Từ trước đến nay đã có rất nhiều sách báo, bài viết về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đặc biệt vào dịp lễ giỗ hằng năm của ngài.
Hầu hết tất cả đều nói lên tâm tình kính phục, mến mộ, thương tiếc một vị Tổng Thống yêu nước, thương dân, thanh liêm, đạo đức, nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ngài, và đặc biệt cuộc đời tại vị Tổng Thống đầu tiên của nước Việt Nam. Chúng được viết ra bởi những người đã từng sống, cộng tác, hay có những quan hệ thân thiết, gần gũi ít nhiều với ngài với tư cách là bạn hay những người dưới quyền ngài. Thiết tưởng bài viết của những vị ấy như những nhân chứng lịch sử sống động về cuộc đời của ngài.
Bản thân người viết bài này hoàn toàn chỉ vì sự thúc bách của con tim và lương tâm, muốn thực thi một nhiệm vụ đối với lịch sử dân tộc, đặc biệt vì lợi ích cho giới trẻ, những người chẳng những không biết gì về ngài và có khi tệ hơn nữa, biết một cách méo mó, lệch lạc, thậm chí sai lạc do những kẻ vì tư thù hoặc vì lợi ích của bản thân hay đảng phái, đã cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, thêu dệt những điều hoàn toàn bịa đặt, nhằm bôi nhọ ngài, và gia đình ngài nhằm đánh đổ uy danh của ngài. Nhưng lịch sử đã cho thấy sự thật mãi mãi vẫn là sự thật dù có bị che giấu, bóp méo, rồi đây dến lúc cùng sẽ tỏ hiện rõ ràng. Giống như thể nước bị khuấy động, sau một thời gian lắng đọng, người ta sẽ thấy mọi sự rõ ràng, trong sáng hơn.
Có những con người khi chết bị vùi dập, bị hiểu lầm, nhưng với thời gian, càng ngày lại càng được lịch sử khôi phục. Đó cũng chính là số phận của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Năm mươi bốn năm đã qua từ khi ngài bị ám sát, nhưng càng lúc gương mặt của ngài ngày càng được trở nên sáng chói hơn, được nhiều người biết đến hơn, ngài càng được vinh danh hơn ở khắp nơi có người Việt sinh sống.
Bản thân người viết chẳng có gì để thêm vào những tài liệu giá trị mà các nhân chứng lịch sử đã cung cấp về ngài, nhưng chỉ muốn tổng hợp từ những dữ liệu mà bản thân đã đọc được, và nghe được từ các nhân chứng lịch sử nhằm cống hiến cho độc giả, đặc biệt độc giả Công Giáo một cái nhìn đức tin về những điểm son về cuộc đời của ngài và đồng thời đưa ra gợi ý cụ thể để làm vinh danh ngài một cách chính thức nhằm lưu danh vào sử sách, đặc biệt giáo sử, nêu gương cho hậu thế đặc biệt cho giới trẻ Kitô hữu Việt Nam hôm nay.
Từ trước đến giờ trong Giáo Hội Công Giáo chưa từng nghe nói đến chuyện lập án phong thánh cho một chính trị gia. Tuy trong lịch sử, Giáo hội đã từng phong thánh cho các vua chúa thời phong kiến, chủ yếu ở Châu Âu.
Có lẽ do bản thân Giáo Hội Công Giáo vốn không mặn mà gì với việc làm chính trị theo một nghĩa nào đó, và vẫn luôn giữ lập trường cấm các giáo sĩ dấn thân vào con đường chính trị, mà trừ một số trường hợp ngoại lệ, thường bị xem là con đường phiêu lưu, nếu không muốn nói là có nguy cơ phương hại đến đức tin. Nhưng các vua chúa chẳng phải là những nhà làm chính trị sao, vậy mà họ vẫn được Giáo hội phong thánh đó. Đương nhiên không phải vì những dấn thân chính trị của họ nhưng chủ yếu là vì cuộc đời thánh thiện hay vì những dấn thân chính trị mang lại lợi ích lớn lao thiết thực cho Giáo hội. Chính ĐGH Biển Đức XVI đã vinh danh một chính trị gia người Ý trong triều đại của ngài.
Tại sao lại không thể công khai nhìn nhận những nhân đức anh hùng của một vị Tổng thống chứ?
Nếu nói đạo là nhập thể. sống đạo đúng nghĩa là tốt đời đẹp đạo, là trở nên men cho đời thì chuyện tôn vinh một vị Tổng Thống cũng là chuyện khả dĩ và dể hiểu thôi. Ca sĩ, vốn bị coi là nghề xướng ca vô loại cũng có thể là thánh chứ huống hồ gì là Tổng Thống, một người lo cho dân cho nước. Chẳng những đó là điều đó có thể xảy ra mà thậm chí còn là điều thiết nghĩ Giáo hội nên làm trong thế giới hôm nay, khi mà vai trò của các vị lãnh đạo quốc gia càng lúc càng trở nên vô cùng quan trọng, nắm trong tay và quyết định vận mạng không chỉ một quốc gia mà thôi mà đôi khi cả thế giới nữa, chưa nói có thể ảnh hưởng đến sức sống của cả Giáo hội tại bản thân quốc gia đó hay Giáo hội toàn cầu nữa. Việc ĐGH tôn vinh một chính trị gia chắc cũng không ngoài mục đích động viên các vị lãnh đạo dấn thân cổ võ lợi ích chung của con người, cho công bình và các giá trị đạo đức nền tảng của xã hội.
Có lẽ rất phức tạp khi nói đến chuyện lập hồ sơ phong chân phúc hay phong thánh. Chuyện này đối với linh mục hay tu sĩ đã là khó, huống chi là đối với giáo dân và nhất là một chính trị gia.
Nhưng vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều nếu cứu xét đời sống của một chính trị gia với tư cách là một con người mà không xét đến quan điểm chính trị của bản thân họ.
Chúng ta có thể nói một cách mạnh dạn, không sợ sai lầm một vị Tổng Thống như Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm của chúng ta hoàn toàn có đủ tư cách để có thể cứu xét hồ sơ lập án phong chân phúc. Nhưng chuyện ấy là chuyện hồ sơ thủ tục của các đấng. vô cùng chậm rải và phức tạp.
Chúng ta sắp bước vào tháng 11, tháng đặc biệt kính nhớ các đẳng linh hồn khởi đầu bằng lể các Thanh Nam Nữ, mà ta có thể nôm na là các vị thánh không tên không tuổi, chưa được Giáo hội phong thánh nhưng đã là thánh trước mặt Chúa và trong lòng nhiều người. Chính trong ý nghĩa đó, chúng ta hy vọng trong vô số các thánh nam nữ, có mặt Tổng Thống Ngô Đình Diệm của chúng ta, một người vô cùng xứng đáng với một cuộc đời Kittô hữu gương mẫu mà tôi xin phép mạo muội nhấn mạnh một vài nét sau đây:
1. Xuất thân từ một gia đình Công Giáo đạo đức danh giá.
Theo các tài liệu lịch sử được công bố, Tổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại Huế trong một gia đình Công Giáo đạo đức, thuộc loại dnh giá vọng tộc bậc nhất miền Trung thời đó, với tên thánh là Gioan Baotixita. Thân phụ là cụ ông Ngô Đình Khả và thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thân, nguyên quán làng Đại Phong, Huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, Trung Phần Việt Nam. Cụ Ngô Đình Khả là Thượng Thư triều đình Huế kiêm Phụ Đạo Đại Thần và cũng là Cố Vấn của vua Thành Thái, là một vị khoa bảng xuất chúng, được hấp thụ cả hai nền giáo dục Đông và Tây. Lúc thiếu thời, Cụ theo Nho học, sau đó vào chủng viện học chương trình Pháp, rồi được gửi sang đại chủng viện Penang để học Triết học và Thần học Tây Phương bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Cụ là một chủng sinh rất xuất sắc, nhưng vì không có ơn gọi để trở thành linh mục, nên sau đó đã lập gia đình. Gia đình ông bà cụ cố Ngô Đình Khả có tất cả 9 người con: 6 người con trai và 3 người con gái, trong đó có cố Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục là anh kế của ngài; bà Ngô Đình Thị Hiệp, tức bà Cả Âm, em kế của ngài, thân mẫu của đấng đáng kinh cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Cụ Cố Ngô Đình Khả còn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, cương trực, đức độ, một nhà ái quốc chân chính, là bạn thân của các nhà cách mạng nổi danh thời đó như cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Cụ là vị đại thần duy nhất dám công khai chống lại thực dân Pháp trong việc phế bỏ và đầy vua Thành Thái sang Phi Châu sống lưu vong, và sau đó Cụ đã xin rũ áo từ quan về quê làm ruộng. Ngoài ra, người cha tinh thần bõ đỡ đầu, nghĩa phụ của ngài là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, nổi tiếng về kiến thức quảng bác, đức độ và lòng yêu nước: Đó là, Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân, là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Vì thế dân chúng miền Trung thời đó vô cùng cảm kích ngưỡng mộ nên đã có phương ngôn: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài”.
Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, ngài còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, nếu Nho Giáo đã hun đúc ngài thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ngài thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.
2. Một con người chọn đi theo Chúa:
Ngay từ chọn lựa căn bản đầu đời, ngài đã chọn đi theo Đức Giêsu thể hiện qua việc vào Chủng viện An Ninh ngay từ nhỏ. Và sau này thời gian ở Mỹ lưu trú trong tu viện Maryknoll, Lakewood, New Jersey, định từ chối lời mời gọi tha thiết của Quốc Trưởng Bảo Đại về làm thủ tướng vì đã trở thành tu sĩ oblat, khấn tại tu viện thánh André của Dòng Biển Đức ở Bruges, Bỉ và có ý định cuối đời sẽ vào tu Dòng Chú Cứu Thế khi được mãn nhiệm Tổng thống (Il miracolo della speranza, André Nguyen Duc Chau).
3. Một con người sống độc thân thanh khiết:
Cuộc sống độc thân thanh khiết của ngài gây thắc mắc cho các tướng lãnh lúc bấy giờ, đến độ Đại Tướng Dương Văn Minh, kẻ chủ mưu việc cố sát ngài sau khi tận mắt chứng kiến thi thể của ngài đã sai thuộc hạ mở quần kiểm tra xem có bộ phận sinh lý nam giới hay không (Việt nam Nhân chứng, Trần Văn Đôn)
4. Một con người sống khó nghèo:
Ngay cả đến khi làm Tổng thống vẫn giữ được tinh thần khó nghèo đó trong việc ăn uống thanh đạm, ăn mặc đơn sơ, ngủ nghĩ giản dị, đồ dùng cá nhân xài cho đến khi không còn xài được nữa... Học giả Vương Hồng Sển trong tác phẩm Hơn Nửa Đời Hư đã diễn tả cảnh sống khó nghèo của Tổng Thống Diệm: “mặc bộ đồ tussor may kiểu áo bốn nút cổ lỗ sĩ, đã trổ vàng vì qúa lâu năm, cổ vai đã xùi”. Linh mục Đỗ Minh Tâm hiện giúp một xứ đạo Mỹ tại Saint Paul, kể lại: “lễ Chúa Giáng sinh năm 1958, Tổng Thống dự lễ tại một khu dinh điền ở tỉnh Kiến Hòa. Lễ xong thì Tổng Thống và tôi ăn cơm nếp với thịt gà còn các binh sĩ ăn thịt con bò thui. Tổng Thống Diệm cởi giầy ngồi trên cỏ, tôi thấy Ngài mang một đội vớ rách.”.
5. Một con người liêm khiết:
Không bao giờ tơ hào đến công quỹ: lúc khám thi thể, chỉ thấy có một tràng hạt, một nửa bao thuốc Basto xanh (Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ).
Cựu Hoàng Bảo Đại đã khẳng định: “Ngô Đình Diệm nổi tiếng là thông minh liêm khiết.” Ký giả Bernard Fall, Giáo sư Tiến sĩ Đại Học, nhận định về tinh thần đạo đức của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuốn sách “The Two Vietnams” như sau:
“Đúng là con người nổi tiếng thanh liêm trung thành với nguyên tắc.”
Sử gia Arthur M. Schlesinger, Giáo sư Đại học Harvard, mặc dù thiên về phe chống lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng trong tác phẩm “A thousand Days”, ông đã xác nhận: “Và chính Ông Diệm là người ngay thẳng và cương quyết, tận tâm và liêm khiết.”
6. Một con người có tinh thần cầu nguyện.
Theo chứng tá của chính cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cháu ruột của ngài, dành cho cậu Diệm một sự khâm phục tình cảm đăc biệt hơn ai hết thường nói về cậu mình như một nhà chiêm niệm thần bí và về Cố TGM Ngô Đình Thục, anh của cố Tổng Thống như một nhà thần học. (Il miracolo della speranza, André Nguyen Duc Chau)
Làm Tổng Thống với bao nhiêu lo toan bận bịu nhưng vẫn một mực trung thành với chuổi mân côi cho đến lúc chết như đã nói ở trên. Và chính nhờ có tinh thần cầu nguyện sâu xa đó mà ngay cả trước giờ cuộc sống bị đe dọa vẫn giữ được thái độ thanh thản.
Trong suốt cuộc đời của Tổng Thống, Tổng Thống đã chăm chỉ tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện, như một gương sáng của niềm tin (Bài viết của linh Mục Văn Chi, Seattle 1.11.2009).
7, Một con người quên mình vì kẻ khác:
Thay vì sống an nhàn như một tu sĩ Biển Đức bên Bỉ, ngài đành phải cởi bỏ áo tu trì hay sinh cuộc sống riêng tư vì đại nghiệp dân tộc khi Quốc Trưởng Bảo Đại nài nỉ ngài lần thứ hai, thứ ba về làm Thủ tướng, cậy vào lý do vì nước vì dân, (Le Dragon d’Annam, tr.514-515, Cựu Hoàng Bảo Đại)
Không biết do tiền định hay do trùng hợp ngẫu nhiên mà ngài đã lấy tên khấn dòng là Odilo, thánh quan thầy của các người tị nạn, vô gia cư và cũng là người khởi xướng cử hành lễ kính các Đẳng Linh hồn vào ngày 2/11, cũng là ngày ngài bị cố sát. Mới tại vị, ngài đã lo lắng đón tiếp, ổn định cuộc sống định cư và sinh nhai cho gần một triệu người bắc di cư, lánh nạn Cộng Sản. Chín năm ngài cầm quyền là thời gian duy nhất mà dân chúng được hưởng sự ấm no, thanh bình. (Bốn mươi năm ngậm ngùi, Trương Phú Thứ). Ngoài ra ngài chăm lo đến đời sống của quân dân thể hiện đặc biệt qua những chuyến kinh lý, ngay cả đối với giới Phật giáo, vị Tổng Thống có một không hai dùng đồng lương của mình để ủng hộ xây đắp chùa chiền và hàn huyên với các chân tu tại chùa Từ Đàm khi có dịp về Huế (Hương lòng dâng tặng Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hồng Lĩnh) tuy một số lãnh đạo Phật giáo là Cộng sản hay bị Cộng sản thao túng và bị CIA mua chuộc để ngụy tạo tuyền truyền chế độ chống Phật giáo nhằm âm mưu lật đổ chính quyền do ngài lãnh đạo (Cuốn băng mới của Kennedy, Lữ Giang, ngày 9.11.2009). Ngay cả khi tính mạng bị đe dọa ngài cũng vẫn chỉ nghĩ đến lợi ích của quân dân, không nhận lời tiếp cứu của Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham mưu phó Lữ Đoàn phòng vệ Phủ tổng thống giải vây Dinh Gia Long, vì không muốn quân đội của mình đả thương lẫn nhau, gây ra tình hình bất ổn xáo trộn, hoang mang trong dân chúng, sẳn sàng ra nộp mạng hy sinh vì đại cuộc (Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ).
8. Một con người có tinh thần đại độ, cảm hóa:
không bao giờ có ý định hảm hại, triệt tiêu những tướng tá phản bội đã âm mưu chống đối ngài, nhằm lật đổ chính quyền như trong vụ Đảo chánh bất thành vào năm 1960. Lẽ ra đối Cộng sản, những tướng tá đó đã bị thủ tiêu trừng trị, hay ít ra bị bỏ tù mọt gông. Nhưng chính vì bản thân ngài qúa tốt, ngài đã nghĩ tốt về các thuộc hạ của mình, quá tin dùng họ, đến độ đã bị chết dưới tay của họ, những người đã nhận đươc biết bao ân huệ từ ngài.
9. Một con người không xét đoán kẻ khác:
Ngài không đưa ra bất cứ lời xét đoán hay bình phẩm nào khi được cố linh mục Antôn Trần Văn Kiệm, một người bạn thân quen từ bên Mỹ gạn hỏi, ngay cả đối với Hồ chí Minh, đối phương không cùng chiến tuyến, (Mùa Lễ Tạ Ơn, tháng 11 năm 2007, Trần Vinh) người mà dù lập trường đối nghịch vẫn thầm cảm phục con người và chí khí bất khuất của ngài, từng mời ngài cộng tác, giử chức vụ quan trọng trong chính quyền cộng sản và cho dù bị từ chối, sau này vẫn thể hiện sự khâm phục đối với ngài qua việc gửi tặng ngài một một cành đào với một phong thơ kèm theo từ Hà nội vào một dịp tết nào đó, điều mà chính cụ Cao Xuân Vĩ xác nhận (Lm Thaddeus Bùi Công Hiến Linh giảng trong trong thánh lễ cầu cho Cụ Diệm vào ngày 1-11-2008 tại thánh đường St Bonaventure ở Huntington Beach, California).
10. Một con người chọn bước theo Đức Kitô.
Trong hồi ký le Dragon d’Annam, cựu hoàng Bảo Đại có thuật lại một chi tiết rất cảm động như sau về ngài trước khi ông ấy nhờ ngài đảm nhận trọng trách, đứng ra lập chính quyền để cứu nước trong tình hình dầu sôi lửa bỏng: Tôi bảo ông ấy hãy ra trước thánh giá, tượng chuộc ngắm nhìn Chúa của ông và thề hoàn thành trọng trách, ông ấy đã tiến đến chiêm ngắm thánh giá một cách đăm chiêu một hồi lâu và rồi nhận lời… Chẳng khác nào vì ước muốn vác thập giá bước theo chân Đức Kitô bị đóng đinh mà ngài đã nhận lời. Phải chăng lúc bấy giờ ngài cũng linh cảm con đường mà mình sắp đi sẽ đưa mình đến đâu, đến đồi Can-vê như chính Đấng mình đang ngắm nhìn.
Xét ra cuộc đời của ngài có rất nhiều nét giống Đức Giêsu, Đấng mà suốt đời ngài hằng noi theo; sống độc thân khiết tịnh, khó nghèo, bao dung cảm hóa, bị phản bội bởi chính những đồ đệ tín cẩn, hiến mình hy sinh vì đàn chiên, chết thảm thương, chôn vội vã gần như không mộ huyệt, và những ngưòi tham gia vào việc hảm hại ngài đều cảm thất ít nhiều bị lương tâm cắn rứt hay ăn năn.
Xét về một phương diện nào đó, cái chết của ngài chẳng khác nào cái chết của một vị tử đạo. Chết vì cái đạo làm người, cái đạo công chính, cái đạo từ tâm, cái đạo bác ái.
Bản thân ngài sống vào thời trước Công đồng Vatican II, nên việc ngài được xem là một nhà chống cộng hữu hiệu và đáng sợ nhất, điều mà ít ra vào thời của ngài được Giáo hội coi là một chứng tá anh hùng trong việc dấn thân bảo vệ Giáo hội, chống lại hiểm họa Cộng sản, là một trong những điểm son của cuộc đời Kitô hữu dấn thân.
Một vị Tổng Thống tuy bị cố sát cách đây hơn 50 năm, vẫn còn hiện diện, hay tái hiện trong lòng của đa số không chỉ đồng bào mà còn tất cả những ai có dịp quen biết tiếp xúc với ngài thực sự, không bị nhồi sọ, không bất mãn vì lý do riêng tư, như một chí sĩ sáng chói, như một chính trị gia Công Giáo mẫu mực, một vì minh quân hết lòng vì dân vì nước, cho dù trong số đó có những người không đồng quan điểm chính trị với ngài. Ngài vẫn còn là nổi ám ảnh, nổi dày vò cắn rứt lương tâm đối với những người mưu sát hảm hại ngài.
Linh Mục Văn Chi Seattle trong bài viết ngày 1.11.2009 trên Vietcatholic, kể lại: “Tôi nhớ mãi đời sống tù đày của tôi trong khu biệt giam tử hình từ ngày 30 tháng 4 năm 1985 tới tháng 12 năm 1985. Những buổi sáng rất sớm, khoảng 5 giờ sáng, văng vẳng đâu đây từ trong các phòng biệt giam tử hình tiếng hát vang xa trên đau khổ của xiềng xích tù đầy, của nỗi chết đang chờ đợi đau thương, của tuyệt vọng trong kiếp sống tù đầy gian khổ. Tiếng hát bay cao vang dội trong không gian tĩnh mịch chết chóc, sáng lên giai điệu suy tôn Ngô Tổng Thống: “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình… Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống…” cùng vang lên với bài Quốc ca thân thương: “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…” Giai điệu thân quen bay cao vang xa trong ngục tù Cộng sản, từ giọng khàn khàn của những tù nhân tử hình Cộng Sản tại Tà Niên Kiên Giang…
Anh Phạm Văn Siển và anh Nguyễn Xuân Tùng, trong Lữ Đoàn bảo vệ Tổng Thống Phủ kể lại cho tôi nghe về lòng kính trọng của những người lính chiến, đối với tinh thần đạo đức của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đồng thời, được nghe nhiều về những tiếc thương của đông đảo đồng bào Việt Nam thời đó, tiếc thương và nhớ ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm..”
Nữ ký giả Marguerite Higgins, phóng viên cuả trên 60 tờ báo lớn thế giới, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: “Ông là một lãnh tụ tốt, trung thực, quả cảm và đáng kính.” Tổng Thống Lyndon B. Johnson nhận định: “Tổng Thống Diệm là Churchill của thập kỷ mới trong hàng tiền đạo của các nhà lãnh đạo bảo vệ tự do.” Giáo sư Phạm Kim Vinh trong tác phẩm “The Politics of selfishness: Vietnam. The Past as Prologue” nhận định: “Nhưng lợi điểm lớn nhất của miền nam Việt Nam năm 1954 là có được một lãnh tụ có khả năng và đạo đức tương đương để chọi lại huyền thoại Hồ chí Minh: Ngô Đình Diệm.”
Khi hay tin TT Diệm bị sát hại, Mao Trạch Đông phản ứng bằng nhận xét: “Chính quyền Kennedy hạ ông Ngô Đình Diệm là một thất sách, một sai lầm rỏ rệt!” Học giả Úc Denis Warner đã tặng cho ông biệt danh xứng đáng “The Last Confucian”, (Tin đồ Khổng giáo cuối cùng).
Nữ Ký Giả Marguerite Higgins nhận định: “Ông còn có cả một sự nhã nhặn và thương cảm trong khi nói những điều trái ý tôi.”
Tiến sĩ Nguyễn đình Tuyến, Giáo sư Đại Học Vạn Hạnh và nhiều Đại học khác, trong tác phẩm “Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam 1945-1975”, ông đã vinh danh Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: “Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963) là một nhân vật đã đi vào lịch sử của Việt Nam. Ông Diệm là một nhà quốc gia chân chính, trong sạch, lấy châm ngôn là “Tiết trực tâm hư” nên ông được nhiều chính khách nổi danh Hoa Kỳ ủng hộ.”Sử gia John M. Newman trong tác phẩm “JFK and Vietnam”, đã nhắc lại lời Tổng Thống Dwight D. Eisenhower ca tụng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là “con người thần kỳ của Á Châu”. Tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm được thể hiện rõ nét nhất trong những giờ phút cuối cùng của Tổng Thống, như tuỳ phái viên Đỗ Thọ diễn tả: “Nhưng lạ lùng thay, Tổng Thống Diệm thản nhiên ngồi uống trà, phải chăng Tổng Thống đang nghĩ tới cuộc đời tiên thánh ở thế giới bên kia, xứng đáng là một Tổng Thống Ngô Đình Diệm bất diệt ngàn đời.”.
Với các lý do trên đây, tôi thiết nghĩ giáo quyền Việt Nam nên thu thập các chứng từ từ nhiều nguồn khác nhau để thỉnh xin mở án phong chân phúc cho ngài, hay ít ra thỉnh xin Tòa Thánh chính thức vinh danh ngài, nhìn nhận các nhân đức đức tin anh hùng của ngài như một chính trị gia và như là một nguyên thủ quốc gia nêu gương sáng và làm nguồn hứng khỏi cho mọi người, đặc biệt cho cá chính trị gia nói chung và các chính trị gia Công Giáo nói riêng trong việc dấn thân vì công ích và nhưng giá trị đạo đức nền tảng. Điều này xem ra không thích hợp trong thực tế hiện nay và hoàn toàn không có lợi ít ra đối với việc bang giao giữa Giáo hội Việt nam, Tòa thánh và chính quyền cộng sản vì Giáo hội Việt Nam vẫn còn đang sống dưới ách cộng sản mà đa phần vẫn còn mang cải nảo trạng bị nhồi sọ là Tổng thống Ngô Đình Diệm là tay sai cho Mỹ, là kẻ thù của họ. Nhưng ít ra Giáo Hội Công Giáo Việt nam hải ngoại có thể tiến hành bằng cách thu thập hồ sơ chứng từ gửi đến Vatican và chờ đợi thời gian thuận lợi, chí mùi đến.
Đương nhiên là một con người thánh thiện, liêm khiết, không thiên vị, công tâm, ứng xử phân minh, rạch ròi, không lẫn lộn giữa thần quyền và thế quyền, giữa đạo và đời theo nhận xét của đại úy Đỗ Thọ, một Phật tử, tùy viên của ngài, người đã từng chứng kiến “nhiều lần ngài rất bực mình mỗi khi đáp máy bay xuống một nơi nào đó mà người ta đón tiếp ngài bằng cách dương cờ xí Vatican lên.” (Nhật ký Đỗ Thọ), chắc ngài cũng làm không ít các giáo sĩ Công Giáo phật lòng, đặc biệt những người nghĩ có thể cậy quyền cậy thế một vị Tổng Thống Công Giáo dể mưu tìm đặc quyền đặc lợi cho riêng mình, hay phe nhóm của mình, điều mà ngài từng thổ lộ với ông Nguyễn Mâu một lần đến thăm ngài và cũng là lần cuối vào cái đêm 23/10/1963 (báo Chính Nghiã số I, 3/1/1983, Nguyễn Mâu ).
Càng sống với chế độ cộng sản, với cái Đảng cướp cộng sản bán nước, hút máu nhân dân, người dân Việt càng thấm thía, càng nuối tiếc một thời vàng son đã qua: Chín năm dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa do ngài lãnh đạo, thời gian duy nhất biết đến sự no ấm và thanh bình, và đồng thời càng thương tiếc ngài khôn nguôi và có lẽ hơn lúc nào hết tất cả mọi người Việt Nam có lương tri và hiểu biết, không bị Cộng sản nhồi sọ đều mong muốn có ngày được chứng kiến ngài được chính thức khôi phục danh dự và vinh danh cho toàn thể dân Việt noi theo và lưu danh vào sử sách.
Hơn lúc nào hết, những người có tâm huyết với đất nước trong khả năng của mình phải vận động làm sao để làm vinh danh ngài và các bào đệ, đặc biệt cố bào đệ Ngô Đình Nhu một cách cụ thể bằng việc hoặc đòi trả lại tên Saigòn năm xưa, hoặc đặt cho thành phố Saigon một cái tên mới đầy ý nghĩa lịch sử và tình người: thành phố Huynh Đệ như cái tên đơn sơ nhưng vô cùng ý nghĩa được khắc ghi trên mộ của hai anh em họ Ngô, mà ngày càng được nhiều người biết đến và kính viếng, để tưởng nhớ công ơn lớn lao của anh em họ Ngô đối với đất nước, đặc biệt đối với miền nam Việt Nam, ca ngợi tình anh em keo son gắn bó, sống chết có nhau và đồng thời dể đánh dấu một trang sử mới của dân tộc Việt, được viết lên bằng tình người, tình huynh đệ đại đồng.
Kính dâng hương hồn Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các bào đệ hy sinh vì dân vì nước.
Hồn Việt (…29/10/2017)