Đa phần người dân Việt nhìn nhà nước và chính phủ trong vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dưới con mắt tiêu cực. Một nước nhỏ như Việt Nam có đường biên cùng với anh bạn 16 chữ vàng đầy nham hiểm, và đã từng bán đứng Việt Nam trong quá khứ để quay đầu từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản vào thập niên 1970s bằng cách bắt tay với Mỹ, là không hề dễ dàng. Hầu hết người dân Việt sống và lớn lên ở miền Nam trước năm 1975 đều có con mắt nhìn chính quyền Việt Nam hiện nay là sai lầm mọi khía cạnh. Hôm nay tôi thử phân tích một cái nhìn ngược dòng lịch sử Việt Nam cận đại xem nó như thế nào?
Tình hình tế giới sau thế chiến thứ II, người Mỹ đã cố gắng giành lấy Tây Âu, trong đó có 1/2 nước Đức và thành lập khối Nato để làm đối trọng với khối Vasavar. Từ đó, chiến tranh lạnh đã xảy ra suốt 45 năm 1945-1990. Trên bình diện chiến lược toàn cầu, châu Á là khu vực đông dân, còn lạc hậu và giàu tài nguyên không thể thoát khỏi tầm mắt của người Mỹ. Với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc còn là thuộc địa dưới ách thực dân, Việt Nam nổi lên như một đầu tàu cho châu Á và thế giới còn nô lệ với lãnh tụ là cụ Hồ. Người Pháp kiệt quệ sau thế chiến thứ II. Trung quốc nổi lên như một anh cả đỏ ở châu Á. Liên Xô trên danh nghĩa là anh cả đỏ toàn thế giới, nhưng không được Trung quốc nễ trọng. Người Trung quốc dưới sự lãnh đạo của Mao luôn xem mình mới là anh cả đỏ của phía cánh tả. Đường biên giới Liên - Trung luôn sôi sục một cuộc chiến. Để chiếm lấy thị trường béo bở Trung quốc, người Mỹ đã thương thảo và thế chân người Pháp ở miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genève 1954.
Người Mỹ nhảy vào Việt Nam ngoài mục tiêu chặn làn sóng Cộng sản lan rộng xuống Đông Nam châu Á và toàn thế giới, mục tiêu lớn hơn của họ là lăm le thị trường lớn Trung quốc. Trong khi người Trung quốc chưa đủ sức để địch lại Liên Xô, nhưng chưa chịu phục tùng Liên Xô, người Mỹ nhảy vào Việt Nam nhằm để nếu Liên Xô động binh xâm chiến Trung quốc, người Mỹ sẽ kịp thời trở tay ở phía Nam. Đồng thời họ cũng nhảy vào Nam Triều Tiên và Nhật Bản ở phía Đông Trung quốc. Họ đã tiêu hao tiền của, và sức người ở chiến tranh Việt Nam được cho là lớn nhất mọi thời đại. Nhưng khi Mao thất bại trong công cuộc đại nhảy vọt và đại cách mạng văn hóa đã đẩy Trung quốc đến bên bờ vực thẳm, ông đã đi đêm với người Mỹ để bẻ lái và từ bỏ chính quyền có mô hình kinh tế bao cấp của Lenin vạch ra. Chuyến thăm lịch sử của Nixon với Mao năm 1972 là một cột mốc làm thay đổi cục diện chiến tranh lạnh toàn cầu, trong đó có hơn một nữa dân Việt ở miền Nam Việt Nam là một nạn nhân của thời đại. Với cuộc gặp lịch sử ngày 21/2/1972 giữa Nixon và Mao cuộc chiến Việt Nam đã được xem là kết thúc, khi Trung quốc được trao nhiệm vụ sớm chấm dứt cuộc chiến một cách thuận lợi để người Mỹ không còn sa lầy ở vũng bùn tăm tối này. Ngược lại người Mỹ được thị trường đông dân nhất thế giới là Trung quốc. Và hiệp định Paris 1973đã đi đến sự rút quân của Mỹ tại Việt Nam. Kết cục của cuộc chiến như thế nào ai cũng rõ.
Sau khi thống nhất đất nước 1975, chính quyền Việt Nam đã không quên anh bạn 16 chữ vàng luôn tráo trở. Nên Việt Nam đã có một chính sách ngoại giao chưa khôn khéo đã dẫn đến cuộc chiến Tây Nam và phía Bắc 1979. Thực chất của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc 1979 có nhiều lý do để lý giải. Song nó thể hiện rõ bộ mặt không thân thiện của người bạn luôn ôm ấp mộng bá quyền, và điều đó vẫn còn dai dảng đến hôm nay.
Người Mỹ vì thực dụng, họ đắm chìm trong ảo tưởng số một toàn cầu, họ ngủ quên trong suốt 20 năm, để rồi hôm nay họ bừng tỉnh với người bạn láng giềng đầy tham vọng của Việt Nam, đã gây không biết bao nhiêu đau khổ cho dân Việt sau 1975. Sau 15 năm nối lại bang giao, Việt Mỹ hôm nay đang xem nhau là đối tác xóa bỏ hận thù và chung tay gìn giữ yên bình và toàn vẹn lãnh thổ ở biển Đông sau chuyến thăm của bà Hillary Clinton. Nhân dân 2 nước Việt Nam và Mỹ phải biết ơn gia đình Clinton, một gia đình kiệt suất đã có công lớn cho nước Mỹ trong gần nữa thế kỷ qua, và có công không nhỏ trong việc xóa bỏ hận thù hàn gắn hữu nghị 2 cựu thù. Nhìn hình ảnh 15 năm trước họ đến Việt Nam để quyết định xóa cấm vận còn trẻ trung, bây giờ đầu đã bạc tôi cũng thấy chạnh lòng.
Như vậy, tất cả các cường quốc trên thế giới đến với nước nhỏ không ngoài mục tiêu có lợi cho họ. Trong hơn 20 năm qua Việt Nam chịu lép vế với người láng giềng và ngậm đắng nuốt cay không phải vì chịu thần phục, mà vì chưa đủ thế và lực để ngồi nói chuyện với nhau ngang hàng. Sau cuộc thăm của bà Hillary Clinton, một thế và lực mới đã mở ra để Việt Nam có thể tuyên bố: Việt Nam có đủ khả năng phản vệ với bất kỳ hành động vũ lực từ bên ngoài, ngay sau cuộc tập trận trên biển Đông của bạn láng giềng.
Một phần ba thế kỷ là một khoảng thời gian dài của một đời người, nó làm một đứa trẻ sinh ra và trưởng thành. Nhưng nó chỉ là một khoảng ngắn với lịch sử của một dân tộc, mà nhiều lúc trên bài giảng quốc sử chỉ tóm lược 1 dòng. Tâm thế và tư thế ngoại giao Việt Nam đã lớn lên trong 1/3 thế kỷ qua, từ chỗ bị bao vây, cô lập đến bây giờ là đối tác và là trụ cột của khu vực trong vấn đề ổn định tình hình và tròn vẹn lãnh thổ khu vực qua nhiệm vụ chủ tịch hiệp hội Asean.
Không đơn giản để giải quyết những vấn đề hóc búa về lãnh thổ và ngoại giao ở một nước có vị trí địa chính trị như Việt Nam. Hãy nhìn sang Âu có Georgia, có Ukraina, etc... họ đã vất vã như thế nào khi có đường biên quan trọng và cận kề với nước Nga? Nếu nói theo cặp phạm trù duyên nợ thì Việt Nam và Mỹ có nhiều duyên nợ oan khiêng. Và có lẽ cũng chỉ có cặp duyên nợ này khi yêu mến nhau thì Việt Nam mới có thể đủ sức vóc giải quyết những vấn đề hóc búa cho tổ quốc và dân tộc. Mong rằng tình hữu nghị 2 nước sẽ bền vững với thời gian.
Đây là một tổng kết, một cách nhìn toàn cục để hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn chồng chất trong quan hệ ngoại giao và chiến lược quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đã qua. Và chúng ta tin rằng, với một tư duy ngoại giao quên thù hận, đa phương Việt Nam và nhân dân Việt sẽ dễ thở hơn trong tương lai gần.
BS. Hồ Hải
Asia Clinic, 15h35', Thứ Bảy, 31/7/2010