Kính mời qúy vị thưởng thức Tòng Sơn vừa thổi kên vừa ăn chuối và uống bier
Nghệ sĩ Tòng Sơn và chiếc harmonica nhặt được
Ông có thể vừa uống bia hay ăn chuối, vừa biểu diễn một lúc 2 cây kèn bằng mũi. Với 53 năm kinh nghệm, tiếng kèn của ông điệu nghệ và mượt mà, thuộc vào hạng "đệ nhất danh thủ" nghệ sỹ kèn VN, với "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương, "Tôi đưa em sang sông" của Y Vân và "Xóm đêm" của Phạm Đình Chương.
Nghệ sĩ Tòng Sơn biểu diễn cũng nghệ sĩ Huỳnh Hoa.
- Con đường nào đưa ông kết duyên với cây kèn harmonica?
- Thực ra, chính cây kèn tìm đến với tôi chứ không phải tôi chủ động tìm tới nó. Hồi tôi còn là một cậu thiếu niên 15-16 tuổi, làng tôi bị lính Tây bố ráp, mọi người chạy hoảng loạn. Khi lính tây rút đi, tôi tình cờ lượm được cây kèn của một người lính Pháp đánh rơi trong đống đổ nát. Tôi thích quá, giữ kỹ, không cho anh em trong nhà sờ đến. Tôi học thổi vỡ lòng với một ông cậu cũng biết sơ sơ về kèn. Lúc đó, tôi chưa hề biết một nốt nhạc nào, cậu tôi phải vẽ khuôn và ghi tên từng nốt trên một tờ giấy để tôi bỏ vào túi để lúc nào cũng có thể lấy ra học. Năm 1950, tôi lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in, không quên mang theo cây kèn "lượm được" ấy. Ngày đi làm, đêm về, tôi lại trút nỗi buồn xa nhà vào chiếc kèn. Lúc đó, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ trở thành một nghệ sĩ. Nhưng với sự khuyến khích của bạn bè, tôi chú ý luyện tập. Đến khi Đài phát thanh Pháp Á tổ chức cuộc thi Tuyển lựa tài tử, tôi đã trúng tuyển. Từ đó, tôi đi vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp.
- Ông đã nghĩ ra những cách biểu diễn độc chiêu với cây kèn như thế nào?
- Cũng là tình cờ thôi. Một lần, có nghệ sĩ người Mỹ tới Sài Gòn biểu diễn. Anh ta chơi harmonica rất điêu luyện. Một người bạn thân ghé tai tôi nói nhỏ: Tòng Sơn...lé mắt rồi!. Dẫu biết bạn mình nói chơi, nhưng tôi vẫn thấy ức và quyết định làm một cái gì đó để chứng tỏ người Việt mình chơi kèn đâu có kém. Thế là tôi tập vừa ăn chuối vừa thổi kèn. Khổ luyện mãi nhưng không dám đem ra biểu diễn. Nhưng, trong một lần biểu diễn dưới Cần Thơ, tôi đánh liều, ai ngờ thành công. Tôi tự tin hơn, về Sài Gòn diễn chiêu này và cũng được tán thưởng nhiệt liệt. Sau đó, tôi mày mò tìm chiêu mới, vừa uống nước ngọt vừa thổi kèn.
Năm 1957, trong tiệc cưới của ca sĩ Duy Mỹ, nhóm bạn của tôi là nhạc sĩ Khánh Băng, Phùng Trọng buộc tôi phải lên trình diễn thay nước ngọt bằng bia.
Sau đó, những tiết mục của tôi được xếp vào danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ tôn xưng là quái kiệt như Ba Vân, Trần Văn Trạch.
- Khi thổi kèn kết hợp với ăn chuối và uống nước, ông thấy cách nào khó hơn?
- Mỗi cách đều phải khổ luyện mới thành công, nhưng ăn chuối khó hơn cả. Anh chỉ có một thời khắc để quyết định ...nuốt một cái sao cho thật gọn, thật sạch vòm họng để thức ăn không bám hoặc lọt vào phía trong kèn, làm lệch âm thanh, dễ làm hư kèn. Còn uống nước thì dễ hơn.
- Ông có truyền nghề cho ai không?
- Đó là nỗi day dứt của tôi. Mặc dù có khá nhiều học trò theo học, những ai cũng chỉ được một thời gian rồi bỏ ngang, chẳng ai bền chí cả. Tôi đang chờ một bạn trẻ yêu kèn harmonica đến xin học chỉ với điều kiện: đã học là phải tới nơi tới chốn.
- Cuộc sống của ông bây giờ ra sao?
- Tôi có đến 10 người con, nhưng cho đến lúc này, tôi có thể hãnh diện nói rằng vẫn tự lo cho bản thân được, chưa làm phiền đến con cái. Một niềm vui nữa là tôi được diễn với hai ông bạn già rất thân là anh Huỳnh Hoa chơi saxophone và anh Huỳnh Hiệp chơi trống. Chúng tôi diễn rất hiểu ý nhau. Duy điều ước được một lần ra nước ngoài biểu diễn để chứng tỏ người Việt mình làm được những điều tưởng như không thể thì dường như đang ngày càng xa vời.
Nguồn Internet