Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam, ngay khi mới bắt đầu hoạt động, đã xả chất thải độc vào nước biển, gây ra một thảm họa môi trường tệ hại nhất chưa từng có cho đất nước này.
Tháng Tư 2016, hàng tấn hải sản chết đã tấp vào bờ biển của bốn tỉnh miền Trung. Hệ san hô dưới đáy biển, thực vật và loài chim biển sống trên các đảo trong vùng này cũng bị tiêu diệt.
Thảm họa cá chết này đã kéo theo nhiều tai họa khác cho người Việt tại địa phương và cả ở những nơi khác. Khắp nước không ai còn dám ăn hải sản từ miền Trung. Những nghề có liên hệ tới biển như làm muối, buôn bán hải sản, tiệm ăn, và các dịch vụ du lịch trong vùng đều chết theo. Chưa kể tới bịnh tật chết người gây ra từ chất độc phát tán trong môi trường [1].
Sau khi Formosa nhận lỗi đã gây ra thảm họa môi trường và thỏa thuận với nhà nước Việt Nam số tiền 500 triệu đô bồi thường thiệt hại, Formosa vẫn tiếp tục hoạt động trong khi ngư dân bị nhà nước đề nghị đổi nghề và khuyến khích họ đi xuất khẩu lao động cho nước ngoài. Nhà nước cũng như Formosa không nói họ sẽ làm gì để làm sạch biển để trả lại cho ngư dân một cuộc sống bình thường như trước.
Tệ hơn nữa, sau khi việc thải chất độc vào biển bị phát giác, rác độc từ Formosa lại được tìm thấy chôn dấu lén lút ở nhiều nơi trên đất liền trong vùng lân cận, ngay cả ở nguồn suối, hồ chứa nước dùng cho sinh hoạt con người và mùa màng. [2]
Người Việt phẫn uất và phản đối cách giải quyết của chính phủ. Họ muốn Formosa đền bù những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, trả lại môi trường trong sạch, chấm dứt hoạt động và ra khỏi Việt Nam. Đồng thời nhà nước phải chấm dứt mọi hành động khủng bố dân để bao che cho nhau và bảo vệ cho Formosa tiếp tục hoạt động.
Người Việt Nam chúng tôi rất cảm động vì sự quan tâm của các phóng viên Đài Loan và bà Tô Trị Phần của đảng Dân Tiến đối với các nạn nhân của thảm họa và vấn đề môi trường, xin cảm ơn sự chia xẻ và giúp đỡ của các bạn. [3]
Bài viết này có mục đích tổng hợp các quan điểm tiêu biểu nhất của người dân Việt Nam qua những bài viết và các cuộc phỏng vấn. Trong hoàn cảnh hiện nay, tác giả các bài viết, người phỏng vấn, và người trả lời đều là những người can đảm và đang phải đối mặt với tù đày và khủng bố của nhà nước Việt Nam.
1. Hậu quả khủng khiếp Formosa gây ra cho môi trường miền Trung Việt Nam
Để lấy Vũng Áng cho Formosa thuê trong 70 năm, nhà nước Việt Nam đã cưỡng chế dân làng ở Hà Tĩnh di dời đến những vùng hẻo lánh trong đất liền, và đền bù họ bằng một số tiền rất nhỏ. Trường học, chợ búa cũng bị đóng cửa để con em những gia đình không chịu đi không được đến trường, và cha mẹ các em không còn đường sinh sống. Những căn nhà sát biển bị phá hủy, ngư dân bị ép phải bỏ biển. [4]
Tiếp đó là thảm họa môi trường do Formosa xả thải độc vào nước biển, giết hầu hết các sinh vật và thực vật ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.
Đức Tổng Ngô Quang Kiệt chia xẻ khi Ngài thăm Đông Yên Hà Tĩnh ngày 22 Tháng 6, 2016 [5]:
“Khi chứng kiến tất cả đời sống của họ cũng như đi thăm tất cả các bờ biển, tôi cảm thấy đau xót, có thể nói là một cảnh chết chóc. Tôi vào một nhà nghỉ khá lớn của Hà Tĩnh thấy khách vắng hoe, chả thấy khách đâu cả. Rồi đi ra bãi biển thấy thuyền nằm chất đống ở đó, có những con thuyền chỉ còn đậy những tấm vải y hệt như những thân thể bị liệt thì đúng là một cảnh chết chóc.
Ở bờ biển không có một sinh vật nào cả, trên bãi cát không có một con dã tràng nào. Tôi thấy ở các bãi biển đều có những con vật nhỏ li ti như con dã tràng, con cua, con ốc thì bãi biển này hoàn toàn chết hết rồi, không còn một tí gì là sự sống nữa.
Khi chúng tôi xuống biển, tất cả mọi người đều hết sức đề phòng để cho nước biển không được dính vào chân. Họ kéo thuyền thật cao trên bãi cát, xong rồi thì có thể bước lên bờ để chân mình khó có thể dính nước biển… Cả một sự chết chóc như vậy.
Trong làng trong xóm sự chết chóc đang dần mòn đi tại vì những người dân đánh cá đã ba tháng nay không ra biển thì chả còn thu nhập gì cả. Thành ra chúng tôi thấy sự chết dần mòn.
Người ngư dân chết trực tiếp, cá chết thì người đánh cá cũng chết, những người làm nghề liên quan đến nghề cá như người bán xăng cho những tàu đánh cá cũng chết, những người làm chài lưới cũng chết, những người buôn bán hải sản cũng chết, những người chế biến hải sản cũng chết, ngành du lịch cũng chết, bao nhiêu sự chết kéo theo.
Người ta đoán là có ít nhất là 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết này. Hết sức là đau xót, xung quanh đó hết sức là hoang tàn, không còn sức sống, người ta ai cũng mệt mỏi, rã rời và buồn chán.”
Biển đã chết, cá đã chết vì chất thải độc, còn người Hà Tĩnh thì sống như thế nào?
Phạm Thanh Nghiên [6]:
“Formosa đã biến những con người làm ra của cải, những con người có phẩm giá thành kẻ ăn xin, xếp hàng nhận mười mấy ký gạo cứu trợ. Thứ gạo mà theo người dân Hà Tĩnh là “...mốc xanh ăn không được. Cho gà, gà không ăn. Cho chó, chó không ăn”.
2. Quan điểm chung của người Việt Nam: Hủy diệt môi trường là tội ác - Không chấp nhận hy sinh môi trường sống và tương lai dân tộc để đổi lấy bất kỳ điều gì
Tỳ kheo Thích Viên Định [7]:
“Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất rất mong nền kinh tế của đất nước được phát triển, nhưng đòi hỏi một sự phát triển bền vững, không chấp nhận hy sinh môi trường sống và tương lai dân tộc cho sự phát triển kinh tế, vì suy cho cùng sự phát triển nào cũng để phục vụ con người, nếu hy sinh đời sống và sự an lạc của con người thì sự phát triển đó là vô nghĩa.”
Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam [8]:
“Đây là một tội ác hủy hoại môi trường sinh thái và diệt chủng tiềm tàng. Trước mắt là cá và các loài thủy hải sản chết hàng loạt, và đã có người chết; sau đó sẽ gây ra bệnh tật nguy hiểm cho con người và các vật nuôi như đã từng xảy ra ở một số nơi trên thế giới trước đây cùng nhiều hệ lụy chưa thể lường hết được.”
Quan điểm của người dân qua những cuộc biểu tình [9]:
Ý kiến của người dân cũng được nói lên qua những cuộc biểu tình kéo dài liên tục bắt đầu từ Tháng 5, 2016: “Hủy môi trường là tội ác”, “Hủy diệt môi trường là hủy diệt sự sống”, “cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “Yêu cầu nhà cầm quyền khởi tố Formosa”, “Chính quyền+Formosa đang ra tay giết hại dân tộc Việt Nam”, “Nhà cầm quyền đang dung túng cho Formosa hủy dân Việt”, "Formosa cút khỏi Việt Nam". Đặc biệt, ngày 15 Tháng 8, 2016, có đến 30,000 người dân tham dự cuộc biểu tình ở giáo phận Vinh.
Thư Chung của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp Về Thảm Họa Ô Nhiễm Môi Trường Biển Miền Trung Việt Nam [10]:
“Thiệt hại do thảm họa môi trường này gây ra vượt rất xa lợi nhuận mà một khu công nghiệp có thể mang lại. Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Chúng ta đang đối diện với một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan đến chính mỗi người chúng ta mà còn liên quan đến nhiều thế hệ.”
Tuyên bố của các tổ chức Xã Hội Dân Sự Độc Lập về thảm họa quốc gia tại các tỉnh miền Trung [11]:
“Dân Việt chúng ta quyết không chọn con đường tăng trưởng kinh tế với cái giá hy sinh môi trường đất nước, quyền lợi dân nghèo, chủ quyền quốc gia. Dân Việt chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì tham vọng cá nhân, lợi lộc và phe đảng. Dân Việt chúng ta quyết không chịu chết thảm như những con cá nhiễm độc ở biển Đông lúc này!”
Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam [12]:
“Thảm họa môi trường do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây ra đã tạo nên những hệ luỵ nghiêm trọng, ảnh hưởng tai hại lâu dài đến môi trường, sức khỏe, đời sống của người dân và kinh tế quốc gia mà trực tiếp nhất là ngư dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Quan trọng hơn, đời sống, truyền thống văn hóa - ngư nghiệp hàng trăm năm tạo dựng đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.
Tình trạng cá chết hàng loạt, biển bị nhiễm độc sẽ làm biển Đông của đất nước vắng bóng ngư dân và tạo thêm điều kiện cho Bắc Kinh đẩy mạnh âm mưu xâm lược bằng những sinh hoạt của người Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị bỏ trống.
Do đó cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung không những chỉ là một thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Việt Nam mà còn là một cơn khủng hoảng to lớn về mặt xã hội, chính trị, ảnh hưởng sâu xa đến sự sống còn, độc lập của đất nước Việt Nam.”
Ngư dân Hà Tĩnh Mai Quang Anh [13]:
“Cách cư xử của chính quyền sau khi đưa Formosa về là một việc làm cố tình, là việc làm vì lợi ích của một nhóm người, của ông Cự bí thư chủ tịch tỉnh lúc đó và cấu kết với thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng. Đó là như người dân đã nói, đó là rước voi về mà dày mồ cha mả mẹ. Cả một đất nước Việt Nam đẹp như thế cả một phong cảnh đẹp như thế mà đưa một cái Formosa của nước ngoài về mà ngự ở đó để mà xả thải để mà làm những cái việc hủy diệt môi trường. Chúng tôi không thể chấp nhận được cái việc làm đó.”
3. Căm phẫn vì thỏa thuận 500M đền bù giữa Formosa và chính quyền:
Dân yêu cầu khởi tố hình sự Formosa và mở cuộc điều tra độc lập về sự thiệt hại gây ra cho môi trường và nạn nhân - Việc đền bù phải tương xứng với sự thiệt hại - Yêu cầu đóng cửa Formosa và trả lại biển sạch cho dân
Sau khi đánh dân đổ máu trong những cuộc biểu tình phản đối Formosa, nhà nước VN đã chấp thuận 500M bồi thường thiệt hại của Formosa mà không hề có một cuộc điều tra chính thức và độc lập về sự thiệt hại của môi trường và của các nạn nhân. Formosa, ngoài việc xả độc vào nước biển, còn chôn dấu rác thải độc ở khắp nơi và phun những cột khói độc khổng lồ vào không khí, gây ô nhiễm trầm trọng cho biển, nguồn nước uống và khí để thở.
Ý kiến người dân Việt Nam:
Giám mục Nguyễn Thái Hợp [14]:
“Nếu nhà nước là đại diện của dân, theo đúng nguyên tắc nhiều nơi làm thì trước khi đòi Formosa bồi thường bao nhiêu thì phải đi nghiên cứu lại và xem dân thiệt hại bao nhiêu. Trong khi đó nhà nước lại đi đêm với Formosa và nhận như vậy thì điều đó trong thế giới hôm nay người ta không thể công nhận việc đó được.
Chúng tôi nghĩ rằng để biển miền Trung trở lại an bình, để trả lại môi trường sạch của miền Trung thì Formosa cần phải đóng cửa, đó cũng là ý kiến của chúng tôi. Những gì Formosa làm thì không thể tin tưởng được, đã thải nước ra còn liên hệ với những quan chức để chôn chất thải dưới lòng đất. Làm sao mà tin được một công ty với các lãnh đạo như vậy."
Giáo phận Vinh đưa ra kiến nghị về ô nhiễm biển miền Trung - LM Đặng Hữu Nam [15]:
“Bản kiến nghị này tương tự như tiếng nói chung, thư chung của Đức Giám mục Giáo phận, trong đó có nêu ra các yêu cầu: Thứ nhất là phải kiểm tra công bố rõ ràng minh bạch vấn đề nguyên nhân cá chết. Thứ hai là làm sao để hỗ trợ cho người dân trong khi người ta bị thiệt hại.Thứ ba nữa là yêu cầu cái chuyện minh bạch đó, đồng thời yêu cầu Formosa là phải minh bạch cái việc sử dụng chất độc và cực độc đã nhập về như báo chí đã tìm ra. Cũng như yêu cầu những người gây ra cái thảm họa này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Luật sư Luân Lê [16]:
“Do thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, gây cá chết hàng loạt, người (thợ lặn) đã chết và một số phải điều trị bệnh, nhiều người dân khác ngộ độc do ăn hải sản trong thời gian thảm họa, biển bị đầu độc về lâu dài,…thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự và truy tố những kẻ trực tiếp và cả gián tiếp gây ra thảm hoạ kinh hoàng chưa từng có tiền lệ này đối với nền kinh tế, an ninh quốc gia ra trước vành móng ngựa để xét xử nghiêm minh”.
LS Nguyễn Văn Thân [17]:
“So sánh số tiền bồi thường của BP và Formosa: 61.6 tỷ và 500 triệu, Thứ nhất, như vậy có nghĩa là Formosa chỉ mất 500 triệu thôi sao? Trong số 500 triệu này thì phần nào là để bồi thường phục hồi môi trường và bao nhiêu là bồi thường thiệt hại cho dân? Chính phủ không thể tùy tiện ấn định số tiền bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ có chính người dân mới có quyền thương lượng với Formosa và thỏa thuận số tiền bồi thường cho đúng mức độ thiệt hại từng trường hợp một.”
Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam:
A. Đòi hỏi phải giám định lại những thiệt hại đối với môi trường, đời sống người dân; phải được thực hiện bởi những chuyên gia thẩm định chuyên môn, độc lập để việc bồi thường được thực hiện công bằng, thỏa đáng;
B.Truy tố những cá nhân có trách nhiệm liên đới ra trước tòa án hình sự;
C. Chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam.
PGS.TS Bùi Thị An [18]:
“Điều đặc biệt quan trọng là việc khắc phục môi trường biển như thế nào, bao giờ hệ sinh thái trở lại bình thường cho ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội, liên quan đến đời sống không chỉ của ngư dân 4 tỉnh ven biển miền Trung mà còn tác động đến các ngành nghề, vùng miền khác, rồi người dân ăn vào có đảm bảo an toàn không… Và quan trọng hơn cả, việc ngư dân đi đánh cá không chỉ là bảo đảm về kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Vấn đề là số tiền 500 triệu USD họ đưa ra dựa trên cơ sở nào? Để khôi phục lại sinh thái biển sẽ phải mất bao nhiêu tiền? Hệ sinh thái biển chính là sự sống của tảo, của cá, tôm… Các sinh vật đó lại liên quan đến sự sống con người. Chuyện đó quan trọng lắm và có thể nói là vô giá. Chúng ta phải nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch, vì chỉ có minh bạch thì dân ta mới giám sát được. Chỉ minh bạch thì chúng ta mới chấm dứt được những sự cố môi trường nghiêm trọng như vừa qua. Không bao giờ chúng ta đánh đổi môi trường lấy bất kỳ điều gì. Quan điểm cá nhân tôi thì nên khởi tố, bởi đây không đơn giản là vấn đề kinh tế, dân sự nữa mà đây là vấn đề hình sự.”
Nhà văn Võ Thị Hảo [19]:
“Qua những chứng cứ thể hiện trong vụ Formosa thì thấy nhà cầm quyền CSVN thực sự là đã tiếp tay cho sự hủy diệt người Việt Nam. Tôi thấy đó là một điều vượt quá sự tưởng tượng của những người chuyên theo dõi tình hình thời sự, vượt quá sức tưởng tượng của người dân Việt Nam...
Chúng ta có thể so sánh những sự đền bù chẳng hạn như vụ tràn dầu của công ty BPM trước đây đã xảy ra và họ đã xử lý để làm sạch biển như thế nào thì thấy đây (500 triệu) là một con số cực kỳ rẻ mạt. Nhà cầm quyền Việt Nam quyền gì để nhận 500 triệu... họ chưa có một cơ sở nào để mà nhận 500 triệu hay không nhận mà việc xác định thiệt hại của Formosa là phải đánh giá lại toàn bộ, còn lâu dài mất bao nhiêu năm để mà làm sạch biển trả lại môi trường cho người Việt Nam, bao nhiêu thứ cần phải tính toán.”
Thục Quyên (SaveVietnam´sNature) [20]:
“Liên Hiệp Quốc đã nhìn thấy không những thảm hoạ môi trường mà thêm tình trạng bi đát của một Việt Nam nhỏ bé trong tay 2 tập đoàn khổng lồ MCC China Metallurgical Group Corporation (của chính phủ Trung Cộng) và FPG Formosa Plastics Group (của tư nhân), nên đã tự đề nghị giúp Việt Nam điều tra. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối đề nghị giúp đỡ này, một sự giúp đỡ bảo đảm vừa về chất lượng lẫn tính trung thực.
Nhà cầm quyền Việt Nam là chính phủ duy nhất trên thế giới đổ tội cho chính những nạn nhân lên tiếng kêu cứu là ‘thổi phồng thảm họa’, là ‘mưu đồ chính trị’ và cả... ‘phản động’. Chỉ có dân Việt Nam đi biểu tình bất bạo động đòi cứu biển cứu dân tộc là bị đánh đổ máu bởi chính nhà cầm quyền của mình, chỉ có dân Việt Nam mới còng lưng đóng thuế để nuôi lực lượng công an hùng hậu đấm đá bắt giữ mình, những kẻ cùng là đồng bào mà có thể xông vào lấy đá đập vỡ đầu mình, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống mình.”
Mặc Lâm, biên tập viên RFA [21]:
“Người ta còn nhớ vài tuần sau khi thảm họa diễn ra chính phủ Việt Nam đã nhận được rất nhiều đề nghị giúp đỡ kỹ thuật cũng như phương tiện để khắc phục từ Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Đức cũng như Nhật Bản tuy nhiên hầu như tất cả các đề nghị ấy đều bị từ chối mà không đưa ra lý do nào cả. Trong khi kỹ thuật phân tích của Việt Nam rất yếu và thiếu, từ chối những để nghị này là tiền đề làm cho người dân nghi ngờ thiện chí của chính phủ và nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường, nơi trực tiếp chịu trách nhiệm trước và sau khi thảm họa xảy ra.”
TS. Nguyễn Xuân Diện [22]:
“Nếu chỉ đề bù có 500 triệu USD thì là quá nhỏ bé, thứ 2 đó chưa phải là cơ sở pháp lý. Vì thế tôi và một số nhân sĩ trí thức đã kêu gọi các luật sư cùng với các nhà quan sát, các nhà phản biện yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải khởi tố hình sự vụ án Formosa này. Thứ 2 là phải tìm cách giúp đỡ cho trên dưới một triệu ngư dân và những người chịu ảnh hưởng trực tiếp thuộc 4 tỉnh miền Trung khởi kiện ra Tòa Án Quốc tế, vì chúng tôi không còn tin các Tòa Án ở Việt Nam nữa. Thứ 3 là, vì đây là vấn đề lớn nên tôi yêu cầu phải quốc tế hóa vấn đề thảm họa môi trường này để tranh thủ dư luận quốc tế.”
Phạm Đoan Trang [23]:
“500 triệu mà Formosa đồng ý đền bù cho phía Việt Nam Nó là cái giá mà họ bán rẻ dân tộc này, hiện tại và tương lai.”
Châu Đoàn [24]:
“Nếu Formosa còn ở đấy thì họ sẽ xả thải đi đâu? Với tai tiếng "sát thủ môi trường" của Formosa, chính quyền đã chấp nhận để họ làm nhà máy ở Việt Nam. Đấy là một quyết định sai lầm. Nếu còn để Formosa tiếp tục hoạt động thì lại là một sai lầm chết người nữa.
Hãy lập phiên tòa xét xử, bắt họ bồi thường cho ngư dân và tống cổ họ về nước. Chúng ta cần đầu tư nước ngoài chứ không cần sự phá hoại của nước ngoài.”
Ông Mai Thạnh, một ngư dân ở Hà Tĩnh [25]:
“Chính Formosa gây ra tội ác cho những người làm biển. Yêu cầu của tôi là ngừng hoạt động Formosa để làm thế nào cho dân ổn định lại cuộc sống, nếu không dân sẽ chết đói. Nếu mà họ không đóng cửa dân sẽ nổi loạn đấy”.
Anh Mai Văn Đình, ngư dân giáo xứ Đông Yên, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh [26]:
“Biển Hà Tĩnh nhiễm chất chì tôi không đi được tôi mới vào Phan Thiết làm. Theo tôi là yêu cầu chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh là phải đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam. Mà nếu mà không đuổi được Formosa ra khỏi Việt Nam, với số tiền đền bù thì chúng tôi cũng không ưng.”
Trả lời về việc báo chí Hà Tĩnh nói biển đã hồi sinh và có cá:
"Báo Hà Tĩnh nói là chỉ có nói thêm và nói láo thôi, không bao giờ có. Bởi vì tôi cách đây mười ngày tôi ở Phan Thiết về tôi thử một con mực tôi bị đi cầu và nôn mửa. Sau tôi uống thuốc thì dứt được ai ngờ là bị liệt hai cẳng và hai tay."
Khi được hỏi về sự tin tưởng đối với chính quyền Việt Nam:
“Chính quyền Việt Nam làm là quá sai. Đây là bán nước cho giặc rồi, tham nhũng và bán nước cho giặc. Một đất nước đang tương lai đang rộng mở mà lại cuối cùng bán cho giặc, thâm chí lại canh cho giặc nữa chớ. Thí dụ chúng tôi muốn lên biểu tình Formosa thì công an, cơ động lại vây canh.”
Ông Mai Quang Anh ngư dân Hà Tĩnh [27]:
“Chính quyền có biết dân thiệt hại là bao nhiêu không? Dân chúng tôi, mỗi người dân thiệt hại là bao nhiêu? Tổng cộng một làng thì là bao nhiêu một xã thì là bao nhiêu? và một tỉnh là bao nhiêu và tổng cộng bốn tỉnh là bao nhiêu? Tôi đề nghị với chính quyền là phải cân đong đo đếm các khoảng này, phải điều tra làm rõ.... thì lúc đó mới biết tổng cộng Formosa phải đền bù là bao nhiêu. Chớ không phải là 500 triệu, mà có thể là hàng nghìn hàng nghìn triệu như thế.
Thứ nhất là ai gây ra ô nhiễm biển thì phải trả lại sự trong sạch cho biển cho môi trường để phục vụ chúng tôi phục vụ mọi người. Như vậy là sự công bằng.
Thứ hai ai là người gây ra cái tội đó, thì như ông Xuân Phúc đã nói là phải xử lý đúng người đúng tội, là phải khởi tố.
Thứ ba nữa, sau khi xử lý xong rồi thì phải đóng cửa Formosa vĩnh viễn.
Không phải chỉ là tôi mà là tất cả người Việt đều cùng có một chí hướng như thế, có một sự quyết tâm như thế, là đấu tranh cho sự thật, đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc.”
4. Nhà nước Việt Nam chọn nhân dân hay chọn Formosa, một sát thủ môi trường đoạt giải Hành Tinh Đen?
Việc xuất khẩu ngư dân để lao động ở nước ngoài đã gặp trở ngại vì lượng chì cao tìm thấy trong cơ thể ngư dân qua các cuộc thử máu [28]. Nhà nước còn hèn kém hơn khi nói nhỏ với các bác sĩ không cho khám sức khỏe cho dân địa phương ở những vùng bị nhiễm độc [29].
Các quan chức cho biết một vài bãi biển đã an toàn để tắm, và biển sẽ tự làm sạch trong tương lai. Tuy nhiên họ không thể trả lời câu hỏi liệu cá và hải sản đã đủ an toàn để ăn được chưa.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại thì vấn đề này là một bài toán nan giải khi mà cá, hải sản tích lũy độc chất với lượng nhỏ từ từ không đến mức làm cho chúng chết ngay. Số này được bắt lên và đưa đến những nơi khác như ngay cả thủ đô Hà Nội, nơi mà giáo sư tiến sĩ Trần Tứ Hiếu thừa nhận vẫn có người tiêu thụ cá biển mà không biết rõ xuất xứ từ đâu [30].
Bao giờ biển sạch? Bao giờ có cá? Đời sống người dân miền Trung Việt Nam đã xuống đến mức cùng cực trong sự bưng bít thông tin của nhà nước này. Những cuộc biểu tình đòi đóng cửa Formosa càng ngày càng đông người hơn.
Năm 1999, Campuchia đã gởi trả hơn 4000 tấn chất thải độc hại về lại Đài Loan. Chất thải độc hại này, chứa một lượng chì rất cao, được công ty Formosa Plastics lén lút đổ vào một bãi rác ở hải cảng Sihanoukville [31].
2007 nhiều tầng lớp người dân Đài Loan khác nhau đã đấu tranh và dừng được dự án xây nhà máy thép của Formosa ở nước họ, sao Chính phủ Việt Nam lại rước đúng cái của nợ đó về, để cả quốc gia bây giờ sống trong thấp thỏm? Không thể chấp nhận một nguy cơ từ Formosa mà chính người Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận nó trên hòn đảo nhỏ bé xinh đẹp của họ [32].
Formosa được lãnh giải tàn phá môi trường “Hành Tinh Đen “của Ethecon năm 2009.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện để giúp đỡ ngư dân nơi đây cho rằng [33]:
“Formosa gây ra thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử, triệt hạ sinh kế của 200,000 người sống dựa biển và hàng triệu người liên quan, phá hủy hệ sinh thái 200 km bờ biển, tạo ra những nguy cơ không thể tưởng tượng nổi đối với kinh tế, chính trị và xã hội thì không có lý do gì có thể chấp nhận họ tồn tại ở Việt Nam, dù chỉ một ngày nữa chứ đừng nói 70 năm.”
Đó cũng chính là điều người Việt chúng tôi đòi hỏi.
Nhà nước Việt Nam, các ông chọn nhân dân hay chọn Formosa?
12.09.2016