Một điều không thể phủ nhận: Việt Nam là một điểm đến du lịch hấp dẫn, với cảnh quan mê đắm lòng người, những kỳ quan ấn tượng và những bãi cát kéo dài bất tận … Vậy nhưng cũng có những điều khiến người ta sau một lần đến Việt Nam, không muốn quay lại nữa. Theo số liệu chính thức đã được đưa ra trên nhiều báo chí Việt Nam, “chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam”. Đó là một thực tế đáng buồn.
Một nữ biên tập viên của trang tin du lịch nổi tiếng TRAVELBOOK, sau 3 tuần lễ du lịch dọc theo chiều dài đất nước Việt Nam vừa nêu ra 6 lý do khiến cô ta quyết định sẽ không bao giờ quay lại nữa
1.Du lịch bị quá tải
Hội An được giới thiệu bằng mọi phương tiện quảng cáo là một thị trấn nhỏ, yên tĩnh. Thực tế giờ đây thị trấn nhỏ ở miền Trung Việt Nam này đã bị ngập tràn vô tội vạ bởi khách du lịch. Ai muốn chiêm ngưỡng cây cầu Nhật Bản, một biểu tượng của Hội An, cần phải đủ kiên nhẫn, bình tĩnh và luôn cầu mong cho cây cầu vài mét này chịu đựng được sức tải của dòng người du lịch bất tận.
Tại Vịnh Hạ Long nổi tiếng, tình hình cũng không khá gì hơn những bãi cát dài nằm giữa Hội An và Đà Nẵng. Ngồi trên tắc xi, có thể thấy hàng loạt khách sạn sa hoa, cái nọ nối tiếp cái kia, lướt qua loang loáng. Khách tự nghĩ, có thể đủ khách để lấp kín các khách sạn kia như cách mô tả trên mạng „Nhiều khách sạn không còn phòng trống“? Ấy vậy mà xem ra vẫn còn rất nhiều khách sạn cao cấp đang tiếp tục được xây cất.
Sau hơn 2 tuần vòng vèo qua miền Trung và miền Bắc Việt Nam, tôi mừng là sẽ được tận hưởng một vài ngày nghỉ ngơi tai đảo Phú Quốc ở miền Nam, nơi còn được cho là yên tĩnh. Nhưng ôi thôi: dọc bờ biển chỉ thấy ghế nằm cạnh ghế, nhà hàng cạnh nhà hàng, khách sạn cạnh khách sạn. Và nếu nơi đâu còn chưa thấy khách sạn, thì nơi đó đang là công trường xây khách sạn.
Hàng loạt loa phóng thanh dọc bờ biển phát ra nhạc Karaoke, trên mặt nước, đám đua xuồng máy điên dại, bất chấp khách tắm biển.
2. Bãi biển và sông ngòi ngập rác bẩn
Lẽ ra, một chuyến đi trên thuyền gỗ với mái chèo tay trên sông Mekong ở miền Nam sẽ rất nên thơ. Thật buồn là dòng sông đầy những bao tải, rác thải, túi, can, chai bằng nhựa. Trên bờ cũng chất đống rác rưởi. Thêm vào đó, mọi đồ thải, nước thải từ các nhà trên bờ và nhà thuyền xả trực tiếp xuống sông.
Trên đường và trên các bãi biển cũng như vậy, từng đống rác chồng chất. Bãi biển Mũi Né là một ví dụ: nhiều nơi ngập rác, đồ nhựa, thực phẩm thừa, và các loại chất thải.
3. Thảm họa xe máy
Tại các thành phố lớn, việc qua đường của người đi bộ quả thật cần phải có lòng tin vào sự phù hộ của Chúa trời. Phải giơ cao tay và dũng cảm băng qua!
Tại những thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, đèn đường và dải cho người đi bộ thực chất chỉ là thứ đồ trang sức.
Trên vỉa hè cũng nguy hiểm không kém. Xe máy sử dụng vỉa hè để vượt nhau.
Hà Nội có 7 triệu rưỡi người với lượng xe máy đáng ngưỡng mộ là 5 triệu! Thật trớ trêu là đa số người đi xe máy đeo khẩu trang để ngăn ngừa chất độc do họ thải ra.
4. Đồ ăn
Ẩm thực Việt Nam được cho là thuộc hàng tốt nhất thế giới. Người nào khẳng định như thế, chắc hẳn họ đã luôn ăn trong các nhà hàng thượng hạng. Còn trong các nhà hàng bậc trung, nhận định đó gây ra cho tôi nỗi thất vọng đắng cay.
Sau ba tuần lễ, tôi nghĩ, giá mình chỉ luôn chọn món nem (chả giò) cuốn thôi thì hay biết mấy.
5. Thái độ không vui vẻ
Tất nhiên tôi không kỳ vọng, rằng mọi người Việt Nam mỉm cười với tôi. Nhưng khi tôi đặt một chuyến xe với giá 125 USD, thì tôi cũng mong nhận được lời chào hỏi và một khuôn mặt thân thiện. Thế nhưng, người tài xế chỉ cau có và thậm chí không phản ứng gì khi tôi chào „Hello“. Rẩt tiếc, đấy không phải là trường hợp hãn hữu.
Những kỷ niệm không đẹp tương tự cũng thường xảy ra với tôi trong 3 tuần công du Việt Nam. Ví dụ như những tài xế tắc xi và một cô hướng dẫn du lịch ở Hội An, một nhân viên trên tàu hỏa từ Đà Nẵng đi Ninh Bình, hay là những nét mặt cau có của các nhân viên trong các siêu thị và nhà hàng.
6. Lừa đảo đối với khách du lịch
Về chuyện tiền nong, có những người Việt Nam có thể làm những việc thật đáng xấu hổ. Dưới đây là vài ví dụ.
Tại Hà Nội, một người đạp xe xích lô đã ra giá 150.000 Đồng (khoảng 4,7 Euro). Khi xuống xe, ông ta đòi thêm 100.000 Đồng. Khi tôi từ chối trả thêm, người này đã chửi tôi thậm tệ.
Tại Hạ Long, tôi thuê một chiếc thuyền (Sampan) có người chèo và trả tiền tại trạm bán vé trung tâm. Dọc đường, người phụ nữ chèo thuyền chìa tay đòi thêm tiền.
Trên một chuyến tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long, người ta quảng cáo trên nóc tàu có quán Cocktail hạ nửa giá. Tuy nhiên, khi tính tiền, họ đòi phải trả nguyên giá. Cả 30 khách du lịch bị lừa!
Nguyễn Thanh – Thoibao.de ( biên dịch và tổng hợp)