(GDVN) - Dùng phần lớn tiền chi khen thưởng cho học sinh dân tộc miền núi vào việc “khác”, tuy nhiên Hiệu trưởng cho rằng đây là việc làm “vận dụng”.
Ăn chặn tiền thưởng
Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hoá có tiền thân là Trường Thanh niên Dân tộc và Trường Bổ túc Công nông cùng được thành lập năm 1970 tại huyện Ngọc Lặc. Đến năm 1985, 02 trường sáp nhập thành Trường THPT Dân tộc Nội trú. Trường có nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ các dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng miền núi và dân tộc của tỉnh Thanh Hóa.
Đảng và Nhà nước trong những năm qua đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ cho học sinh vùng cao, vùng dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục.
Theo Thông tư 109 thì Nhà nước đã chi trả thưởng cho các em học sinh trường dân tộc nội trú ở các mức: xuất sắc 800 nghìn đồng, giỏi 600 nghìn đồng và tiên tiến 300 nghìn đồng...
Một trong những hỗ trợ đó được thể hiện tại Thông tư liên tịch số 109/2009/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 về Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Theo thông tư này thì học sinh đạt xuất sắc sẽ được thưởng 800 nghìn đồng, giỏi là 600 nghìn đồng, khá là 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, suốt 05 năm làm Hiệu trưởng (từ năm 2009 đến nay) bà Phạm Thị Hà đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn chỉ chi thưởng từ 10 – 30%, có những năm 0% trên tổng số tiền Nhà nước chi trả cho học sinh dân tộc.
Cụ thể, năm học 2009 – 2010, toàn trường có 71 học sinh giỏi, theo quy định các em được thưởng 600 nghìn đồng/em nhưng Hiệu trưởng Phạm Thị Hà chỉ chi thưởng cho các em 100 nghìn đồng/em; 399 học sinh tiên tiến, theo quy định, mỗi em được thường 400 nghìn đồng, nhưng thực tế các em không được thưởng đồng nào.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng lại ban hành các quyết định chi trả chỉ từ 1/3-1/4 mức quy định của Nhà nước.
Năm học 2010 – 2011, nhà trường có 87 học sinh giỏi nhưng các em chỉ được thưởng 150 nghìn đồng/em (Nhà nươc chi trả 600 nghìn đồng/em); có 386 học sinh tiến tiến, các em chỉ được thưởng 50 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 300 nghìn đồng/em).
Năm học 2011 – 2012, toàn trường có 52 học sinh giỏi nhưng chỉ được thưởng 150 nghìn đồng/học sinh (Nhà nước chi trả 600 nghìn đồng/em); 443 học sinh tiến tiến nhưng chỉ được thưởng 50 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 300 nghìn đồng/em).
Năm học 2012-2013, Nhà trường có 98 học sinh giỏi nhưng chỉ được thưởng 200 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 600 nghìn đồng/em); 413 học sinh tiến tiến nhưng chỉ được thưởng 100 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 300 nghìn đồng/em).
Năm học 2013 – 2014, Nhà trường có 80 học sinh giỏi nhưng chỉ được thưởng 250 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 600 nghìn đồng/em); 430 học sinh tiên tiến nhưng chỉ thưởng 150 nghìn đồng/em (Nhà nước chi trả 300 nghìn đồng/em).
Tổng cộng, trong 5 năm làm nhiệm kỳ Hiệu trưởng, chỉ tính riêng khoản tiền thưởng cho học sinh giỏi, tiên tiến, bà Hà đã “ăn chặn” của học sinh dân tộc tới… 852 triệu đồng. Vậy với khoản không phải là nhỏ này, bà Hà đã dùng vào việc gì trong suốt 5 năm qua? Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đang ở đâu?
Tiền thưởng đã chi cho toàn trường đi… tham quan?
Hàng năm ngân sách Nhà nước phải chi số tiền hàng nghìn tỷ đồng cho chính sách dân tộc miền núi.
Chỉ tính riêng số tiền thưởng học sinh giỏi, tiên tiến mà bà Hà đã “ăn chặn” của học sinh lên đến 852 triệu đồng trong vòng 05 năm. Số tiền này, bà Hà đã chi vào việc gì? Có hay không việc tham nhũng?
Để rộng đường dư luận và có thông tin đa chiều, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng thừa nhận các khoản chi trên và lý giải lấy số tiền còn lại chi cho tham quan, du lịch.
Khi phóng viên đọc danh sách số lượng học sinh giỏi, tiên tiến và số tiền mà nhà trường đã thực tế chi trong 5 năm qua, bà Hà thừa nhận là đúng. Bà Hà cũng thừa nhận, theo Thông tư 109 thì Nhà nước đã chi trả thưởng cho các em học sinh ở các mức là xuất sắc 800 nghìn đồng, giỏi 600 nghìn đồng và tiên tiến 300 nghìn đồng. Bà Hà cũng thừa nhận trong suốt 5 năm qua, bà đã ban hành các quyết định chỉ chi trả cho học sinh bằng 1/3 – ¼ số tiền Nhà nước đã chi trả.
Bà Hà cho biết: “Tuy Thông tư 109 là chi thưởng cho các em với số tiền như vậy nhưng tôi “vận dụng” số tiền còn lại vào việc khác như: tổ chức các sự kiện, cuộc thi và tham quan, du lịch... Phần lớn số tiền thưởng còn lại được chi cho các lớp đi du lịch, lớp nào cũng được đi ít nhất 1 lần/năm, có những lớp được đi tới 3 lần/năm…”.
Bà Hà nhấn mạnh: “Trước khi đi, chúng tôi cũng phát động thi đua. Tất cả các học sinh được đi, vì trong mỗi lớp hầu như chỉ còn 1 -2 học sinh là không được thưởng”.
Khi phóng viên yêu cầu bà Hà cung cấp hồ sơ chứng minh việc chi tiền thưởng vào các hoạt động khác, bà Hà lấy lý do kế toán không có ở trường để từ chối cung cấp.
Như vậy, việc chi sai nguyên tắc, “ăn chặn” tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Thanh Hóa là có thật, tuy nhiên việc có tham nhũng, tư lợi hay không chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm tư liệu chứng minh.
Điều khó hiểu là, trong suốt 05 năm làm hiệu trưởng, số tiền chi sai ở 01 khoản không phải là nhỏ nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa lại không hề hay biết? Phải chăng có sự bao che, làm ngơ của lãnh đạo địa phương?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.