Có một nhà thờ nhỏ( thuộc Giáo hạt Gia Định, Giáo phận Saigon) nằm ở cuối đường NTL, Quận BT . Khoảng một năm qua, nhà thờ có làm bảng mới treo ở đầu hẻm vào cổng nhà thờ. Đó là chuyện bình thường của các giáo xứ Công giáo. Nhưng điều đáng nói là trên tấm bảng lớn ghi hàng chữ GIÁO XỨ ......., ở một góc bảng có ghi thêm hàng chữ nhỏ “Giáo phận Hồ Chí Minh”.
Thiết nghĩ làm gì có Giáo phận Hồ Chí Minh? Đúng ra phải ghi là Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Thành phố thuộc quyền quản lý của chính quyền, xã hội đời, nhưng Giáo phận thuộc quyền quản lý của Giáo hội, nên dùng tên nguyên thủy “Giáo phận Saigon” là tốt nhất.
Chúng ta biết rằng GP Xuân Lộc nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai, ngày xưa là tỉnh Biên Hòa, nhưng dù tỉnh thay tên gì, GP Xuân Lộc vẫn là Xuân Lộc, không là GP Biên Hòa hoặc GP Đồng Nai.
Tháng cầu hồn năm nay (2014), người ta làm một băng-rôn treo trước nhà “Vọng Phục Sinh” với lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi. Băng-rôn ghi: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”.
Ý nhắc nhở về cái chết và khuyến khích tin tưởng. Rất tốt. Nhưng bạn thấy bình thường hay có gì “lấn cấn” không?
Đây là một mệnh đề xác định có. Nếu rút gọn, chúng ta có: “Chết là sống muôn đời”. Chắc chắn chúng ta KHÔNG THỂ đặt dấu phẩy sau chủ từ (trước động từ) như thế này: “Chết, là sống muôn đời”. Thế mà người ta “dám” đặt dấu phẩy sau cụm chủ từ “chính lúc chết đi”. Khủng khiếp quá!
CHỮ phải có NGHĨA, một câu càng phải rõ nghĩa hơn kẻo bị hiểu lệch lạc, có thể “sai một ly đi một dặm”.
Hai “câu chữ” trên đây có vẻ là “chuyện nhỏ” nhưng lại KHÔNG NHỎ chút nào. Thấy thì “xốn” mắt, đọc thì “nhức” mắt, nghĩ thì “đau” đầu. Một câu văn rất ư bình thường, học sinh tiểu học cũng không thể chấp nhận cách viết câu như vậy. Người ta nói: “Nó lú còn có chú nó khôn”. Trong số những người hữu trách của Giáo xứ nọ, không ai có thể viết văn rạch ròi hơn, hay vì lý do nào khác?
Người ta gọi là VĂN HÓA, nhưng ở đây, VĂN (bị) HÓA mất rồi. Buồn thay!
TRẦM THIÊN THU