Tôi đã đến Vũng Tàu mấy lần, lượn xe dưới chân Núi Nhỏ nhưng chưa lần nào leo lên được tượng đài Chúa Kitô vua. Lòng vẫn băn khoăn tự trách, mình đã đi đến Chùa Hương, leo lên tận chùa Đồng Yên Tử, rồi đền Trung, đền Thượng nơi các vua Hùng làm lễ tế trời… Vậy mà chưa lên viếng thăm tượng Chúa - một kỳ quan vào loại đẹp bậc nhất của đạo Công giáo ở nước ta và cũng là tượng đài Kitô vua cao nhất thế giới. Vậy là lần này có dịp đến thành phố du lịch này, tôi hết sức tranh thủ để đi thăm Núi Chúa trên đỉnh Tao Phùng.
Theo con đường Hạ Long- Quang Trung, con đường đã được bình chọn là đẹp nhất Việt Nam năm 2002, chúng tôi đi bộ để có thể tận hưởng gió biển thổi vào mát rượi. Nhìn từ rất xa đã thấy tượng Chúa giang tay màu trắng trên đỉnh núi xanh. Núi này chính là Núi Nhỏ để phân biệt với Núi Lớn, nó là một trong năm ngọn núi như năm nón tay nhô lên ôm gọn thành phố Vũng Tầu xinh đẹp. Từ khi có tượng Chúa trên núi, người dân gọi tắt là Núi Chúa. Núi Nhỏ còn có tên là núi Tao Phùng. Có lẽ đây là nơi gặp nhau giữa trời và đất, giữa biển và đất liền. Do vị trí đặc biệt trên hành trình của các nhà hàng hải, các thuyền buôn thường phải qua lại Vũng Tầu nên người Pháp đã gọi đây là Cap Saint Jacques “Aller au Cap”, còn người Việt gọi giản đơn là Ô Cấp. Từ thế kỷ XVI, những thương gia Bồ Đào Nha mộ đạo đã đặt tên cho Vũng Tầu là vùng đất “Năm dấu Thánh của Chúa”. Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận sự hiện diện của người Công giáo có mặt ở đây từ năm 1865 khi linh mục Errad Y cho xây cất một nhà thờ ở Bãi Trước. Một sự kiện khác cũng được ghi nhận là năm 1846, thương gia Matheô Lê Văn Gẫm đã bí mật đưa Giám mục Lefebvre từ Singapore về Việt Nam qua đây, bị bắt và bị hành quyết một năm sau đó ở Chợ Quán Sài Gòn. Ngài đã được nâng lên bậc Chân phước năm 1900 và bậc hiển thánh năm 1988.
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, giáo xứ Vũng Tầu do cha xứ Nguyễn Minh Tri coi sóc đã quyết định xây một tượng đài Chúa Giêsu ở mũi Nghinh Phong Ô Quắn cao 10m và bệ tượng cao 5 m. Công việc được khởi sự từ năm 1972 nhưng đến ngày 17-1-1973 thì chính quyền lúc đó bắt phải ngưng thi công. Lý do là giáo hội Phật giáo khiếu nại vì cho rằng đây là vùng đất của Phật giáo. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa các bên sau đó dẫn đến thoả hiệp ngày 16-2-1974 là phía Công giáo sẽ dỡ bỏ bức tượng ở Nghinh Phong để xây dựng trên núi Tao Phùng với diện tích 10ha. Núi Tao Phùng cao 176m so với mặt nước biển, khí hậu khắc nghiệt hơn vì gió to, nắng lớn. Bởi vậy, tượng đài phải thiết kế lại cả về qui mô, kết cấu. Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách, phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Vật liệu hầu hết lấy từ trong nước, trừ xi măng trắng nhập ngoại. Cát, sỏi khai thác dưới sông Đồng Nai, đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước (Đà Nẵng). Khó khăn lớn nhất là việc chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi, rồi việc đào móng cũng rất vất vả vì trên đỉnh núi lại là một hệ thống địa đạo bằng bê tông được xây dựng rất chắc chắn dưới thời Pháp. Nhưng với lòng mộ đạo, tượng Chúa Kitô vua đã kịp xong phần thô nhưng đúng vào lúc chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Do hoàn cảnh bộn bề sau chiến tranh nên công việc hoàn thiện tượng đài phải ngưng lại và nguy cơ xâm phạm di tích trầm trọng vì cảnh khai thác đá tràn lan dưới chân núi Tao Phùng.
Sau nhiều lần Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, ngày 28-1-1992, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu đã có công văn số 233/QĐ.UB cho phép linh mục Trần Văn Huyên- chính xứ Vũng Tầu được tiếp tục công việc sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa Kitô vua trên núi Nhỏ (Tao Phùng). Cả giáo phận phấn khởi. Đức cha Nguyễn Minh Nhật gửi thư động viên cha Huyên: “Nhờ cha tìm cách vận động sự giúp đỡ của những người chuyên môn, các vị hảo tâm và mọi anh chị em tín hữu xa gần… để mọi người thiện chí đều có thể góp phần xứng đáng vào việc hoàn tất tượng Chúa trong thời gian sắp tới”. Một Ban xây dựng do linh mục Tổng đại diện Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban được thành lập. Đồng bào Công giáo cả trong và ngoài nước đều quan tâm cộng tác góp công, góp của. Điêu khắc gia Văn Nhân đang định cư ở nước ngoài cũng phấn khởi về nước để hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Tuổi cao không đủ sức leo 800 bậc đá, ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò từng ngày cho đến khi hoàn tất. Sau 20 năm hoang phế tượng đài bị xuống cấp rất nhiều, cỏ dại mọc um tùm, cuộn cáp đồng chống sét cũng bị mất trộm. Bao nhiêu là việc phải làm nào là dựng bức tượng Pieta (Đức Mẹ ẵm xác Chúa) trước tượng đài chính, rồi 4 bức phù điêu ở 4 mặt chân tượng đài là Bữa tiệc ly, Ba vua thờ lạy, Chúa trao chìa khoá cho Phê rô và Chúa ra trước toà Phi la tô, rồi trồng cây cảnh dọc lối lên xuống, lắp đặt hệ thống điện, nước… Sau 2 năm tu sửa, hoàn thiện, ngày 1-12-1994 Đức giám mục giáo phận Xuân Lộc đã chính thức làm phép khánh thành khu tượng đài Chúa Kitô vua trên đỉnh núi Tao Phùng.
Bây giờ chúng tôi leo từng bậc thang lên tượng đài. Gần 800 bậc lát đã rất đẹp. Hai bên có tay vịn bằng sắt hoặc tường xây rất an toàn cho du khách. Trời rất nắng nhưng lối đi lại râm mát vì rợp bóng cây. Nhiều nhất vẫn là hoa đại. Lá xanh và hoa nở trắng xoá thơm lừng. Có nhiều cụm tượng rất đẹp và cứ một đoạn lại có một chỗ nghỉ được lát đá và nhiều ghế ngồi để du khách nghỉ chân hoặc cầu nguyện. Ghế này do các người hảo tâm quyên cúng. Đọc tên thấy có đủ mọi nước trên thế giới. Điều dễ nhận ra so với tất cả các danh thắng khác không chỉ là miễn thu lệ phí khách tham quan mà không khí sạch sẽ, văn minh ở đây. Không hề thấy một vỏ chai, một vỏ thuốc quăng trên đường. Không có cảnh ăn mặc hở hang, lố lăng hoặc nằm ngồi, tình tự trên các ghế đá hay khu vực xung quanh. Phải chăng điều này ảnh hưởng ngay đến bãi tắm ở đây. Chúng tôi không thấy những người mặc đồ tắm khoe thân thể như các bãi tắm khác. Dòng Mến Thánh giá Đà Lạt cũng có mấy gian hàng bán đồ lưu niệm, giải khát ở đây nhưng giá cả rất phải chăng chứ không hề đắt đỏ như một số nơi chúng tôi đã đi qua. Trật tự an ninh cũng tốt. Hôm đầu tiên tôi đến đã 6 giờ tối, có biển cảnh báo du khách không lên núi ban đêm nhưng mấy sinh viên bảo tôi, không sao đâu, lên buổi tối mới thấy cái đẹp của thành phố về đêm. Đúng vậy, lên trên cao nhìn ra biển mới đẹp làm sao. Những dàn khoan lấp lánh ánh đèn và gió lộng thổi dưới chân. Nhưng vì chưa leo lên được tượng đài, sáng hôm sau tôi lại đi nữa. Tôi vẫn thường thấy trên truyền hình tượng Chúa Kitô vua, biểu tượng của Brasil ở thủ đô Rio de Janeiro. Nhưng tượng của Brasil chỉ cao có 26m, hai tay tượng dang rộng 16m. Còn tượng Chúa Ki tô vua trên đỉnh Tao Phùng cao 32m, hai tay dang rộng 18,40m. Vậy là tượng Chúa ở Vũng Tầu là tượng cao nhất thế giới. (Và sẽ đứng thứ nhì thế giới, nếu tượng Chúa Kitô vua ở Pêru được khánh thành cuối năm nay cao 37m). Đấy là chưa kể trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan một lúc. Leo 133 bậc thang trong lòng tượng, chúng tôi trèo lên tận tay của tượng và phóng tầm mắt nhìn ra biển Đông, sóng tung trắng xoá.
Cùng với khu đền thánh Bãi Dâu, tượng Chúa Ki tô vua trên đỉnh Tao Phùng đã góp vào cho thành phố Vũng Tầu những danh thắng đẹp thu hút mỗi năm có cả triệu lượt người tới thăm thành phố xinh đẹp này.
Hà Nội, tháng 5 năm 2011
TS Phạm Huy Thông