Trong buổi họp Quốc hội vào ngày 19/6, bà Lê Thị Nga- phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã đưa ra vấn đề mà lâu nay dư luận rất quan tâm.
Nhóm công an xã Kim Nổ (huyện Đông Anh, Hà Nội) đánh chết dân. Ảnh: Infonet
Đó là cần phải hạn chế quyền của công an xã, thay vì thêm rất nhiều quyền như trong dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự. Những lo lắng của bà Nga cũng là nỗi niềm của rất nhiều người, trong đó có thân nhân của những người đã chết dưới bàn tay của công an xã.
Trong những thống kê của chính quyền CSVN cho biết, đến hết quý I năm 2014, có đến 162,000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, không kiếm được việc làm. Trong khi đó, theo những quy định hiện hành, trưởng và phó công an xã chỉ cần học xong chương trình phổ thông (tốt nghiệp lớp 12), còn công an viên thì chỉ cần tốt nghiệp Trung học Cơ sở (tức là học xong lớp 9). Thậm chí, ở những nơi miền núi, vùng sâu còn hạ chuẩn, chấp nhận cả người “học xong chương trình tiểu học” (tức học xong lớp 5) vào làm công an.
Cũng không quá lâu để nhắc lại vụ án công an xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) đánh chết em Tu Ngọc Thạch để minh chứng cho thấy sự lộng quyền, du côn của công an xã ở Việt Nam. Em Thạch lúc bị đánh chết chỉ là học sinh lớp 9, đang ở vị thành niên. Vậy nhưng, khi công an xã Vạn Long truy bắt em Thạch đã dùng tay chân, nón bảo hiểm đánh em đến chết. Việc thiếu trình độ học vấn, chuyên môn không được đào tạo bài bản khiến cho nhiều công an xã không nhận thức được đâu là thẩm quyền và vượt quá quy định pháp luật cho phép. Họ hành xử theo cảm tính, bản năng.
Trưởng công an xã xịt hơi cay liên tục vào nạn nhân. Ảnh: Vnexpress
Trên trang tìm kiếm Google, với từ khoá “công an xã đánh chết người tại trụ sở” sẽ cho ra 2,770,000 kết quả trong vòng 0.40 giây. Điều đó minh chứng cho thấy rằng, việc công an xã lạm quyền, đánh chết dân trong đồn diễn ra rất nhiều và thường xuyên. Vậy nhưng, thay vì phải hạn chế bớt quyền của công an xã thì dự luật mới bổ sung, Bộ Công an lại muốn thêm quyền cho công an xã. Trong đó, một số quyền khiến dư luận cảm thấy hết sức bất an. Đó là: quyền lấy lời khai, khám người, vẽ hồ sơ hiện trường, thu giữ, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu liên quan. Theo bà Lê Thị Nga thì bản chất của hoạt động này là những bước đầu của cơ quan điều tra.
Hẳn nhiều người không quên vụ trưởng công an xã Ia Trok (huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) dùng bình xịt hơi cay, xịt tới tới một thanh niên trong xã chỉ vì anh này không chịu về đồn công an làm việc. Trong lúc “mời” anh này, viên trưởng công an xã còn sử dụng cả súng để đe doạ nạn nhân. Việc xịt hơi cay liên tiếp khiến cho nạn nhân bị giảm 90% thị lực theo như những gì mà thân nhân tố cáo. Việc công an sử dụng những công cụ hỗ trợ là điều không mới, đó thuộc về quyền năng của công an xã. Trong pháp lệnh công an xã và Thông tư 28 của Bộ công an, để thực hiện những quyền của mình, công an xã được sử dụng súng trường, tiểu liên, dùng công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui điện… Những công cụ ấy nếu vào tay của một người có trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật, tôn trọng quyền con người thì chẳng sao. Nhưng nếu nó lọt vào tay của những kẻ ít học, nhưng lại có chút quyền thì trở nên thảm hoạ và cái chết có thể đến với người dân bất kỳ lúc nào.
Theo bà Lê Thị Nga- phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, trong dư thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự dành cho công an xã thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu, thực chất của nó sẽ hạn chế quyền con người, quyền của công dân của những người bị tạm giữ, khám xét. Đó là chưa nói, với trình độ học vấn, chuyên môn không được đào tạo đàng hoàng thì những bước điều tra ban đầu đó nếu không được thực hiện chuẩn xác, chuyên nghiệp sẽ làm mất những dấu vết hiện trường, mất vật chứng, giảm giá trị của lời khai ban đầu… mà những sai lệch đó rất khó khắc phục, gây khó khăn cho quá trình điều tra về sau.
Bên cạnh đó, việc nhận những người có trình độ học vấn thấp vào làm công an xã sẽ khiến cho Bộ công an phải tốn tiền cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho họ.
“Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật: Với người có trình độ học vấn thấp, đến mức chấp nhận cả trình độ tiểu học, ít được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, làm việc bán chuyên trách, luôn luôn chịu áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ mà lại được giao thẩm quyền quá lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ thì việc lạm quyền, vi phạm là khó tránh khỏi”- bà Nga cho biết.
Do đó, bà Nga đề nghị Quốc hội cho dừng thực hiện những nội dung có liên quan trong Pháp lệnh công an xã để bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, với dự thảo Luật Tổ chức điều tra hình sự, cần rút ỏ phần quy định những thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu cho công an xã.
Người Quan Sát