Tại Lâm Đồng, nhiều nông dân phải nhổ ớt, lùa cả đàn bò vào vườn cà cho ăn, vì giá quá thấp. Hiện giá cà tại vườn chỉ quanh mức 1.000 đồng/kg.
Sau hành tây Đà Lạt bị nông dân, chủ vựa đổ bỏ vì giá quá rẻ, người trồng cà chua ở Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) đang phải đổ hoặc mang hàng trăm tấn sản phẩm này cho bò ăn.
Năm đầu tiên trồng ớt, nhưng anh Trương Đình Sơn – xã Lạc Xuân – huyện Đơn Dương phải chịu cảnh lỗ "chỏng gọng" vì giá rớt thê thảm. Theo anh Sơn, nếu giá ớt 10.000 – 12.000 đồng/kg thì mới mong đủ vốn đầu tư, và phải đạt gần 20.000 đồng/kg thì có lãi. Nhưng hiện nay, giá ớt được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 4.000 đồng/kg.
Vườn ớt càng trĩu quả, đẹp mắt, càng khiến người nông dân xót của vì lỗ.
Không cần giỏi tính cũng thấy người trồng ớt lỗ thê thảm. Đã vậy, nhiều nông dân trồng ớt với diện tích lớn phải thuê người hái. Giá giá nhân công hái ớt đang ở mức 110.000 – 130.000 đồng/ngày. Mỗi người trong ngày có thể thu hoạch 80kg ớt. Tính ra mỗi kg ớt mất 2.500 đồng chi phí thu hái. Như vậy, giá trị nông dân thu về cho mỗi kg sản phẩm này chỉ còn 1.500 đồng.
Giá rẻ, thêm ớt bị bệnh nên nông dân nhiều nơi không đầu tư chăm sóc mà nhổ bỏ, chấp nhận mất trắng.
Ruộng ớt 1,5 sào nhà anh Sơn đã bị nhổ, phơi trơ gốc.
Ông Nguyễn Văn Sáng (xã Đạ Ròn, Đơn Dương), cho biết, vụ cà chua vừa qua gia đình ông làm 8 sào, chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng. Cà chua phát triển tốt, quả sai. Đến thời điểm thu hoạch, gia đình chưa kịp vui thì thương lái cho biết cà chua không xuất đi Sài Gòn được vì trên thị trường đang tràn ngập cà chua Trung Quốc.
Và dù giá rẻ nhưng cũng chẳng ai thèm mua. Cả trăm tấn cà chua của ông Sáng phải ủ làm phân và cho người nuôi bò sữa mang về cho bò ăn.
Tại Đơn Dương, hàng năm có khoảng 4.600ha cà chua, năng suất chừng 50.000 tấn/vụ.
Cũng như Đơn Dương, ở huyện Đức Trọng, nhiều hộ nông dân trồng cà chua cũng phải nhổ bỏ nhiều ruộng cà, hoặc hái trái cho bò ăn vì giá quá thấp. Hiện giá cà chua dù đã tăng trở lại nhưng cũng chỉ dao động quanh giá 4.000 đồng/kg tại chợ nông sản Đà Lạt, nhưng rất khó bán. Riêng giá thu tại vườn chỉ từ 500 - 1.000 đồng/kg. Giá quá rẻ, nhiều vườn bỏ cà thối không hái, có nhà vườn lùa cả đàn bò vào cho ăn.
Những ruộng cà chua chín nẫu nhưng chủ ruộng không buồn hái, trái rụng la liệt.
Nổi danh với nguồn rau xanh tươi ngon đặc biệt, mặt hàng củ quả và rau Lâm Đồng được rất được ưa chuộng ở thị trường trong và ngoài nước. Song, nền nông nghiệp sản xuất sau hết sức bấp bênh và rủi ro. Nhiều năm qua, tình trạng nông dân nhổ bỏ rau củ quả vẫn tiếp diễn và hầu như chưa có cách nào để thoát khỏi tình huống này.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, chưa năm nào giá cà chua lại xuống thấp và kéo dài như năm nay. Một phần do năm nay thời tiết khá thuận lợi nên nhiều địa phương trong nước đã trồng được cà chua. Nhưng một nguyên nhân khác khiến cà chua Lâm Đồng rớt giá chính là cà chua Trung Quốc tràn vào thị trường Việt.
Đống chanh dây bị đổ bỏ bên đường ở huyện Đơn Dương. Ở Lâm Đồng, không khó để bắt gặp từng đống nông sản bị vứt bỏ vì giá thấp như thế này.
Ông Ngô Văn Đức – Chủ tịch Hội nông dân TP. Đà Lạt, toàn thành phố Đà Lạt có 11 Hợp tác xã rau sạch nhưng trong đó chỉ có 2 Hợp tác xã làm ăn hiệu quả, là Hợp tác xã Xuân Hương và Anh Đào, do có thị trường tiêu thụ ổn định là hệ thống các siêu thị và nhà hàng, khách sạn trên toàn quốc.
Còn lại phần lớn nông dân thiếu thông tin thị trường nên hoàn toàn bị động về giá và nhu cầu. Tình trạng bị động về đầu ra cho nông sản, mùa sau sản xuất ồ ạt dựa trên giá mùa trước khiến cung vượt cầu và rớt giá thê thảm vẫn tái diễn trong nhiều năm..
Hiện mua bán giữa thương lái và nông dân có hai hình thức. Cách phổ biến mà nhiều nông dân đang áp dụng bán xô hết vườn cho thương lái. Với cách này, nông dân sẽ cầm chắc tiền trong tay nhưng thường bị mất giá. Hình thức khác là thương lái sẽ thu hàng đi trước, bán xong mới báo giá cho nông dân. Theo cách này, người nông dân trực tiếp sản xuất hoàn toàn bị động về giá cả. Thương lái báo giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Do vậy, nếu thương lái tham lời và ăn gian, người nông dân cũng đành chịu.
Nhưng với cả hai cách trên, người nông dân luôn “cầm đằng lưỡi” trong quan hệ buôn bán với thương lái. Nhưng thê thảm hơn là tình trạng nông dân cứ phải nhổ bỏ nông sản do cung vượt cầu. Và việc nhổ bỏ rau củ quả của nông dân Lâm Đồng không phải chuyện mới. Nơi này đang nhổ bỏ thì nơi khác, những vườn rau, ruộng cà, rượng ớt mới lại mọc lên. Điều này phản ánh một nền sản xuất nông nghiệp bị động, thiếu bền vững và nhiều rủi ro.
(Theo Zing)