Theo báo Đời Sống và Pháp Luật, Phòng An ninh Văn hoá & Bảo vệ Chính trị nội bộ (gọi tắt là PA83) đã “nhắc nhở” và khuyên cô Trần Thị Lam (Giáo viên trường THPT chuyên Hà Tĩnh) về việc “phát tán thơ” sẽ tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.
Cô Trần Thị Lam là tác giả bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?!” thu hút rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Bài thơ gây bão trên mạng mấy ngày qua có nội dung như sau:
Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Trần Thị Lam
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.
Sau hơn 1 ngày đăng tải, bài thơ của cô giáo Lam nhận được hơn 2000 lượt chia sẻ, và Facebook cô giáo đã đóng lại.
Các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tìm đến làm việc với cô giáo Trần Thị Lam. Mặc dù cơ quan chức năng thừa nhận rằng “việc sáng tác văn học nghệ thuật là quyền của mỗi con người”, nhưng bên cạnh đó cũng kết luận suy diễn luôn rằng “việc phát tán thơ để tạo hiệu ứng xấu cho xã hội là không nên”.
Trước sức ép tinh thần của an ninh, cụ thể là phòng An ninh Văn hoá & Bảo vệ Chính trị Nội bộ (PA83) tỉnh Hà Tĩnh, cô Trần Thị Lam đã xoá bài thơ khỏi Facebook cá nhân.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù cô Trần Thị Lam đã mở lại Facebook và có thông báo:
“Cuộc sống của mình vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ một sự phiền nhiễu nào từ phía cơ quan hay chính quyền. Cám ơn các bạn đã quan tâm”.
Và bài thơ gây bão không còn xuất hiện trên trang cá nhân của cô giáo nữa.
Status thông báo an toàn của cô nhận được sự chia sẻ của cộng đồng cũng bị xoá sau khi post lên chừng 30 phút.
Có thể nói, việc các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh mời người sử dụng mạng xã hội là cô Trần Thị Lam đến làm việc và suy diễn bài thơ của cô theo hướng “tạo hiệu ứng xấu cho toàn xã hội” là hành vi xâm phạm quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận của con người,
Hiệu ứng xấu tác động đến xã hội, đến đời sống của người dân chính là cách làm việc tuỳ tiện, ngang nhiên chà đạp lên Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm quyền con người của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.