Đức có bị lừa dối một cách cố ý trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không? – “Hoàn toàn có thể Chính phủ Slovakia đã bị lừa dối trong vụ này. Có thể tại nơi đó đã có một ‘người trong cuộc’, với những mưu mẹo của người này sự lừa lọc gian trá đã diễn ra“, bản báo cáo viết. Người đó chính là Lê Hồng Quang, quốc tịch Slovakia gốc Việt, và làm cố vấn cho Thủ tướng Slovakia – Trong tháng 9 sắp tới đây, một Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam sẽ đến thăm Berlin, đây là thao diễn giảm căng thẳng lần đầu tiên kể từ khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra.
Tờ Frankfurter Allgemeine (viết tắt là FAZ), một nhật báo có tầm vóc liên bang và có uy tín đứng hàng đầu Đức, trong số ra ngày hôm nay 31/07/2018 có đăng một bài báo dựa vào kết quả điều tra mới nhất của các nhà điều tra Đức về vụ Slovakia dính líu đến việc đưa Trịnh Xuân Thanh về nước. Sau đây là lược dịch bài báo của FAZ.
Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh các nhà điều tra của Sở cảnh sát hình sự bang Berlin đã đi đến kết luận rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Đó là căn cứ vào một báo cáo kết quả điều tra vào tháng 6 vừa qua mà nhật báo FAZ có trong tay.
Theo các nhà điều tra Đức, „có khả năng“ Việt Nam đã “lừa dối” Slovakia để có được chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Chính phủ Slovakia vẫn luôn luôn quả quyết rằng nạn nhân bị bắt cóc đã không được vận chuyển qua đất Slovakia – dựa trên một lời cam đoan tương ứng của Việt Nam.
Một tình huống khó khăn đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Đức, Việt Nam và Slovakia. Vấn đề vẫn là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Việc nạn nhân bị mật vụ Việt Nam bắt cóc giữa ban ngày tại thủ đô Berlin đem về Hà Nội đã gây phẫn nộ cho đến bây giờ, nhưng nay lại có thêm tin tức mới.
Cho đến nay, người ta chỉ nghi ngờ rằng Trịnh Xuân Thanh đã được vận chuyển từ Bratislava (thủ đô Slovakia) đến Moscow dưới sự ngụy trang của một phái đoàn chính phủ Việt Nam, bằng một chuyên cơ của chính phủ Slovakia cho mượn – Vậy là một nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ cho vụ tội phạm của Chính phủ Việt Nam.
Nhưng nay, theo những thông tin mà nhật báo FAZ có được, thì Sở cảnh sát hình sự Berlin chắc chắn rằng Trịnh Xuân Thanh đã ngồi trong chiếc chuyên cơ này, cho tới nay Việt Nam và Slovakia vẫn luôn luôn phủ nhận điều đó. Như vậy là sự thật đã không được nói ra, và vụ việc có thể gây ra những rắc rối tiếp theo về ngoại giao giữa 3 nước.
Cho đến cuối tháng 5 năm nay, các nhà điều tra của Sở cảnh sát hình sự bang Berlin đã đến Bratislava. Họ phỏng vấn nhiều người, trong đó có cả người đứng đầu về hàng không Slovakia, và cũng phỏng vấn các nhân viên của khách sạn Borik, nơi mà phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm dẫn đầu đã gặp ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia. Vì cuộc họp này mà ông Tô Lâm đã được cho mượn chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia để sau đó – dĩ nhiên cùng với người bị bắt cóc bay tới Moscow.
Theo một “báo cáo kết quả đầu tiên” của những nhà điều tra Đức, mà tờ FAZ có trong tay, “hầu như không còn hoài nghi gì nữa, ông Trịnh đã bị vận chuyển trên tuyến đường Berlin – Brno (ở CH Séc) – Bratislava (thủ đô Slovakia) – Moscow (Nga) và sau đó tiếp tục đưa về Việt Nam“.
Về cuộc họp giữa 2 bộ trưởng tại khách sạn Borik, thì các nhà điều tra Đức „có quan điểm đã được củng cố chắc chắn rằng mục đích duy nhất của cuộc họp này là nhằm đưa ông Trịnh một cách tương đối dễ dàng ra khỏi khu vực Schengen để đem về Việt Nam“.
Tóm lại: hai bộ trưởng gặp nhau tại Bratislava để ngụy trang việc vận chuyển nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi khu vực Schengen. Cơ quan giao nhiệm vụ cho khách sạn Borik và chuyến bay: Bộ phận Lễ tân của Bộ Nội vụ Slovakia.
Các nhà điều tra Đức cũng muốn gặp nói chuyện với ông Radovan Čulák, người đứng đầu Bộ phận Lễ tân, nhưng “theo ý kiến của Tổng công tố viện Slovakia thì điều này không nằm trong yêu cầu hỗ trợ pháp lý hiện có“. Ngay cả khi không có mảnh ghép này, các nhà điều tra cũng đạt được kết quả và đi đến kết luận rằng Trịnh Xuân Thanh đã được vận chuyển bằng xe ô tô từ Berlin đến thành phố Brno ở Cộng hòa Séc và từ đó tiếp tục vận chuyển đến Bratislava, thủ đô Slovakia, nơi đây – với “giấy tờ tùy thân giả” – ông Trịnh trở thành “một thành viên của phái đoàn” Việt Nam.
Việc tên của ông Trịnh “không có trong danh sách hành khách chuyến bay thì không có gì đáng ngạc nhiên, và một kịch bản đe dọa được thực hiện để bảo đảm việc ông Trịnh phải hợp tác trên chuyến bay, hầu không gây ra sự chú ý từ bên ngoài“.
Có nhiều giả thuyết có thể xảy ra. Giả thuyết thứ nhất, Việt Nam có thể đã cố ý lừa dối Chính phủ Slovakia nhẹ dạ. Các nhà điều tra Đức nghiêng về cách giải thích này. Đó là “hoàn toàn có thể Chính phủ Slovakia đã bị lừa dối trong vụ này. Có thể tại nơi đó đã có một ‘người trong cuộc’, với những mưu mẹo của người này sự lừa lọc gian trá đã diễn ra“, bản báo cáo viết. Người đó chính là Lê Hồng Quang, quốc tịch Slovakia gốc Việt, và làm cố vấn cho Thủ tướng Slovakia. Sau vụ bắt cóc, ông ta được cử đến Hà Nội làm Đại sứ Slovakia, và sau đó ông bị triệu hồi về lại Slovakia vì những cáo buộc tham nhũng.
Giả thuyết thứ hai: Trong bộ máy chính phủ Việt Nam không minh bạch, một số quan chức có thể không được cho biết về quá trình diễn biến thật sự của phi vụ bắt cóc này – và có thể xảy ra việc những người không biết gì này đã nói với phía Slovakia các điều không đúng sự thật.
Giả thuyết thứ ba: Một vài bộ phận của chính phủ Slovakia có thể đã được phía Việt Nam cố tình tiết lộ và các bộ phận này đã che dấu, tiếp tay cho phía Việt Nam.
Bất kể sự thật đã xảy ra như thế nào, không có giả thuyết nào thích hợp để có thể tăng cường lòng tin trong những mối quan hệ giữa Đức, Slovakia và Việt Nam. Và nhất là vào một thời điểm mà Bộ Ngoại giao Đức đang làm việc theo hướng bình thường hóa mối quan hệ với Việt Nam. Trong tháng 9 sắp tới đây, một Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam sẽ đến thăm Berlin. Đây là thao diễn giảm căng thẳng lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra. Liệu có thành công hay không? Một nhà ngoại giao nữ cấp cao của Đức nói với tờ báo: “Đó không chỉ là mong muốn của phía Việt Nam, mà tất nhiên cũng là mong muốn của chính phủ Liên bang Đức, tới lúc nào đó sẽ bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước. Đương nhiên, sau một sự kiện như vậy người ta không thể đơn giản quan hệ một cách bình thường. Vụ bắt cóc là một vi phạm gây chấn động luật pháp quốc tế. Điều đó chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong cơ hội sắp tới này hoặc một cơ hội khác trong tương lai”.
Danh sách phái đoàn cấp cao Công An Việt Nam trên chuyên cơ của Slovakia, gồm 12 người: (Nguồn tin riêng của Thoibao.de từ phía Đức)
- 1.Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
- 2.Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
- 3.Trung tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V),
- 4.Phạm Văn Hiếu
- 5.Lưu Trung Việt
- 6.Vũ Quang Dũng
- 7.Vũ Hồng Minh
- 8.Phạm Minh Tiến
- 9.Đào Công Duy
- 10.Vũ Trung Kiên
- 11.Đặng Tuấn Anh
- 12.Nguyễn Thế Đôn
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Lược dịch)
Ghi chú: Các quốc gia thuộc khu vực Schengen: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Luxemburg, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, và Na Uy, Iceland và Thụy Sĩ (3 nước cuối thuộc Schengen nhưng không thuộc EU).
Thuộc khu vực Schengen không bao gồm Síp, Bulgaria, Ireland, Romania và Vương quốc Anh.