Vậy sao? Có chuyện vậy sao? Luộc tiền khách Tây ngay ở phi trường Tân Sơn Nhất, nơi việc làm tuyển mộ toàn gia đình cán bộ và thành phần tin cậy nhằm tránh xảy ra các chuyện móc nối phản động ở cảng hàng không lớn nhất này?
Báo Thanh Niên kể chuyện một nhóm 33 du khách người Pháp vào, đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất là đổi tiền Euro sang tiền Việt Nam, thế là cứ 100 Euro bị các quan nơi đây ăn chận 630.000 đồng (tương đương 30,1 USD).
Báo Thanh Niên kể, vào sáng 10.5, một đoàn khách du lịch người Pháp đáp máy bay từ Paris đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.SG). Sau khi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay, 33 vị khách người Pháp sang quầy kế bên để đổi tiền euro thành tiền Việt Nam nhằm phục vụ chi tiêu trong những ngày ở Việt Nam. Đổi tiền xong, đoàn khách được công ty du lịch đưa đi tham quan TP.SG.
Bản tin nói, khi đoàn ghé Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP.SG, hướng dẫn viên thông báo đổi tiền để mua bưu thiếp gửi về Pháp thì nhiều du khách mới té ngửa vì trước đó bị lừa khá đau ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bản tin báo Thanh Niên ghi lời bà Trần Thị Kim Hồng – hướng dẫn viên của Công ty du lịch Indochina – rằng:
“Khi tôi thông báo 100 euro đổi được khoảng 2,7 triệu đồng tiền Việt, nhiều du khách rất bất bình vì trước đó ở sân bay đổi cho họ chỉ có 2.070.000 đồng. Như vậy đổi 100 euro, khách đã bị ăn gian 630.000 đồng. Ông trưởng đoàn cho hay các thành viên trong đoàn đều đổi tiền ở sân bay. Người đổi ít là 40 euro, còn người đổi nhiều là 300-400 euro.”
Thế là đoàn 33 du khách người Pháp nổi giận, liền quay lại phi trường TSN, lại bị các quan gây rối. Báo Thanh Niên kể:
“…Sau khi trình bày sự vụ, bảo vệ ở sân bay lại không cho đoàn khách vào khu vực đổi tiền nằm ở trong sân bay, với lý do “khách không đưa ra được chứng cứ, biên lai khi đổi tiền”.
Đoàn khách Pháp cho hay sẽ làm tới cùng, sẽ khiếu nại lên cấp cao nhất của ngành hàng không, ngành du lịch dù cho hành trình du lịch 10 ngày của họ có bị gián đoạn.
Trước sự quyết liệt của 33 du khách đến từ Pháp, an ninh sân bay buộc phải cho từng tốp du khách vào làm việc. Khi thấy các du khách Pháp bước vào, hai nhân viên đổi tiền nhanh chóng hiểu được sự tình, vội vã cầm bọc tiền trên bàn và kéo các vị du khách Pháp ra “nói chuyện riêng”…”
Bị làm dữ, thế là các quan bèn quy trách nhiệm cho 2 cô đổi tiền. Hai cô bồi hoàn lại các khoản gian lận và xin bỏ qua.
Có đúng thực sự gian lận chỉ là 2 cô hay không?
Bản tin nói, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho hay sau khi nhận được báo cáo vụ việc, ông Tú đã yêu cầu taxi Saigon Air phải “đuổi việc ngay lập tức hai nhân viên trên và chấn chỉnh lại hoạt động của hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu họ không nhanh chóng chấn chỉnh, tôi sẽ đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động của hãng taxi này ở sân bay Tân Sơn Nhất.”
Chuyện này dính tới Tây, nên bị làm dữ. Nếu chỉ là Việt Kiều, có bị làm dữ hay không? Có thực 2 cô đổi tiền dám qua mặt các sếp hay không?
Không phải chuyện này là thường rồi sao tại VN, nơi đã mấy lần đổi tiền để vơ vét tài sản của dân, và là nơi gần đây nhất đã buộc đổi vàng sang vàng SJC để rồi vàng bị hao hụt mà chẳng ai nói gì được?
Cô Tư Sài Gòn
**********
Quầy đổi tiền Tân Sơn Nhất ăn chặn tiền du khách Pháp
SÀI GÒN (NV)- Một công ty làm dịch vụ đổi tiền chính thức tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa bị tố giác ăn chặn tiền của du khách, đặc biệt là người ngoại quốc.
Cuộc tranh đấu giành phần thắng của nhóm du khách người Pháp bị ăn chặn tiền đổi tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Hình: báo Thanh Niên)
Có thể hành vi gian lận này đã được thực hiện khá lâu, nhưng mãi đến sáng ngày 10 tháng 5, một số du khách người Pháp mới vỡ lẽ ra. Báo Thanh Niên cho biết, những du khách đầu tiên biết mình bị gian lận sáng ngày nói trên lập tức tố cáo sự việc với chính quyền địa phương, đòi làm sáng tỏ nội vụ.
Số du khách này mới lần đầu tiên từ Paris, Pháp đến Sài Gòn, cho hay đã đến một quày đổi tiền ngay khi vừa hoàn tất thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hầu hết du khách đi trong đoàn 33 người Pháp này đã đổi đồng Euro lấy tiền Việt Nam, để tiện chi xài trong thời gian ở lại đây.
Số du khách này sau đó bật ngửa ra khi biết ra đã bị quầy đổi tiền tại Tân Sơn Nhất “luộc” kỹ. Một du khách nói: “Ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đưa 100 Euro, chỉ nhận được 2,070,000 đồng Việt Nam, trong khi lẽ ra phải lấy lại 2.7 triệu đồng Việt Nam.” Tính ra, cứ mỗi 100 Euro, một du khách bị thiệt mất 630,000 đồng, tương đương 30 đôla.
Trưởng đoàn du khách người Pháp đi chuyến trên tỏ ra tức giận, cho rằng họ đã bị lừa một vố đau. Ông này nói rằng tất cả các thành viên đoàn du lịch của ông đều đã mau mắn đổi tiền tại Tân Sơn Nhất, háo hức mở màn chuyến viếng thăm “hòn ngọc Viễn Đông.” Theo ông, người đổi ít nhất cũng là 40 Euro, và nhiều người đổi đến 400 Euro.
Để tỏ thái độ quyết liệt phản đối, ông Mene Patrick – trưởng đoàn du lịch nói trên, quyết định ngưng chuyến đi thăm Sài Gòn và đưa cả đoàn trở lại Tân Sơn Nhất đòi làm sáng tỏ. Đại diện công ty du lịch phía Việt Nam, bà Trần Thị Kim Hồng nói rằng du khách Pháp rất “kỹ tính,” và không chấp nhận bị lừa ngay lần đầu tiên vừa đặt chân đến Sài Gòn, tại một sân bay lớn nhất Việt Nam.
Sự trở lại của đoàn du khách người Pháp vừa rời khỏi Tân Sơn Nhất vài tiếng đồng hồ trước đó đã gây sự chú ý của rất nhiều du khách quốc tế tại đây. Một cuộc xung đột diễn ra vì nhân viên bảo vệ sân bay không cho họ đi vào trong khu vực đổi tiền nằm trong sân bay, nại lý do “du khách không có biên lai đổi tiền,” tức là không có chứng cứ cho thấy đã bị lừa.
Tuy nhiên, 33 du khách người Pháp đòi “khiếu nại đến cùng,” bất chấp việc trì hoãn cuộc hành trình ở Việt Nam chỉ kéo dài mười ngày. Thái độ quyết liệt của đoàn du khách người Pháp cuối cùng đã buộc công ty đổi tiền phải nhượng bộ bằng cách xin lỗi, trả lại tiền ăn gian và năn nỉ “đừng làm lớn chuyện.”
Cũng theo báo Thanh Niên, đơn vị chính chịu trách nhiệm trong vụ gian lận này là Công ty taxi Sài Gòn Air. Ông Phó tổng giám đốc Sài Gòn Air cho hay sẽ sa thải hai nữ nhân viên dính tới vụ đổi tiền gian lận du khách.
Theo dư luận, Sài Gòn Air là công ty có 30% vốn nhà nước Việt Nam. Có người đòi truy tố hai nữ nhân viên Sài Gòn Air ra tòa về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác,” chứ không thể chỉ bị sa thải đơn thuần vì họ cố tình làm xấu hình ảnh Việt Nam trong lòng du khách quốc tế. (PL)