Càng đi xa, càng thấy mình nhỏ bé
Trung tâm thủ đô. Ảnh: HM
Phần 2. Đây là entry cuối trong series “Những miền đất lạ”. Vài giờ tới, tôi bay về DC. Gửi lời chào bạn đọc bốn phương thân mến. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ và đồng hành cùng hang Cua những ngày qua.
Khi viết những dòng này ở tầng 5 khách sạn Crown Plaza, nghe tiếng chó sủa râm ran giữa đêm tối Port Moresby, tôi không nghĩ mình ở giữa một thủ đô văn minh. Nhìn lên đồi, những ngôi nhà được che kín bởi hàng rào thép cao vút. Bất cứ nơi nào trên thế giới, nhà ở có rào dây thép gai, cửa sổ gia cố vững như lô cốt, thì nơi đó không an toàn, dù là CNXH công bằng hay tư bản bóc lột bất công.
Phía tay phải là biển xanh cát trắng, đẹp đến mê hồn, nhưng tôi không dám bước chân ra khỏi khách sạn. Nói chuyện với hai anh bảo vệ, được khuyên, nếu muốn đi, sẽ đưa đi một vòng, tùy trả bảo nhiêu cũng được, nhưng típ cho 10 phút đi dạo cũng khoảng 10$. Tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới thuộc về xứ sở Papua New Guinea.
Đến PNG lần thứ 2 và biết rằng mình chẳng được đi đâu. Sếp đã dặn, chỉ dẫn của VP cũng thế, đi đâu phải có người bản địa, có xe, nếu không muốn bị thịt. Cán bộ đi công tác các tỉnh phải có xe hộ tống, cảnh sát vác súng đi kèm.
Dân đen thui, mặt mũi dữ dằn, nhiều ông béo tròn béo trục, chẳng biết ai là người lành, ai dữ. Các bà ngực núng nính. Các cô VN sang xứ này một thời gian chắc không đến nỗi phải đi nâng ngực để rồi bị thả trôi sông.
Giao sư Nguyễn Tử Siêm có gợi ý về loại khoai kích dục nữ. Mình vào google tìm thì ra đảo Trobiand có thật. Bộ tộc này lấy khoai đặc biệt làm tiền tệ trao đổi. Trai trồng khoai để nhử gái. Gái ăn vài củ rồi thì như bị lên đồng, đuổi theo trai. Về mùa thu hoạch khoai (
Trobriand Yam (khoai lang) Festival), các nàng ngực trần, hai tay hai củ khoai, cứ thế múa hát cho du khách xem.
Chiều qua, mình ăn buffet trong khách sạn, thấy món khoai này và thịt lợn quay. Ăn thử vài miếng và còn xúi cô bạn đi cùng thử, xem nàng có ôm mình không. Ăn mãi ăn mãi mà chẳng thấy nàng làm gì. Có lẽ khoai đó đã ô nhiễm thế giới văn minh nên không còn chất kích thích. Mình lên phòng khách sạn nằm nghỉ, thấy lâng lâng, nhưng không còn cảm giác đàn ông
PNG giầu văn hóa như thế nhưng sự phát triển không đồng đều, chính phủ yếu kém, tham, ngu dốt, các bộ tộc mất đoàn kết. Nhiều làng được đền bù hàng triệu đô la vì đường dẫn dầu đi qua, họ cử người về Port Moresby gửi tiền vào nhà băng. Có nơi gửi đại gia đình ở thủ đô, người vào quốc hội, nhưng khi đánh nhau, họ gọi về chi viện. Có ông nghị viên cầm súng ra chiến, bắn chết người đối phương, ảnh ông đưa lên mặt báo hẳn hoi. Lão về thủ đô, họp quốc hội tiếp, không bị tù tội.
Lần trước, anh bạn IT là Craig lọc lõi vùng đất này, đưa đi chơi vài nơi, còn ra cả câu lạc bộ thuyền buồm ngồi uống bia với các loại tay chơi Thủ đô.
Lần này lại gặp may. Lang thang dưới phòng đợi của khách sạn, gặp một cô đồng nghiệp người Trung Quốc vừa đi công tác Việt Nam sang thẳng PNG. Thấy mình, cô vồn vã, như bắt được vàng. Ôi, anh Cua, ta đi phố đi, tôi ra một mình sợ lắm. Cô gọi điện cho người bạn bản xứ hẹn ra shopping mall “Waterfront Place” của người PNG gốc Trung Quốc xây to vật vã, cỡ vài chục triệu đô la.
Shopping Mall của người Hoa. Ảnh: HM
Thuê taxi đi 500 m mất 20 kina (10USD), đi bộ 10 phút nhưng sợ bị dí dao vào cổ đòi ví. Chi cho an ninh cá nhân hay quốc gia đều tốn kém như nhau. Giá cả ở đây đắt như trên trời. 1kg thịt lợn giá 60-70 kina (30USD), 1 cây rau vớ vẩn trông bẩn bẩn cũng 3USD, bánh mỳ bé tý bán với 3$.
Trong khách sạn không có nước uống mà phải ra shopping mall mua dù đây là khách sạn 5 sao. Họ không để bất kỳ đồ uống cồn nào trong tủ lạnh vì dân PNG nốc rượu như rồng. Trên máy bay đi từ Solomons, thấy tay thanh niên ngồi cạnh, gọi 6 ly rượu vang, nốc liên tục như đồ giải khát.
Nhiều người bỗng giầu sụ bởi đường ống dẫn dầu đi qua, đầu tư nước ngoài đổ vào, rồi nhân viên ăn đút lót, mua đất cát… tự nhiên có hàng triệu đô la tiền mặt, không biết tiêu vào việc gì nên mua rượu, các đồ đắt, kiểu trọc phú ra đời.
Hôm thứ 2, tới văn phòng, trong 30 phút đầu tiên ở tầng 13 của building Deloite, được bảo vệ tận răng, anh Craig, nay chuyển sang chuyên trách an ninh, nói về những hiểm họa.
Hàng ngày có hàng chục người chết, hàng tá cú cướp xe hơi xịn. Nếu gặp thì nên nghe theo lời bọn cướp. Chúng cần cái xe, không cần xác du khách. Bản thân chúng cũng sợ và manh động, sẵn sàng xử độc để thoát thân.
Sắp tới gần Xmas, giống bên ta gần Tết là tháng củ mật, dân về quê thiếu tiền mua quà, những kẻ không còn gì để mất đổ ra đường nhìn ai có máu mặt thì chia sẻ bớt của cải. Cả PNG có tới 800 nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, bản thân chúng cũng xung đột về lãnh địa, nơi làm ăn.
Trước mặt tôi là bản đồ những nơi vừa xảy ra án mạng do anh Craig sưu tầm. Thế mà có người không nghe, đi bộ từ văn phòng về, có vài trăm mét, bị cướp luôn cái laptop.
Bị ốm đau bất ngờ ở PNG thì thôi rồi lượm ơi, giá trên trời nhưng chất lượng dưới âm phủ. Đợi được chuyến bay sang Úc, Singapore hay Philippines, thì…đi rồi.
Thói quen của PNG là một người đi làm, cả họ tộc trông vào, liệu nó có gửi tiền về không, may ra có quà là iPad, iPhone, cho dù cướp ngoài đường.
Ra khỏi ngoại ô vài km là có thể bị chấn. Trong xe có chân dài thì nàng sẽ đi cùng hưởng “tuần trăng mật” và xác vứt đâu đó. Vừa tuần trước một anh tư vấn đi một đoạn 200m về Crown Plaza bị đâm khá nặng vào tay, nhưng không bị cướp của, có lẽ gặp một kẻ tâm thần.
Thổ dân thành thị dân lang thang. Ảnh: HM
Đó là những gì nghe kể lại từ hai phía an ninh. Tôi không có thời gian kiểm chứng. Nếu biết được sự thật thì không còn ai viết blog Cua Times nữa.
Năm 2011, PNG được đánh giá là nền kinh tế phát triển nhanh thứ 6 trên thế giới, nhưng 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ với 1,25USD/ngày. Sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn, bất công xã hội gây ra bất ổn, nhà chính trị dù ngu dốt đến mấy cũng hiểu.
Do đất bị chiếm làm dự án, khai thác mỏ, tài nguyên kiệt quệ, làng quê bị xua đuổi, dân số 7 triệu thì có tới gần 1 triệu đổ về thủ đô kiếm sống. Dân gần biển hiền hơn dân vùng trung du, các bộ lạc sẵn sàng giết nhau không thương tiếc. Người rừng PNG quen sống hoang dã nên thấy kẻ giầu hơn, thay vì đòi dân chủ, tự do, nhân quyền, họ giơ dao để chia phần.
Nhiều vị chính khách khi tranh cử quốc hội cũng hứa hẹn đủ điều với bộ tộc. Được chọn rồi, họ rời bỏ quê hương, nuốt lời hứa, làm giầu nhanh chóng và biến ra nước ngoài. Dân lành vô tội, nhưng chính quyền tàn ác lại sinh ra dân man rợ, PNG đang trong cái vòng luẩn quẩn của phát triển.
Dù an ninh không tốt, không hiểu tại sao, câu cửa miệng của người PNG là no worry – đừng lo. Mượn anh IT cái nối ổ cắm, no worry. Trưa đi ăn nhé, no worry. Anh bảo lái xe đưa tôi về ks. No worry. Không lo lắng nhưng thật ra rất đáng ngại.
Kết thúc bài này trong đêm cuối ở Port Moresby. Tiếng chó sủa vang trong đêm thanh vắng, như báo hiệu điều chẳng lành. Gọi PNG là miền đất của những bất ngờ (land of the unexpected) bởi vẻ đẹp mê hồn, những vũ điệu dân gian sexy của các nàng tiên hở ngực.
Nhưng du khách mải ngắm vú tiên, bỗng có họng súng dí vào tai, thì đó cũng là một bất ngờ không mong đợi ở miền đất Papua New Guinea văn minh pha chút hoang dã.
HM. 30-10-2013
PS. Chiều tối, mình vừa về ks thì nghe tiếng láo nháo ngoài phố, ngó qua cửa sổ thấy một cụ già, hình như bị trêu, đã vác gậy đuổi cánh trẻ. Bọn trẻ rất đông nhưng phải lui, chắc vừa đi vừa cười nhạo. Kiểu giơ gậy của cụ rất chuyên nghiệp, như con nhà võ. May mà không xảy ra xô sát. Cụ này cỡ bằng anh Tịt Tuốt nhà mềnh. Mấy pô ảnh chụp từ tầng 5, qua kính cửa sổ, tối thui.
Cụ “Tịt Tuốt” của PNG. Ảnh: HM
Nào, lại đây xem nào. Ảnh: HM
Ông nói cho mà biết, liệu hồn. Ảnh: HM
Vài hình ảnh Port Moresby gửi bạn đọc xem cho vui mắt.
Buffet có đủ món ăn khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: HM
Củ khoai nổi tiếng của giáo sư Siêm (nằm giữa cà tím và súp lơ, ớt đỏ). Ảnh: HM
Khách phương xa. Ảnh: HM
Chân dài Port Moresby. Ảnh: HM
Bán hàng vỉa hè. Ảnh: HM.
Xe chở công nhân đi làm về. Ảnh: HM
C cafe – Cua Times Cafe
Ảnh: HM
Nhà cửa rào kín. Ảnh: HM
Nhà đẹp nhưng gia cố như lô cốt. Ảnh chụp năm 2009. Ảnh: HM
Bãi biển đẹp mê hồn. Ảnh: HM
Lễ hội thu hoạch khoai – Yam Festival in Trobriand. Ảnh: Internet
Nguồn HM.Blog