Một thánh lễ tạ ơn
Trong những ngày trước lễ Giáng sinh, tôi tham dự một thánh lễ đồng tế tạ ơn 50 năm linh mục của một cha trong Dòng. Thánh lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng với sự hiện diện của 3 vị giám mục,45 linh mục đồng tế cùng nhiều nam nữ tu sĩ các Dòng và giáo dân trong và ngoài giáo phận tham dự.
Vị linh mục này là người Tây Ban Nha và từ khi lãnh tác vụ linh mục, ngài được sai đến vùng truyền giáo Paraguay với các vị thừa sai khác để củng cố tỉnh Dòng non trẻ gồm hai quốc gia Paraguay và Bolivia.
Ngài đã từng ngược xuôi lên vùng núi cao của thủ đô La Paz của Bolivia rồi về vùng sa mạc khô cằn Chaco của Paraguay. Ngài cũng là một trong những người khởi xướng để một giáo phận rộng lớn của Paraguay được thành lập và trong cái ngày kỷ niệm 50 linh mục này, ngài đã xin Đức Giám Mục cho ngài được nghỉ chức Tổng Đại Diện sau nhiều năm ngài đảm nhiệm.
Ai mà không thích được làm lớn và khi làm lớn rồi thì muốn củng cố cái ghế của mình và ngồi cho nó mòn, nó gãy rồi mới thay.
Thường thì khi giám mục chính toà nghỉ hưu hay bổ nhiệm một tân tổng đại diện thì vị tổng đại diện đương nhiệm mới “về vườn”, đằng này khi vị linh mục này vừa mới sinh nhật 75 cái xuân sanh, 50 năm linh mục và còn nhiều năng lực để quản lý thì lại xin nghỉ hưu để cho lớp đàn em lên thay.
Đó cũng là một cái hay mà tôi nhận thấy ở vị linh mục khả kính cùng Dòng này.
Trong bài giảng thánh lễ tạ ơn, vị giám mục giáo phận, từng là chủ tịch hội đồng Giám mục Paraguay đã nói lên những tâm tình biết ơn và ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngài cho giáo phận, cho đất nước Paraguay và cho Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.
Cha Bề Trên của Dòng cùng những vị đại diện của các giáo xứ nơi vị linh mục này từng làm việc cũng nói lên tâm tình tri ân vì những việc tốt lành ngài đã làm và những hạt giống Lời Chúa ngài vãi gieo ngày nào nay đã đến hồi đơm hoa kết quả. Vị linh mục này cũng đã có những lời đáp từ thật khiêm tốn và cầu xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài trong những ngày tháng kế tiếp để ngài có thể tận tâm làm việc như một nhà truyền giáo đơn sơ để đến với những mảnh đời đau khổ nhất và những người bị xã hội loại bỏ như đã được nói trong đoàn sủng của Dòng Ngôi Lời.
Lại hai người nữa… giống như tôi
Trong dịp họp với các vị đào tại tại thủ đổ Asunción của Paraguay để lượng giá và bỏ phiếu cho các chủng sinh trước khi họ có kỳ hè cuối năm và chuẩn bị khấn Dòng, tôi tranh thủ thăm 2 anh em chủng sinh của Dòng Salêdiêng Don Bosco người Việt Nam vừa mới đến Paraguay để thực tập mục vụ và sẽ trở thành nhà truyền giáo tương lai tại đây.
Cũng chính nhờ truyền thông mà chúng tôi quen biết nhau. Trong khi 2 chủng sinh này đợi Visa đến Paraguay tại Rôma, họ có đọc những bài chia sẻ truyền giáo của tôi và đã liên lạc với tôi qua email để biết thêm tình hình của Paraguay.
Chúng tôi đã liên lạc với nhau và như là một người anh đi trước, tôi đã chia sẻ với họ những điều mắt thấy tai nghe tại Paraguay để anh em khi đến đây khỏi bỡ ngỡ.
Và khi 2 chủng sinh này đặt chân đến Paraguay thì tôi đã có dịp thăm và nói chuyện với họ. Cha Huân, vị linh mục truyền giáo đến với tôi cùng ngày, cùng tháng, cùng năm tại Paraguay đồng hành với tôi đến thăm 2 chủng sinh tại Tỉnh Dòng Don Bosco ở Asunción.
Tiếp đón chúng tôi có cha Giám tỉnh và có cả vị giám mục Dòng Don Bosco vừa mới ghé thăm Dòng. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất thân mật như những người đã quen biết từ lâu. Bởi thế, tình nghĩa đồng hương nơi xứ lạ quê người thật đậm đà thắm thiết.
Quả thực mà nói anh em Dòng Salêdiêng Don Bosco rất có bề thế trên lĩnh vực quốc tế. Tôi còn nhớ vào năm 2006 khi tôi làm việc mục vụ với các bạn trẻ công nhân Việt Nam tại Malaysia qua lời mời của Đức Tổng Giám Mục giáo phận Kuala Lumpur, tôi cũng được nghe chính lời Đức Tổng Giám mục nói về sự hiện diện tích cực của anh em Salêdiêng tại đất nước có đông người Hồi giáo này.
Bên Paraguay cũng có hai vị giám mục thuộc Dòng Don Bosco đang làm việc ở hai giáo phận cận miền Bắc.
Dòng Ngôi Lời ở Paraguay cũng có một vị giám mục nhưng đã xin hồi tục và đang là đương kim tổng thống nhưng có vài vụ xì-căng-đan đáng tiếc.
Tôi nói đùa với 2 chủng sinh Việt nam mới qua rằng, lại 2 người nữa… giống như tôi, nghĩa là các anh em “dại dột” đến nơi này để bắt đầu tập ăn củ mì và uống trà terere. Nhưng tôi trấn an anh em là đừng sợ gì cả vì luôn có Chúa hướng dẫn chúng ta.
Tôi cũng đưa hai em mới này đến gặp gia đình chị Việt Nam đã sống bên đây gần 35 năm để nếu có buồn, anh em thăm viếng và nói tiếng Việt cho vui. Chúng tôi cùng nấu ăn, chia sẻ vài chuyện phiếm rồi ai về cộng đoàn nấy để chuẩn bị cho những ngày sắp đến.
Mùa Noel ở Paraguay
Trong khi bên Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) và các quốc gia Âu châu, Á châu khác thời tiết lúc này trở lạnh và thậm chí có bão tuyết, thì trái lại, bên các nước Nam Mỹ như Paraguay, Argentina và Brazil… thì lúc này là mùa hè và trời nóng không thể tưởng được. Có những buổi chiều tôi đi dâng lễ ở các giáo điểm mà mồ hôi ra như tắm nhưng không có lấy một cái quạt tay cho mát.
Bởi thế mùa này người ta tụm năm, tụm bảy với những chiếc quần cộc và phơi trần bên các lùm cây có bóng mát để uống trà terere và tám chuyện.
Lễ Giáng sinh thật ra không phải là lễ lớn bên các nước Nam Mỹ vì mùa này rơi vào mùa hè nên cả con chiên và các mục tử tranh nhau đi nghỉ hè sau những ngày tháng học hành, làm việc mệt nhọc. Nói đúng hơn Lễ Giáng Sinh là lễ họp mặt của gia đình, đây là dịp để con cái và những người thân yêu tề tựu bên nhau sau những ngày xa cách giống như dịp Tết Nguyên Đán của người Việt.
Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Paraguay cho ấn hành những tập sách nhỏ để các tín hữu có thể cử hành Giánh Sinh tại các gia đình.
Các linh mục cũng không mấy sốt sắng lắm trong việc ngồi toà hay khuyến khích giáo dân làm hang đá như thường thấy ở các giáo xứ Việt Nam trong những ngày này. Chỉ có một vài bà goá đạo đức kêu gọi các trẻ em để làm hang đá sống (Pesebre Viviente) và biểu diễn quanh các con đường làng hay xin linh mục biểu diễn ngay trong thánh lễ đêm vọng Giáng Sinh.
Có lẽ vì tôi bị nhiễm quá nặng cách bài trí và tổ chức lễ lạc ở Việt Nam nên vào dịp này tôi kêu gọi giáo dân cùng nhau làm hang đá, kêu gọi giáo dân xưng tội và tôi cũng đi vận động những người từ lâu không biết đến nhà thờ là gì cùng tham dự các nghi thức.
Tôi cũng đã lôi kéo được nhiều gia đình đã sống với nhau lâu năm mà chưa có phép đạo đời đi học giáo lý hôn nhân để sau lễ Giáng Sinh tôi sẽ hợp thức hoá hôn nhân cho họ.
Ngồi chơi thì sướng, còn bày ra làm thì mệt nhưng bù lại là có được niềm vui. Trong những ngày này tôi tình cờ nghe đài RFA về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm Hang Bê-lem của cố nhạc sư Hải Linh do phóng viên Mặc Lâm thực hiện.
Từ khi có trí khôn đến giờ tôi đã nghe bài thánh ca này và thích thú vô cùng nên từng nốt nhạc, từng lời ca tôi thuộc lòng lòng, và hôm nay nghe biết được lịch sử của bài hát cũng như thân thế của nhạc sĩ sáng tác tôi lại càng thích thú hơn.
Phải nhìn nhận rằng người Việt Nam mình rất giỏi trong nhiều lãnh vực nếu có điều kiện phát triển.
Dù tôi vẫn chưa quên được những tháng ngày Giáng sinh đẹp ở Việt Nam, tôi cũng bắt đầu quen dần với không khí Noel tẻ nhạt ở đây.
Đám cưới tập thể
Sau nhiều tuần lễ đồng hành với những người được gọi là Công giáo nhưng lại không sống như Công giáo tý nào vì đa số họ sống đời sống gia đình trên 15 năm mà chưa có 1 tờ giấy chứng nhận đạo đời là gì. Có những bà sồn sồn sống với người yêu khi mới 14 tuổi và bây giờ đã có cháu nội ngoại không biết xưng tội thế nào và khi hỏi ra mới biết được là chưa rửa tội dù con cháu bà đứa nào cũng đã xưng tội và rước lễ lần đầu.
Các ông thì khi ngồi nói chuyện với tôi trước khi xưng tội nồng nặc mùi rượu và còn đùa giỡn nói với tôi rằng họ là người có dòng máu bán thổ dân nên việc họ sống với nhiều bà vợ là chuyện bình thường vì Paraguay rất cần dân số!
Quả thực là như vậy vì trước đây trong cuộc chiến tranh biên giới với 3 nước láng giềng, đàn ông Paraguay đã chết quá nhiều nên kể từ đó đàn ông ở Paraguay trở nên quí hiếm và 1 ông có thể có đến nhiều bà để duy trì nòi giống.
Cũng từ đó cho đến nay vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ như một số nước Á Đông, và vì thế tìm được ông chồng nào chung thuỷ như mò kim dưới đáy biển! không phải quơ đũa cả nắm vì ngay cả những anh em linh mục và tu sĩ người Paraguay có dòng máu thổ dân cũng rất khó tuân giữ lới khấn khiết tịnh so với các anh em Paraguay có dòng máu nước ngoài.
Tôi cũng đau đầu khi phụ trách các chủng sinh người Paraguay vì đối với họ một thanh niên bình thường mà không có người yêu là chuyện khó chấp nhận.
Rất nhiều cặp hôn nhân theo học với tôi nhưng cuối cùng chỉ có 14 cặp là có đủ điều kiện hợp thức hoá hôn nhân vì tôi không thể làm sai luật khi nhiều cặp khác từng kết hôn rồi ly dị hay đang sống chung cùng lúc 2 vợ hay 2 chồng.
Tôi đã chọn Lễ Thánh Gia để hợp thức hoá tập thể cho nhưng cặp hôn nhân này. Nhìn những ông bà già không còn cái răng nào mà theo sau là đàn cháu nội ngoại như đoàn lính viễn chinh mà tôi phì cười.
Nhất là khi tôi hỏi về sự ưng thuận hôn nhân và trao nhẫn cưới làm tôi cười mãi.
Có hai cặp chẳng có nhẫn để trao khi tôi chuẩn bị làm phép nhẫn thì một bà khác nói để bà ta cho mượn! Thú vị thật.
Thế đó, cuộc sống truyền giáo có những chuyện “cười ra nước mắt” và “khóc tiếng nước ngoài” vì những chuyện diễn ra mình không thể lường trước được.
Tuy nhiên tôi nghiệm ra một điều là chỉ có tình thương mới có thể cải hoá được nhân tâm chứ không phải bằng cấp hay sự thông minh. Mẫu gương của cha sở họ Ars luôn là một điểm tới trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
Paraguay, mùa Noel
Lm. Trần Xuân Sang SVD.