Một anh phóng viên có thể phỏng vấn bất kỳ một quan chức nào cũng là chuyện hết sức bình thường dù cho đó là ông Tổng Thống hay Chủ Tịch Liên Hiếp Quốc. Lúc nào người được phỏng vấn cũng có thái độ mềm mỏng hòa nhã, nhất là giữ được vẻ lịch thiệp trước “cánh nhà báo” dù cho đó là vấn đề hết sức nhức nhối phức tạp. Chỉ có như thế người đọc tức là nhân dân mới tin vào câu trả lời của quan chức.
Thế nhưng ở Việt Nam lại có chuyện rất khả ố khiến ai đọc cũng thấy khinh bỉ tay quan chức lếu láo này.
Sự việc xảy ra chỉ chừng 3 phút nhưng lại cho người dân thấy được rõ hơn bao giờ hết sự hỗn hào, xấc xược, nói láo của quan (mà ở VN thường gọi là cán bộ).
Chuyện bắt nguồn từ dự án xe buýt nhanh là một trong những công trình trọng điểm về giao thông vận tải của Hà Nội, có vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỉ đồng. Song, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi các lỗi kỹ thuật, có thể làm xong rồi không chạy được vì đường đông sẽ kẹt dài dài. Rất nhiều ý kiến của người dân được đăng tải trên các tráng báo đồng tình với ý kiến này. Một bạn đọc viết:
“Đây là một dự án gây lãng phí tốn kém tiền của một cách kinh khủng nhưng nó lại là một dự án mà hiệu quả hoàn toàn không được như một phần trăm mong muốn, vừa lãng phí vừa gây mất cảnh quan, vừa nguy hiểm cho những đoạn đường có dự án xe buýt nhanh đi qua.
Hơn nữa, nó lại vô lý đến mức kệch cỡm vì gần như toàn bộ điểm dừng đỗ xe đều ở giải phân cách giữa đường và tất cả đều nằm bên tay trái ngược với chiều giao thông.
Các điểm đỗ xe này không những gây nguy hiểm, xung đột ùn tắc giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác mà còn gây nguy hiểm, mất an toàn cho ngay cả những hành khách đi xe sau khi xuống xe, phải băng qua đường đông đúc. Dự án thi công phần đường cho xe buýt nhanh thì bị làm theo kiểu bớt xén, chưa đưa vào sử dụng đã bong tróc, nứt nẻ, vỡ từng mảng...
Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng bất cập, sự phi lý và tính bất khả thi đã thấy rõ. Có lẽ những cán bộ ban ngành lập dự án đề xuất làm dự án này cần phải bị thanh tra khẩn cấp, thậm chi phải bị xử lý thích đáng vì đã tham mưu cho lãnh đạo một dự án tốn kém, nguy hiểm làm người dân bức xúc…”.
Trước thông tin này, một anh phóng viên của báo Tiền Phong đã gọi điện thoại hẹn làm việc với ông Trần Anh Tú liên quan đến dự án xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội đi từ Yên Nghĩa về Kim Mã.
Ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty Đường sắt Hà Nội, một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội), ông Tú là một trong những nhân vật chủ chốt của dự án này. Có thể nói đây là một vị quan thuộc dạng “quan to” so với nhiều ông giám đốc khác. Ông giám đốc Trần Anh Tú đã được hỏi và trả lời ra sao? Mời bạn đọc bài phỏng vấn này.
Nguyên văn cuộc phỏng vấn
Phóng Viên hỏi: Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?
Ông Giám Đốc trả lời:
- Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?
PV: Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?
Ông GĐ: Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.
PV: Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ?
Ông GĐ: Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn?”.
Hết cuộc phỏng vấn!
***
Tất nhiên anh phóng viên thấy thái độ trịch thượng và thô lỗ của một cán bộ lãnh đạo Công ty Đường sắt Hà Nội khi ông ta gọi người đối thoại là “mày” và cơ quan báo chí là “chúng mày”, anh ta phải chấm dứt cuộc điện thoại và viết lại nguyên văn cuộc phỏng vấn rất ngắn ngủi này.
Ông Tú cũng nên nhớ, số tiền đó là của dân nên dân có quyền hỏi, có quyền truy vấn, ông có bổn phận phải trả lời rõ ràng chứ không phải anh phóng viên đến “xin” và ông có quyền “cho” hay không.
Không phải bình luận nhiều lời, bạn đọc đã thấy được bộ mặt thật hống hách hỗn xược của một ông quan lớn. Đối với báo chí còn như thế thì đối với cấp dưới và người dân ông ta còn hống hách coi thường đến đâu.
Ông ta quên rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã đặt rõ yêu cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân là: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân”. Có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhìn thấy những thái độ hỗn hào “vô văn hóa” của “một số không ít” cán bộ nên ông mới đặt ra yêu cầu này. Chắc ông cũng không ngờ rằng lời khuyên của ông đã được “quan dưới” thực hiện như ông Trần Anh Tú.
Đây là một trường hợp riêng biệt nhưng nó làm xấu mặt tất cả các cán bộ dù ở bất cứ tầng lớp nào. Người dân có thể nhớ đến nhiều trường hợp khác cũng hách dịch, cửa quyền, khinh người của các ông “cán to cán nhỏ” từ làng xã, tỉnh thành đến trung ương đâu cũng có. Ngoài thái độ cửa quyền hống hách, các quan còn tụ tập ngay tại công sở chè chén mà người dân chê là “ăn tục nói phét”.
Xin nêu một vài thí dụ có thật khác cũng vừa xảy ra.
Cán bộ tòa án tụ tập ăn kem trong giờ làm việc, mặc dân chờ dài cổ:
Theo báo Người Đưa Tin, đang trong giờ làm việc, nhưng từ thẩm phán, thư ký, văn thư, bảo vệ…Tòa Án Nhân Dân (TAND) huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An tụ tập nhau lại để ăn kem, nói chuyện mặc cho dân phải chờ "dài cổ".
Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn T., trú tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), mới đây, khoảng 16h ngày 22/6, anh T. cùng với người nhà đến TAND huyện Quỳnh Lưu để bổ sung hồ sơ liên quan đến một vụ án dân sự.
Dù đang trong giờ làm việc, khi tìm đến các phòng làm việc tại tầng 1 của tòa án, anh T. thấy các phòng đều vắng bóng ‘cán bộ’ nhưng cửa mở, sáng điện, quạt chạy vù vù.
Nghĩ rằng cán bộ bận họp nên anh T. kiên nhẫn quay ra hàng lang tầng 1 đứng chờ, nhưng hơn 15 phút trôi qua vẫn không thấy bóng dáng ai xuất hiện. Do có việc gấp nên anh này tiếp tục đi đến các phòng khác của tòa nhà để hỏi thăm. Khi vừa bước chân lên tầng 2, anh T. nhìn thấy dưới sân sau có khoảng 8 - 10 người đang tụ tập nhau ăn kem, trò chuyện rôm rả ... Thấy sự xuất hiện của người lạ, một người đàn ông trong số cán bộ này nói vọng lên “tìm ai đấy”
Anh T. nói đến gặp anh M., thư ký tòa án để bổ sung hồ sơ thì một nam nhân viên tỏ vẻ khó chịu, gắt gỏng: “Anh M. thì xuống dưới này này!”. Khi anh T. vào phòng anh M. nhưng không thấy ai cả, vị này trả lời: “Không thấy thì ngồi đó chờ”.
Nghe lời cán bộ, anh T. đi xuống sân tìm đến chỗ những “quan tòa” đang tụ tập thì một nữ nhân viên chặn lại và nói: “Anh không được ra khu vực này”. Anh T. nói đến gặp anh M. để liên hệ làm việc thì nữ cán bộ này cho hay: “Anh M. đi kho bạc nộp tiền rồi. Tiếp dân là tiếp buổi sáng chứ không tiếp buổi chiều”. Nói xong, chị này gọi bảo vệ đến yêu cầu đưa anh T. ra ngoài.
Tiếp đó, một nam cán bộ (sau này được biết là thẩm phán Nguyễn Anh Sơn) chạy ra hất hàm hỏi: “Chi đó?”. Mặc dù đang giờ làm việc nơi công sở nhưng thẩm phán Sơn vô tư hút thuốc, không đeo bảng tên, đi dép lê, gác chân lên bờ tường.
Khi thắc mắc tại sao trong giờ hành chính, các phòng đều mở cửa, bật điện nhưng không có người làm việc, thẩm phán Sơn cho hay: “Bữa ni họp rồi giải lao. Ngồi đó chờ anh M. về”.
Chờ đợi hết giờ hành chính, nhưng không thấy sự xuất hiện của thư ký M., anh T. đành ngậm ngùi ra về. Mất công toi mấy ngày chần chực.
Anh T. kể tiếp: “Đây là lần thứ hai tôi đến tòa để làm việc nhưng đều không gặp được anh M., trong giờ hành chính họ tụ tập nhau ăn kém, nói chuyện, hút thuốc... là thể hiện thái độ coi thường dân”.
Ngoài hách dịch nhậu nhẹt ngay tại nơi công sở, các quan còn lợi dụng giờ hành chánh tụ tập chè chén tại nhà riêng
Giám đốc sở tại TP Sài Gòn mời cán bộ về nhà ăn tiệc trong giờ làm việc
Tân Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Sài Gòn đã mời cán bộ phòng ban trong cơ quan về nhà riêng ăn tiệc giỗ, trong giờ hành chính.
Người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (TP Sài Gòn) chiều 10/6 tỏ ra bất ngờ khi thấy hàng chục xe hơi biển số xanh (màu sô biển xe của cơ quan nhà nước – VQ) xuất hiện trước nhà ông Lê Minh Tấn - nguyên Bí thư huyện Củ Chi, vừa được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội - để ăn tiệc.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Bữa tiệc diễn ra trước 16h nên người đi dự tiệc là những cán bộ chạy xe biển số xanh được cho xuất phát từ cơ quan trước đó ít nhất một tiếng. Hàng chục chiếc xe hơi lớn nhỏ đậu hàng dài hai bên đường trước nhà ông Tấn.
Trong khi đó, tại các phòng ban trụ sở Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Sài Gòn (quận 3) vắng hoe, chỉ còn vài nhân viên. Khi người dân đến trực tiếp làm việc, họ cho biết “lãnh đạo, cán bộ đã đi họp không thể giải quyết”.
Chuyện này đã từng xảy ra ở rất nhiều nơi, chứ chẳng riêng gì TP Sài Gòn, khi bị dân phát hiện chỉ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” rồi đâu vẫn còn đấy.
Có bao nhiêu cán bộ làm việc?
Chỉ cần đọc vài câu chuyện nhỏ đó thôi, bạn đọc đã có thể thấy được lề lối làm việc và thái độ của các quan chức hiện nay ở VN ra sao. Trong khi đó theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho biết: “Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu, chiếm 8,3% dân số cả nước. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Bà Lan so sánh: “Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu”.
Con số 11 triệu ông bà ăn lương nhà nước, theo khảo sát thật sự chỉ có 30 người làm việc, song cũng chỉ có 10 người làm được việc thôi. Còn bao nhiêu là “sáng vác ô đi tối vác về”, ngày nay các quan toàn đi ô tô nên không cần ô, người ta nói là “sáng lái ô tô đi, tối lái về”. Đến sở thì lơ là tụ tập đấu láo, bày cuộc ăn uống linh đình. Tiền của ai? Không cần trả lời ai cũng biết là của dân đen.
“Quan sướng thì dân đói”, câu nói ấy ngày càng đúng.
Văn Quang – 08 Tháng 7- 2016
Nguồn BM