THƯƠNG ÔNG (TRUYỀN)
Hạ cánh ai dè vẫn bất an.
Gối cao ngủ kỹ ngỡ thân nhàn.
Đang ngon giấc điệp năm canh vỡ.
Còn dở hồn lan sáu khắc tàn.
Đất cát mịt mùng khôn dấu trái.
Cửa nhà sừng sững khó minh oan.
Mưu mô bậc nhất ngành thanh sát.
Chẳng nghĩ cho thân được vẹn toàn
. Huy Vụ 23/11/2014
XIN HỌA :
. OAN THỊ MẦU
Nhìn bao hưu sĩ sống bình an
Phú quý điềm nhiên hưởng thụ nhàn
Học chước vườn Đào khi xế bóng
Đòi theo lầu Ngự lúc chiều tàn
Đâu ngờ ơn nghĩa đền men đắng
Nào biết ân tình giở trái oan
Xưa xửa bao tên yên cánh hạ
Sao giờ mình tớ chết không toàn?
.CAO BỒI GIÀ
. 24-11-2014
Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11 năm 2014
Chả lẽ ta cam chịu một mình
Thời còn quyền thế nắm bao tin
Tên kia, bậu cáo rừng lầm lỗi
Thằng nọ, ông khui núi tội tình
Đừng có nhởn nhơ, mồm khoác lác
Chớ mà trơ tráo , mặt nghênh nghinh
Đồng thuyền, đồng hội chìm chung chứ
Ngu dại chi mà lão ngậm thinh !
. CAO BỒI GIÀ
. 23-11-2014
Ngẫm lại ông đây nói thật thà
Tỉnh bơ từ thuở nắm thanh tra
Họ ăn kinh khủng ngân cùng bạc
Chúng đớp thênh thang đất với nhà
Lý giải cô dì cho đấy chứ
Thuyết minh chú bác tặng không hà
Bấy lâu an hưởng đâu ai ngó
Vì ngỡ mo che cực chắc mà !
. CAO BỒI GIÀ
. 23-11-2014
Theo Báo Thanh Niên Online:
ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN NÓI VÀ LÀM
Ngẫm lại những điều ông Truyền phát biểu với báo chí trước đây, tôi chợt thấy giật mình bởi khoảng cách quá xa giữa lời nói và việc làm của một người từng được Đảng, Nhà nước giao phó trọng trách.
Năm 2005, khi còn ở cương vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, khi đề cập mức độ tham nhũng đang mỗi ngày một tăng, ông bày tỏ: "Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai, nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi". Nói về thủ đoạn và cách thức tham nhũng ở lĩnh vực đất đai, ông cho rằng: "Dù hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ, đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó". Rồi ông kết luận: "Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy rất dữ".
Cũng trong bài báo vừa nêu được đăng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 5.7.2005, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền khẳng định nó "là cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh tế hai mặt của chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có phải cái gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu; tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho".
Phải chăng với tư duy như thế, ông đã giải trình ngôi biệt thự ở thành phố Bến Tre là do tiền của người em kết nghĩa cho ông để ông xây? Quả là "thuyết phục và an toàn" đấy chứ!
Lúc nhậm chức Tổng Thanh tra Chính phủ, ông từng hùng hồn: "Vị trí trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức". Ông tỏ ra am hiểu: "Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc …
Nguồn CBG.