Thơ tám chữ là thể thơ mỗi dòng có tám chữ. Tuy là thơ tự do, nhưng vẫn có luật của nó.
Thể thơ này không có quy luật nhất định, có nghĩa là vần điệu tự do hơn. Thể thơ tám chữ chú trọng rất nhiều trong cái "nhạc" của từng câu thơ.
Làm thơ tám chữ dễ dàng hơn những thể thơ khác rất nhiều vì không bị luật thơ gò bó.
Luật bằng trắc
Thường thì trong câu để có âm điệu du dương hễ chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng; chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc.
* Chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ ba là thanh trắc, thứ năm hoặc sáu là thanh bằng:
Ngắt câu chữ thứ 5 : x x T (b) B x x T
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x T x (b) B x T
* Chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ ba là thanh bằng, chữ thứ năm hoặc sáu là thanh trắc:
Ngắt câu chữ thứ 5 : x x B (t) T x x B
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x B x (t) T x B
Nhưng nhiều tác giả làm thơ cũng không theo quy định bằng trắc này.
Trong một câu, nên có sự cân bằng giữa số lượng các thanh bằng và thanh trắc, ví dụ Bằng /Trắc = 3/5 hay ngược lại. Thanh bằng trắc cũng nên xen kẽ đều đặn để câu thơ uyển chuyển nhịp nhàng.
Cách ngắt nhịp
Câu thơ 8 chữ có thể được ngắt nhịp bất kỳ, thường ngắt nhịp 3/5, 3/3/2, 3/2/3, cũng có khi 4/4, 2/2/2/2, 5/3...
Chúng ta nên thay phiên cách ngắt nhịp để bài thơ có tiết tấu hay (tiết tấu nghĩa là nhịp nhàng, do cách ngắt nhịp, đoạn dài đoạn ngắn mà thành)
Ta rắp nâng lời chào/ ngày mới mẻ,
Vì Đông,/ Thu,/ hay Hạ/ cũng như Xuân;
Cũng có tình riêng/ với lòng thi sĩ.
Ta vui ca/ trông ngày tháng xoay vần.
(Khúc ca hoài xuân - Thế Lữ)
Cách gieo vần
Gieo vần thì có nhiều cách, có thể theo các cách tương tự như gieo vần thơ 4 chữ như sau :
1. Vần liên tiếp
Cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc, hoặc hai vần trắc rồi đến hai vần bằng. Như vậy, câu 1 vần câu 2, câu 3 vần câu 4, hoặc là câu 2 vần câu 3, câu 4 vần câu 5. Thí dụ:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về...
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Ngập ngừng - Hồ Dzếnh)
Ta nghe rõ con thuyền trôi phấp phới
Non động hoang mang, tình xưa bạn mới
Hoa chờ, tươi: mây đợi, thắm lưng đèo
Suối quanh co bờ đá dựng cheo leo
Sườn bích lập nâng cao trần thạch nhũ
Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
Lệ chia phôi ngàn thuở đọng lưng chừng
Lối vào sâu mấy khoá nẻo sau lưng
Khe nước hẹp khép dần sau bánh lái
Đôi bờ gấm chập chờn xê xích lại
Nóc rêu nhung buông rủ sát ngang đầu
Hồn phiêu dao tưởng cõi chiếc thuyền câu
Lách hang đá bay về non nước Tấn
(Đào Nguyên lạc lối - Vũ Hoàng Chương)
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)
2. Vần chéo (Vần gián cách)
Một vần bằng rồi tới một vần trắc. Như vậy, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4. Thí dụ:
Trời xuân vắng, cỏ cây rên xào xạc
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi.
Gió xuân lạnh, ngàn sâu, thời ca hát
Trăng xuân sầu, sao héo, cũng thôi cười.
(Đêm xuân sầu - Chế Lan Viên)
Đuốc hoa toả, xiêm y càng rực rỡ
Khói trầm dâng, son phấn ngát lây hương.
Da thịt cháy, nhưng còn hơi bỡ ngỡ,
Nấp sau rèm tơ lụa mỏng hơn sương.
(Động phòng hoa chúc - Vũ Hoàng Chương)
3. Vần ôm
Câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3. Thí dụ:
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
(Tuổi mười ba - Nguyên Sa)
Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Em tới đây tình tự một đôi lời
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ
(Ân tình dạ khúc - Đinh Hùng)
Phụ lục :
1/ Muốn cho thơ tám chữ thêm âm điệu, một số nhà thơ ngoài vần cuối thường gieo thêm vần lưng. Như vậy, chữ cuối câu 1 vần với chữ 5 hay 6 câu 2, chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 3 và vần với chữ 5 hay 6 câu 4
2/ Nếu làm thơ nhiều đoạn, mỗi đoạn có thể gieo vần theo cách khác nhau.
Thí dụ :
- Vần chữ thứ 6
Cho em hỏi bên anh trời trở lạnh
Gió giao mùa thổi buốt mảnh thân côi
Có chợt buồn khi tình mãi xa xôi ?
Dòng sông nhỏ giờ đã thôi mộng tưởng
Cho em hỏi gió những chiều chuyển hướng
Cát đại dương còn mãi vướng chân người
Anh có nghe bao thương nhớ bừng khơi
Mùi hương tóc thoảng bên trời ước vọng
(Cho em hỏi - Shiroi)
- Vần chữ thứ 5
Anh muốn nói dù trời đông giá lạnh
Rét da ngoài khôn sánh rét tim côi
Bàn thiên nhìn mâm quả với chè xôi
Lòng xáo động bồi hồi trong tâm tưởng
Anh muốn nói dù chúng mình đôi hướng
Điệu đàn tơ âm hưởng vẫn rung người
Qua đại dương hoà nhịp sóng trùng khơi
Vượt sa mạc gởi lời muôn khát vọng
(Anh muốn nói - Ái Hoa)
- Thơ nhiều đoạn hỗn hợp
Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! -- Ta buồn lắm!
Nắng gay gắt trên khóm sen không thắm
Gió thờ ơ không động bóng tàn cây
Dưới trời xanh mây quá trắng không bay
Hồ không sóng phơi mặt gương quá sáng
Thời gian đứng sắc hình trơ trẽn dáng
Lòng ta không âu yếm không vui tươi
Không nhớ thương không sôi nổi -- Than ôi!
Cũng không cả nỗi đắng cay tê tái
Nàng Thơ ơi tâm hồn ta trống trải
Ta đứng đây lơ láo hững hờ trông
Cảnh vô duyên không gợn tiếng tơ lòng
Ta đứng đây, thẫn thờ mơ bóng bạn
Trông giờ khắc lặng mang niềm ngao ngán
Ly Tao ơi, nương tử của lòng ta
Nỡ lòng du, sơ lãng mối tình thơ
Tìm đâu thấy những phút giây êm ái
Những phút giây sán lạn ánh thiêng liêng
Ta cùng ai để tâm hồn mê mải
Tung ngọc châu gieo những khúc thần tiên
Đâu những buổi non sông cùng lặng lẽ
Đợi tay ta dìu dắt ngón tay ai
Tạo nên bức tranh tuyệt trần hoàn mỹ
Lên không gian, thâu góp muôn màu tươi
Vì bạn ơi! Những khúc đờn réo ngọc
Với bức tranh châu chuốt nét thanh cao
Là những bài thơ, nỗi tình cảm xúc
Của lòng ta và của bạn Ly Tao
Nàng Thơ ơi! Nàng Thơ! -- Ta buồn lắm
Đem lại đây ánh hương hoa say đắm
Đem lại đây làn sương gió mơ màng
Đem lại đây, cùng với điệu du dương
Những tiếng khóc than hay lời cảm khái
Để lòng ta thôi đừng khô héo mãi
Để cho ta khi ngắm nắng, trông hoa
Khi đứng bên hồ đón gió đưa qua
Ta được thấy ánh lòng ta rung động
Ta được thấy hồn thơ ta gợn sóng
Thấy miệng cười bạn tiên tử yêu kiều
Và cùng ai chung giấc mộng cao siêu
(Giục hồn thơ - Thế Lữ)
Thơ 8 chữ đôi khi cũng được 1 số thi nhân áp dụng vào thơ 7 chữ cho dễ diễn đạt tỉ như bài thơ "Góc Dịu Êm" của Như Ly dưới đây :
Góc Dịu Êm
Em giấu mặt vào trong bóng tối
Để ôm ghì nỗi nhớ say sưa
Canh khuya vắng u hoài mong đợi
Tiếng chân người gõ cửa đêm mưa
Nhưng mơ ước chỉ là ảo mộng
Vời vợi xa nửa quả điạ cầu
Nắng thu nhạt xuyên tà áo mỏng
Lạnh quá anh bởi chẳng gần nhau
Khi chiều xuống em ngồi trầm lặng
Nhìn trên cành chiếc lá chuyển vàng
Lay trong gió gợi nguồn thơ đắng
Chao ơi buồn ý tưởng sầu giăng
Bài thơ nhỏ gởi anh trìu mến
Đọc đi anh sẽ hiểu lòng em
Cả hai đứa ta đều không hẹn
Vẫn chiếm hồn nhau góc dịu êm
Như Ly
Những năm về trước VĐ rất thích viết loại thơ 8 chữ vì nhận thấy loại thơ mới này phóng khoáng, không gò bò như các thể thơ khác. Dưới đây là 1 ví dụ :
Con Sẽ Về ..
(Kính tặng hương linh những đồng bào đã bỏ thây trên biển cả, những thuyền nhân đã một thời vượt biển, bất chấp mọi gian lao và sống chết để đến được những bờ bến tự do, những tập thể và cá nhân Hải Ngoại không ngơi nghỉ đấu tranh cho Dân Chủ & Nhân Quyền ở Việt Nam. Kính tặng quê hương xa cách nghìn trùng)
Mai tôi chết thắp giùm tôi ngọn nến
Cỗ quan tài khắc hai chữ "Việt Nam"
Và đừng khóc, đừng nói lời đưa tiễn
Để tôi đi thanh thản giữa thu ngàn
Tôi hứa sẽ, vâng, sẽ về đất Mẹ
Dẫu trăm đường, dù vạn nẻo chông chênh
Và sẽ đến, đến thật gần, bảo khẽ
Rằng "Mẹ ơi, con đã đến .. an bình !"
Từ loạn lạc trải bao mùa nắng hạn
Giòng chia đôi hai nhánh rẽ mù tăm
Tôi vẫn nhớ, vẫn khát khao tâm khảm
Được nhìn Me, dù là chỉ một lần !
Ngày chia cách tuổi vừa tròn mười sáu
Tuổi trăng rằm còn ướt mộng ca dao
Tóc còn thắm, còn thơm mùi thạch thảo
Và hồn trai còn nặng chí anh hào
Thuyền nhổ bến, tôi theo đoàn bỏ xứ
Đi thật xa .. Về đâu nhỉ ? Nào hay !
Thân chỉ biết phó dòng theo cuộc lữ
Nẻo mù khơi xa tít tắp mây bay
Đi để thấy những mảnh đời oan nghiệt
Đồng bào tôi vất vưởng giữa biển Đông
Người bị hiếp, kẻ bị điên, bị giết
Trôi lênh đênh như lạc phách, vong hồn
Đi để hiểu, thấm nhuần câu "tỵ nạn"
Kiếp "thuyền nhân" đây đó sống lất lây
Mã-lai Á, Phi Luật Tân, xứ Thái
Tân Gia-Ba .. muôn hải đảo lưu đày
Đi để biết giá "Tự Do" phải trả :
Là nhục nhằn, là đói khát, thương đau
Sống tạm bợ trên những vùng đất lạ
Mơ ngày mai được hạnh phúc, sang giàu
Để được thế, người không ngừng cố gắng
Đem hai bàn tay trắng tự mưu sinh
Đội mưa nắng, dầm tuyết sương chẳng quản
Dốc mồ hôi, tài sức để vươn mình
Bằng nỗ lực, lòng quyết tâm sắt thép
Óc cần cù, trí nhẫn nại vô biên
Người đã đạt đích đời thường nhắm đến
Chỉ hiềm chưa .. gặp lại bóng Mẹ hiền !
Vì tranh đấu cho quê hương xứ sở
Có nhân quyền, dân chủ lẫn ấm no
Người đã thệ, nhủ dặn lòng muôn thuở
Sẽ về khi non nước đổi thay cờ
Hoặc đền đáp lúc xuôi tay, nhắm mắt
Ngày hồn thôi quay quắt mộng Kinh Kha
Đời chấm dứt kiếp viễn du lưu lạc
Về thong dong yên nghỉ giấc quê nhà
..
Mai tôi chết thắp giùm tôi ngọn nến
Cỗ quan tài khắc hai chữ "Việt Nam"
Và đừng khóc, đừng nói lời đưa tiễn
Để tôi đi thanh thản giữa thu ngàn
Tôi hứa sẽ, vâng, sẽ về đất Mẹ
Dẫu trăm đường, dù vạn nẻo chông chênh
Và sẽ đến, đến thật gần, bảo khẽ
"Mẹ Việt ơi, con đã đến .. quê mình."
Việt Đường
(04 & 05/01/2007)
Sưu tầm