Với cuộc tổng tuyển cử vừa kết thúc ngày hôm qua (15/10), người Áo đã đặt vận mệnh của đất nước vào tay Sebastian Kurz – người vừa giành thắng lợi với hơn 31% phiếu bầu và sẽ trở thành nhà lãnh đạo thế giới trẻ tuổi nhất từ trước đến nay.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, nhà lãnh đạo trẻ nói: "Đã đến lúc đất nước này phải thay đổi. Ngày hôm nay đó là mệnh lệnh mạnh mẽ cho chúng ta – hãy thay đổi đất nước này. Và tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã giúp cho điều ấy trở thành hiện thực. Tôi thật sự xúc động, hạnh phúc và mong chờ được cống hiến cho nước Áo".
Sebastian Kurz sinh ngày 27/8/1986 tại Vienna, lớn lên ở quận Meidling và hiện vẫn sống ở đây. Năm 2011, ông quyết định bỏ dở ngành luật tại ĐH Vienna để theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Năm 2009, ông được bầu làm Chủ tịch nhóm thành viên trẻ của đảng Nhân dân Áo. Từ năm 2010 đến 2011, ông là thành viên của Hội đồng thành phố Vienna, nơi ông tập trung vào vấn đề bình đẳng và đảm bảo lương hưu.
Trong cuộc tổng tuyển cử 2013, ông được bầu vào Quốc hội với số phiếu trực tiếp cao nhất. Tháng 12 năm đó, ông trở thành Ngoại trưởng Áo ở tuổi 27 – bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Áo và cũng là ngoại trưởng trẻ nhất thế giới.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kurz là tới Croatia, đánh dấu sự ủng hộ của Áo đối với việc đất nước nằm ở Đông Nam châu Âu này trở thành thành viên EU. Ông đã ghi được một vài dấu ấn trên cương vị Ngoại trưởng, đặc biệt là ở châu Âu.
Ông đã làm chủ nhà trong nhiều vòng đàm phán giữa Iran và 6 quốc gia khác về chương trình hạt nhân của Tehran, gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều nhân vật quyền lực khác.
Khi làn sóng người nhập cư và người tị nạn trở thành mối đe dọa đối với châu âu năm 2015, ông kêu gọi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn đồng thời hối thúc các biện pháp giúp người nhập cư hòa nhập nhanh hơn. Tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng OVP đã tăng hơn 10% sau khi ông lên cầm quyền.
Được mệnh danh là "Wunderwuzzi" (tạm dịch là người có thể đi trên mặt nước), ông thường được so sánh với những nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác của thế giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Tương tự như ông Macron, ông Kurz cũng tự lập ra 1 phong trào, đổi tên đảng Nhân dân (đã cầm quyền trong hơn 30 năm) thành đảng Nhân dân mới (the New People’s Party). Tháng 5/2017, ông trở thành Chủ tịch đảng Nhân dân Áo (OVP).
Ông vẫn chưa kết hôn và hiện đang hẹn hò với Susanne Thier, 1 nhân viên làm việc tại Bộ Tài chính Áo. Hai người lần đầu gặp nhau từ năm 18 tuổi.
Để hiểu về nước Áo, hãy tới thăm Karl Marx-Hof ở thủ đô Vienna - tòa chung cư dài nhất thế giới vốn được xây dựng để cung cấp nhà ở cho hàng ngàn gia đình bị mất nhà cửa sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Trên tường của tòa nhà có chiều dài 1.100 m vẫn còn những vết đạn, nhưng không phải vì cuộc chiến giữa Nga và Đức năm 1945 mà bởi 1 cuộc nội chiến ít được biết đến hơn. Cuộc chiến này nổ ra năm 1934, khi nổ ra xung đột giữa phe cánh tả và phe bảo thủ.
Sau thế chiến thứ hai, Áo áp dụng 1 hệ thống chính trị được thiết kế để điều đó không bao giờ lặp lại: đảng Dân chủ Xã hội (SPO) và đảng Nhân dân Áo (OVP) sẽ cùng nhau phân chia quyền lực. Trong 43 trên tổng số 72 năm đã trôi qua, hai đảng này rất hòa thuận trong một liên minh gắn bó bền chặt, cùng nhau điều hành nước Áo trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử vừa qua, hệ thống ấy đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì cả 2 đảng lớn đều bị xáo trộn về mặt tổ chức và nước Áo cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng khác. Thậm chí tờ Profil của Áo đã đặt tít: "Điều gì đang xảy ra ở đất nước này vậy"?
Ở trung tâm của sự kiện kịch tính này là vị Ngoại trưởng 31 tuổi đang là chính trị gia được yêu thích nhất nước Áo. Một mặt, ông là "sản phẩm" của hệ thống chính trị cũ khi đã dần dần leo lên các nấc thang quyền lực một cách bài bản.
Nhưng mặt khác, chính Kurz đang quyết tâm phá vỡ chính hệ thống ấy. Ông chỉ chấp nhận làm Chủ tịch đảng OVP sau khi các lãnh đạo đảng này đã đồng ý đáp ứng một số điều kiện để thay đổi đảng này. Quan trọng hơn, kết quả bầu cử cho thấy tỷ lệ phiếu bầu cho đảng SPO đứng im ở mức 26,9%; đảng cực hữu FPO vươn lên mạnh mẽ với tỷ lệ 26%.
Giới phân tích nhận định mối quan hệ giữa OVP và SPO đang rất tồi tệ, vì thế nhiều khả năng liên minh OVP-FPO sẽ ra đời. Stephan Schulmeister, chuyên gia kinh tế cố vấn cho vị Thủ tướng gần nhất của đảng ÖVP - Wolfgang Schüssel, - cho rằng quan điểm về chính sách kinh tế của Kurz khá giống với đảng FPO.
Liệu Sebastian Kurz có thể dạy cho châu Âu cách đối phó với chủ nghĩa dân túy cực hữu? Nước Áo sẽ ra sao trước làn gió mới này? Chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta câu trả lời.
Nguồn:Theo Trí Thức Trẻ