Cảnh sát cơ động đối diện với đoàn người biểu tình ở Bình Thuận
Đất nước thất bại chính là khi nắm đấm của viên cảnh sát chạm vào mặt của người dân biểu tình. Đó là khi mọi niềm tin tan vỡ, mọi hy vọng đổ sụp, và là tiền đề cho những gì thật ghê gớm.
Tôi nhớ lại buổi trưa một ngày mùa hè năm 2011. Đó là lần đầu tiên tôi đứng cùng đoàn người biểu tình tại giữa Sài Gòn. Ngày hôm ấy, trời rất nóng, nhưng mọi thứ khá ôn hoà. Đoàn người biểu tình chịu dừng lại trước hàng rào gai thép của lực lượng chức năng và đứng đó hô các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc quân sự hoá biển Đông. Trong lúc mọi người không để ý thì một bác đã có tuổi đi đến. Bác người tầm thước, ốm, nai nịt gọn gàng. Bác tiến đến gần hàng rào gai thép và bắt đầu thét lên những khẩu hiệu phản đối. Trong 1 giây, mọi người sững cả lại và bất ngờ khi thấy người đàn ông bình thường đó co chân đạp hàng rao thép gai, nhiều cái, vừa đá ông vừa chửi bới. Tất cả mọi người, kể cả lực lượng đứng bên kia dây kẽm gai đều bất ngờ và vội vã ôm lấy bác lại. Có lẽ mọi người lo cho sức khoẻ của bác. Nhiều người biểu tình cố gắng bế thốc bác đi. Bác không chống cự lại được, nhưng miệng thì vẫn gào thét. Câu cuối cùng tôi nghe được từ người đàn ông đó chính là “tao đã chịu đựng 20 năm nay rồi.”
Thật khó có thể tưởng tượng được, 20 năm qua đã có điều gì uẩn ức trong lòng người đàn ông đó để đến mức ông phải trở nên manh động. Không biết rằng sáng hôm đó khi ra đường, ông đã nghĩ gì, có nói lại gì với con cháu mình không. Hình ảnh của ông khiến tôi nhớ mãi.
Người ta thường nhìn đám đông biểu tình như một thực thể phi lý trí, kém cỏi, và dễ kích động. Nhưng tôi thì lại không nghĩ như thế. Một cách chân thành, tôi tin rằng những đám đông mà chúng ta thấy từ đó đến nay, kì thực lại là những đám đông kỉ luật nhất, đoàn kết nhất. Họ có thể không có mục tiêu cụ thể, một chiến lược rõ ràng, nhưng nếu có đứng giữa đám đông thì mới thấy được họ ý thức rõ họ phải giữ hình ảnh ôn hoà nhất của đám đông như thế nào. Có lẽ, họ chính là hiện thân đẹp nhất cho lý tưởng rằng biểu tình là biện pháp cuối cùng để những bức xúc được giãi bày trước khi nó biến thành sự manh động nếu bị dồn nén.
Nhưng vì lẽ nào mà vẫn hiện diện đâu đó những đám đông manh động? Thiết nghĩ, những đám đông manh động, bạo lực nhất lại chính là những đám đông đáng thương, chịu nhiều áp bức nhất. Hãy nhớ lại: đó là những công nhân ở Bình Dương, những nông dân ở Thái Bình, những cư dân đòi đất ở Đồng Tâm.
Và ngày hôm nay, đó là những người dân ở Phan Thiết, Phan Rí. Đây có lẽ không phải lần đầu tiên mà người dân Bình Thuận xô xát với chính quyền. Từ nhiều năm qua, các dự án nhiệt điện, đặc biệt là ở Vĩnh Tân, các dự án xả thải bùn công nghiệp, đã như ngọn lửa làm bùng cháy những bất mãn từ người dân. Hết lần này đến lần khác, người dân khiếu kiện, khiếu nại, chỉ để chứng kiến các đám mây khói đen làm cho cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn. Quốc lộ 1A đã hơn một lần bị dân phong toả, hòng đòi được một giải pháp ổn thoả hơn.
Tôi không dám chắc những kẻ manh động nhất ở Bình Thuận ngày hôm nay chính là những nạn nhân mà ta kể ở trên. Nhưng đó cũng phải là một giả thiết mà chính quyền cần xem xét để biết được căn nguyên, cốt lõi của câu chuyện. Vì nếu cứ chăm chăm đổ lỗi, quy kết những đám đông “thiếu lý trí” thì sẽ chỉ làm cho nhiều hơn nữa những sự bất mãn.
Ngày hôm nay là một ngày rất dài, theo đúng mọi nghĩa của từ đó. Chiều nay, tôi chạy ngang con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dẫn từ sân bay về và thấy một toán các anh lính dân phòng ngồi bệt xuống lề đường. Tôi có dừng một chút và quan sát các anh. Tất cả mọi người đều mệt mỏi, đều bơ phờ, đều nhìn xa xăm. Có lúc tôi thật sự tò mò cảm giác của người đứng bên kia dây thép gai nó như thế nào sau mỗi ngày biểu tình. Tôi nhớ lại hai lần biểu tình năm 2016. Cũng những bóng áo xanh đó nối tay nhau thành hàng rào người chắn giữ đám đông. Tôi nhớ mình đã nghe có người van xin bà con đừng xô mạnh quá nếu không anh em sẽ bị thương. Tôi cũng nhớ lại một người cảnh sát thường phục đứng ngoài nhìn vào đoàn biểu tình và nói qua walkie rằng cẩn thận, có người già trong đoàn biểu tình. Dù đó có phải là sự quan tâm thật lòng không thì nó vẫn cho tôi một cái nhìn hoàn toàn mới. Đúng là luôn có những kẻ cơ hội, tàn nhẫn, tàn bạo, bất nhân trong lực lượng chấp pháp, sẵn sàng xuống tay với nhân dân một cách cuồng tín và máu lạnh. Cũng như sẽ luôn có những tay cơ hội, kích động trong đoàn biểu tình. Nhưng cuối cùng thì, đa số những người đã phải đứng dưới nắng ngày hôm nay, họ đều có chung một điểm.
Họ đều là dân cả. Nếu ở một hoàn cảnh khác, họ có thể còn trở thành bạn hữu.
Và đất nước thất bại chính là khi nắm đấm của viên cảnh sát chạm vào mặt của người dân biểu tình. Đó là khi mọi niềm tin tan vỡ, mọi hy vọng đổ sụp, và là tiền đề cho những gì thật ghê gớm. Những người thét vào radio và ra lệnh cho lực lượng tiến lên, họ không đổ máu. Những người vẽ ra những dự án, bày ra những dự luật, họ không đổ máu. Chỉ có dân.
Giờ này, chắc cũng có những tiếng thét qua radio và những mệnh lệnh được đưa xuống. Và những lực lượng đang tiến về Phan Thiết. Tôi không biết làm gì ngoài cầu nguyện cho tất cả những ai đang phải xa gia đình, xa vợ con, lao ra đường vì những nỗi uất ức dồn nén từ lâu và tin rằng bạo lực là phương pháp cuối cùng, hay những người mà tôi biết trái tim họ cũng chia một nửa.
Nếu có thể, tôi chỉ xin một ân huệ từ họ. Rằng nếu có phải nổ súng, xin hãy chếch súng lên trên.
Lê Nguyễn Duy Hậu