Mong ước mỗi ngày có nhiều tiếng nói can đảm và sáng suốt hơn trong cái quốc hội vn hiện tại
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.SAI-GON kêu gọi phải xác định cho đúng khái niệm ta – bạn – thù.
Ông còn mượn thơ để nói thay lời rằng: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”.
Qua báo chí, trong mấy ngày vừa qua, tôi bắt gặp nhiều lời phát biểu rất can đảm và sáng suốt của một số đại biểu Quốc hội trong nước.
Trước hết là bài phát biểu của bà Võ Thị Dung tại phiên họp Quốc hội vào sáng ngày 28 tháng 3. Bà Dung nêu lên “7 điều lo và 3 điều ước”.
Bảy điều lo ấy, theo thứ tự là:
Thứ nhất, nạn ngoại xâm từ Trung Cộng, kẻ, trước đây đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, nay lại bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa để mưu toan lấn chiếm cả Biển Đông của Việt Nam.
Thứ hai là vấn đề tham nhũng, lót tay, lại quả, phong bì rất phổ biến tại Việt Nam.
Bà Dung gọi đó là nạn “nội xâm” hay “quốc nạn”.
Thứ ba là sự suy thoái về đạo đức xã hội. Theo bà Dung, đạo đức giả càng ngày càng lấn át đạo đức thật; chủ nghĩa thực dụng càng ngày càng lan tràn; ở đâu cũng bắt gặp sự tham lam, ích kỷ, dối trá, lừa đảo, cướp giật; an toàn thực phẩm bị đe doạ nghiêm trọng.
Thứ tư là sự tụt hậu về kinh tế: Năng suất lao động thấp, tài nguyên thiên nhiên bị huỷ hoại, ngân sách thiếu hụt trầm trọng.
Thứ năm là nợ công càng ngày càng chồng chất, việc tiêu xài quá lãng phí.
Thứ sáu là văn hoá càng lúc càng suy đồi, các giá trị truyền thống bị mai một hoặc xuống cấp.
Thứ bảy là hiện tượng thiếu kỷ cương và kỷ luật trong việc điều hành của bộ máy công quyền làm giảm lòng tin của dân chúng và cũng giảm động lực phát triển của xã hội.
Còn ba điều ước của bà là: Một, bộ máy công quyền thực sự dân chủ; hai là đất nước bình yên và phát triển; và ba là văn hoá ngày càng tốt đẹp.
Bài phát biểu 7 phút của ông Trương Trọng Nghĩa tại phiên họp sáng ngày 1 tháng 4 cũng khá hay. Cũng giống bà Võ Thị Dung, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam hiện đang phải đối đầu với cả ngoại xâm lẫn nội xâm. Không nêu đích danh kẻ ngoại xâm là Trung Cộng, ông Nghĩa chỉ đặt vấn đề: cần phải xác định lại các khái niệm “ta”, “bạn” và “thù”.
Trước đây, dựa trên ý thức hệ Mác xít, người ta xem “bạn” là tất cả các quốc gia cùng theo chủ nghĩa xã hội và “thù” là các quốc gia tư bản – thường được gọi là “đế quốc”.
Tình hình chính trị hiện nay khác hẳn. Theo ông Nghĩa, hiện nay, “Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam độc lập chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là những thế lực thù địch cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh đất nước.”
Ông Nghĩa nhấn mạnh, việc xác định không đúng ta và bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn.
“Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc”.
Không đi vào chi tiết, nhưng qua lời phát biểu dẫn trên, chúng ta đều hiểu ông Nghĩa xem ai là “bạn” và ai là “thù” của Việt Nam.
Về nội xâm, ông Trương Trọng Nghĩa cũng nói đến tham nhũng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiều hơn vào ý này: Phải làm sao cho đất nước trở thành một nơi đáng sống. Ông ghi nhận hiện nay nhiều trí thức giỏi không muốn về Việt Nam làm việc trong khi nhiều người khác, kể cả các doanh nhân và cán bộ CS, tìm cách ra nước ngoài định cư. Tại sao? Ông giải đáp: “Không phải vì nghèo về tiền mà cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không đảm bảo đầy đủ, lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy và cũng biết.”
Cuối bài phát biểu, ông Trương Trọng Nghĩa nhắc lại hai câu thơ của Tố Hữu được sáng tác từ năm 1967 về chuyện Mỵ Châu và Trọng Thuỷ: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”; rồi ông sửa lại cho hợp với hoàn cảnh hôm nay:
“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”.
Qua chi tiết “mất cả đất liền, cả biển sâu”, chúng ta có thể hiểu ngay kẻ nào bị ông Nghĩa xem là “giặc”.
Bài phát biểu cuối cùng tôi rất tâm đắc là của ông Lê Văn Lai.
Liên quan đến Biển Đông, ông Lai “ngạc nhiên” và không đồng ý với các báo cáo của chính quyền Việt Nam khi cho, ở đó, Việt Nam vẫn “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Theo ông, cách đánh giá ấy không đúng. Trên thực tế, “người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép ngư dân, người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm chủ quyền như dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”.
Ông thú nhận là ông tự “ép suy nghĩ” của mình để đồng thuận với cách đánh giá của chính phủ nhưng “nói thật là tôi ép không nổi”. Lý do:
“Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm một lần. Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa. Năm 1974 lấy tây Hoàng Sa. Năm 1988 lấy đảo Gạc Ma.
Năm 2014 kéo giàn khoan vào biển Đông và sau đó tần suất dài hơn, dày hơn để xâm lấn chủ quyền.
Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa, phù hợp không?” Ông Lai trăn trở.
Với những lời phát biểu của ba đại biểu Quốc Hội dẫn trên, tôi chỉ xin nhận xét vắn tắt:
Thứ nhất, cả ba đều rất can đảm vượt qua những điều cấm kỵ lâu nay để nói lên những lời tâm huyết của những kẻ không nguôi đau đáu về hiện tình của đất nước.
Can đảm ở chỗ họ thẳng thắn xem Trung Cộng là “giặc” và xem tham nhũng là một “quốc nạn” của CS Việt Nam.
Thứ hai, họ nhận diện được chính xác và đầy đủ các hiểm hoạ mà Việt Nam đang phải đối đầu.
Điều duy nhất chúng ta có thể bổ túc vào những lời phát biểu của họ là một vấn đề liên quan đến nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng ấy: sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.
Không thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân này, người ta khó tìm được biện pháp đúng đắn để giải quyết các vấn đề họ nêu lên.
Tuy nhiên, tôi biết, đòi hỏi như vậy là quá nhiều so với tư cách đại biểu Quốc hội của họ. Dù sao, so với trước, những lời phát biểu can đảm và sáng suốt của họ cũng là một bước tiến bộ rất đáng kể.
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc