Hồi bên Mỹ, rỗi việc tôi hay ra Nhà Trắng vào cuối tuần. Lần nào cũng thấy ai phản đối hay ủng hộ cái gì đó. Khi thì chống phá thai, khi ủng hộ Obamacare, chống chiến tranh Ukraine hay lên án ISIS. Giá Hà Nội được thế có vui không?
Hôm trước (23-3-2015), mình phóng xe máy đi chơi, vòng vẻo một hồi thì tới bờ Hồ. Thấy một số người tụ tập trước cửa tòa soạn báo Hà Nội Mới. mặc áo đỏ, cầm biểu ngữ chống chặt phá cây xanh. Trông kiểu ăn mặc đồng mầu nhưng mũ nón vẫn như từ quê ra, nghĩ đây cũng là chủ đề hay. Gửi xe chỗ bưu điện Bờ Hồ, đi bộ qua đó để trải nghiệm thực tế.
Các bà đông hơn các ông. Họ cầm tờ giấy A3 in laser dòng chữ “Chặt phá cây xanh là hủy hoại môi sinh”, “Tôi yêu cây xanh, cây xanh là lá phổi của người dân”. Thỉnh thoảng lại có cụ giơ biểu ngữ về bắt người, cướp đất.
Hóa ra là bà con Dương Nội (Hà Đông) và Sơn Tây vào nội thành để phản đối chặt phá cây xanh, nhân thể đòi công lý cho người bị bắt oan, bị mất đất. Các cụ có hai tờ khẩu hiệu ấp vào nhau, một tờ phản đối đốn cây, tờ kia đòi công lý cho chuyện mất đất.
Hỏi chuyện một cụ, cụ chẳng nói gì. Hỏi sao cụ tới đây, cười. Hỏi sao cụ phản đối chặt cây xanh, cười. Nụ cười hiền hậu, răng đen, kiểu vẫn nhai trầu. Hóa ra cụ bị nặng tai. Mấy chị ngồi cạnh cho biết cụ đã 81 tuổi, lóc cóc từ Hà Đông ra đây để phản đối chặt cây ở thủ đô.
Một chị khác từ Sơn Tây cho biết, chị phản đối chặt cây ở HN, vì thấy cán bộ làm liều, chẳng coi dân ra gì. Chị lật khẩu hiểu phía sau là chuyện đòi công lý cho việc mất đất ở vùng chị đang sinh sống. Một công đôi việc, rất nông dân, rất Dương Nội.
Hỏi thêm vài người đều được trả lời tương tự, họ bức xúc về việc đốn cây, làm ẩu của cán bộ địa phương mà chắc gì trên trung ương đã biết.
Phỏng vấn một chị đã luống tuổi, sao các chị đi biểu tình. Chị bảo, “Ấy, anh đừng dùng chữ biểu tình, nghe nặng quá. Chúng tôi chỉ biểu thị ý kiến của mình thôi”. Nông dân mà khéo thế. Họ hiểu pháp luật và sự tế nhị hơn cả tay blogger.
Không biết có bao nhiêu chuyện oan uổng trong việc đất nông nghiệp bị mất, phải có những uẩn khúc gì đó mà những người nông dân chân đất áo nâu bỏ cả ruộng đồng, lặn lội ra thủ đô vừa bảo vệ cây xanh vừa đòi ruộng.
Đầu tư phát triển là cần thiết, nhưng nhà đầu tư, chính quyền, cần cân bằng lợi ích của nông dân và nhóm hưởng lợi do việc chuyển mục đích sử dụng đất ở nông thôn. Nếu quyền lợi không được phân chia minh bạch, công bằng và thỏa đáng, sự bức xúc sẽ còn dai dẳng. Đó là câu chuyện toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, các nhà chính trị không thể bỏ qua.
Có một chi tiết buồn cười. Hỏi các chị có biết cô Ngà không ạ. Không, không biết. Có khi cô ấy ở nơi khác chứ chỗ họ chẳng có ai tên là Ngà. Mình hỏi lại, thế các chị có biết cô Voi không? Biết chứ, biết chứ, cô ấy vừa ở đây. Cô Voi vừa đẹp người, đẹp nết, hay mua cơm cho chúng tôi.
Đến cuối hàng người, hỏi cũng được câu trả lời tương tự, có vẻ quý cô Voi lắm. Biết Voi mà không biết Ngà. Lạ thật.
Nhưng qua chuyện này có thể khẳng định, cô Ngà Voi và nhóm cộng sự đã làm tốt công tác cứu trợ nông dân gặp khó và được các bà các chị đánh giá rất cao hành động ấy.
Mình còn đùa, các cụ có biết ai là người yêu của cô Voi không. Họ thì thầm với nhau rồi cười, không biết, không biết, nhưng hình như ở xa, ở xa lắm, anh ạ. Hỏi, có phải anh ý tên là Cua không? Không, không phải là cua, vì làng chúng tôi toàn bắt cua nấu canh.
Gặp mấy phút rất vui, rồi xin chụp mấy cái ảnh. Các bà các chị giương biểu ngữ, trước ống kính rất thạo. Nông dân hiểu biết thế này thì đất nước còn tiến xa.
Dạo thêm một đoạn quanh hồ, chụp thêm mấy ảnh gửi bà con về một sáng ở Hồ Gươm, bây giờ cũng dân chủ gần bằng Nhà Trắng bên Washington DC.
HM. 25-3-2015
Nguồn: HM