Tại sao Nàng Lu từ chức?
Bà Phan Thị Hồng Xuân, nay có biệt hiệu “Nàng Lu,” muốn mỗi căn nhà tại Sài Gòn phải đặt một cái lu hứng nước mưa. Không nhắm có nước dùng, mà để ngăn cảnh mỗi mùa mưa đường phố lại ngập lụt.
Bà Hồng Xuân “đề xuất” ý kiến này trong một phiên họp của Hội Đồng Nhân Dân. Bà kể rằng ở nông thôn trước sân mỗi nhà luôn có cái lu nước rất to để đựng nước. Cách nói năng của bà rõ ràng là giọng điệu một con người bụng đầy chữ nghĩa. Thay vì nói “cái lu dùng được nhiều việc, có thể chứa nước mưa” bà lại nói “cái lu có nhiều tính năng, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa.”
Lối nói văn hoa xứng đáng với các danh hiệu của bà: phó giáo sư, tiến sĩ, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân Tộc Học-Nhân Học Sài Gòn, và chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam-Đông Nam Á!
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một người dân có thể sẽ phải đi mua lu về để chống lụt nếu “đề xuất” của bà Xuân được chấp thuận, đã đặt tên bà là Nàng Lu viết tám câu thơ lục bát:
Mỗi người Việt Nam đều là một thi sĩ. Trước chuyện Nàng Lu Chống Lụt bao nhiêu dân Thành Hồ đã xuất khẩu thành chương. Cho nên nhà thơ Nguyễn Tiến Tường tả những hậu quả của kế hoạch Dùng Lu Chống Lụt trong đời sống nhân dân như vầy:
“Chị Tiến” trong câu cuối nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y Tế, người sẽ phải lo ngăn ngừa bệnh sốt rét nếu các con muỗi đến đẻ trứng trong những cái lu chống lụt của Chị Xuân. Trứng muỗi nở ra con loăng quăng, còn gọi là bọ gậy, Chị Tiến sẽ phải lo đi bắt những con bọ gậy của Nàng Lu.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Tường quá lo xa. Theo đường lối của đảng thì bà Kim Tiến không cần phải đi săn bọ gậy. Nhân dân ta đã chiến thắng “Ba Đế Quốc Sừng Sỏ” như lời đồng chí Lê Duẩn nói, thì sá chi lũ muỗi!
Đảng Cộng Sản có tài làm nghị quyết. Gặp vấn đề nào khó khăn chỉ cần họp Trung Ương ra một cái nghị quyết là xong. Một hồi sau, thấy không có gì chạy, không ai cựa quậy, Đảng Ta chỉ cần làm một nghị quyết khác! Đó là con đường vinh quang tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội mà ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng quyết bảo vệ đến cùng!
Bà Hồng Xuân là người đã “đột xuất” sáng kiến Dùng Lu Chống Lụt thì bà cũng đủ thông minh để yêu cầu Hội Đồng Nhân Dân ra một cái nghị quyết “cấm muỗi không được sanh đẻ!” Nếu bà Kim Tiến muốn nhúng tay vào để phục vụ nhân dân thì bà có thể làm một kế hoạch “triệt sản” cho những con muỗi đực muỗi cái, không cho chúng sinh đẻ được nữa!
Nhưng nhân dân Sài Gòn không thấu triệt sáng kiến của bà Hồng Xuân, còn lời qua tiếng lại nhiều quá, cho nên bà đại biểu làm lẫy, dỗi, bỏ không chơi với họ nữa. Bà tuyên bố từ chức cho họ biết tay!
Sự thực đằng sau vụ bà Hồng Xuân từ chức còn nhiều “sự cố phức tạp.” Bởi vì bà Hồng Xuân còn là trưởng Khoa Đô Thị Học của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn. Đứng đầu môn Đô Thị Học, bà đang dạy dỗ sinh viên các phương pháp xử lý các vấn đề đô thị. Mai mốt các sinh viên này sẽ giữ trọng trách làm sao cho dân sống trong các thành phố được an toàn. Cho nên ý kiến của bà chắc phải “có cơ sở khoa học,” cần được triển khai nghiêm túc.
Vì vậy Đảng Ủy Thành Hồ phải phải họp bất thường nghiên cứu thấu triệt kế hoạch của Nàng Lu. Các cán bộ lão thành cũng góp kiến nghị, lên án “Kế Hoạch Nàng Lu Chống Lụt” là “phí phạm tài sản xã hội chủ nghĩa!”
Tại sao lại phí phạm? Bởi vì, khi lên kế hoạch này thì những cái lu của chị Hồng Xuân sẽ chiếm mặt bằng cư ngụ của người dân đang chen chúc trong các diện tích nhỏ bé! Người ta dẫn chứng bằng mấy câu thơ của Nguyễn Tiến Tường:
Hơn nữa, các cán bộ lão thành còn thấy Kế Hoạch Nàng Lu phải dùng đến hàng triệu ngày lao động của cán bộ và nhân dân. Như thơ của Nguyễn Tiến Tường cho thấy:
Nhưng cuối cùng Nàng Lu phải từ chức vì một lý do khác hẳn. Thường Vụ Thành Hồ khám phá ra rằng kế hoạch Nàng Lu Chống Lụt đi ngược lại một chính sách lớn của đảng từ nhiều năm qua! Tức là đi ngược với con đường Tiến Lên Chủ nghĩa Xã hội! Lý do không được công bố vì không thể tiết lộ bí mật của đảng và an ninh quốc gia.
Nàng Lu làm đại biểu nhân dân mà nàng không biết rằng Đảng Ủy đã có chính sách biến đường phố biến thành con rạch cho dân chúng bơi thuyền, vì mục đích muốn giảm bớt nạn kẹt xe!
Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, đã ngăn ngừa nạn kẹt xe bằng cách mỗi ngày chỉ cho các xe có bảng số chẵn hay lẻ được chạy, ngày hôm sau dành cho xe có bảng số khác; nhờ vậy mà nạn kẹt xe được giảm bớt một nửa!
Đảng Ủy Thành Hồ thành vượt xa các đồng chí anh em Bắc Kinh: Trong những ngày mưa, xe cộ ở Sài Gòn hoàn toàn chết đứng. Nạn kẹt xe được giải quyết trăm phần trăm! Đó mới thiệt là đỉnh cao trí tuệ!
Ông Quán