33 năm nhặt từng viên đá, ông lão đưa thư xây dựng tòa lâu đài nổi tiếng nước Pháp
FERDINAND CHEVAL
Cái tên này minh chứng cho sự thật là ý chí sắt đá của con người không chỉ xuất hiện ở những nhân vật xuất chúng. Gaudí, cho dù suốt đời nghèo khổ, tuy nhiên cũng là người được vua biết mặt, chúa biết tên. Hundertwasser ít nhất còn được đi giảng ở đại học.
Còn Cheval chỉ là một nhân viên bưu tá quèn ở Pháp. Do bỏ trường năm 13 tuổi và không học được nghề ngỗng gì, ông xin vào bưu điện, chuyên đưa thư qua các làng mạc chân núi Alps. Tất nhiên là đi bộ. Mỗi ngày chừng ba chục cây số.
Nhưng nhờ tốc độ chậm chạp ấy mà ông có một cảm tình đặc biệt với phong cảnh xung quanh, với những bưu ảnh từ xứ lạ trong tập thư, đồng thời cũng rảnh rỗi để mộng mơ nghĩ về triết lý cuộc đời.
Sau một lần vấp phải hòn đá có hình thù lạ, ông nảy ra ý định tạo cho nó một công năng "cao quý" hơn. Từ đó trở đi, ông nhặt nhạnh sỏi đá dọc đường, chất thành đống để tối đến lấy xe cút kít chở về, định bụng sẽ xây một cái nhà mồ tại bãi tha ma địa phương.
Cuộc đời Cheval dính dáng nhiều đến nghĩa địa: ông mồ côi mẹ năm 11 tuổi, cha mất khi ông lên 17, ít lâu sau ông cưới vợ thì vợ từ bỏ cõi trần ở tuổi 32, con gái chỉ sống được 15 năm và đứa con trai cũng chết khi 1 tuổi.
Bên trong lâu đài của Cheval - Nguồn: viaFrance
Cứ chiều tối về đến nhà là ông đổ chỗ sỏi đá nhặt được ra và xây thêm một chút trong khuôn viên nhà mình. Hàng chục năm ròng, từ kế hoạch nhà mồ con con đã trở thành một công trình đồ sộ, tuy rất khó gọi tên, dù ông đặt tên nó là Palais Idéal, lâu đài lý tưởng.
Thoạt tiên dân làng coi việc Cheval làm là một trò ấm đầu, ai cũng tới ngó một lần, chỉ để dè bỉu và lắc đầu ngán ngẩm.
Nó không chỉ là một ngôi nhà, mà còn được trang trí bởi vô số hình thù kỳ quái. Một con quỷ có sừng, hoàng đế Caesar, nhà bác học Archimedes, sư tử, hổ báo, thác nước, cây dừa, cả Adam lẫn Eva cũng có mặt như để trút hình phạt trời đày lên vai người bưu tá.
Giữa những hình hài ấy là vút cao nhiều ngọn tháp không hề có trong sách giáo khoa kiến trúc nào. Cheval không phải là kiến trúc sư, cũng chẳng là thợ nề.
Cái chất liên kết mọi sản phẩm tưởng tượng của ông không phải là ximăng, mà là một giấc mơ. Một giấc mơ lớn, rất lớn: 3.500 bao tải vôi và ximăng, 1.000 thước khối sỏi đá, 33 năm thi công.
Kệ cho ai chê cười, Cheval kiên trì làm tiếp theo ý mình: "Tôi nhận ra là người ta luôn nhạo báng và bắt nạt những người mà họ không hiểu" - quả là một nhận định đầy tính triết luận.
Nhưng có một người hiểu ông: danh họa Pablo Picasso tới thăm ông nhiều lần, chụp ảnh và nghiên cứu các chi tiết. Dần dần báo chí cũng đồn nhau và kéo tới, từ Paris, London, Mỹ. Họa báo La Vie Illustrée đăng một bài rất chi tiết. Cheval phải thuê một nhân viên tiếp khách.
Tới năm 1912 thì ông có thể xoa tay hài lòng và kết thúc công việc mà ông ghi chép cẩn thận trong nhật ký: 10.000 ngày, 93.000 giờ, 33 năm, dài 26m, rộng 14m, cao 10m. Ferdinand đã xong một việc mà ngoài ông ra chưa ai làm được. Sau này ông muốn yên giấc trong đó như một Pharaoh Ai Cập trong Kim tự tháp.
Nhưng luật pháp không cho phép chôn trong nhà, phải ra nghĩa địa. Và nghĩa địa gần nhất cách đó một cây số.
Vậy thì lại từ đầu. Năm 1914, ông lại lên đường với chiếc xe cút kít. Nhặt đá xây một nhà mồ cho mình. Năm 1922, tức tám năm sau, Cheval lại xoa tay hài lòng, ngắm một lâu đài con con với sư tử, cây cối, thần thánh, thác nước... Rồi ông kiêu hãnh khắc lên tường: "Người ta phải nhìn thấy thì mới tin được!".
Hai năm sau, ngày 19-8-1924, Cheval qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.
Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)