Bẽ bàng
Đó là cảm giác của các em khi biết tại cuộc họp báo ngày 17/3, Chính quyền Hà Nội chối phắt sự liên quan giữa chính quyền và nhóm DLV tham gia phá buổi tưởng niệm ngày 14/3/2015 tại Hà Nội.
Bối rối
Khi ông Thiếu tướng Giám đốc Công an Hà Nội phát biểu sẽ tiến hành xác minh hành vi của các em.
Nhục nhã
Khi cả một hệ thống báo chí chính thống đồ sộ không có lấy một lời an ủi công lao của các em mà chỉ toàn là chỉ trích, phê phán.
Hoảng loạn
Khi chủ soái “chú Quang”, theo cách gọi trìu mến của các em, phải quýnh quáng soạn thư ngỏ phân bua, xin lỗi với ông Thiếu tướng GĐ Công an kia.
Chắc hẳn, sau cuộc họp báo, vài cú điện thoại từ trên sẽ gọi xuống vỗ về an ủi. Thậm chí có cả cuộc gọi từ ông Thiếu tướng kia. Rằng “các em cứ an tâm”, thì “đây chỉ là biện pháp tình thế nhân chuyến đi Úc của Thủ tướng Dũng” và là “Trung ương vẫn ủng hộ” v.v...
Nhưng anh biết các em vẫn còn cảm thấy oan ức trong lòng.
“Mình đấu tranh chống bọn phản động mà, sao lại bị phê bình”.
Rồi tự an ủi, “coi như hy sinh vì đại nghĩa”.
Nhìn những khuôn mặt trẻ trung xinh đẹp của những Nhật Lệ, Ngọc Phượng, sự khỏe mạnh vững chãi của Nguyễn Tựa, Quốc Huy, anh biết các em là những người thông minh, khỏe mạnh và có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Các em tự hào vì hành động của mình được lãnh đạo quan tâm, được trả công hàng tháng để tự trang trải cuộc sống, được hỗ trợ tham quan đây đó, được vinh danh như như anh hùng và sự hứa hẹn về một vị trí trong nhà nước mà các em biết phải mất vài trăm triệu đút lót. Các em ngây ngất trước những lời hoa mỹ của vài vị lãnh đạo, rằng các em là tương lai trụ cột của đất nước, rằng những bọn xấu vẫn tìm cách phá hoại sự nghiệp của chúng ta...
Anh không dám chắc bao nhiêu người trong cái đám đông ngày 14/3 ai là thành tâm, ai là phản động.
Anh cũng đã xem những status của Ngọc Phượng, Nhật Lệ mới biết là các em cũng chia sẻ sự cảm thương đối với anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm đương đầu với giặc Tàu xâm lược. Nhưng các em đã làm gì. Nhảy múa ca hát trong ngày giỗ của các anh hùng liệt sĩ. Mắng chưởi những người tham gia tưởng niệm là phản động. Bênh vực một vị cựu lãnh đạo có cuộc sống sa hoa trái với lời dạy của Bác Hồ.
Giật băng rôn, ném hương. Thay vì thế, tại sao các em không chủ động hướng dẫn đoàn người tham gia tưởng niệm một cách trật tự. Đốt hương và chia cho từng người như là sự góp sức để tưởng nhớ những hy sinh vô bờ bến của các vị tiền liệt.
Các em có hiểu hay không? Rõ ràng có sự thiếu thống nhất từ lãnh đạo cấp cao, khi lần này, hành động mà các em xem là “chính danh, cao quý” đã bị tuýt còi. Lần sau, chưa biết chừng sẽ dính dáng đến pháp luật.
Các em có biết quốc kỳ, Quốc huy là những biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, là niềm tự hào của quốc gia, dân tộc. Hành vi xúc phạm quốc kỳ, quốc huy là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự tôn nghiêm, thiêng liêng của quốc gia, dân tộc.
Chính vì vậy Điều 276 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy như sau: Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Theo đó, hành vi khách quan của tội xâm phạm quốc kỳ, quốc huy được thể hiện bằng một số hành vi cụ thể, trong đó có: sử dụng quốc kỳ, quốc huy để làm những việc mang tính xúc phạm “biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc”.
Khi Tướng Nguyễn Đức Chung và Phó Ban TGTU Giáo Phan Đăng Long gọi các em là quần chúng tự phát, ngoài ý nghĩa họ không chịu trách nhiệm về hành vi của các em và họ cũng sẽ không bảo vệ các em, ít nhất là công khai. Các em sẽ trở về vị thế bình đẳng với những người ủng hộ dân chủ thì mọi hành vi vi phạm sẽ bị pháp luật điều chỉnh.
Các em còn quá ngây thơ để tham gia vào trò chơi chính trị này. Trừ phi, các em biết và tự nguyện biến mình thành con cờ phục vụ cho một mục đích riêng của bộ phận lãnh đạo.
Chấn Vinh