ĐTC cử hành Thánh Lễ tại quảng trường Hang Đá Bethlehem vào ngày 25 tháng 5 năm 2014. Và sau đây là bài giảng của ngài trong thánh lễ.
“Đây sẽ là một dấu hiệu cho anh em: Anh em sẽ thấy một hài nhi được bọc trong khăn tả và nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12).
Thật là một hồng ân lớn lao khi cử hành Thánh Thể tại nơi Chúa Giêsu đã sinh ra! Tôi tạ ơn Chúa và cảm ơn tất cả các bạn, những người đã chào đón tôi trong chuyến hành hương này: Tổng thống Mahmoud Abbas và các chính quyền dân sự khác; Thượng Phụ Fouad Twal và các giám mục, các giám quản Đất Thánh, các linh mục, những người thánh hiến và tất cả mọi người đã gìn giữ cho đức tin, niềm hy vọng và tình yêu sống động trong những vùng đất này; các tín hữu, những người đến từ Gaza và Galilê, và những người nhập cư từ châu Á và châu Phi. Cảm ơn vì sự chào đón này!
Hài Nhi Giêsu, sinh ra tại Bethlehem, là dấu hiệu của Thiên Chúa ban cho những người chờ đợi ơn cứu rỗi, và Ngài vẫn mãi mãi là dấu hiệu của sự dịu dàng và sự hiện diện trong thế giới của chúng ta: “Đây sẽ là một dấu hiệu cho anh em: anh em sẽ nhìn thấy một hài nhi … “.
Hôm nay cũng vậy, trẻ em là một dấu hiệu. Chúng là dấu hiệu của niềm hy vọng, dấu hiệu của sự sống, và là một dấu “chẩn đoán y khoa”, để cho kết luận về sức khỏe của gia đình, xã hội và toàn thế giới. Bất cứ nơi nào trẻ em được chấp nhận, yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, gia đình được khỏe mạnh, xã hội lành mạnh hơn và thế giới là người hơn.
Đối với chúng ta, những người của thế kỷ XXI, Thiên Chúa cũng nói: “Đây sẽ là một dấu hiệu cho anh em”, hãy nhìn nơi đứa trẻ …
Hài Nhi của Bethlehem cũng rất bé bỏng, giống như tất cả trẻ sơ sinh khác. Hài Nhi không thể nói năng nhưng Hài Nhi là Ngôi Lời đã đến để đổi thay con tim và cuộc sống của tất cả mọi người. Hài Nhi này, như mọi trẻ em khác, cũng dễ bị tổn thương; Hài Nhi cần phải được đón nhận và bao bọc. Hôm nay cũng vậy, trẻ em cần phải được đón tiếp và bảo vệ, ngay từ lúc thụ thai.
Đáng buồn thay, trong thế giới của chúng ta, với tất cả sự phát triển ngành công nghệ ngày càng cao, một số lượng lớn các trẻ em vẫn còn sống trong những tình trạng vô nhân đạo, bên lề xã hội, những vùng ngoại vi nơi các thành phố lớn và ở nông thôn thiếu thốn. Có quá nhiều trẻ em tiếp tục bị khai thác, ngược đãi, bắt làm nô lệ, nạn nhân của bạo lực và nạn buôn người. Vẫn còn quá nhiều trẻ em sống lưu vong, là những người tị nạn, đôi khi mất tích trên biển, đặc biệt là ở vùng biển Địa Trung Hải. Ngày nay bằng việc thừa nhận tình trạng bi đát này, chúng ta cảm thấy xấu hổ trước mặt Thiên Chúa.
Và chúng ta phải tự hỏi: Chúng ta là ai, khi chúng ta đứng trước Hài Nhi Giêsu? Chúng ta là ai khi đứng trước các trẻ em hiện nay? Chúng ta có như Maria và Giuse, đã đón nhận Chúa Giêsu và chăm sóc cho Người với tình yêu của một người cha và một người mẹ? Hay chúng ta như Hê-rô-đê, người muốn loại trừ Chúa Giê-su? Chúng ta giống các mục đồng, những người nhanh chóng đến bái lạy trước mặt Hài Nhi để thờ phượng và trao cho Người những món quà khiêm tốn của mình? Hay chúng ta là những người bàng quang? Chúng ta có sử dụng những từ hoa mỹ, ngon ngọt, du dỗ nhằm khai thác hình ảnh của trẻ em nghèo để kiếm tiền không? Chúng ta đã sẵn sàng hiện diện nơi các trẻ em, sẵn sàng để “mất thì giờ” với chúng không? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe chúng, để chăm sóc cho chúng, cầu nguyện cho chúng và với chúng không? Hay chúng ta bỏ qua chúng vì chúng ta bị cuốn vào công việc của chúng ta?
“Đây là dấu hiệu cho anh em: anh em sẽ thấy một hài nhi …”. Có lẽ đó là một cậu bé hay cô bé đang khóc. Cậu ta đang khóc vì cậu ta đang đói, bởi vì cô bé đang lạnh, bởi vì chúng muốn được bồng ẵm và nâng niu trong vòng tay của chúng ta … Hôm nay cũng vậy, có những trẻ em đang khóc, chúng khóc rất nhiều, tiếng khóc của chúng là sự thách đố cho chúng ta. Trong một thế giới mà hàng ngày vứt bỏ cả tấn lương thực và thuốc men vẫn có những trẻ em đang đói và đang bệnh vì không có thuốc để chữa, có những trẻ em đang kêu gào trong vô vọng. Ở thời đại quá nhấn mạnh vào việc bảo vệ trẻ vị thành niên lại có một nguồn lợi không lồ từ việc tuyển mộ các trẻ em làm quân nhân, có một thị trường mà hàng hóa được sản xuất từ việc bóc lột lao động nơi trẻ em.Tiếng kêu gào của chúng bị dập tắt: các em phải chiến đấu, phải làm việc, không được phép khóc! Nhưng các bà mẹ của các em đang khóc thay, những bà mẹ Rachels của thời hiện đại: họ khóc cho con cái của họ, và họ chẳng được ai an ủi cho (x. Mt 2:18).
“Đây sẽ là một dấu hiệu cho anh em”. Hài Nhi Giêsu, sinh ra tại Bethlehem, mỗi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên nơi mọi miền của thế giới chúng ta là một dấu hiệu của ‘chẩn đoán y khoa’ cho tình trạng sức khỏe của gia đình, cộng đồng, đất nước chúng ta. Một chẩn đoán thẳng thắn và trung thực có thể dẫn chúng ta đến lối sống mới mà mối dây liên hệ của chúng ta không còn dựa trên sự xung đột, áp bức và thương mại nhưng dựa trên tình huynh đệ, sự tha thứ và hòa giải, đoàn kết và yêu thương.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu,
Mẹ của những ai biết đón nhận, dạy chúng ta cách biết đón nhận;
Mẹ của những người yêu mến, dạy chúng ta làm thế nào để tôn thờ;
Mẹ của những người theo Chúa Giê-su, dạy cho chúng ta cách biết làm theo Lời Ngài. A Men.
Hoàng Minh