Hà Nội mưa, buồn, suy tư. Nghĩ về chuyện ông tây vừa ghé chơi, thấy tủi thân lẫn buồn thương cho dân chúng Việt Nam mình.
Ngày mai thôi, khi con chim sắt đưa ông ta rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, tất cả những giây phút náo nhiệt hôm nay bổng trở thành hoài niệm. Đám đông kia bị bỏ rơi và rồi sẽ trở về với thực tại, với vòng quay cướp bóc quen thuộc.
Con chim sắt kia bay đi, mang theo cả những lợi ích của nước Mỹ. Chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh và giờ đây nó cũng lu mờ bởi những đồng đô la béo bở. Lợi ích quốc gia của họ là tối thượng. Còn chúng ta, điều gì khiến ta say mê cuồng nhiệt, để rồi sau tất cả, chúng ta lại trở thành những kẻ vô cảm, hẹp hòi, ích kỷ và man rợ. Chúng ta lại lo âu mỗi khi ngoại bang xâm lấn. Chúng ta lại cúi đầu mỗi khi xuất ngoại đến năm châu?
Ai dám chắc rằng trong đám đông nhào ra đường chào đón tên tổng thống tư bản kia không phải đa phần là fan cuồng của đảng? Ai dám bảo đám đông kia ngày mai và sau này không nguyền rủa những người dấn thân cho nền dân chủ nước nhà là phản động? Ai chắc rằng được 5% trong số đó hiểu được giá trị của tự do và họ dám công khai đòi hỏi tự do, dân chủ.
Đến những người mang danh là đại diện cho các nhóm XHDS như Hoàng Oanh, Phan Mai Lợi, Mai Khôi, Lê Quang Bình... mang tiếng là có học thức và nhận thức mà còn chả thèm hoặc dám đả động một từ nào đến cái gọi là "chính trị" nữa là. Như bà Hoàng Oanh trả lời BBC rằng, mỗi đại diện đều nêu lên những đòi hỏi trong lĩnh vực của mình. Như vậy, chính trị mà thực ra là tự do, dân chủ là cái gì đó rất xa vời, mà cũng chẳng quan trọng gì với người dân Việt Nam. Chỉ cần một thứ thôi, lợi ích của họ, của tổ chức họ được đảm bảo.
Những đêm cô đơn bao giờ cũng để lại trong tôi nhiều xúc cảm. Những ý nghĩ mông lung, từ thuở tiền nhân khuơ chiêng mở đất đến những giây phút thực tại đầy bi ai, Lịch sử chúng ta dày cả nghìn năm. Nghìn năm bao biến cố, cả đau thương lẫn ngọt ngào. Nhưng tại sao chúng ta can tâm để thua nước Mỹ, vỏn vẹn vài trăm năm?
Lịch sử Việt Nam biết bao lần sang trang, nhưng rồi chúng ta vẫn mãi mãi là kẻ yếu. Thành bại của những triều đại phong kiến kéo theo sinh mệnh của cả dân tộc. Nước Việt đời nào cũng có anh hùng hào kiệt, nhưng sức mạnh cá nhân không thể nào siêu nhiên như thần thánh. Quan hệ xã hội thời phong kiến lỏng lẽo đòi hỏi cần có một thủ lĩnh đủ mạnh để thị uy phần còn lại. Rõ ràng khi loài người tiến lên nấc thang mới, xã hội ràng buộc nhau thông qua những khế ước mà người ta thường gọi là luật pháp. Khi đó tự thân những cá nhân trong xã hội chọn ra thủ lĩnh bằng cách thực thi khế ước. Obama hôm nay có thể vĩ đại, quyền lực với người dân Mỹ, nhưng chỉ một năm sau thôi, ông ta sẽ trở thành một chuyên gia hay chủ 1 tiệm bánh mì như bao người bình thường khác. Như vậy, không phải Obama vĩ đại mà chính là những người dân Mỹ vĩ đại. Bởi họ tuân thủ và thực thi tuyệt đối khế ước của họ.
Nhiều lúc tôi tự hỏi rằng, điều gì khiến nước Mỹ giàu mạnh. Và tôi chắc rằng vì khế ước thứ nhất của nền dân chủ Mỹ đã giữ nguyên hàng thế kỷ.
Đời này qua đời khác, người này đến rồi đi khỏi Nhà Trắng nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1776 vẫn còn đó như một chân lý vĩnh cửu. Các đời tổng thống Mỹ luôn dùng quyền lưc mềm và kiểu đối ngoại khôn ngoan, mềm dẻo. Duy chỉ có một thứ cứng nhắc đến mức bảo thủ đó là sự tuân thủ Hiến pháp thứ Nhất. Đến nổi, hàng loạt vụ nổ súng xảy ra, Obama bật khóc trước Quốc hội nhưng vẫn không tài nào thay đổi được đạo luật cho phép sử dụng súng ống dân sự. Bởi lẽ người Mỹ quan niệm rằng, công dân có quyền tự vệ trước vũ trang nhà nước cũng như kẻ yếu có quyền tự vệ trước kẻ mạnh.
Hàng trăm năm, quân đội Mỹ mang súng ống đi khắp Thế giới với danh nghĩa hoặc sự thật là bảo vệ tự do, dân chủ. Họ mang về các quan hệ đồng minh hoặc là tiền bạc. Điều đáng ngạc nhiên là sau tất cả những hoài nghi đó, dòng chất xám cứ thi nhau chảy về Mỹ. Và cũng từ Hiến pháp thứ nhất đó người ta chọn nên người giỏi nhất làm tổng thống.
Nước Mỹ là một Hợp chủng quốc, tức quốc gia của nhiều chủng người trên khắp thế giới. Tuy có những bất đồng nhất định nhưng họ là một quốc gia đoàn kết. Điều đó có lẽ xuất phát từ những giá trị Mỹ được thực thi một cách nghiêm túc, hơn nữa nó đến từ nền giáo dục thực dụng và nhân bản.
Nhiều lúc nằm suy nghĩ về xã hội Việt Nam, tôi chợt rùng mình sợ hãi. Không phải là sợ hãi trước kẻ mạnh, trước cái ác mà là trước sự cô đơn của những người tốt. Hàng ngàn năm qua, người Việt luôn đoàn kết, yêu thương khi bị dồn đến đường cùng. Còn khi thảnh thơi, họ bắt đầu quay sang đố kỵ hoặc độc tài. Những kẻ có cơ đồ, quyền bính không chịu buông bỏ lợi ích cá nhân để làm điều hiệp nghĩa. Những kẻ yếu thế thì tìm cách luồn lách để dẫm lên vai những kẻ yếu hơn mình để mà tồn tại. Họ thiếu lòng tin hoặc là hèn mọn không dám đoàn kết để làm nên những khế ước. Họ dẫm đạp lên nhau để chào đón một ngôi sao, một người nổi tiếng hay giành giật ổ bánh mì miễn phí mà không biết cách nắm chặt tay nhau để tạo nên thay đổi. Nói đúng hơn họ giống những mảnh đời thừa mà tạo hoá đã lầm lỡ tạo ra.
Ngoài kia trời vẫn mưa, ngày mai con chim sắt kia sẽ bay đi cũng những xạ thủ, trong ngục tù kia, những người thực tâm hi sinh cho nền dân chủ Việt Nam vẫn đang chịu đoạ đày. Người ta hoan hỉ, tiếc nuối, luyến lưu nhưng chắc gì có ai hổ thẹn? Người Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng đời nào cũng thiếu đi những nhân dân vĩ đại.
Hà Nội đêm mưa, viết cho những người Việt dám yêu thương...