Một lần nữa, thế giới có cơ hội nhìn thấy thêm sự khác biệt chính sách giữa chính phủ Trump và các chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump đã "tweet" hôm thứ Năm 21/03/2019 vừa qua, lên tiếng công nhận cao nguyên Golan Heights là lãnh thổ của quốc gia Israel. Chính phủ Trump sẵn sàng đứng sát cánh với đồng minh, đứng sát cánh thật sự và hỗ trợ thật sự cho những ai là đồng minh; và trong cùng lúc, sẽ không ngần ngại chọi thẳng vào các vấn đề tranh chấp nhạy cảm nhất trên thế giới, chọi thẳng vào mặt đối thủ.
Từ 1967 cho đến đầu năm 2017, mặc dù những chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ vẫn liên tục hỗ trợ Israel, nhưng lại cố gắng cùng lúc áp lực chính phủ Israel phải đàm phán hòa bình với người Palestians. Áp lực lớn nhất đến với Israel là thời kỳ chính phủ Obama nắm chính quyền Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đã đặt trọng tâm vào việc phải đạt được thỏa hiệp hòa bình giữa Israel và Chính quyền Dân Tộc Palestine, Palestinian National Authority (PNA). Chính phủ Obama đã áp lực Israel phải nhìn nhận quốc gia của người Palestian và ngồi xuống đàm phán với PNA. Cuối cùng, Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã phải chấp thuận nhìn nhận và đàm phán vào ngày 14/07/2009.
Ngược lại với Obama, chính phủ Trump coi như mọi nỗ lực đàm phán hòa bình với Chính quyền Dân Tộc Palestine đã quá đủ rồi, không cần thiết phải tốn kém thêm nữa, không cần phải nhân nhượng nữa. Đối với ông Trump, mọi nỗ lực nhân nhượng của Israel đã không đổi lấy được hòa bình. Cái Nobel Hòa Bình của ông Obama có được vào năm 2009 đã không không thể giải quyết thực trạng là hỏa tiễn của dân quân Palestine vẫn tiếp tục bắn từ Gaza một cách bừa bãi vào lãnh thổ dân cư Israel, và lực lượng khủng bố Hồi giáo IS vẫn tung hoành ngang dọc trên lãnh thổ Syria và Iraq.
Tháng Năm 2018, ông Trump công bố dời tòa đại sứ Mỹ tại Israel đến Jerusalem; tháng Tám 2018, công bố cắt đứt 200 triệu Mỹ kim viên trợ của Hoa Kỳ cho người Palestinians ở West Bank và Gaza Strip. Và bây giờ, Hoa Kỳ lên tiếng công nhận Golan Heights là lãnh thổ của người Do Thái.
Golan Heights là một cao nguyên, với diện tích tổng cộng 1.800 cây số vuông, nằm giữa ranh giới của Israel và Syria. Đứng trên cao nguyên, người kiểm soát ở độ cao đó có thể nhìn xuống để quan sát được toàn lãnh thổ tiếp cận biên giới của cả hai nước Israel và Syria. Quân đội Israel đã chiếm được hai phần ba diện tích của cao nguyên Golan từ trong tay của Syria sau cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày (the Six-Day War) vào năm 1967 và chính thức sáp nhập lãnh thổ vào năm 1981. Tuy nhiên, sự sáp nhập này vẫn chưa bao giờ được công nhận bởi cộng đồng quốc tế. Nghị quyết 497 của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1981 đã cho rằng hành động sáp nhập Golan Heights của Israel không có giá trị.
Vì thế, quyết định lần này của ông Trump sẽ gặp áp lực từ khối Ả Rập và nhiều quốc gia trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ không thay đổi được lập trường của các phe nhóm đó; tuy nhiên nó cho thấy rõ ràng lập trường của chính phủ Trump sẵn sàng sát cánh với người bạn đồng minh. Ông Trump đã trực tiếp hỗ trợ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thuộc đảng Likud-National Liberal Movement, một chính đảng thiên hữu (right-wing), ngay trong mùa tranh cử tại Israel.
Đặc tính này của chính phủ Trump đã từng được thể hiện nhiều lần trong hai năm qua, gồm có sự hỗ trợ của hai ông Trump (Hoa Kỳ) và Netanyahu (Israel) dành cho ông Bolsonaro (Brazil) trong thời gian tranh cử tổng thống tại Brazil vào cuối năm 2018, cũng như sự nhìn nhận hiện nay của chính phủ Trump dành cho tổng thống lâm thời Juan Guaidó của Venezuela.
Hãy nhìn những chuyến công du không ngừng nghỉ của phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn John Bolton tại Poland, Slovakia, Hungary, những chương trình thảo luận và lời công bố tại hàng chục điểm nóng khác trên thế giới. Rất bền bỉ và nhất quán.
Quyết định về Golan Heights còn cho thấy thêm: chính phủ Trump rất cứng rắn với đối thủ và không ngần ngại để chọi thẳng vào mặt của Syria. Một khi Syria dựa dẫm vào Nga để hỗ trợ cho Iran chống lại Hoa Kỳ, thì cao nguyên Golan Heights sẽ được Hoa Kỳ trao cho Israel, bất chấp ngay cả Nghi quyết 497 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Khác với các tổng thống tiền nhiệm, ông Trump không cảm thấy vai trò của Liên Hiệp Quốc quan trọng như trước kia. Lịch sử cận đại cho thấy diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, bị thao túng bởi các phe nhóm thiên Tả, đã không có thực lực để ngăn chặn được hành động của Russia xâm chiếm Crimea, đã không giải quyết được Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc tại biển Đông.
Tháng Ba 1979, chính phủ Israel đã phải ký kết hiệp ước hòa bình để trao trả lại Egypt vùng Sinai Peninsula (cũng đã bị Israel chiếm lấy trong cuộc chiến 6 ngày) dưới áp lực của chính phủ Jimmy Carter, thuộc đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ, sau những cuộc đàm phán ở Camp David. Đối với các chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ, hòa bình của Trung Đông phải được đánh đổi bằng sự nhượng bộ của Israel. Ngược lại với các chính phủ tiền nhiệm của Hoa Kỳ, ông Trump đã không thấy cần thiết phải trao đổi hòa bình như thế, nhất là đối với một chế độ độc tài như Syria.
Lập trường và sách lược của ông Trump, đối với các điểm nóng liên quan đến vận mệnh của Israel và Venezuela, rất kiên định và nhất quán. Câu nói trước kia "thà làm kẻ thù hơn là làm bạn của Mỹ" cần phải được thay đổi ngược lại dưới thời của ông Trump.
Đã đến lúc, lãnh đạo cộng sản Việt Nam cần phải chấm dứt cái thế đu dây giữa Tàu và Mỹ, chấp nhận mở rộng thế chế chính trị dân chủ. Các thủ đoạn nhất thời và chiêu trò ma mãnh bắt cá hai tay sẽ không che dấu được bộ mặt lật lọng.
Các lãnh đạo cộng sản có lẽ tiếp tục lừa gạt người dân trong nước, nhưng người Việt Nam chân chính không thể đánh mất đi danh dự và sự thành tín cốt lõi cần thiết của một chính phủ tương lai để có được cơ hội hội nhập vào thế giới tự do, dân chủ, văn minh và tiến bộ.
fb Người Đà Lạt Xưa
March 24, 2019