Để làm bí thư thành uỷ thủ đô, uỷ viên BCT, ứng cử viên chức TBT..trước đó từng kinh qua nhiều lãnh vực thông tin, báo chí, tuyên truyền, tôn giáo, văn hoá...kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo của Phạm Quang Nghị không phải bình thường.
Trước tiên bản lĩnh của Phạm Quang Nghị là quyết định chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh trên các tuyến đường phố Hà Nội. Đặc biệt nhiều tuyến phố nội thành có cây lâu năm. Thay thế một loại cây mới mẻ mà đến nay chưa xác định rõ là cây gì.
Trong bài phát biểu giao ban ngày 31/3 tại thành uỷ Hà Nội, bí thư Phạm Quang Nghị đã cho dư luận thấy bản lĩnh lãnh đạo của mình.
Ông Nghị khẳng định chủ trương thay thế cây là đúng, chỉ nhận phần nhẹ là do không lường được tâm lý của người dân phản ứng. cho nên thành phố đã làm không tốt mặt tuyên truyền.
Là người trưởng thành đi lên từ văn hoá, tuyên truyền từ một nhà báo kinh qua nhiều chức vụ đến chức Phó ban tư tưởng văn hoá Trung Ương. Ông Nghị điềm nhiên cho rằng '' không nắm được tâm lý của người dân '' , liệu có tin được không. ?
Chắc chắn là không, ông Phạm Quang Nghị làm văn hoá, ông thừa hiểu tâm lý của người dân sẽ thế nào với mỗi chính sách của thành phố. Nhất là chuyện thay thế cây đụng chạm nhiều đến nét văn hoá , tình cảm của người dân ông càng hiểu rõ hơn. Nhưng mở bài ông nói việc không nắm được ý người dân, dù chủ trương đúng. Đấy mới là bản lĩnh của người lãnh đạo, biến đổi sự việc từ từ cho êm xuôi.
''Bí thư Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu: "Chúng ta phải tự phê bình, tự kiểm điểm, khẩn trương khắc phục những việc làm vừa rồi giản đơn, nóng vội, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của thủ đô".''
Trong câu này, cụm từ tự phê bình, tự kiểm điểm...có nghĩa ông vẽ một vòng rào cản, loại trừ những đông thái pháp lý, để nhằm hướng tới xử lý nội bộ. Tiếp theo ông khéo léo dùng từ '' giản đơn, nóng vội '' nhằm biến việc chặt cây tràn lan thành một việc đơn giản, nhỏ bé. Người đọc sẽ cuốn theo tâm lý đây là việc bình thường, giản đơn do nóng vội, không có gì ghê gớm cả. Nghệ thuật của ông Nghị là chêm được từ '' giản đơn '' vào một việc nghiêm trọng để hạ thấp mức độ quan tâm dư luận.
Tiếp đến ông chốt một câu '' ảnh hưởg đến uy tín và danh dự thủ đô''. Đây là một câu cực kỳ đẳng cấp, nó bao hàm việc người dân phản đối là ảnh hưởng đến danh dự, uy tín thủ đô. Lẽ ra câu này phải là '' ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tính, danh dự lãnh đạo thủ đô '' những người ra quyết định chặt phá cây.
Nhưng một lần nữa ông Nghị khéo léo biến việc làm này thành việc chung, nếu có sai, có xấu thì cả thủ đô chịu. Tức là cả toàn bộ người dân thủ đô.
Tiếp tục ông dẫn dắt cực trình độ để dư luận hiểu khác đi về tâm lý của người phản ứng. Mào đầu ông ra vẻ khách quan, nêu thắc mắc là sao trước kia việc chặt cây này để phòng chống gẫy đổ là chuyện thường, mà giờ lại bị phản đối. Rồi vòng vèo ông đưa ra dẫn chứng là một anh xe ôm núp dưới bóng cây chờ khách, nên anh ta thấy cây bị chặt thì tiếc, anh ta phản đối.
Chỉ bằng tiểu tiết nhỏ minh hoa, ông Nghị biến những bức xúc của đông đảo quần chúng nhân dân, sinh viên, trí thức đều là ẩn chứa những lợi ích nhỏ mọn, ích kỷ, cá nhân. Một đòn vừa công vừa thủ, trong phát biểu của mình, chúng ta sẽ gặp nhiều câu nói công thủ vẹn toàn của ông Nghị mà không dể ai phát hiện được. Bởi ông không hề không nắm được tâm lý người dân, trái lại ông rất am hiểu và có trình độ để đánh bùn sang ao, quá mù ra mưa để làm chệch hướng dư luận như mũi dùi tiến vào ông.
Tiếp tới Phạm Quang Nghị lôi vụ việc xây toà nhà quốc hội Ba Đình ra để minh hoạ, che đỡ cho việc thành uỷ Hà Nội chặt cây. Mục đích lôi việc này ra để ai chủ trương xây toà nhà quốc hội phải cùng đứng về phía ông. Ông Nghị bóng gió cả việc sai phạm khi xây toà nhà quốc hội
.
''thậm chí có cái gì sai trong đấy, nhưng quả thật không phá hội trường cũ thì sao xây dựng được hội trường mới.''
Ví von thật buồn cười, nhà cũ thì xây nhà mới là chuyện thường. Nhưng có ai làm cái việc là cây cũ phải thay cây mới không.?
Cái cây là sự sống phát triển, nó không như một toà nhà. Không ai người ta đi thay thế một sự sống bằng một sự sống khác chỉ vì nó cũ. Cũng như ta có thể thay cái áo mới, xe mới...nhưng ta không thể làm thịt con chó, con mèo mình đang nuôi vì nó cũ bằng con chó mới, con mèo mới. Đấy là vấn đề tình cảm, thiên nhiên, sự sống, không thể nào ví von để đánh đổi như những thứ nhân tạo được.
Một toà nhà đập đi, thấy sai xây lại y như cũ được. Một cái cây làm sao chặt đứt rồi thấy sai lại cho nó sống lại như cũ.
Ông Nghị chỉ nói đến cây mục, rỗng, cây thế này, thế nọ. Nhưng dù ông chỉ nói vậy thì người ta cũng thừa hiểu có 1000 lý do cũng không đủ cho số lượng 6700 cây thay thế, trong đó có 2000 cây bị chặt hạ trong vòng tuần lễ.
Nhưng ông cứ lý do, cứ minh hoạ, cứ ví dụ. Vì ông hiểu chả ai chất vấn được ông.
Ông nói phải đổi từ chặt hạ thành thay thế, nói chặt hạ là nặng nề.
Rất khéo léo và tài tình. Thưa ông, thế nào là thay thế.?
Thường thay thế là đổi một vật tương đương, một cái cây nhỏ thay bằng một cây nhỏ. Đằng này cả một cây cổ thụ lâu năm, khoẻ mạnh bị chặt đi lấy gỗ bán, trồng vào đó một cây con con chả rõ giống gì, đợi hai mươi năm sau mới biết. Gọi là thay thế cũng được, nhưng hình ảnh khiến trong đầu người ta phải gọi là '' chặt hạ '' là chính xác.
Bản lĩnh bí thư đứng đầu thủ đô của Phạm Quang Nghị chưa dừng lại ở những việc khéo léo, đánh tráo khái niệm mà còn ở chỗ ông Nghị khước từ bất kể cơ quan nào của chính phủ, nhà nước, quốc hội tham gia vào việc chặt hạ cây của ông.
''"HN xử lý vi phạm theo trách nhiệm, thẩm quyền, khách quan, đúng mức, không làm oan sai nhưng cũng không quanh co né tránh", Bí thư Phạm Quang Nghị nói. Ông cũng mong nhân dân sẽ thấy với sự cầu thị, HN sẽ khắc phục được cái sai không đáng có.''
Nói thế này, có nghĩa là việc này Hà Nội xử lý là thầm quyền của Hà Nội, các cơ quan bộ, ngành khác không được quyền can thiệp, ý kiến. Hàm ý nữa là ông lên án các cơ quan, báo chí khác đang gây sức ép đòi hỏi kỷ luật cán bộ của ông. Nên ông nhấn mạnh '' không làm oan sai ''. Có nghĩa dư luận, báo chí, các cấp ngành đừng có mơ nghĩ chuyện đưa cán bộ cấp dưới ông ra pháp luật như tờ Dầu Khí của Nguyễn Như Phong nói.
Và cuối cùng, thì bản lĩnh của một phó ban tư tưởng văn hoá phát huy để chốt vấn đề, ngăn chặn bất cứ ai lên tiếng bằng cách lôi ra bóng ma thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động người dân bức xúc.
“Vấn đề ở đây là ngoài báo chí, các cơ quan thành phố còn quản lý được. Còn các trang mạng lợi dụng nói vống lên, kích động nhân dân xuống đường biểu tình. Nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp. Tôi nói đây là cái kích động từ bên ngoài chứ không nhầm lẫn với cái bức xúc của người dân phê bình chúng ta chính đáng”.''
Đánh tráo khái niệm, vu khống, né đòn, rào ngăn cơ quan khác vào cuộc, quy chụp....một loạt đòn phép khéo léo được ông bí thư thành uỷ Hà Nội đã loại được hết những chỉ trích về việc chặt hạ hàng loạt cây xanh ở Hà Nội.
Bản lĩnh của một người làm tuyên truyền, tư tưởng, văn hoá của ông Phạm Quang Nghị thật đáng khâm phục. Hơn lúc nào hết, đây là lúc ông Nghị thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm chuyên môn cũng như khả năng lãnh đạo của mình. Nói thật thì hiếm có vị lãnh đạo nào trong BCT đủ bản lĩnh đứng ra để lèo lái sự việc đổ vỡ thành không có gì như ông đã làm. Dám đối mặt với dư luận, bằng khả năng chuyên môn của mình, ông Nghị đưa đẩy, rào đón, ngăn chặn kín kẽ qua phát biểu ở giao ban thành uỷ Hà Nội hôm nay, là việc khó có lãnh đạo nào có đủ dũng khí và tài năng cũng như độ lươn lẹo bằng ông.
Với những gì diễn ra, tôi tin ông sẽ sớm đưa vụ chặt cây này chìm xuồng.
Người NBG.