì ý kiến của các nhà khoa học cả. Ông lãnh đạo Hà Nội thì nói rằng không có phải hỏi ý kiến của dân làm giề.
Thật là, chổng đít vào mặt các nhà khoa học chỉ chuốc lấy sự lụi tàn, chổng đít vào mặt nhân dân chỉ chuốc lấy sự diệt vong.Trả lời