Bài của Howard Chua-Eoan and Elizabeth Dias
Ngài lấy danh xưng của một vị thánh khiêm nhường rồi sau đó đã kêu gọi thực hiện một giáo hội chữa lành. Vị giáo hoàng ngoài Âu Châu trong thời khoảng 1200 năm này ở trong một tư thế sẵn sàng để biến đổi một nơi chốn mà muốn đổi thay phải mất cả thế kỷ.
Ở ven thủ đô Buenos Aires có một con đường nhỏ tí xíu chẳng đáng là đường được gọi là Pasaje C, một phần đóng góp của đám bùn khô dẫn vào một khu nhà ổ chuột để từ đó đi tới một con lộ chính, đó là Mariano Acosta đầy những rác rưởi. Có một ngôi thánh đường Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm ở cuối pasaje - nghĩa là vượt qua theo tiếng Tây Ban Nha - nơi mà, có một lần, vị linh mục địa phương và một số cư dân run sợ đã đến ẩn nấp mãi tận trên cung thánh, vào lúc có những tay băng đảng trang giành thuốc phiện bắn giết nhau. Bên ngoài nhà thờ này là những ngóc ngách dân chúng sống ở trong giáo xứ, từ Pasajes A tới K, nơi đầy những bùn lầy còn hằn lên các lằn bánh xe cùng với các tảng bê tông nứt nẻ. Các mảnh gạch vỡ, từ khu xây cất vụng về cho vùng gia cư được chiếm dụng bất hợp pháp, dính chặt với nhau dọc theo các lề đường. Chữ asesino - sát thủ - được viết nghệch ngoạc bằng sơn xịt ở trên bức tường đen ngòm của một căn nhà bị thiêu cháy, một chữ đã được báo hiệu ngay trước những ngày thanh toán bắn giết nhau. Những đám chó chui rúc nằm ở bên dưới những chiếc xe bị phá hoại. Trẻ con lang thang giữa giao thông, vì không gì có thể kiểm soát tốc độ trên những con đường nứt nẻ gập ghềng này. Thế mà, thậm chí con đường Pasaje C cũng có thể dẫn đến tận Rôma.
Là Hồng Y Tổng Giám Mục Buenos Aires, một thủ đô có khoảng 13.5 triệu linh hồn, Đức Jorge Mario Bergoglio đã hoạch định trong chương trình hằng năm của mình một cuộc viếng thăm mục vụ ở khu vực dơ dáy bẩn thỉu và buồn thương này. Ngài đi bộ đến trạm xe điện ngầm gần Nhà Thờ Chính Tòa ở Thủ Đô nhất, ngôi vương cung thánh đường có những cột trụ và vòm tháp rất thích hợp với trung tâm quyền lực ở Á Căn đình. Hành trình một mình, ngài chuyển sang chiếc xe điện xấu xí bởi các hình vẽ để đến Mariano Acosta, nơi không còn xe điện ngầm nữa. Ngài đã thực hiện cuộc hành trình bằng chân, tiến bước một cách nặng nề dọc theo Pasaje C với đôi giầy chỉnh hình mầu đen đồ sộ. Vào những lần khác, ngài thực hiện những cuộc hành trình đến các vùng lân cận ở khắp thành phố - có quá nhiều người thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng không một ai quá nghèo hay quá bẩn thỉu đối với việc thăm viếng của ông hoàng giáo hội lưu động này. Reza por mi, ngài đã xin hầu như hết mọi người ngài gặp. Xin cầu cho tôi.
Vào ngày 13/3, lúc mà Đức Bergoglio thừa kế ngai tòa Thánh Phêrô thì ngài cũng đã có cùng một lời xin như vậy với thế giới. Xin cầu cho tôi với. Bức thư xin hồi hưu của ngài, một đòi hỏi đối với tất cả mọi vị giám mục từ 75 tuổi trở lên, vẫn còn trong hồ sơ của văn phòng Vatican, chờ để được chấp thuận. Bạn bè của ngài ở Á Căn Đình đã thấy rằng ngài trở nên chậm lại, như một thứ lực cạn kiệt. Thế mà chỉ trong giây lát ngài đã trở thành một con người mới, xưng mình là Phanxicô theo tên của vị thánh khiêm hạ ở Assisi. Là Giáo Hoàng, ngài đột nhiên nắm chủ quyền Quốc Đô Vatican và lãnh đạo một tổ chức rất bao rộng - khoảng đủ tín đồ so với nhân dân Trung Hoa - thật là vững chắc về tổ chức, thật là rối bời bởi tính cách quan liêu, thật là to lớn nơi hoạt động bác ái, thật là nặng nề bởi các vụ bê bối gương mù gương xấu, thật là đối lập nơi thành phần học hỏi các giáo huấn của nó, thật là mầu nhiệm đối với những ai không học hỏi, đến độ cái khoảng cách giữa ngài và các tình trạng nghèo khổ bất hạnh hằng ngày của giới nghèo trên thế giới dường như cuối cùng vẫn không thể khỏa lấp. Cho đến khi Vị Giáo Hoàng thứ 266 với đôi giầy khó coi bước tới trả tiền cho phòng ngủ trọ của mình.
Vai trò giáo hoàng này có tính cách huyền nhiệm và kỳ diệu, ở chỗ, nó biến một bô lão thất tuần thành một siêu sao trong khi nó hầu như chẳng tỏ cho thấy gì về chính bản thân con người này.
Nó làm bùng lên niềm hy vọng ở khắp nơi trên thế giới - những niềm hy vọng có thể sẽ không bao giờ có thể được hoàn trọn, vì chúng là những gì bất khả hóa giải.
Thành phần truyền thống cựu trào mong muốn thứ Lễ Latinh cổ xưa và thành phần nữ giới trẻ trung nhiệt thành lại muốn mình có thể làm linh mục, cả hai thành phần đều có những niềm hy vọng.
Một đức ông tham vọng ở Giáo Triều Rôma và một phó tế đang truyền bá phúc âm hóa ở một ngôi làng Phi Luật Tân xa xăm, cả hai đều có những niềm hy vọng. Không một vị Giáo Hoàng nào có thể tức khắc làm cho tất cả mọi người trong họ cảm thấy hạnh phúc được hết.
Thế nhưng, cái làm cho vị Giáo Hoàng này trở nên rất quan trọng đó là cái tốc độ ngài đã gây ấn tượng nơi hàng triệu người đã mất hết niềm hy vọng đối với giáo hội. Dân chúng mệt mỏi chán chường với việc phân tích bất tận về đạo lý về tính dục, cuộc đấu đá đổ tội cho nhau về giới hạn về quyền lực trong khi đó luôn luôn xẩy ra chuyện (như Milton nói) "Con Chiên đói nhìn lên mà chúng không được cho ăn". Chỉ trong thời gian mấy tháng, Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng cấp sứ vụ chữa lành của giáo hội - giáo hội là tôi tớ và là nguồn ủi an của con người đau thương trong một thế giới thường thô lỗ, bên trên công việc làm cảnh sát canh chừng về tín lý là những gì rất quan trọng đối với các vị tiền nhiệm mới đây của ngài. Đức Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI đều là các vị giáo sư thần học. Đức Phanxicô nguyên là một người gác cổng coi nhà, một nhân viên canh gác hộp đêm, một nhân viên về hóa học và là một thày giáo dạy văn chương.
Và ở đằng sau cái bề mặt lu mờ của mình, ngài là một thợ máy rất tài tình. Ngài đã khéo sử dụng những dụng cụ của thế kỷ 21 để điều hành cái văn phòng thời thế kỷ thứ nhất của mình.
Ngài được chụp hình đang rửa chân của những tù nhân nữ giới, ngài ở trong tấm hình tự chụp với đám trẻ viếng thăm Vatican, ngài ôm lấy một người dị diện.
Ngài được trích lời ngài nói với những người phụ nữ tìm cách phá thai vì nghèo và bị hiếp: "Ai có thể không động lòng trước những trường hợp đau thương như thế chứ?"
Về thành phần đồng tính: "Nếu một người đồng tính có thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa thì tôi không phải là người phán xét họ".
Với thành phần ly dị và tái hôn, thành phần mà theo luật không được Rước Lễ, ngài nói rằng nghi thức chủ yếu này
"không phải là phần thưởng cho thành phần trọn lành mà là một phương dược mãnh liệt và là dưỡng thực cho kẻ yếu".
Bằng những gợi ý đầy nhận thức và khéo léo này liên quan đến những trường hợp thi hành thừa tác vụ của Chúa Giêsu như được các Phúc Âm trình thuật, vị tân Giáo Hoàng này có thể đã tìm thấy được lối thoát ra khỏi các trận chiến văn hóa thế kỷ 20, những trận chiến đã lưu lại cho giáo hội những gì là suy tàn tại nhiều nơi ở Tây Âu cũng như ở nơi việc bênh chữa từ Dublin đến Los Angeles.
Thế nhưng cái nghịch lý của vài trò giáo hoàng là ở chỗ mỗi cuộc thành công của người mới đều bị đè nặng bởi những thành công lạ lùng của các vị Giáo Hoàng trong quá khứ. Gánh nặng lịch sử này, về tín lý và tín điều quyện lấy nhau một cách phức tạp từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thiên tài này sang thiên tài kia, đều là nguồn mạch và là giới hạn cho quyền lực giáo hoàng. Nó được tỏa chiếu ra từ mọi bức tượng, mọi hầm mộ và mọi bản giấy da viết tay ở Rôma - cũng như ở các ngôi thánh đường, các thư viện, các bệnh viện, các đại học đường và các bảo tàng viện trên khắp thế giới. Một vị Giáo Hoàng vạch định đường lối thực hiện của mình chỉ khi nào ngài có thể hòa hợp với những đường lối đã được chọn.
Thế nên Giáo Hoàng Phanxicô báo hiệu một cuộc đổi thay lớn khi cống hiến những câu trả lời tương tự cho các vấn nạn nhức nhối. Về vấn đề linh mục nữ giới: "Chúng ta cần khổ công hơn nữa để khai triển một nền thần học về nữ giới". Tức là: không. Không với phá thai, vì sự sống của một con người được bắt đầu từ lúc thụ thai. Không với hôn nhân đồng tính, vì mối liên hệ nam nữ là những gì được Thiên Chúa thiết định. "Ngài đã nói rằng: "Giáo huấn của giáo hội... đã rõ ràng, và tôi là một người con của giáo hội, thế nhưng - (đến đây ngài thêm lời nguyện cầu của ngài cho chính bản thân ngài) - không cần phải lúc nào cũng nói về những vấn đề này".
Nếu lời cầu nguyện ấy được nhận lời thì một cách nào đó, bằng tấm gương sống động của mình, Giáo Hoàng Phanxicô có thể đưa giáo hội đến một mối liên hệ mới với thành phần chỉ trích và bất mãn của giáo hội - trong khi đồng ý rằng có bất đồng về các vấn đề chia cách họ nhưng lại hợp tác với sứ vụ khẩn trương trong việc lan tỏa tình thương - ngài có thể tung ra được những gì tốt lành khôn lường.
"Tranh luận ít hoàn thành nhiều" có thể là một câu tâm niệm chữa lành cho thời đại của chúng ta. Chúng ta đầy những vấn đề cần phải giải quyết. Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng bằng cách nêu gương:
Đừng cãi vặt với nhau và sắn tay áo lên.
Đừng biến kẻ trọn lành thành kẻ thù của sự thiện - một điều quan trọng mà thế giới cần phải lắng nghe, nhất là từ một con người nắm giữ vai trò được coi như vô ngộ.
Một Vai Trò Giáo Hoàng đổi thay
Vai trò giáo hoàng này được mở đầu bằng một tên gọi. Đức Jorge Bergoglio là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã chọn danh hiệu của mình là Phanxicô Assisi, vị thánh quan thày của người nghèo thuộc thế kỷ 13. Việc chọn lựa này, xẩy ra sau 14 danh hiệu giáo hoàng Clementê, 16 danh hiệu giáo hoàng Biển Đức và 21 danh hiệu giáo hoàng Gioan (biệt chú của người dịch này thì đúng ra có tất cả là 23 danh hiệu giáo hoàng Gioan, chứ không phải 21, vì vị cuối cùng là ĐTC Gioan XXIII sắp được phong thánh vào ngày 27/4/2014 tới đây; ngoài ra, còn 12 danh hiệu giáo hoàng Piô nữa không thấy nhị vị tác giả kể đến), là những gì hiển nhiên và sâu xa có tính cách riêng tư cá biệt. Chàng Phanxicô thế kỷ 13 đã quay về với thừa tác vụ khi mà, theo truyền thuyết, chàng nghe thấy một tiếng gọi ngài phát ra từ cây thập tự giá là hãy sửa chữa nhà Chúa. Chàng đã từ bỏ gia đình thương gia phong lưu giầu có của mình để sống với người nghèo. Chàng là một con người kiến tạo hòa bình, vị lãnh đạo Công giáo đầu tiên hành trình đến Ai Cập để cố gắng chấm dứt các cuộc Thập Tự Chiến. Tình thương là tâm điểm cuộc sống của chàng.
Nhiều chương trình hoạt động của Giáo Hoàng Phanxicô cứ theo cái danh xưng ấy. Trong khi Giáo Hội Công Giáo được Giáo Hoàng Biển Đức XVI mường tượng thấy như là một trong những toa thuốc thiêng liêng được chặt chẽ đo lường trước, thì Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với Cha Antonio Spadaro, vị chủ bút của nguyệt san Dòng Tên Civiltà Cattolica, trong một cuộc phỏng vấn được phổ biến vào cuối Tháng 9, rằng ngài lại thấy
"giáo hội như là một bệnh viên lưu động sau trận chiến".
Nhãn quan của ngài là một thứ nhãn quan về một giáo hội mục vụ chứ không phải là một giáo hội tín lý,
và nhãn quan này sẽ xoay năng lực của Tòa Thánh từ việc đòi hỏi được tôn kính cách xa mà hướng tới thừa tác vị cho người nghèo và gắn bó với người nghèo, cho và với thành phần tan nát tâm can và thành phần lẻ loi cô độc.
Ngài đã khai triển ý tưởng này trong bức tông huấn bao gồm 288 đoạn được gọi là "Niềm Vui của Phúc Âm" - "Evangelii Gaudium" hay "The Joy of the Gospel". Ngài viết:
"Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lấm lem vì đã xuống đường, hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị gò ép và bám chặt lấy cái an toàn của mình".
Ngài đã làm sáng tỏ rằng ngài muốn chỉ nói mà thôi - ngài muốn thấy có một cuộc biến đổi thực sự.
(Biệt chú của người dịch: đến đây, ngay ở đoạn trên đây, cũng như ở đoạn thứ 6 trong bài viết này, chúng ta thấy nhị vị tác giả mang ra so sánh giữa vị giáo hoàng đương nhiệm với vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, về nhãn quan của các vị đối với giáo hội liên quan đến tín lý nơi ĐTC Biển Đức XVI và mục vụ nơi ĐTC Phanxicô. Nhận định này đúng, nhưng có thể gây hiểu lầm là vị này hơn vị kia. Thật ra, mỗi vị giáo hoàng, với bản chất và tài năng tự nhiên thiên phú của mình, được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến làm vườn nho cho Ngài vào thời điểm của mỗi vị, người trước kẻ sau. Những gì ĐTC Biển Đức XVI làm trong giáo triều của ngài, thậm chí trong cả giáo triều của ĐTC Gioan Phaolô II, vẫn là những gì cần thiết và khẩn trương, bất khả thiếu cho chung Giáo Hội thời của ngài cũng như sau này. Phải công nhận là ĐTC Biển Đức XVI là một thần học gia về chân lý đức tin, nên cả cuộc đời của ngài gắn bó với chân lý đức tin, qua vai trò giảng dậy thần học cũng như qua hơn 50 tác phẩm của ngài, và chính vì thế ngài đã được Chúa chọn để giữ vai trò Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin lâu nhất trong Giáo Hội, đã hoàn thành cuốn sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo năm 1992, và đã mở Năm Đức Tin 2012-2013 v.v. Và chỉ sau khi Giáo Hội đã nắm vững được hay củng cố thật chắc trọn vẹn tín lý đức tin của mình, trong một thời điểm đầy lẫn lộn và mất hết ý thức tội lỗi theo chủ nghĩa tương đối, nhờ công cuộc của ĐHY Joseph Ratzinger cũng như nhờ giáo triều của ĐTC Biển Đức XVI, Giáo Hội mới có thể vững vàng và tự tin để dấn thân vào đời trong thời của giáo triều ĐTC Phanxicô. Những gì ĐTC Phanxicô bày tỏ và huấn dụ như thể ngài nhấn mạnh đến khía cạnh mục vụ hơn khía cạnh tín lý và cơ cấu của Giáo Hội thì không phải là ngài coi thường tín lý và cơ cấu của Giáo Hội, cho bằng ngài chỉ có ý làm sao cho cơ cấu và tín lý của Giáo Hội được trung thực và sống động phản ảnh đúng với ơn gọi và sứ vụ là "Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium" của Giáo Hội, đúng như nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội được Công Đồng Chung Vaticanô II ban bố ngày 21/11/1964, một thứ "Ánh Sáng Muôn Dân" thực sự có thể mang "Vui Mừng và Hy Vọng - Gaudium et Spes" đến cho một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và ngấp ngoái quay cuồng trong cơn bão lốc văn hóa chết chóc, đúng như nhan đề và ý nghĩa của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội được Công Đồng Chung Vaticanô II ban bố ngày 7/12/1965. Như thế, nếu thời của ĐTC Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI là thời Giáo Hội "Ánh Sáng Muôn Dân" qua các văn kiện cấp thiết hiện đại của các vị và cuộc tông du mục vụ của các ngài theo chiều hướng Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II thì thời của ĐTC Phanxicô là thời Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng" của thế giới và cho thế giới vậy, cũng theo chiều hướng Hiến Chế Mục Vụ của Công Đồng Vaticanô II vậy! Tuyệt vời thay công cuộc của Đấng ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế trong việc tiếp tục chăn dắt Giáo Hội Dân Người qua giòng lịch sử của nhân loại cho tới khi Người lại đến trong vinh quang).
Ngài đã chặn đứng cái thói lệ ban tước vị đức ông khả kính cho các vị linh mục như là một cách để cắt tỉa đi tính cách danh vọng theo cấp bậc và thay vào đó tập trung vào việc mục vụ.
Ngài đã nói trong một cuộc họp với thành phần ngoại giao của ngài rằng ngài muốn họ nhận diện các vị ứng viên làm giám mục ở quê hương xứ sở của họ những ai "hiền lành, nhẫn nại và nhân hậu, sống động bởi tinh thần nghèo khó, bởi niềm tự do của Chúa cũng như bởi một đời sống bình dị và khổ hạnh". Đối với Giáo Hoàng Phanxicô thì nghèo không phải chỉ liên quan đến đức bác ái, nó còn liên quan đến công lý nữa. Giáo Hội theo chiều kích bao rộng không được phản ảnh Rôma mà phải phản ảnh người nghèo.
Đó là những gì cho thấy lý do tại sao ngài đã trao Vatican Almoner thầm lặng, một cơ quan đã hiện hữu khoảng 800 năm và thường được dành cho một vị ngoại giao Công giáo cao niên, cho một vị Tổng Giám Mục năng nổ 50 tuổi người Balan là Konrad Krajewski và căn dặn vị này hãy làm cho cơ quan ấy trở thành như một cái vòm tiền diện mới của Tòa Thánh. Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với Đức Tổng Giám Mục Krajewski rằng:
"Huynh có thể bán đi cái bàn giấy của huynh. Huynh không cần nó. Huynh cần ra ngoài Vatican. Đừng chờ cho quần chúng kéo đến rung chuông. Huynh cần ra đường tìm kiếm người nghèo".
Vị Tổng Giám Mục này đã phát chẩn những số lượng nho nhỏ cho thành phần thiếu thốn, bao gồm cả một món quà tặng mới đây là 1.600 thẻ điện thoại cho những người di dân sống sót từ một con tầu bị lật úp để họ có thể gọi cho gia đình của họ ở Eritrea. Giáo Hoàng Phanxicô thường trao cho Đức Tổng Giám Mục Krejewski cả đống thư từ kèm theo lời ngài dặn dò là hãy giúp những ai viết cho ngài xin được trợ giúp. Một cách vốn thận trọng cần thiết, Tòa Thánh Vatican gần đây lên tiếng phủ nhận sự việc xẩy ra sau khi Đức Tổng Giám Mục Krajewski tiết lộ là chính Giáo Hoàng Phanxicô đôi khi lẩn ra khỏi Vatican ăn mặc như một vị linh mục bình thường để làm phúc.